Chuyện Đam Rông: Phần 2 – Những Con Người Từ Bỏ Chính Mình Vì Tin Lành

2966

Với địa hình Đam Rông chủ yếu là đồi núi và thung lũng, làng mạc của người H’Mông lại nằm sâu trong rừng, gần như tách biệt với xã hội bên ngoài nên hoàn cảnh sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và rất cần sự chung tay của cộng đồng con dân Chúa khắp nơi trong các dự án khuyến học, y tế, xây cầu giao thông và dự án chăm sóc cộng đồng.  

PHẦN 1: TIN LÀNH TẠI “VÙNG ĐẤT BỊ RỦA SẢ” 

Trên hành trình tìm đến chốn bình yên để giữ lấy đức tin của mình, một cộng đồng người H’Mông đã di cư vào vùng đất Đam Rông năm 2003. Với hơn 2.500 người, phân bố thành 9 Điểm Nhóm tại những nơi sâu xa nhất của huyện Đam Rông là: 181, Tây Sơn 1, Tây Sơn 2, Phi Liêng, 179, Đạ Mpo 1, Đạ Mpo 2, Thôn 2 và Thôn 4. Chắc hẳn trong số đó có rất nhiều cái tên xa lại với bạn đọc, chính bản thân chúng tôi cũng không hề biết nó tồn tại cho tới khi đặt chân đến đây. Không thể tìm thấy trên bản đồ, không có trên danh bạ Hội Thánh, không được hiển thị hay cập nhật trên Google Maps. Dường như thế giới ngoài kia không hề biết đến sự tồn tại của nơi này và có lẽ bài viết này cũng là lần đầu tiên giới thiệu những nơi này ra thế giới!

“Người rừng” là cái tên mà dân địa phương dùng để nói về một số làng của người H’Mông. Khỏi cần phải nói thì khi nhắc đến “người rừng”, chắc hẳn ai ai cũng có thể hình dung phần nào về họ và về cuộc sống của họ, sâu trong rừng, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài…

Sở dĩ như vậy vì Đam Rông có địa hình với 73,4% là núi cao, 20,8% núi thấp, 5,8% là thung lũng[i], mà các điểm của người H’Mông lại nằm trong nơi sâu nhất của cánh rừng trên núi cao đó.

Phương tiện duy nhất để đến được đây là di chuyển bằng bằng xe máy, với sự hiểm trở của cung đường rừng, một bên là vách núi còn bên kia là vực sâu, đòi hỏi người điều khiển không chỉ có sự khéo léo mà còn đủ gan dạ. Đôi lúc người lái xe trở thành nghệ sĩ làm xiếc khi đi qua những “cây cầu” chỉ rộng vỏn vẹn bằng bánh xe hay điều khiển xe lội qua con suối đục ngầu, chẳng thể nhìn bên dưới đang có gì, chỉ cần trúng phải một hòn đá là điều đáng tiếc có thể xảy ra. Có đoạn vướng phải những cây to ngã chắn ngang con đường rộng chừng 1m ven bờ suối, chỉ có một cách là nghiêng chiếc xe sát đất, hai ba người giúp nhau kéo qua mới lọt được. Có những đoạn đường sình lầy đẩy người ta vào thế tiến thoái lưỡng nan, tới cũng không được, lui cũng không xong…

Cung đường đến với những làng người H’Mông trong cánh rừng

Trong khi xã hội liên tục nhắc đến thời đại 4.0, thì cộng đồng ở đây cũng “4.0” nhưng theo một nghĩa hoàn toàn khác:

  1. Không điện, sóng điện thoại.
  2. Không y tế – giáo dục.
  3. Không giao thông, giao thương.
  4. Không tư cách pháp nhân (không giấy tờ tùy thân, không CMND, hộ khẩu, …)

Trong suốt 17 năm qua, dù đã bao lần trình bày nguyện vọng chính đáng nhưng tới bây giờ họ vẫn là những con người dường như không tồn tại, không có một giấy tờ tùy thân nào để chứng minh cho sự tồn tại của mình.

Thật đau lòng khi chứng kiến 2 bạn trẻ Cơ Đốc tin kính Chúa kết hôn với nhau mà không thể làm lễ cưới một cách trang trọng vì họ không có hộ khẩu nên đâu thể làm đăng ký kết hôn. Và khi không có đăng ký kết hôn thì những đứa trẻ sinh ra tại đây cũng chẳng được lấy họ của cha hay ghi tên cha trên dòng khai sinh. Và cái vòng luẩn quẩn đó cứ thế tiếp diễn ở những thế hệ kế thừa.

Các em nhỏ vẫn có thể đến trường, tuy nhiên việc học chỉ mang tình thế cho biết cái chữ chứ không được công nhận là đã được học và cũng không có cơ hội được vào học cấp 3 (vì không có giấy tờ đầy đủ). Vì vậy, tâm lý của phụ huynh ở đây là cho các em đi học chỉ để biết nói tiếng Việt và biết cách sử dụng tiền bạc và khi các em biết được các điều này thì sẽ nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình.

Nói đến việc học của trẻ em người H’Mông ở đây lại là một chặng đường hết sức gian nan. Nếu muốn đi học các em phải xa nhà, xa cha mẹ từ khi còn rất nhỏ. Để đến lớp, những đứa trẻ từ 7-15 tuổi phải đi bộ một quảng đường rất xa (13-30 km) chừng 5 tiếng đồng hồ, cõng trên vai một vài ký gạo đi ra khỏi cánh rừng. Chúng chen chúc nhau sống trong một căn nhà trọ bằng ván, tối om được thuê ở gần trường. Khoảng 30 đứa trẻ từ cấp 1 đến cấp 3 sống chung trong căn nhà ọp ẹp với giá thuê đắt đỏ 200.000 đồng/em/tháng. Không có người lớn chăm sóc nên thường đứa lớn phải lo cho đứa nhỏ. Chúng tự nấu ăn (mà thường xuyên là mì gói chan với nước), tự giặt đồ, tới giờ thì nhắc nhau đi ngủ, sáng thì gọi nhau dậy đi học… Rồi đến cuối tuần cả đám kéo nhau đi bộ 5 tiếng đường rừng trở về lại thăm nhà và để rồi đầu tuần lại tiếp tục cõng gạo đến trường.

Bữa cơm của các em trong căn nhà trọ

Hiện tại tỉ lệ bỏ học của trẻ em người H’Mông vẫn khá cao, số các em được tiếp tục đi học đến cấp hai là rất rất ít. Bậc học mầm non là một điều khá xa vời với người dân ở đây, chỉ 2-3 làng có con em được tiếp xúc với bậc học mầm non. Vì thiếu các lớp mầm non ở trong làng và các em còn quá nhỏ để gửi đi học xa nhà nên ngày thường một số em phải đi theo cha mẹ lên rẫy và một số ba mẹ nấu ăn để ở nhà và các em tự chơi ở nhà, tự ăn tự uống.

Sống trong làng người H’Mông, nói tiếng H’Mông và không được tiếp xúc với bên ngoài sớm, không được tiếp xúc với Tiếng Việt nên đa số các em phải học trễ hơn so với tuổi (8-9 tuổi mới bắt đầu ra học lớp 1) khi các em ra học lớp 1 dù đã học trễ hơn nhưng vẫn không theo kịp bạn bè trên lớp.

Những người dân đã nhận thấy nhu cầu và khao khát đến nỗi tự làm lấy một “ngôi trường” cho bọn trẻ, nhưng ai sẽ dạy chúng đây? Và thế rồi ngôi trường tự phát ấy lại bỏ trống…. còn mấy đứa trẻ tới tuổi thì cứ vô thẳng lớp 1. Khi bạn bè vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, còn chúng thì không nên một thời gian chúng thấy xấu hổ và không đến lớp nữa…

Để giải bài toán “mầm non” này thật sự là một điều trăn trở. Vì để một giáo viên chấp nhận đến với nơi 4.0 này thì chỉ có thể là một sự kêu gọi đặc biệt.

Xin quý tôi con Chúa khắp mọi nơi nhớ tới cộng đồng người H’Mông tại khu vực này và cầu nguyện cho những nan đề của anh chị em chúng ta – những con người đã chấp nhận trở nên không tồn tại để Tin Lành được tồn tại trong họ.

Xin Chúa dấy lên những người sẵn sàng đứng vào nơi sứt mẻ, những giáo viên mầm non được kêu gọi để quan tâm đến trẻ em nơi đây, những cánh cửa mở ra để họ sớm có được những giấy tờ tùy thân cơ bản như bao nhiêu người khác… để những đôi bạn trẻ tin kính được làm lễ trong nhà thờ, để những trẻ em sinh ra được mang họ của cha mình, và để họ biết rằng xã hội không lãng quên họ và đặc biệt là các chi thể khác trong thân của Đấng Christ còn nhớ đến họ và luôn cầu thay cho mình.

Trước tình hình trên, trong năm 2020, Ủy Ban Y tế – Xã hội Tổng Liên Hội (UB.YT-XH) mong muốn sẽ cùng chung tay với cộng đồng con dân Chúa tại đây qua các dự án như:

* Dự án khuyến học:
– Hỗ trợ thành lập các nhà Cơ Đốc cho lứa tuổi mầm non tại các Điểm Nhóm vùng sâu vùng xa;
– Tài trợ cho các nhân sự để thăm viếng, chăm sóc các nhà trọ theo mô hình nhà trọ học sinh Cơ Đốc;
Kinh phí dự kiến: 50 triệu đồng/năm.

* Dự án về y tế:
Tập huấn về y tế cơ bản và trang bị 9 tủ thuốc cho 9 Điểm Nhóm vùng sâu vùng xa;
Kinh phí dự kiến: 77 triệu đồng.

* Dự án xây cầu giao thông:
Xây 03 cây cầu bắt qua những con suối để an toàn, thuận tiện cho người dân trong mùa mưa lũ;
Kinh phí dự kiến: 120 triệu đồng.

* Dự án Chăm Sóc Cộng Đồng:
Tổ chức tập huấn và chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho cộng đồng…
Kinh phí dự kiến: 50 triệu đồng

“Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành”

Uỷ ban Y tế – Xã hội Tổng Liên Hội

Ghi chú:

[i] Đam Rông, Bác Khoa Toàn Thư Mở, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đam_Rông, truy cập ngày 13 tháng 01 năm 2020

Chúng tôi kêu gọi quý tôi con Chúa gần xa cùng đồng công với UB.YT-XH trong các công tác này. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với UB.YT-XH:
Số 633 đường Ba Tháng Hai, Phường 8, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028-395-75253
Email: somedco@gmail.com

Thông tin chuyển khoản:
Tên: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN)
STK: 007 100 495 4044
Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh TP.HCM
Nội dung chuyển tiền: UB. YT-XH – Hỗ trợ Đam Rông

Bài trướcNếu Ngươi Trở Lại – 18/1/2020
Bài tiếp theoĐà Nẵng: Hội Nhánh Phú Lộc Được Công Nhận Chi Hội