Cộng Đồng Tin Lành Người H’rê, Quảng Ngãi – Kỳ 1: Chuyện “Công Vụ” Trong Thời Hiện Tại

2794

“Khi chúng ta giữ sự trung tín thì Chúa là Chúa thành tín. Vì điều này, Hội Thánh chúng tôi có 4 đội cầu nguyện tuần hành. Theo tinh thần câu Kinh Thánh Lu-ca 10:2, chúng tôi kêu gọi anh em tín hữu, ai cảm động thì hợp sức của Ban Chấp sự Hội Thánh trong sự cầu nguyện…” – Những lời nói đơn sơ, mộc mạc của tôi tớ Chúa người sắc tộc H’rê này khiến chúng tôi không thể nào quên được, bởi qua sự cầu nguyện hết lòng của con dân Chúa nơi đây, công việc Chúa tại vùng cao phía tây tỉnh Quảng Ngãi đã có những kết quả thật tuyệt vời.

Sơn Hạ – Hội Thánh Đồng Bào H’rê

Một ngày nắng hạ, chúng tôi lại được dịp lên thăm Hội Thánh Sơn Hạ, nằm trên địa bàn xã cùng tên của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Con đường khá bằng phẳng, cảnh quan cũng không khác dưới đồng bằng, người dân nơi đây vẫn sống bằng nghề trồng lúa nước, cũng dùng trâu để kéo cày…

Người H’rê còn có tên gọi khác là Chăm rê, Chom, Krẹ, Mọi Luỹ… Đồng bào H’rê sống định canh thành từng làng (Plây), thường gọi theo tên đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Làng thường được dựng ở những nơi có nguồn nước sinh hoạt và gắn liền với vùng canh tác. Mỗi làng có khoảng 40-50 nóc nhà. Trong làng người H’rê, “già làng” là người có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Trước đây, người H’rê nhất loạt đặt họ Đinh, gần đây một số nơi lấy họ Nguyễn, họ Hà và họ Phạm.

Người H’rê chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy với kỹ thuật canh tác lúa nước như vùng đồng bằng. Người H’rê chăn nuôi heo, gia súc, gia cầm… và cũng dùng chúng cho các nghi lễ cúng bái. Người H’rê hiện có khoảng 127.000 người, sống chủ yếu ở miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chiếm trên 90% (các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long) và tỉnh Bình Ðịnh (huyện An Lão), một số ít ở tỉnh Kon Tum (huyện Kon Plông). Trước khi tin Chúa, tuy không có tín ngưỡng rõ rệt, nhưng người H’rê cho rằng mọi vật, hòn đá, cỏ cây, dòng suối, núi rừng… đều có linh hồn như con người, nên họ đối xử, tôn trọng chúng như chính bản thân mình.

Nhà thờ Tin Lành Sơn Hạ nằm trong một con đường nhỏ, cách quốc lộ 24B khoảng 50m, diện tích 300m2 (30x10m) được xây dựng từ năm 2009 theo kiểu tiền chế. Với số tín hữu trên 1100 người, theo chúng tôi, cơ sở nhà Chúa còn quá thiếu thốn, bởi mùa nắng nóng này mà hàng mấy trăm con người ngồi chen chúc nhau trong một căn nhà mái tôn thì thật là thương. Nhiều người phải ngồi ở ngoài hiên, dưới bóng cây. Các phòng nhóm ban ngành, Cơ Đốc giáo dục… thì hoàn toàn chưa có dù rằng khu đất vẫn còn khá rộng. Ngôi nhà thờ đơn sơ này lại là xuất phát điểm của hàng mấy chục Điểm Nhóm trong thời gian qua, với số lượng nhân sự chăm sóc chứng đạo đến gần 400 người.

Hội Thánh Tin Lành Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi

Mạng lệnh Chúa

Sinh năm 1953, tin Chúa năm 1969, nhận báp-têm năm 1972, 20 năm sau, lúc 36 tuổi, chàng thanh niên Đinh Tấn Vĩnh đã được Chúa kêu gọi. Trong một đêm, ông nằm mơ thấy có một người mặc áo trắng đến nói với ông: “Con ơi, con hãy mở Kinh Thánh trong sách Lu-ca 10:27: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và yêu người lân cận như mình”.

Khi tỉnh giấc, hai vợ chồng ông liền lấy quyển Kinh Thánh được gói trong bọc nylon để trên đầu giường ra đọc. Ông cảm nhận được Chúa muốn ông ra đi nói về Tin Lành cho mọi người. Đêm tiếp theo, ông chiêm bao thấy cánh đồng Ruộng Khay, là nơi ông đang ở (xóm Ruộng Khay, thôn Trường Khay, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Trên đầu xóm có một cái hố không có tre mọc, nhưng trong chiêm bao, ông thấy người ta đốn tre, bó lại từng bó, khi vừa xong thì trời đổ mưa, càng ngày càng nặng hạt, rồi nước dâng lên. Ông thấy những bó tre giống như muốn trôi đi và nhận ra rằng, nếu những bó tre gai góc này trôi xuống dưới cánh đồng xóm Ruộng Khay đang có lúa chín, thì cánh đồng sẽ hư hại rất nhiều. Đến đây, ông bị đánh thức và nhớ lại câu chuyện, rồi liên tưởng đến câu Kinh Thánh Lu-ca 10:2 “Ngài phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình.”

Lời cầu nguyện được đáp ứng

Lúc này, ông biết chắc rõ ràng là Chúa đang kêu gọi ông hầu việc Ngài. Hai vợ chồng ông, trong đêm đó cùng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và khóc nức nở. Thật ra, lúc đó sự hiểu biết Lời Chúa cũng chưa nhiều, nhưng tinh thần cầu nguyện thì ông luôn hết lòng, bởi ông nhận thức được, chỉ có Chúa mới là Đấng đáng để ông tin cậy và thờ phượng. Tuy nhiên, trong lòng ông cũng rất phân vân, vì mình chỉ là một tín hữu bình thường, chưa qua trường lớp đào tạo, chung quanh không có ai hỗ trợ, thì mình sẽ đi giảng đạo bằng cách nào, rồi lấy tài chánh đâu mà chu cấp. Thắc mắc thì cứ thắc mắc, nhưng ông đã mạnh dạn nói với Chúa mọi điều, và điều ông lo lắng nhất là không biết phải đi làm chứng về Chúa bằng cách nào, vì thời điểm này vô cùng khó khăn, tại Sơn Hạ cũng như nhiều nơi khác, việc truyền đạo là không được phép, dù có thể không bị bắt, nhưng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công ăn việc làm, sự sinh hoạt hằng ngày. Lời Chúa cứ thúc giục, nhưng lòng ông thì vô cùng bối rối nên vẫn tiếp tục cầu nguyện “Chúa ơi! Chúa muốn chúng con làm sao mà nói cho người khác về đạo Tin Lành, mà sao dám nói giờ này”. Thế rồi, Ngài đã chỉ cách cho ông, không đi chứng đạo ban ngày, mà đi ban đêm.

Mục sư Đinh Tấn Vĩnh, Quản nhiệm Hội Thánh Sơn Hạ

Hành trình gian nan

Đó là năm 1989, ông bắt đầu làm chứng ngay trong xóm của mình. Do hoàn cảnh, ông chỉ dám nói về Chúa cho những người thân: ông cậu, bà dì, những bà con trong họ tộc… Chúa đồng hành với ông, khi nói đến đâu, thì họ mở lòng tin Chúa đến đó. Năm 1990, việc làm chứng mới bắt đầu ra khỏi xóm Ruộng Khay, lan ra Suối Cầu (hiện nay ở đây tin Chúa khoảng 90%), qua Xóm Lóc. Năm 1991, Tin Lành của Chúa đã ra khỏi địa bàn xã Sơn Hạ, xuống thôn Xà Nay (ngã ba sông Trà Khúc và suối Tam Rao, hiện nay có 1 nhà nguyện do Truyền đạo Đinh Thông chăm sóc).

Công việc Chúa ngày càng phát triển, từ mùa đông năm 1992, Hội Thánh đã bắt đầu có sự nhóm lại vào lúc 2g hoặc 3g… sáng. Để bảo đảm cho mọi người, khi nhóm xong một nơi, thì Mục sư Vĩnh mới thông báo cho con cái Chúa biết tuần sau sẽ nhóm tại nhà nào. Ông tâm sự: “Khi tới nơi, tôi rất được khích lệ. Tôi thấy mỗi người cầm một cái đèn dầu, ngồi co ro trong giá lạnh mùa đông mà lòng hết sức cảm động.” Ông kể lại: “Năm 1993, vào một buổi sáng sớm, tôi qua cầu nguyện tại Xóm Lóc, có 12 gia đình đến tại đây. Người H’rê có tập tục buộc một sợi dây nơi cổ tay (dịch theo sát nghĩa, là dây linh hồn, dây đó có một vòng thắt lại với một hạt gạo ở trong). Họ xin tôi cắt dây cho. Tôi nói bà con tự cắt đi, tôi cầu nguyện cho họ tin Chúa, rồi vội vã đi ngay. Đúng như tôi dự liệu, khi vừa đi khỏi thì đã có người đến hỏi…”

Năm 1993, Mục sư Vĩnh được Chúa thôi thúc lên tận Kà Long, Sơn Cao (cách Sơn Hạ 20km). Có lần, sau khi làm chứng cho một cựu chiến binh. Ông ta thắc mắc, “Tin Chúa có sao không?” Sau khi nghe giải thích là tin Chúa được cứu rỗi linh hồn, ông ta đã bằng lòng, đồng thời kêu gọi thêm 5 gia đình nữa đến tiếp nhận Chúa. Ông ta cũng làm một con gà để đãi mọi người, điều này rất đáng quí vì thời buổi này, kinh tế vô cùng khó khăn. Sau đó, trên đường về nhà, Mục sư Vĩnh đi ngang qua Gò Da, xã Sơn Linh, ông được Chúa nhắc nhở sẽ có người đang chờ ông đến làm chứng. Thật vậy, ông thấy có một người đàn ông đang ngồi dưới cây mùng quân (còn gọi là cây hồng quân, bồ quân…) chẻ lạt. Ông ghé lại và làm chứng, kết quả là không những được một linh hồn trở về cùng Chúa, mà còn có 5 gia đình lân cận đến với Chúa nữa. Đến ngày nay tại Sơn Cao đã có nhà thờ, tại Gò Da cũng đã xây nhà nguyện về kích thước 6mx14m, hiện đang nới rộng thành 8mx20m để đáp ứng nhu cầu thờ phượng Chúa của Hội Thánh ngày càng phát triển.

Điểm Nhóm Gò Da

Mục sư Đinh Tấn Vĩnh và nhân sự phụ trách Điểm Nhóm Gò Da đứng trong gian nhà nguyện đang được nới rộng

Những tay đánh lưới người

Lúc này nhân sự chăm sóc các Điểm Nhóm thiếu trầm trọng, Mục sư Vĩnh liền tập hợp những anh em có tâm tình muốn dâng mình hầu việc Chúa để huấn luyện và cho họ về tập sự tại các Điểm Nhóm. Hễ có được người thì ông sẽ giao cho một Điểm Nhóm để chăm sóc, nhờ vậy mà khi mở ở đâu, thì Hội Thánh Chúa dù lớn dù nhỏ, dù mới có hay lâu năm, vẫn có nhân sự chăm sóc các tân tín hữu. Mục sư Vĩnh cho biết, nếu trường Trung cấp Thần học được mở, Hội Thánh Sơn Hạ sẵn sàng có hàng trăm nhân sự tình nguyện đi học, để về hầu việc Chúa trên quê hương mình. Nghe đến đây, chúng tôi vô cùng cảm động vì sự phát triển của công việc Chúa ở đây và vì tấm lòng của các anh em. Dù họ gặp nhiều khó khăn mà họ vẫn luôn vững vàng đức tin, sẵn sàng chịu khổ vì công cuộc truyền rao Tin Lành cho đồng bào, và điều đó vẫn tiếp tục mỗi ngày…

Huấn luyện nhân sự ban đêm, dùng đèn dầu, trong thời kỳ khó khăn

Do không liên lạc được với các Hội Thánh dưới đồng bằng, năm 1994, Hội Thánh Sơn Hạ đã tổ chức lễ Giáng sinh lần đầu tiên vào lúc 3g sáng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sau đó, ông biết được tại Bình Sơn có nhà thờ Tin Lành do Mục sư Lê Văn Đoàn quản nhiệm nên đã tìm cách liên lạc. Nhờ vậy mà Giáng sinh năm sau, mấy trăm tín hữu người H’rê cùng nhau kéo xuống Bình Sơn dự lễ, dù cũng còn gặp trở ngại, nhưng vui và phước hạnh hơn rất nhiều. Mãi cho đến năm 2005, Hội Thánh người H’rê mới được phép chính thức tổ chức lễ Giáng sinh ngay chính tại Sơn Hạ. Con dân Chúa dựng một cái rạp, ngang 14m, dài 40m, trong vòng 3 ngày (người ta chỉ cho có 1 tuần lễ). Dù rằng đơn sơ nhưng tinh thần của họ thì rất vui mừng. Hội Thánh tổ chức tiệc 3 con bò, 14 con heo… với số lượng trên 3.000 tín hữu dự.

Tuy nhiên, Hội Thánh cũng trải qua một thời gian vô cùng khó khăn khi đối diện với những thách thức về nhiều phương diện. Năm 1996, tín đồ tại Đèo Rơn bị thu ruộng trong suốt 4 năm (8 vụ lúa), nhưng họ vẫn giữ nguyên vẹn tấm lòng trung tín với Chúa. Khi các em cộng sự gặp khó khăn, Mục sư Vĩnh luôn tìm mọi cách để khích lệ họ vững vàng đức tin và vượt thắng mọi sự. Có tín hữu bị đốt nhà, vẫn một lòng với Chúa. Có người bị đánh đập đến ngất xỉu… vậy mà họ không hề lay chuyển đức tin, đúng như câu Kinh Thánh: II Côr 4:8 “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng.” Chúa đã làm những phép lạ lớn giữa vòng Hội Thánh, nhờ đó con cái Chúa thêm vững vàng. Có người uống nhầm dầu hoả, bụng sình chướng lên không thở được, nhờ Hội Thánh cầu nguyện mà được Chúa chữa lành. Đa số những người này lại trở thành các nhân sự chăm sóc tại các Điểm Nhóm.

Nhà ông Đinh Văn Hèo, người uống dầu hoả được Chúa chữa lành, là Điểm Nhóm tại xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây

Cuốn sổ tay công tác của Mục sư Đinh Tấn Vĩnh

VHD
(một số hình ảnh trong bài là của Hội Thánh Sơn Hạ và CTV. Ngô An)

Bài trướcNhu Cầu Tâm Linh Quan Trọng Nhất – 17/8/2020 
Bài tiếp theoHôn Nhân Cơ Đốc Có Gì Khác Biệt?