Di Sản Đức Tin

3305

Những năm gầy đây, ở nước ta có dậy lên một phong trào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thiên nhiên quốc gia. Việt Nam tự hào là một trong những nước có nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha, Thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, Phố cổ Hội An, và gần đây là Hoàng Thành Thăng Long (2010). Riêng Vịnh Hạ Long đã được bầu chọn là một kỳ quan thế giới. Sở dĩ người ta có ý thức coi trọng và bảo tồn những di sản văn hóa thế giới bởi vì chúng quý hiếm và có giá trị lâu đời. Đó là một việc làm có ý nghĩa và ích lợi.

 

Về phương diện tâm linh, chúng ta tự hỏi di sản nào quý báu mà chúng ta là con dân Chúa phải bảo tồn, phát huy và lưu truyền đây? Có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng đó là di sản đức tin Cơ Đốc. Thật vậy, Chúa luôn nhắc nhở con dân Chúa ngày xưa cũng như Hội Thánh ngày nay về việc bảo tồn di sản đức tin. Kinh Thánh đã chép về gia đình Ti-mô-thê như một tấm gương tuyệt vời về sự lưu truyền di sản đức tin qua lời của thánh Phao-lô như sau : “Ta biết đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít bà ngoại con, và ở trong Ơ-nít mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.” (2 Ti-mô-thê 1:5). Di sản đức tin đó đã lưu truyền qua ba thế hệ mà không hề bị mai một hay phá sản.

 

Di sản đức tin Cơ Đốc cụ thể là gì? Tại sao chúng ta phải có ý thức bảo tồn, phát huy và lưu truyền, và làm thế nào để bảo tồn và phát huy di sản đức tin đó? Tác giả Thi Thiên 78:1-8 đã dạy những điều hết sức quý báu mà chúng ta cần học hỏi.

 

DI SẢN ĐỨC TIN LÀ GÌ?

 

Thi Thiên 78 thường được dùng vào dịp lễ hội hằng năm của người Do Thái (cùng với Thi Thiên 105, 106, 135, 136); nội dung những Thi Thiên này là suy ngẫm về công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài từ khi ra khỏi Ai Cập cho đến thời Đa-vít. Riêng Thi Thiên 78 đặc biệt nhấn mạnh đến sự lưu truyền đức tin cho dòng dõi hậu lai.

 

 Vinh hiển và quyền năng của Đức Giê-hô-va (c. 4)

 

Chúng ta thừa hưởng một di sản tâm linh độc đáo là đức tin vào một Đức Chúa Trời vinh hiển, quyền năng, cao cả vĩ đại; Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Đấng đầy quyền năng và vinh hiển đáng cho muôn loài vạn vật ca ngợi. Tác giả Ê-sai đã ca ngợi Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng siêu việt, Đấng đáng tôn thờ “Đấng Thánh phán rằng: Vậy thì các ngươi sánh ta cùng ai? Ai sẽ bằng ta? Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao… Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.” (Ê-sai 40:25, 28) Thật không có ai, không có tôn giáo nào dạy chúng ta tin cậy và tôn thờ một Đức Chúa Trời như thế ngoại trừ Cơ Đốc giáo.

 

 Công việc lạ lùng của Chúa

 

Di sản đức tin này không phải là một đức tin chết mà là một đức tin sống động đặt vào một Đức Chúa Trời hằng sống, đang hành động giữa chúng ta với những công việc quyền năng, lạ lùng của Ngài. Đức Chúa Trời của chúng ta không phải chỉ là Đức Chúa Trời của quá khứ, ở trong Kinh Thánh mà thôi, mà là Đức Chúa Trời của hôm nay, của hiện tại vì Ngài là “Đấng hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi.” Trong đại lễ kỷ niệm một trăm năm Tin Lành truyền đến Việt Nam, chúng ta đã chọn một chủ đề thật ý nghĩa “Việc Chúa làm” và chúng ta đã có dịp nhắc lại lịch sử một trăm năm với bao ơn lành phép lạ Ngài đã làm giữa Hội Thánh Ngài mà chúng ta không bao giờ quên.

 

Có lẽ chúng ta phải đồng thanh với tiên tri Ê-sai mà nói rằng “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ, nên phô cho thế gian biết” (Ê-sai 12:5)

 

 Luật pháp, điều răn của Chúa (c. 1, 5, 7)

 

Di sản đức tin đó cũng chính là những lời dạy dỗ quý báu trong Kinh Thánh. Có thể nói Kinh Thánh là một di sản, một kho báu vĩ đại mà Chúa ban cho nhân loại nhưng tiếc thay nhiều người chưa được biết đến. Kinh Thánh không phải là kinh, sách thường như bao nhiêu sách vở, kinh điển của các tôn giáo, mà là sách thánh, là Kinh Thánh, vì đó là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại để làm lương thực cho linh hồn bởi vì “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4). Đó là lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, có quyền năng biến đổi con người “là lời sống và linh nghiệm sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nổi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12). Mục sư D.L. Moody đã khẳng định mạnh mẽ rằng “Tôi lỗi sẽ làm cho bạn xa rời Cuốn sách này, hoặc là Cuốn sách này sẽ làm cho bạn xa rời tội lỗi.” Chính vì giá trị độc đáo của Kinh Thánh mà cho đến nay nó đã được dịch ra trên 1.500 ngôn ngữ và thổ ngữ và là cuốn sách bán chạy nhất thế giới.

 

TẠI SAO PHẢI LƯU TRUYỀN DI SẢN ĐỨC TIN? (Thi Thiên 78:6-8)

 

 Di sản đức tin Cơ Đốc vô cùng quý báu

 

Di sản văn hóa, lịch sử là công trình do tay con người làm ra, nhưng di sản đức tin Cơ Đốc đến từ một Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật, cao cả, vĩ đại, nên vô cùng quý báu, có trị bội phần hơn.

 

Di sản đức tin Cơ Đốc đến từ trời, còn di sản thiên nhiên, văn hóa đến từ đất. Di sản văn hóa chỉ là tạm thời, nhưng di sản đức tin Cơ Đốc là đời đời, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng hằng hữu và lời của Ngài còn đến đời đời. Tuy nhiên, dường như ngay cả Cơ Đốc nhân cũng chưa đánh giá đúng mức giá trị vô cùng quý báu của di sản đức tin Cơ Đốc, cho nên cũng chưa tự hào đủ và chưa nỗ lực bảo tổn và phát huy di sản mà mình có, thậm chí còn coi thường di sản đức tin Cơ Đốc và “đánh đồng” với các di sản văn hóa, tín ngưỡng khác. Thật ra, di sản đức tin Cơ Đốc có những nét đặc trưng vượt trội hơn nhiều so với các di sản văn hóa, tôn giáo truyền thống nhưng rất tiếc nhiều người chưa hề biết đến. Người Việt Nam thường tự hào về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống lâu đời của Á đông như Phật, Lão, Nho. Nói về phương diện tư tưởng, triết học là sự khôn ngoan của con người thì Tam giáo có lẽ đã đạt đến trình độ suy tư sâu sắc, làm thỏa mãn lý trí, tư duy của con người. Tuy nhiên xét cho cùng thì những tư tưởng, triết lý ấy cũng chẳng đi tới đâu cả, và cuối cùng cũng chẳng biết đâu là chân lý. Sự khôn ngoan đó theo Kinh Thánh cũng chỉ là “sự khôn ngoan thuộc về đất, về xác thịt” chứ không phải sự khôn ngoan thuộc về trời, “từ trên mà xuống” (Gia-cơ 3:15, 17). Vì thế nó cũng chẳng giúp ích gì cho sự cứu rỗi linh hồn. Sự khôn ngoan đó không giúp chúng ta biết về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật và sự cứu rỗi chắc chắn, đúng như Kinh Thánh khẳng định. “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ 4:12).

 

Nhưng tiếc thay, cũng có nhiều người lầm tưởng đó là chân lý tuyệt đối và say sưa nghiên cứu, học hỏi để rồi cuối cùng thất vọng. Đó là trường hợp của nhà văn kiêm học giả nổi tiếng Lâm Ngữ Đường mà giới trí thức Việt Nam từng ngưỡng mộ. Tuy xuất thân từ một gia đình có truyền thống Cơ Đốc, Lâm Ngữ Đường đã sớm từ bỏ di sản quý báu đó để đi tìm chân lý. Tuy nhiên, cám ơn Chúa, sau ba mươi năm say sưa nghiên cứu Nho giáo, Phật giáo và các tư tưởng, triết học Đông phương với hy vọng tìm được sự thỏa mãn cho khát vọng tri thức của mình, Lâm Ngữ Đường đã thất vọng và quay trở lại với Cơ Đốc giáo vào khoảng thập niên sáu mươi của thế kỷ 20. Ông đã thú nhận: “Trở về với Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mạc khải chính xác qua Chúa Giê-xu; chính sự mạc khải đó đã đem Thượng Đế xuống ngang tầm mắt tôi để tôi có thể nhận biết Ngài.” (Conversions- The Christian Experience, 1985). Ông cũng đã chia sẻ kinh nghiệm này trong cuốn sách “Từ Người Ngoại Trở Thành Cơ Đốc Nhân” (From Pagan to Christian (1959). Tiếc thay, nhiều nhà trí thức, nhà thơ, văn ở Việt Nam cũng có những ngộ nhận tương tự. Họ tự hào và tôn sùng những giá trị tôn giáo và triết học truyền thống và say sưa nghiên cứu, nhưng đến cuối cuộc đời, dường như họ vẫn không tìm thấy một câu giải đáp thỏa đáng cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc đời, bởi lẽ mục đích, ý nghĩa cuộc đời không phải do suy đoán, triết lý, mà là một mạc khải từ Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng muôn loài vạn vật. Cho nên sau bao nhiêu năm ngưỡng mộ và say sưa nghiên cứu tư tưởng triết học truyền thống, Bùi Giáng, nhà thơ khá nổi tiếng ở Miền Nam trước 1975 được nhiều người kính trọng đã viết mấy câu thơ đầy thất vọng:

“Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại.

Tôi ra đi mà không biết đi đâu.

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi.

Vì nơi đây tôi đã sống với vui sầu.” (Bài Phụng Hiến).

 

 

Tiếc thay ông đã không có dịp đến với đức tin Cơ Đốc, một di sản quý báu mà ông chưa từng biết hoặc có thể ông bị định kiến hay ngạo mạn coi thường chăng.

 

Vì thế, chúng ta phải cám ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta một di sản đức tin vô cùng quý báu nhờ đó chúng ta có sự cứu rỗi và một niềm hy vọng sống trong Chúa Giê-xu; Ngài là “đường đi, chân lý và sự sống.” Đúng như Lâm Ngữ Đường đã nói khi quay về với Cơ Đốc giáo “không ai dám nói như Chúa Giê-xu cả.”

 

 Đức tin không di truyền mà lưu truyền qua việc dạy dỗ

 

Đức tin Cơ Đốc đòi hỏi một một sự xác tín mạnh mẽ và có tính cá nhân. Không phải cha tin Chúa tốt thì con đương nhiên sẽ tốt. Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp cho chúng ta thấy rõ điều này: Cha tốt nhưng con xấu (vua Ê-xê-chia – Ma-na-se); Cha xấu nhưng con tốt ( vua A-môn – Giô-si-a); Cha xấu và cũng con xấu (vua Ôm-ri – A-háp); cha tốt và con tốt (A-sa – Giô-sa-phát). Như vậy đức tin không di truyền cho con cháu, mà phải lưu truyền qua việc dạy dỗ của cha mẹ cho thế hệ tiếp nối.


 Để biết Chúa và tin cậy nơi Ngài (c. 6, 7)

 

Mục đích của sự lưu truyền di sản đức tin là để cho con cháu chúng ta nhận biết một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật để chúng tin cậy nơi Ngài. Vì nếu chúng không biết rõ Chúa thì chúng cũng không hết lòng tin cậy Ngài và đức tin đã bị mất đi. Kinh Thánh chép “Dân bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết.” (Ô-sê 4:6)


 Tránh vết xe đổ (đức tin bị phá sản) (c. 8)

 

“tránh vết xe đổ của tổ phụ ” (BDM) tức là bị phá sản.

 

Cuối cùng, lý do chúng ta phải lưu truyền di sản đức tin để tránh vết xe đổ của tổ phụ, là những thế hệ đi trước nhưng không tin kính, “cố chấp”, “phản nghịch”. Thật vậy, Kinh Thánh đã ghi lại tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa đã bội nghịch, không tin kính và bị Chúa đoán phạt.

 

Ngày nay, Hội Thánh Chúa coi chừng lại rơi vào vết xe đổ của dân Y-sơ-ra-ên. Nước Mỹ vốn có một di sản đức tin Cơ Đốc quý báu và nhờ đó Chúa đã ban phước cho dân tộc Mỹ được thịnh vượng, hùng cường. Tuy nhiên, thống kê những năm gần cho thấy ở Mỹ, có tới 70% các em thiếu niên không biết đến Đức Chúa Trời và không còn niềm tin nơi Chúa nữa. Ở châu Âu, nhiều nhà thờ bỏ trống và phải bán cho Hồi giáo. Di sản Cơ Đốc đang có nguy cơ bị phá sản.

 

Tiên tri Giê-rê-mi đã nói tiên tri về ngày thành Giê-ru-sa-lem bị kẻ thù tấn công và phá hủy như sau: “Vì sự chết đã lên vào cửa sổ chúng ta, đã sấn vào trong cung chúng ta, giết con cái tại ngoài đường, và kẻ trai trẻ giữa chợ” (Giê-rê-mi 9:21). Lời tiên tri này có thể đang ứng nghiệm một lần nữa trong xã hội hiện đại chúng ta qua những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, truyền thông internet. Khoa học, kỹ thật hiện đại cũng là con dao hai lưỡi, có lợi nhiều mà hại cũng không ít. Đức tin Cơ Đốc của con em chúng ta đang bị bào mòn, phá hủy vì những ảnh hưởng độc hại qua Internet, di động. Sự chết ngày ngày nay đã leo qua cửa sổ “Window” của Internet và giết chết con cái chúng ta ngoài đường, thanh niên ở giữa phố chợ. Coi chừng ảnh hưởng nguy hại của Internet giết chết con em chúng ta đó.

 

LƯU TRUYỀN DI SẢN ĐỨC TIN BẰNG CÁCH NÀO? (1-3, 5b)

 

Có nhiều cách để chúng ta lưu truyền di sản đức tin mà Kinh Thánh cũng đã dạy dỗ chúng ta. Ở đây chúng ta suy nghĩ bốn điều cần phải làm để lưu truyền di sản đức tin mà tác giả Thi Thiên 78 chỉ cho chúng ta.

 

 Mở miệng (c. 2): KT chép “đức tin đến bởi sự người ta nghe; mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17) Nếu không mở miệng nói cho con cháu mình biết về Chúa thì làm sao chúng có đức tin. Sự truyền thông qua lời nói là phương cách phổ biến và cần thiết để lưu truyền di sản đức tin.

 

 Giải bày (c. 2b)

 

“Giải bày những huyền nhiệm” (Bản TTHĐ) tức cắt nghĩa cho chúng hiểu những chân lý sâu nhiệm trong Kinh Thánh, những phép lạ, những việc quyền năng mà mình trải nghiệm. Đây là kỹ năng mà các bậc phụ huynh và thầy giáo phải rèn luyện để cắt nghĩa, giải thích một cách đơn giản dễ hiểu cho trẻ em về những giáo lý, lẽ đạo sâu nhiệm trong Kinh Thánh.

 

 Thuật lại (c. 4)

 

Thuật lại, tức làm chứng lại những gì Chúa đã làm trên đời sống cá nhân, gia đình và Hội Thánh. Những lời làm chứng về những việc lạ lùng mà Chúa đã làm có tác dụng nuôi dưỡng đức tin mạnh mẽ. Sự làm chứng như thế sẽ giúp con em chúng ta thấy rằng đức tin Cơ Đốc là đức tin năng động, sống động chứ không phải là đức tin chết. Đức tin của con cái chúng ta sẽ lớn lên khi nghe những lời làm chứng của chúng ta và thêm lòng tin cậy nơi Chúa.

 

 Dạy lại cho con cháu mình (c. 5b)

 

Phương cách cơ bản để lưu truyền đức tin cho con cháu là dạy. Cơ Đốc giáo là tôn giáo mang tính giáo dục cao nhất vì nhấn mạnh việc dạy đạo, môn đệ hóa tín hữu. Dạy gì và dạy như thế nào cho con em chúng ta một cách hiệu quả là trách nhiệm của những người làm công tác Cơ Đốc giáo dục và các vị lãnh đạo Hội Thánh. Kinh Thánh dùng nhiều động từ khác nhau liên quan đến việc dạy rất sâu sắc và thú vị mà chúng ta cần nghiên cứu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến hai động từ trong Hy Bá Lai về dạy.

 

Trước hết, Châm Ngôn 22:6 chép “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” . Động từ CHA-NAK ở đây là đào tạo, huấn luyện. Phải dạy cho con em về Chúa và đường lối Chúa. Đường lối Chúa là quan niệm, triết lý, giá trị, lối sống theo Kinh Thánh. Nếu không dạy dỗ huấn luyện con em đi theo đường lối Chúa thì có thể chúng vẫn đi nhà thờ, xưng mình là Cơ Đốc nhân nhưng lối sống lại theo quan điểm và triết lý thế gian. Theo thống kê quốc gia về tình trạng hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2008 thì nguyên nhân ly hôn chiếm tỉ lệ cao nhất ở Việt Nam hiện nay không phải là ngoại tình hay bạo hành gia đình mà là xung đột về lối sống. Điều này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Không ít những vụ ly hôn trong Hội Thánh hôm nay là do xung đột về lối sống mặc dù họ vẫn xưng mình là Cơ Đốc nhân, cùng ngồi trên những băng ghế nhà thờ.

 

Đặc biệt trong phân đoạn Kinh Thánh Phục Truyền 6:4-9 mà người Do Thái gọi là SHÊ-MA (hãy nghe). Dựa vào lời dạy dỗ này, người Do Thái dạy con em phải thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất; phải hết lòng, hết ý, hết sức mà kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình. Động từ dạy ở đây là SHA-NAN (c. 7) Đây là một từ Hy Bá Lai rất khó dịch, có nghĩa là khắc ghi, ghi lòng tạc dạ. Trong bản dịch 1926, các cụ đã dựa theo bản Hán văn “ân cần giáo huấn” để dịch là “ân cần dạy dỗ” rất là đạt, nhằm lột tả ý nghĩa của động từ đặc biệt này. Bản Kinh Thánh tiếng Anh NIV dịch là “impress them on your children” “khắc sâu, gây ấn tượng”. Dạy như thế nào là khắc sâu, gây ấn tượng cho con em đây? Thiết tưởng lối dạy khó nhất, gây ấn tượng sâu sắc nhất là dạy bằng chính gương mẫu của mình. Đó cũng là cách dạy của Chúa Giê-xu khi Ngài dạy về sự khiêm nhường, hạ mình phục vụ trong Giăng 13:1-20. “Ngài đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đồ, lại lấy khăn mà mình đã vấn mà lau chân cho” (c. 4-5). Có lẽ các môn đệ của Chúa suốt đời sẽ không bao giờ quên sự dạy dỗ này vì nó gây một tượng rất sâu sắc.

 

Đó cũng là cách của vua Đa-vít dạy con là Sa-lô-môn: “Còn ngươi, Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục sự Ngài…” (1 Sử Ký 28:9b). Đa-vít không nói hãy nhận biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, của Gia-cốp, mà là Đức Chúa Trời của cha, một Đức Chúa Trời quyền năng, yêu thương, nhân từ, thành tín mà cha đã kinh nghiệm. Ôi! ước chi chúng ta đều có thề nói như thế với con cháu của mình. Xin Chúa giúp đỡ để chúng ta có thể dạy con em mình như Kinh Thánh đã dạy, chắc chắn di sản đức tin sẽ được bảo tồn, phát huy và lưu truyền một cách vững chăc cho các thế hệ mai sau.

 

Tóm lại, di sản đức tin Cơ Đốc quả thật là một di sản độc đáo, vô cùng quý báu mà con người không tìm đâu ra ngoại trừ đến với Cơ Đốc giáo. Chúng ta được đặc ân thừa hưởng một di sản đức tin quý báu như thế nên chúng ta hãy nhờ ơn Chúa ra sức bảo tồn, phát huy và lưu truyền cho “dòng dõi hậu lai” và cũng cố gắng chia sẻ di sản đó cho đồng bào và đồng loại nữa. Tuy nhiên, di sản hay phá sản là tùy thuộc vào nhận thức và hành động của chúng ta hôm nay.

 

Xin Chúa cho mỗi chúng ta hãy cầu nguyện như tác giả Thi Thiên đã cầu nguyện “Lạy Đức Chúa Trời, dù khi con đã già và tóc bạc rồi, xin Chúa đừng từ bỏ con; cho đến khi con rao truyền sức mạnh của Ngài cho thế hệ mai sau, và quyền năng Ngài cho dòng dõi kế tiếp.” Thi Thiên 71:18 (Bản TTHĐ).

 

 

Trịnh Phan (6/2012)

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.