Bài 98: Ba Mươi Lý Do Vì Sao Con Cái Chúa Chịu Khổ (tt)

1930

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta đã lược khảo qua sách Gióp, một sách giải thích cặn kẽ và dài nhất trong Kinh Thánh cho biết vì sao con cái Chúa chịu khổ. Ngoài sách Gióp, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm 30 lý do được trình bày ở những phần khác của Kinh Thánh. Sau khi lần lượt khảo sát hết những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta biết được rằng sách Gióp không phải là sách duy nhất đề cập đến vấn đề người công bình chịu khổ. Con cái Chúa xưa nay vẫn là những người chịu nhiều đau khổ. Các tiên tri và những vị sứ đồ là những người chăn dắt dân sự Đức Chúa Trời biết điều đó, và vì không thể nào bỏ qua vấn đề nầy nên họ đã đề cập đến qua các tác phẩm họ viết ra.

Thi Thiên 126 đã mô tả ý nghĩa sự đau khổ của con dân Chúa rất hay như sau, “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình”.

Đây là sự mô tả thường thấy của quy luật gieo và gặt rất quen thuộc được trình bày nhiều lần trong Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết chúng ta gặt những gì mình đã gieo ra. Tuy nhiên, hạt giống ở đây là những giọt lệ. Việc gieo hạt là những khổ đau. Theo Thi Thiên 126 thì giọt lệ của những khổ đau là những hạt giống quí báu. Một ngày nào đó chúng ta sẽ hân hoan gặt hái bó lúa là bông trái của từng trải khổ đau trước đó. Nói cách khác, kinh nghiệm của sự đau khổ, kinh nghiệm của sự ra đi gieo giống cuối cùng sẽ dẫn đến kinh nghiệm của mùa gặt. Nhiều người trong chúng ta đang gặt những bó lúa chín vàng chính là kết quả của những gian lao khổ nhọc trước đó. Kinh nghiệm cho biết rằng có những lĩnh vực trong đời sống, chúng ta đã được tăng trưởng thuộc linh nhờ vào những khổ đau đã trải qua. Những phước hạnh thuộc linh nầy là bông trái đã được sinh ra từ hạt giống của những giọt lệ mà chúng ta đã gieo ra trong khổ đau.

Thi Thiên nói rất nhiều về đau khổ.“Khi tôi bị gian truân Ngài để tôi trong nơi rộng rãi; xin hãy thương xót tôi, và nghe lời cầu nguyện tôi” (4:1b). Đây là một câu rất hay nói đến lý do khiến con cái Chúa phải chịu khổ. Trong gian truân, Chúa đem đến nơi rộng rãi. Điều này có nghĩa là Chúa làm cho tôi được tăng trưởng, lớn lên thông qua gian khổ. Thử nhìn lại đời sống của chúng ta và tự hỏi “khi nào tôi đã được trưởng thành trong đời sống thuộc linh? Có phải là những lúc thơ thới phước hạnh hay những lúc hoạn nạn thử thách?” Không nhất thiết phải gặp hoạn nạn chúng ta mới có thể được trưởng thành nhưng phần lớn chúng ta được trưởng thành thông qua hoạn nạn.

Mục sư Dick Woodward kể lại kinh nghiệm của ông với người cố vấn thuộc linh rất tin kính của mình như sau, “Trong một lần gặp mặt với ông, chúng tôi đã thảo luận với nhau xem làm sao để thật sự biết Chúa. Ông đã chỉ dẫn cho tôi những lời khuyên rất hữu hiệu. Gặp ông, tôi chia sẻ rằng những gì ông khuyên rất hiệu quả, tôi nói, ‘Chén tôi đầy tràn’. Ông hỏi lại, ‘Chén của anh lớn chừng nào? Anh có biết rằng nó chưa đủ lớn để làm đầy một cái lọ nhỏ. Tại sao anh không cầu nguyện xin Chúa biến cái lọ nhỏ thành một cái ly, biến cái ly thành cái xô đựng nước và biến cái xô thành chiếc xe tải?’ Nhưng lúc đó tôi còn trẻ và không hiểu thấu để cầu nguyện như vậy. Quí vị có biết làm thế nào để Đức Chúa Trời biến lọ nhỏ thành cái ly, biến cái ly thành cái xô và biến cái xô thành chiếc xe tải không? Sự đau khổ! Đó là cách mà Đức Chúa Trời hành động. Bởi vậy khi quí vị cầu nguyện, hãy nói rằng, ‘Lạy Chúa, xin Ngài cho con càng ngày càng biết Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn, tôn thờ và phục vụ Chúa nhiều hơn’. Có như vậy thì Chúa sẽ trả lời cho chúng ta qua những sự đau khổ. Đó là những gì Đa-vít nói trong Thi Thiên 4:1 này”.

Trong sáu câu đầu của Thi Thiên 3, Đa-vít nói một lý do khác của sự đau khổ. Đa-vít đã trải qua thử thách nặng nề trong thời gian ông viết Thi Thiên nầy. Nhiều người nói với Đa-vít rằng ông không có hi vọng gì nơi Đức Chúa Trời. Cả quốc gia chống nghịch lại ông. Đa-vít phải chạy trốn khỏi Áp-sa-lôm, người con đã âm mưu đảo chánh, kéo cả dân chúng nghịch với Đa-vít. Nhưng Đa-vít có niềm tin chắc rằng, “Nhưng, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên” (Thi Thiên 3:3). Làm sao Đa-vít biết rằng Chúa sẽ đến cứu giúp ông? Đa-vít giải thích bằng những lời sau đây, “Tôi lấy tiếng tôi mà kêu cầu Đức Giê-hô-va, từ núi thánh Ngài đáp lời tôi. Tôi nằm xuống mà ngủ; tôi tỉnh thức, vì Đức Giê-hô-va, nâng đỡ tôi. Tôi sẽ không nao muôn người vây tôi khắp bốn bên… Sự cứu rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 3:4-7, 8).

Đa-vít biết rằng Chúa sẽ cứu giúp ông trong những gian nguy ở hiện tại vì trong quá khứ, ông đã nhiều lần đối diện với hiểm nghèo. Mỗi khi kêu cầu cùng Chúa, ông đều được Chúa trả lời, giải cứu. Đa-vít muốn nói rằng những thử thách nặng nề mà chúng ta đối diện là cơ hội để Chúa thực thi quyền năng phép lạ. Lời cầu nguyện của người ở trong khổ nạn là, “Lạy Chúa con cần phép lạ từ nơi Chúa, xin cứu con ra khỏi tình trạng nầy.”

Khi chúng ta kêu cầu cùng Chúa hàng chục lần và mỗi lần Ngài đến cứu giúp thì chúng ta sẽ không run sợ khi phải đối diện với khó khăn vì biết rằng Chúa đã giải cứu trong quá khứ thì Ngài cũng sẽ giải cứu trong hiện tại. Những biến cố quan trọng nầy sẽ khích lệ và làm vững mạnh đức tin chúng ta. Chúng ta sẽ ra sao nếu không hề đối diện với hoạn nạn trong cuộc đời này? Chúng ta sẽ thế nào nếu không hề gặp những nan đề? Chúng ta sẽ không có những biến cố đáng ghi nhớ về những phép lạ mà Chúa đã thi thố trên chúng ta và chúng ta cũng không thấy cần đến Chúa.

Có một thiếu phụ chia sẻ với vị Mục sư của bà thế này, “Tôi vừa mới tin Chúa, nhưng tôi không chắc là tôi đã được tái sinh chưa.” Mục sư hỏi, “Vậy thì bà có nan đề gì?” Bà đáp, “Khi tôi tin Chúa và được tái sinh, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn, bầu trời sẽ trong sáng hơn, cỏ sẽ xanh mướt hơn và tiếng chim hót sẽ trở nên ngọt ngào hơn. Nhưng bây giờ tôi lại gặp nhiều rắc rối hơn. Tôi có quá nhiều nan đề, tôi tự hỏi liệu mình thật sự tin Chúa chưa vì tôi gặp rắc rối nhiều quá.”

Sách Hê-bê-rơ 12 có một phân đoạn rất hay cho biết những khó khăn xảy ra không có nghĩa chúng ta không phải là con cái Chúa, nhưng ngược lại là khác. Hoạn nạn có thể là dấu hiệu Chúa cho biết chúng ta là con cái của Ngài. Một trong nhiều lời giải thích về đau khổ đó là chúng ta gặp những gì mình gieo. Là tín hữu, chúng ta cũng gặt những gì mình gieo. Tất nhiên, nếu chúng ta gieo những hạt giống xấu thì rất có thể chúng ta sẽ phải gặt bông trái xấu. Vì là con cái của Đức Chúa Trời nên khi không vâng lời Ngài, Chúa sẽ kỷ luật chúng ta. Giả sử quý vị nghe những đứa trẻ đang chơi trước nhà và nói năng tục tĩu, quý vị thầm nhủ nếu nó là con mình thì quý vị sẽ kỷ luật chúng. Khi bước ra ngoài và thấy rằng những đứa trẻ đó không phải là con thì quý vị không có trách nhiệm phải làm gì, nhưng nếu nó là con thì quý vị sẽ la rầy hay sửa phạt nó. Hê-bê-rơ 12:5–13 cho biết Đức Chúa Trời cũng hành động tương tự như vậy. Nếu chúng ta làm điều sai trật, Chúa sẽ vì lòng yêu thương mà sửa phạt chúng ta. Lời Chúa dạy rằng, “Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật.” (Hê-bơ-rơ 12:5b-8).   

Vậy, theo Hê-bê-rơ thì hình thức sửa phạt, kỷ luật là dấu hiệu khẳng định rằng chúng ta là con cái của Chúa. Phân đoạn Kinh Thánh nầy cũng cho biết sự sửa phạt sẽ giúp phát triển những phẩm chất tốt đẹp trong chúng ta, nó giúp chúng ta dự phần trong sự thánh khiết của Ngài.

Có rất nhiều phân đoạn giống như vậy trong cả Kinh Thánh. Những phân đoạn này giải thích giống nhau về lý do của sự đau khổ giống như sách Gióp đã nói. Đau khổ xảy ra là do sự cho phép của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không qui sự đau khổ đến từ Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô cho biết cái giằm xóc hay là bệnh tật ông đang chịu đến từ Sa-tan. Ông cho biết mục đích của bệnh tật là khiến ông khiêm nhường và chỉ cho ông thấy sự bất toàn của mình, từ đó ông kinh nghiệm sự trọn vẹn đầy đủ của Đức Chúa Trời khi công việc của Ngài được thể hiện qua ông. Vậy, bệnh tật đến với Phao-lô là do Chúa cho phép, giống như sự đau khổ của Gióp nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời. Vì lý do đó mà nhiều phân đoạn trong Kinh Thánh nói rằng chịu đau khổ là điều tốt. Lấy ví dụ, sách Ca Thương 3:27 cho biết, “Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ thơ.” Nói cách khác, trải qua những kinh nghiệm khó khăn gian khổ khi còn trẻ là điều tốt.

Mục sư Dick Woodward kể lại kinh nghiệm của ông như sau, “Vào một mùa hè nọ, khi còn học tại trường Kinh Thánh thì tôi bị mất việc làm. Lúc bấy giờ tôi ở xa nhà hơn 4500 cây số. Khoảng tiền kiếm được do công việc làm là thu nhập duy nhất để tôi sống còn. Sau đó, khi được đi làm trở lại thì tôi lại bị thương trong lúc làm việc. Hết việc nầy đến việc khác xảy ra. Tôi được ở nhờ nhà của một gia đình tin kính. Một buổi sáng kia trong khi tôi thực sự ngã lòng thì bà Johnson, chủ nhà cũng là người đang dạy lớp Kinh Thánh tại gia khích lệ tôi rằng, ‘Anh mới học trường Kinh Thánh 4 năm, nhưng tôi đã sống với Kinh Thánh 40 năm. Xin cho phép tôi chia sẻ với anh đôi điều’. Bà chỉ cho tôi một câu trong Ca Thương 3, ‘Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ thơ’.

Thật tốt cho những ai trải qua khó khăn, thách thức và được thử luyện khi còn trẻ. Tại sao vậy? Kinh Thánh cho biết gian lao thử thách sinh ra những kết quả quí báu trong đời sống chúng ta. Đau khổ đem lại phẩm chất thuộc linh. Đau khổ đem lại sự thánh khiết. Đau khổ làm vững mạnh đức tin và đau khổ xác quyết địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời.

Từ những phân đoạn trên, chúng ta thấy đau khổ là một đề tài được nhấn mạnh suốt Kinh Thánh. Nó không chỉ giới hạn ở sách Gióp. Hãy tìm xem những lý do về sự đau khổ của con dân Chúa được trình bày trong Kinh Thánh. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục nói về những lý do nầy, xin mời quí độc giả cùng đón xem.

Bài trướcThánh Đường Mới Trên Vùng Núi Bắc Trà My
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tỉnh Kiên Giang Tháng 10/2018