NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
Có một quan niệm thần học tạm gọi là “thần học thịnh vượng”. Quan điểm này cho rằng, “Đức Chúa Trời không bao giờ muốn con cái Ngài bị đau ốm. Ngài không bao giờ muốn con cái Ngài chịu khổ. Ngài không bao giờ muốn cho con cái Ngài bị nghèo thiếu”. Họ nói rằng, “Nếu quý vị sống với căn bệnh nan y hay ở trong cảnh bần cùng là vì quý vị không thực thi những nguyên tắc của Nước Đức Chúa Trời, quý vị không phải là người thuộc linh nếu quý vị đau ốm hay nghèo khổ”. Quan niệm này hoàn toàn không có cơ sở trong Kinh Thánh. Nó hoàn toàn vô lý và sai trật. Nếu quý vị có dịp thăm viếng những Cơ Đốc nhân nhiệt thành theo Đấng Christ nhưng họ lại sống trong cơ hàn và bệnh tật thì quan niệm này chứng tỏ không có nền tảng trên Kinh Thánh chút nào.
Khi đối chiếu với sự dạy dỗ của sách Gióp và những phần còn lại, chúng ta sẽ thấy tính hiệp nhất của Kinh Thánh. Sứ điệp của sách Gióp cũng là sứ điệp của những sách khác. Chúng ta sẽ lần lượt khám phá ba mươi lý do vì sao con cái Chúa chịu khổ. Càng đi sâu tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta sẽ còn có thêm những lý do khác nữa.
Những thư tín tổng quát ở phần cuối của Tân ước đều bắt đầu với sự đề cập đến vấn đề đau khổ. Thư tín của Phi-e-rơ thường xuyên nói đến vấn đề này. Ông đề cập đến nó 14 lần trong lá thư thứ nhất. Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sự đau khổ vì ông biết những người đọc thư đang sống giữa những khổ nạn. Phi-e-rơ đang sống tại Rô-ma và cơn bắt bớ đang lan rộng từ Rô-ma đến những vùng khác. Do đó, ông nói rất nhiều đến vấn đề này khi viết thư cho họ. Ông nói: “Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra” (1 Phi-e-rơ 1:6-7).
Phi-e-rơ viết cho những người đang và sẽ chịu khổ rằng Đức Chúa Trời có mục đích khi để cho con dân Ngài chịu khổ, đó là đức tin của họ được Chúa Giê-xu chấp nhận khi Ngài trở lại. Phi-e-rơ dùng vàng để làm minh họa. Đức tin của con cái Chúa được xem là quí hơn vàng. Vàng được tinh luyện bởi lửa thì đức tin của con cái Chúa được thử thách qua lửa của hoạn nạn. Đức Chúa Trời thấy khi nào thì con cái Chúa cần phải được thử nghiệm và lúc đó Ngài cho phép khổ nạn xảy ra. Theo Phi-e-rơ, có những lúc mà con cái Chúa cần gặp khổ đau. Nhưng ông cũng cho biết khổ đau chỉ là tạm thời mà thôi. Hoạn nạn đau khổ sẽ đến, nhưng rồi nó sẽ qua đi.
Trong một thư tín khác thì Gia-cơ đã nói trong chương thứ nhất rằng, “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-5); “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài” (Gia-cơ 1:12).
Theo Gia-cơ, có một thứ tự chúng ta nên khám phá khi đối diện với khổ nạn. Ông cho biết thử thách dẫn đến lòng tin cậy. Trong khi lâm vào thử thách hoạn nạn, chúng ta thường thú nhận rằng, “Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Lần đầu tiên trong đời tôi không biết phải xoay xở như thế nào.” Gia-cơ cho biết trong trường hợp như vậy thì chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan. Ngài là cội nguồn của khôn ngoan và một khi chúng ta cầu xin Ngài thì Ngài sẽ ban cho chúng ta có sự khôn ngoan. Bởi sự khôn ngoan là do Chúa ban cho, thái độ tin cậy sẽ dẫn đến sự chiến thắng. Một người đã được thử nghiệm và trong khi chịu thử nghiệm, họ đã cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan thì cuối cùng thái độ tin cậy của đức tin sẽ dẫn đến chiến thắng.
Sứ đồ Phao-lô đã từng trải qua bao nhiêu khổ nạn. Trong phần mở đầu của sách 2 Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng đề cập đến những người đang chịu khổ. Đó cũng là lúc mà ông bị ném đá đến chết tại Lít-trơ. Trong thư, khi nói về sự đau khổ của ông và sự đau khổ của các tín hữu tại Cô-rinh-tô ông viết, “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp! (2 Cô-rinh-tô 1:3-4).
Qua phân đoạn rất hay này, Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời là Đấng ban mọi sự an ủi, Ngài là nguồn của sự an ủi. Khổ nạn thường đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời và khiến chúng ta khám phá được chân lý này, điều mà bình thường chúng ta không khám phá được. Có những tín hữu đã từng bị giam trong ngục tù đã tìm được sự an ủi này. Tại những nơi như vậy, không có ai để họ nương dựa ngoại trừ Chúa và cũng không ai có thể an ủi họ ngoại trừ Chúa. Trong đau khổ, họ khám phá rằng, có một Đức Chúa Trời hiện diện tại đó và an ủi họ.
Theo Phao-lô, có một sự an ủi vô cùng lớn lao khi biết rằng có Đức Chúa Trời hiện diện giữa những khổ đau và Ngài là nguồn của sự an ủi. Chúa không muốn con cái Ngài không biết sự kiện này. Nên đôi khi Chúa cho phép những khổ đau xảy ra để con cái Chúa khám phá lẽ thật quan trọng đó. Chúa là nguồn của sự an ủi. Có những sự đau khổ mà không ai có thể thông cảm hoặc có thể an ủi ngoại trừ Chúa. Đôi khi những đau khổ của chúng ta quá riêng tư và chúng ta cảm thấy không thể thổ lộ với ai, chúng ta hoàn toàn câm lặng ngay cả với Đức Chúa Trời. Thưa quí thính giả , Đức Chúa Trời vẫn có mặt tại đó và Ngài có thể an ủi quý vị.
Phao-lô cho biết không những đau khổ giúp chúng ta khám phá rằng Chúa là nguồn của sự an ủi mà còn giúp chúng ta trở nên những người có thể an ủi cho người khác. Thế nào là một người khải đạo tốt? Giám mục Fulton Sheen nói như sau: “Nếu cần một người khải đạo, trước tiên bạn cần biết mình không nên đến với ai. Đừng đến với những người trẻ tuổi, vì họ chưa trải qua những đau thương trong cuộc sống; do đó họ không động lòng trắc ẩn trước đau khổ của người khác. Những gì họ nói chỉ là lý thuyết và sách vở mà thôi. Bạn cũng đừng đến với những người có nan đề giống như bạn nhưng không giải quyết được. Nếu bạn tìm cách cứu vãn hôn nhân của mình thì cũng đừng đến với những người đã thành hôn tới hai, ba lần; và hôn nhân hiện nay của họ cũng lắm chuyện rắc rối. Người khải đạo tốt là người có cùng một nan đề giống như bạn và đã giải quyết thành công nan đề đó. Họ là người bạn nên tìm đến”.
Sứ đồ Phao-lô cho biết Chúa cho phép khổ nạn xảy ra trên đời sống chúng ta để đem chúng ta đến chỗ chỉ tìm được sự an ủi trong Chúa, sau đó khi anh em mình gặp đau khổ thì chúng ta cũng chỉ dẫn họ đến nguồn của sự an ủi. Người rao giảng Tin Lành được định nghĩa là “người hành khất nói cho một người hành khất khác nơi đâu tìm được cơm để ăn.” Giống như vậy, “người an ủi là người đã trải qua sự đau khổ và nói cho những người khác biết nơi đâu có thể tìm được sự an ủi”. Điều gì khiến quý vị đủ tư cách để an ủi người khác? Kinh nghiệm sự đau khổ. Không có một con đường tắt nào khác. Chữ “thương xót” hay “trắc ẩn” nghĩa là “đồng cảm với ai đó.” Làm sao chúng ta có thể đồng cảm hay thông cảm với người khác nếu chúng ta chưa hề đau như họ đang đau. Phao-lô cho biết sự đau khổ sẽ tạo nên trong chúng ta khả năng cảm thông để an ủi người khác.
Phao-lô cũng viết một phần khác trình bày về giá trị của sự đau khổ, “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan,để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (2 Cô-rinh-tô 12:7-9).
Nhiều người đã được chữa lành, thậm chí người chết được sống lại qua chức vụ của Phao-lô, thế nhưng chính ông lại mang bệnh trong người. Ba lần ông xin Chúa cất bệnh này khỏi ông. Các học giả không biết chắc đây là bệnh gì. Rất có thể là bệnh liên quan đến mắt của Phao-lô, nếu vậy thì thật là khó khăn cho ông. Ba lần cầu nguyện với Chúa xin chữa lành thì cả ba lần Chúa trả lời, “Không”, “không”, “không”. Chúa giải thích cho ông vì sao Ngài không chữa lành cho ông, “Quyền năng của Ta được thể hiện ra tốt nhất qua những người yếu đuối. Nếu ta khiến con mạnh, con sẽ dựa vào sức của con, con sẽ tỏ ra là mình có năng lực rồi con sẽ làm mọi việc theo ý con. Vì thế, ta cho phép con yếu để con nương dựa vào ta”. Khi được Chúa trả lời như vậy, Phao-lô không những chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời mà còn tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông nói, “Tôi càng thiếu thốn bao nhiêu, tôi càng tùy thuộc vào Chúa bấy nhiêu. Nếu thực tế là như vậy thì tôi sẽ tôn vinh Chúa qua sự yếu đuối của tôi để quyền năng của Đấng Christ ngự trị trong tôi”.
Phân đoạn này giải thích hai điều về sự đau khổ. Thứ nhất, “Phước cho những người nghèo khó về phương diện thuộc linh. Phước cho những người hay than khóc”. Đây là bài giảng của Chúa dành cho những người muốn trở nên một phần trong giải pháp của Ngài và một phần trong câu trả lời của Ngài cho mọi nan đề trên thế giới này.
Chúa muốn nói với họ rằng, “Hai thái độ mà các ngươi cần phải có đó là ý thức nghèo khó thuộc linh nghĩa là thế nào, trong khi các ngươi học biết điều đó, các ngươi sẽ than khóc và đau khổ”. Chúa đang nói về sự khiêm nhường. Khiêm nhường nghĩa là công nhận rằng, “Tôi không làm gì được, chỉ có Chúa mới làm được mọi sự . Vấn đề không phải tôi là ai, nhưng Chúa là ai, không phải tôi có thể làm gì nhưng Chúa có thể làm gì?”
Một người có tài và thành công thường cậy vào sức mình, do đó họ không thể làm công việc Chúa. Khi Chúa muốn làm việc qua đời sống của chúng ta thì Ngài khiến chúng ta nhận thức tình trạng nghèo khổ thuộc linh của mình và than khóc. Phao-lô nói, “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan,để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo” (2 Cô-rinh-tô 12:7).
Nếu quý vị là người đã viết phân nữa Tân ước, liệu quý vị có cho rằng mình bị nguy cơ kiêu ngạo không? Bệnh tật của Gióp và của Phao-lô được qui là do Sa-tan gây ra với sự cho phép của Đức Chúa Trời. Theo Phao-lô thì Chúa cho phép Sa-tan gây bệnh tật trên ông vì Chúa biết bệnh tật sẽ khiến ông khiêm nhường. Một trong những lý do của sự đau khổ đó là Chúa muốn dùng nó như một phương tiện để khiến con cái Ngài khiêm nhường.
Có lẽ lý do chính của sự đau khổ được khám phá qua phân đoạn này đó là con cái Chúa phải thấy sự khiếm khuyết của họ để khám phá được đầy đủ trọn vẹn Đức Chúa Trời. Để Chúa hành động qua chúng ta, chúng ta phân biệt những gì chúng ta có thể làm được và những gì chúng ta không thể làm được. Những gì Chúa có thể làm và những gì Ngài sẽ làm trừ khi chúng ta ý thức sự bất toàn của mình. Khi chúng ta kinh nghiệm sự bất toàn của mình thì Chúa sẽ bày tỏ sự trọn vẹn của Ngài. Đó là lý do vì sao Chúa khiến Phao-lô trở nên yếu đuối qua bệnh tật.