Nê-hê-mi 9:1-6
1 Ngày hai mươi bốn tháng ấy, dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại, cữ ăn, mặc bao và phủ bụi đất. 2 Dòng Y-sơ-ra-ên chia rẽ các người ngoại, đứng dậy xưng tội lỗi mình và sự gian ác của tổ phụ mình. 3 Chúng đứng dậy tại chỗ mình, đọc trong sách luật pháp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lâu đến phần tư ngày; trong một phần tư khác, chúng xưng tội và thờ lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ. 4 Bấy giờ, Giê-sua, Ba-ni, Cát-mi-ên, Sê-ba-nia, Bun-ni, Sê-rê-bia, Ba-ni, và Kê-na-ni, đứng dậy tại trên sạp người Lê-vi, và kêu cầu lớn tiếng cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình.
5 Khi ấy những người Lê-vi, là Giê-sua, Cát-mi-ên, Ba-ni, Ha-sáp-nia, Sê-rê-bia, Hô-đia, Sê-ba-nia, và Phê-ta-hia nói rằng: Hãy đứng dậy, ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, là Đấng hằng có đời đời kiếp kiếp! Đáng khen ngợi danh vinh hiển của Ngài, vẫn trổi cao hơn các sự chúc tụng và các lời khen ngợi. 6 Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó; Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.
Câu gốc: “Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó; Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Mở đầu bài cầu nguyện, dân Y-sơ-ra-ên tuyên xưng Chúa là Đấng như thế nào? Lời tuyên xưng này có ý nghĩa gì với dân Y-sơ-ra-ên? Danh xưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Chúa là ai đối với bạn?
Sau khi dành nửa ngày để đọc sách Luật Pháp và ăn năn xưng tội mình (câu 1-4), những người Lê-vi kêu gọi dân chúng hãy đứng dậy, chúc tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng hằng có đời đời kiếp kiếp (câu 5). Đây là lời cầu nguyện tuyên xưng niềm tin của dân Y-sơ-ra-ên sau những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời theo Chúa của họ. Khi nhìn về những thành công lẫn thất bại của mình trong quá khứ, dân Y-sơ-ra-ên một lần nữa khẳng định rằng, Đức Chúa Trời tuyệt nhiên là Đấng có một không hai đối với họ. Ngài cũng là Đấng Hằng Hữu, bởi dẫu các vương triều của dân tộc họ đã trải qua bao lần nguy vong rồi diệt vong thì Ngài vẫn hằng còn đó. Danh xưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhằm nói lên Ngài là Chúa của dân Ngài, và dân Chúa chính là dân giao ước của Chúa mà Ngài đã chọn. Đây là một danh xưng mang tính riêng tư và thể hiện mối liên hệ gắn bó giữa Chúa và dân Ngài. Dân Chúa không chỉ tuyên xưng Ngài là Đức Chúa Trời của họ, nhưng họ còn tuyên xưng Ngài là Đấng sáng tạo, Đấng bảo tồn muôn vật; mọi cơ binh của các từng trời đều phải phủ phục dưới ngai Ngài. Lời kêu gọi dân Chúa khẳng định niềm tin nhằm giúp họ nhận thức rằng họ đang thờ phượng ai, phục vụ ai, và giờ đây họ cần phải sống như thế nào.
Câu hỏi “Chúa là ai đối với tôi?” là một câu hỏi vô cùng quan trọng cho mọi Cơ Đốc nhân. Câu hỏi này nhằm xác định lại Đấng chúng ta đang tin là ai, và giúp chúng ta không đánh mất Chúa giữa một xã hội vô thần đầy tội lỗi. Xã hội ngày nay có rất nhiều cám dỗ vô cùng tinh vi dễ dẫn dụ chúng ta xa Chúa. Đặc biệt là những tham muốn khẳng định giá trị bản thân, lôi kéo chúng ta mãi mê chạy theo sức quyến rũ của đồng tiền và danh vọng. Hãy nhớ rằng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chính là Chúa của chúng ta và chúng ta là dân giao ước của Ngài. Sự xác quyết này sẽ giúp chúng ta dẫu khi đang ở trên nấc thang thành công của cuộc đời thì vẫn biết tôn Chúa lên trên hết mọi sự; hay dẫu khi đang ở tận cùng của cơn bỉ cực thì vẫn tin chắc vào sự giải cứu từ Đấng Hằng Hữu có một không hai.
Nếp sống hằng ngày của bạn nói lên Chúa là ai đối với bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Ngài vì Đấng con đang thờ phượng là Đấng tạo dựng nên muôn loài vạn vật, là Đấng Hằng Hữu có một không hai, và cũng là Đức Chúa Trời của chính con. Xin cho con luôn sống đúng với điều mà con đang tin.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 44.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.