Câu Chuyện Của Dòng Sông

978

HTTLVN.ORG – Ai về Quảng Nam mà không biết đến Điện Bàn, Duy Xuyên, những vùng đất nổi tiếng. Nếu Duy Xuyên được biết đến với nhà thờ núi Trà Kiệu, di tích Mỹ Sơn, những làng dâu tằm xanh mượt lá bên bờ sông Thu thì Điện Bàn lại âm thầm hơn, với khu tháp Bằng An lặng lẽ bên con đường 609, với những dấu tích của khu thành cổ Quảng Nam còn sót lại những hồ sen…

 

(Hình ảnh minh họa – nguồn internet)

Nhắc đến Điện Bàn không thể không nói đến dòng sông nhỏ Vĩnh Điện, mang tên của thị trấn thủ phủ, con sông đào chia nước của dòng sông Thu mênh mông cho người anh em sông Hàn khi đổ về thành phố. Thật tình tôi cũng không nghĩ đây là con sông đào, bởi nó khá dài, trên 20km, mà ở miền Trung thì rất ít có những con sông đào như vậy. Con sông nhỏ nhưng rất gần gũi với những cư dân nơi đây, vì từ bao đời, nó đã là con đường lưu thông huyết mạch để nối liền với thành phố bên sông Hàn. Nghe nói, ngày xưa, các tín hữu vẫn thường ra Đà Nẵng dự Hội đồng Bồi linh trên dòng sông này. Hình ảnh ngồi trên con đò nhỏ nhấp nhô sóng nước, lượn quanh hai bên bờ là những lũy tre xanh dày kín lá rung rinh trong nắng hè, thật là tuyệt. Bây giờ không biết có còn ai chịu ngồi trên những con đò nhỏ ấy để thong dong ra thăm miền phố thị, cuộc sống đôi khi cũng cần tìm lại một chút gì xưa cũ để tạo cho mình một khoảng lặng bình yên trong góc nhỏ trái tim.

 

Vĩnh Điện và Nam Phước, hai thị trấn, hai thủ phủ của Điện Bàn và Duy Xuyên như hai người anh em có hoàn cảnh khá giống nhau. Trước năm 1975, ở đây đều có hai ngôi nhà thờ tuy nhỏ nhưng khá đẹp, sau này vì nhiều l‎ý do, khách quan có, chủ quan có, cả hai đều đã không còn tồn tại. Tín hữu Nam Phước phải vào Quế Xuân (Bà Rén) để thờ phượng Chúa, còn những người con Chúa tại Vĩnh Điện phải trôi dạt đến Phong Thử, đến Thanh Qu‎ýt để dự nhóm cùng Hội Thánh nơi đây. Sau hơn 10 năm thành lập (kể từ 1964), HTTL Vĩnh Điện lại rơi vào khoảng thời gian im lặng, tưởng chừng không còn ai biết đến. Cuộc sống giống như một bài kiểm tra sức chịu đựng của mỗi người, thử thách đức tin của mỗi con dân Chúa. Sự sàng lọc, theo lẽ tự nhiên chỉ còn lại những tấm lòng theo Chúa đích thực, giữa những bôn ba đời thường, vượt lên những thử thách cuộc sống, họ bao giờ cũng vẫn là những con Chúa. Họ quyết tâm giữ lại Hội Thánh quê hương, cho dù ngôi nhà thờ cũ đã không còn. Họ đã cùng nhau nhóm họp lại, giữ lửa đức tin cùng nhau, và dần dần Điểm Nhóm ấy đã trở thành một chi phái của HTTL Phong Thử, rồi sau đó thành Hội Nhánh, và nay là HTTL Chi Hội Vĩnh Điện. Những trăn trở, hy sinh, những lời cầu nguyện… được khắc ghi bên dòng sông lặng lẽ theo bước thời gian, nó như một bài ca năm tháng với muôn vàn giai điệu, để từ đó, chúng ta lại nhận được sức lực từ Chúa ban cho khi tấm lòng rộng mở, khát khao một ngày mở hội mừng vui.

 

Tôi ngồi bên dòng sông Vĩnh Điện nhỏ bé, đục ngầu phù sa. Phía trên kia là Điểm Nhóm tạm của HTTL Vĩnh Điện, một ngôi nhà khá nhỏ, mỗi Chúa nhật, con dân Chúa phải ngồi ngoài hiên, hai bên hành lang mới đủ chỗ. Ước mơ có được một nhà nguyện để thờ phượng Chúa, ai cũng có, nhưng để có được nguồn kinh phí xây dựng thì hoàn toàn không phải dễ. Nơi đây, thị trấn đang xây dựng để nâng cấp lên thị xã, vật giá cũng lên theo. Mua một miếng đất xây dựng nhà thờ không phải ít, mà đời sống con dân Chúa ở đây, cũng chỉ “thường thường bậc trung” mà thôi. Đối với những Hội Thánh khác, những người con xa quê sẽ là nguồn động lực lớn cho Hội Thánh quê nhà, riêng Vĩnh Điện thì không có, bởi trước đây Hội Thánh chỉ vỏn vẹn vài chục gia đình, bao nhiêu năm rồi, hầu như không có những người đi xa, chính vì vậy, các tên “HTTL Vĩnh Điện” vẫn còn quá xa lạ với rất nhiều người, thậm chí có người nói: “Ủa, ở Vĩnh Điện mà cũng có Tin Lành sao?”

 

Tôi ngồi bên dòng sông Vĩnh Điện nhỏ bé, một ngày nắng hạ lại về, cái nắng như thiêu như đốt hòa trong những ngọn gió Lào làm cho không gian như uốn cong lại, con người như muốn bung ra từng mảnh để đi tìm một ngọn gió mát lành đâu đấy. Những con ve rảnh rang lại nổi lên bài ca mùa hạ muôn thưở của nó, làm như không có tiếng ve kêu thì không ai biết mùa hè đến, cho dù những hàng phượng trong sân trường phía bên kia con sông cũng rực hồng sắc thắm rồi. Dòng sông vẫn mãi chảy tự bao đời, cái hay là nhờ bàn tay, sức lực của bao người, con sông như chuyển mình sống dậy để làm cái nhiệm vụ mà thiên nhiên giao phó. Tôi liên tưởng và tin rằng chắc rồi một ngày nào đó, HTTL Vĩnh Điện cũng sẽ chuyển mình lớn dậy trong bàn tay của Chúa, sẽ có một ngôi nhà thờ khang trang, đẹp đẽ. Chúa sẽ không để cho những người con yêu dấu của Ngài phải thiệt thòi, nhưng sao tôi lại mong cho ngày đó sớm đến, nó như một phần thưởng khích lệ sự bền lòng của những người đã miệt mài giữ lửa để cái tên “HTTL Vĩnh Điện” không đi vào quên lãng, nó như một dấu ấn thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài trên vùng đất này, vùng đất đầy ắp những kỷ niệm, đầy ắp những ước mơ.

 

Năm 2009, Chi Hội Vĩnh Điện tái lập theo quyết định của TLH HTTL VN (MN). Năm 2012, Chi Hội được chính thức công nhận, số lượng khoảng 120 tín hữu. Lịch sử đã mở ra một con đường mới đầy phước hạnh. Dòng sông nhỏ cũng đang viết tiếp câu chuyện của mình, nó như một chứng nhân của lịch sử, được tận mắt thấy sự hình thành, phát triển, những bước thăng trầm của một Hội Thánh Chúa. Và tôi cũng biết rằng, không lâu nữa, trên dòng sông thân thương đó, hình bóng của một ngôi thánh đường đang vang lên tiếng chuông rộn ràng trong sương mai sẽ sóng sánh trên dòng nước biếc… Câu chuyện của dòng sông ấy lại mở qua một trang mới, thơm tho và thấm đượm tình yêu Thiên Chúa ban cho con dân Ngài.

 

Vũ Hướng Dương 

Bài trướcBế Mạc Giải Bóng Đá Cơ Đốc Tại TP HCM
Bài tiếp theoTruyền Giảng Phúc Âm Tại HTTL Sài Gòn