Để Được Phước Trong Năm Mới

3881

HTTLVN.ORG – Là con người, ai trong chúng ta cũng muốn mình được phước. Người đời cầu phước nhưng không rõ phước đến từ đâu và làm sao để nhận lãnh được. Nhưng con dân Chúa mong được phước từ Đức Chúa Trời, vì chúng ta biết rõ Chúa là nguồn của mọi ơn phước. Người được phước không phải do ngẫu nhiên hay may mắn. Phước chỉ đến từ nơi Chúa ban, không có thần nào, người nào có thể ban cho con người phước.

Thế nhưng, liệu có phải mọi người đều được Đức Chúa Trời ban phước không?

Thi Thiên 1 bắt đầu với bốn chữ “Phước cho người nào” cũng tức là “phước cho mọi người”, điều nầy có nghĩa Chúa sẽ ban phước cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Nhưng để trở thành một người được phước chúng ta cần thỏa những điều kiện và nguyên tắc theo Lời Chúa dạy. Thi Thiên là sách dài nhất trong Kinh Thánh, được mở đầu bằng từ “PHƯỚC”. Sự mở đầu này như một cánh cửa được mở ra để bước vào kho ơn phước của Đức Chúa Trời dành cho con người. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để trở thành người được phước? Lời Chúa trong Thi Thiên 1 sẽ chỉ dẫn phương cách cụ thể cho chúng ta.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ MỘT NGƯỜI ĐƯỢC PHƯỚC

“Phước cho người nào…
chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,
Chẳng đứng trong đường tội nhân,
Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.(c.1-2)

  1. Không sống thỏa hiệp với thế gian:
  • KHÔNG theo mưu kế của kẻ dữ

Kẻ dữ” không chỉ mang ý nghĩa hạn hẹp là kẻ trộm cướp, giết người nhưng trong nguyên ngữ chỉ về những kẻ không có Chúa, chỉ biết sống theo ý mình, không làm tròn bổn phận đối với Chúa và với đồng loại mình. Chữ “mưu kế nói đến một nhân sinh quan, triết lý sống mà trong đó người ta đặt mình lên trên Đức Chúa Trời. Đi theo mưu kế của kẻ dữ tức là chấp nhận và đồng ý với nhân sinh quan đó.

Chúa không muốn chúng ta vì thế mà sống biệt lập, sống tách rời khỏi người thế gian. Điều quan trọng là khi sống với những người tội lỗi, chúng ta không để những quan điểm, nhân sinh quan của họ ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta sống sao để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Cơ Đốc nhân sống “hòa nhập” với mọi người, nhưng tuyệt đối không để mình bị “hòa tan”.

  • KHÔNG đứng trong đường tội nhân

Thi Thiên này nói đến những bước đi xuống lần lần. Bước đầu tiên là đi theo mưu kế của kẻ dữ, và bước kế tiếp là “đứng trong đường tội nhân”. Trong nguyên ngữ, “tội” chỉ về một người bị trật mục tiêu, vượt quá giới hạn đã ấn định. Về phương diện thuộc linh, “tội nhân” là người sống không đúng theo tiêu chuẩn của Chúa, vi phạm luật pháp của Ngài. Đứng trong đường tội nhân là nói đến sự thỏa hiệp với những kẻ phạm tội cùng Chúa. Phải hiểu rằng không phải giết người cướp của mới gọi là đứng trong đường tội nhân. Nếu một người nhìn chúng ta mà không thấy chúng ta khác những người thế gian, thì có thể chúng ta đã đứng trong đường của tội nhân rồi.

  • KHÔNG ngồi chỗ của kẻ nhạo báng

Bắt đầu từ coi thường Chúa trong tâm trí, chúng ta lần lần hành động giống như tội nhân, và bước kế tiếp là nhạo báng Chúa qua môi miệng của mình. “Nhạo báng” là thái độ xem thường, khinh suất, chết nhạo những điều thiêng liêng, thánh thiết ngay cả sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Một người ngồi với kẻ nhạo báng nghĩa là tham dự, hội hiệp, thông công kết bạn với những kẻ ấy. Đối với Cơ Đốc nhân, có thể chúng ta không dám nói lời phạm thượng với Chúa, nhưng chúng ta có thể chối Chúa, không còn can đảm nhận mình là môn đồ hay là con cái Chúa nữa.

Mỗi chúng ta hãy cậy ơn Chúa sống theo tiêu chuẩn 3 KHÔNG: Không theo… Không đứng… Không ngồi. Muốn nhận được phước, chúng ta phải tránh xa đám người vô đạo. Dầu rằng, mỗi ngày Cơ Đốc nhân phải sống lẫn lộn với người thế gian trong học tập, sinh hoạt, làm việc hằng ngày… Nhưng đừng sống theo nếp sống của họ. Hãy “sống ngược dòng” với đời. Cơ Đốc nhân không sống “khuôn rập” theo đời, ai sao tôi vậy… nhưng phải sống theo khuôn mẫu trong Lời Chúa dạy. Rô-ma 12:2 chép, “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”

2. Sống với Lời Chúa

Câu thứ hai bắt đầu bằng chữ song, nói đến một con đường khác, trình bày về biểu hiện của người sống với Lời Chúa:

  • Vui vẻ về Lời Chúa

Từ “luật pháp” trong nguyên ngữ vốn có nghĩa là chỉ dẫn, cũng hàm ý chỉ về luật pháp của Môi-se. Đối với chúng ta ngày nay cần hiểu chữ “luật pháp” rộng hơn, không chỉ giới hạn trong các sách Ngũ Kinh, nhưng nói đến toàn bộ Lời Chúa đã được ghi chép thành văn trong Kinh Thánh.

Vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va” không phải chỉ là đi học Thần học, nghiên cứu từng chữ một trong Kinh Thánh để làm ra vẻ ta đây trí thức như người Pha-ra-si, nhưng phải tin nhận đây là sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Vui vẻ về luật pháp của Chúa là có sự ham mê tận sâu trong tâm trí và tấm lòng của mình, nhận thức được giá trị của Lời Chúa, kinh nghiệm được năng quyền từ Lời Chúa, nên có tấm lòng khao khát và vui thích khi đọc và học Lời Chúa.

Nếu chúng ta không yêu quý Lời Chúa, chúng ta sẽ chỉ ưu tiên tìm kiếm những tin tức, sách báo và những văn phẩm của đời trước hết thay vì Lời Chúa. Một người không ham thích Lời Chúa sẽ rất chán ngán, mỏi mệt mỗi khi nghe và đọc Kinh Thánh. Thế nhưng, khi yêu quý Lời Chúa và vui vẻ về luật pháp của Ngài thì chúng ta sẽ khát khao từng giây phút được đọc và học Kinh Thánh, đồng thời cảm thấy thích thú với những khám phá sâu nhiệm và mới mẻ trong từng trang Kinh Thánh.

  • Cẩn thận làm theo Lời Chúa

Từ “suy gẫm” có nghĩa là nghiền ngẫm tìm kiếm sự hướng dẫn rõ ràng. Suy gẫm Lời Chúa là không chỉ đọc để lấy kiến thức, nhưng nghiền ngẫm để tiêu hóa, hấp thu mọi dinh dưỡng thiêng liêng để nuôi đời sống tâm linh của mình và áp dụng vào đời sống thường nhật.

Thời gian thực hiện sự suy gẫm là “ngày và đêm”, nghĩa là mọi giây phút của đời sống. Người ham thích Lời Chúa sẽ suy gẫm không ngừng nghỉ. Giô-suê 1:8 chép rằng: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”

Suy gẫm lời Chúa không chỉ là ở trong tư tưởng, nhưng đòi hỏi chúng ta thể hiện những điều chúng ta học được qua hành động. Sự suy gẫm đó phải ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta mỗi ngày.

ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI ĐƯỢC PHƯỚC

Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,
Sanh bông trái theo thì tiết,
Lá nó cũng chẳng tàn héo;
Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” (c.3)

  1. Sức sống mạnh mẽ

Người được phước sẽ giống như một cây được trồng gần dòng nước, có thể phát triển bộ rễ, các rễ của cây sẽ với ra đến tận nơi dòng nước để rút tỉa đầy đủ dinh dưỡng của dòng nước ấy, từ đó khiến nó luôn sung mãn và đầy sức sống. Cũng một thể ấy, người yêu quý Lời Chúa là người được “trồng” trong Nguồn sự sống từ Đức Chúa Trời, vì thế người ấy có thể phát triển bộ rễ thuộc linh, từ đó có sức sống mạnh mẽ để tăng trưởng và kết quả.

2. Kết quả quân bình

Sanh bông trái theo thì tiết” là nói đến cây phát triển và kết quả cách quân bình, đơm hoa kết trái đúng mùa, đúng thời vụ, đúng chu kỳ theo như quy luật của Đấng Tạo Hóa. Người sống với lời Chúa sẽ có đời sống kết quả, hữu dụng cho Chúa đều đặn, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và bất kỳ lý do nào. Muốn có một đời sống kết quả cách quân bình, chúng ta cần được gắn chặt với nguồn sự sống từ Chúa giống như cây có bộ rễ gần dòng nước. Khi một Cơ Đốc nhân sống kết quả theo tuần tự chính đáng sẽ có thể cung cấp được những giá trị cao quý mình đã nhận được cho mọi người xung quanh. Cơ Đốc nhân không chỉ là người nhận phước, mà còn phải trở thành ống dẫn ơn phước đến cho người khác.

3. Vững vàng trong nghịch cảnh

Lá nó cũng chẳng tàn héo” là cụm từ để mô tả cây được trồng gần dòng nước thì dầu gặp tình huống bất trắc, hay thời tiết hạn hán khắc nghiệt nhưng sẽ không hề bị tàn héo mà vẫn cứ xanh tươi. “Lá nó cũng chẳng tàn héo” còn là sự bảo đảm khi một người yêu quý và vâng giữ Lời Chúa thì dầu cho phải đối diện với những lúc khó khăn nhưng không thể gây thiệt hại đến độ tàn rụi trong cả phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể. Vì chính Chúa sẽ ban cho chúng ta sức sống để cứ vững vàng trong mọi cảnh ngộ.

4. Thịnh vượng trong mọi công việc

“Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng” không có nghĩa là Cơ Đốc nhân làm gì cũng sẽ thành công và luôn thịnh vượng. Nhưng Lời Chúa bày tỏ rằng khi chúng ta yêu mến và vâng giữ Lời Ngài, chắc chắn có được sự soi sáng từ Chúa để trở nên khôn ngoan để quyết định mọi việc trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Từ đó, khiến chúng ta luôn sống trong sự thuận lợi, hanh thông và tốt đẹp. Sự thịnh vượng ở đây không chỉ nói đến phương diện vật chất, nhưng nhấn mạnh đến sự thịnh vượng về phương diện tâm linh, kết quả trong chức vụ hầu việc Chúa. Người được thịnh vượng không có nghĩa là không gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng một khi đã làm theo Lời Chúa thì mọi sự xảy ra trong đời sống người đó đều nằm trong chương trình của Chúa và những điều người làm sẽ được Chúa đồng công và hướng dẫn. Vì vậy, người đó vẫn kết quả ngay trong chính hoàn cảnh khó khăn của mình.

Thi Thiên 1 đã chỉ cho chúng ta bí quyết để trở thành người được phước. Là con cái Chúa, chúng ta không tự đi tìm phước, nhưng tìm Chúa, tìm kiếm lời Ngài, và sống cho Ngài thì phước tự nhiên sẽ đến với chúng ta. Như Thi Thiên 23:6 chép, “Quả thật, trọn đời tôi phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi…

Ước mong rằng: Lời Chúa khích lệ, thúc giục mỗi chúng ta bước sang năm mới quyết tâm sống không theo đời, nhưng mỗi ngày sống theo Lời Chúa dạy. Từ đó nếm trải một đời sống phước hạnh như Thi Thiên 1 này đã mô tả: Có sức sống mạnh mẽ; Kết quả quân bình; Vững vàng trong nghịch cảnh; Thịnh vượng trong mọi công việc.

Lê-vi

Bài trướcBạc Liêu: Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm HTTL Long Thạnh
Bài tiếp theoLub Neej Nplua Mias – 2/2/2022