Bài 96: Lời Dự Ngôn Của Chúa Giê-Xu (TT)

5744

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

MA-THI-Ơ 24:29-51

        Trong Ma-thi-ơ 24-25 là Bài giảng trên núi Ô-li-ve của Chúa Giê-xu nói về thời kỳ cuối cùng và dự ngôn sự tái lâm của Ngài, chúng ta đã nghe và tìm hiểu về những dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng này và cơn đại nạn xảy ra. Hôm nay kính mời các bạn tìm hiểu về dấu hiệu báo trước khi nào những biến cố này sẽ đến.

          Ma-thi-ơ 24:29   Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động.

          Xin chúng ta hãy lưu ý câu này: “sự hoạn nạn của những ngày đó vừa mới qua.” Theo sự hiểu biết của tôi thì tất cả những điều này sẽ xảy ra vào lúc Đấng Christ trở lại lần thứ hai trên đất này.

          Ma-thi-ơ 24:30    Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.

          “Khi ấy, điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời.” Điềm ấy là gì? Một lần nữa, tôi sẽ phải tra cứu về điều đó. Chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh Cựu Ước, và ở đó các bạn có thể nhớ được rằng quốc gia Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời ban cho sự vinh hiển, ấy là chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa họ. Không hề có bất kỳ một quốc gia hay dân tộc nào đã có được sự vinh hiển này, kể cả hội thánh cũng không có được điều ấy. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã ngự trên đền tạm và sau đó ngự trên đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng vì tội lỗi của Y-sơ-ra-ên, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã rời khỏi dân tộc này. Khi Đấng Christ đến trên thế gian này lần đầu tiên, Ngài đã không bỏ qua một bên Thần tính của Ngài, nhưng bỏ qua đặc quyền về Thần tính của Ngài, tức là sự vinh hiển mà Ngài vốn có, như sứ đồ Giăng đã có viết: “chúng ta hãy ngắm xem sự vinh hiển của Ngài”  (Giăng 1:14), dẫu vậy cũng có nhiều lúc vinh hiển ấy đã biểu lộ ra. Tuy nhiên, vào lúc Ngài trở lại trên đất này lần thứ hai, tôi tin rằng vinh hiển của Chúa sẽ chiếu lòe trên đất này và đó chính là “điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời.

          “Mọi dân tộc trên đất này sẽ đấm ngực, và thấy Con Người đại quyền, đại vinh ngự trên mây mà xuống.” Đây là lần trở lại của Chúa Giê-xu để thiết lập vương quốc của Ngài trên đất.

          Ma-thi-ơ 24:31  Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia.

          Những kẻ được chọn được nói đến trong câu này vẫn là dân tộc Y-sơ-ra-ên. Các tiên tri trong Cựu Ước đã báo trước về một phép lạ mà sẽ đem dân Do Thái trở về trong đất hứa của họ (Đây không phải là việc hội thánh sẽ được cất lên khỏi thế gian để gặp Chúa tại giữa không trung). Các thiên sứ không liên hệ với việc hội thánh được cất lên. Chúa Giê-xu sẽ đến đặng tiếp đón hội thánh bằng tiếng kèn, và tiếng nói của Ngài sẽ giống như tiếng của thiên sứ trưởng. Ngài sẽ không cần đến một sự giúp đỡ nào để nhóm họp hội thánh của Ngài lại với nhau. Ngài đã chết cho hội thánh, Ngài cũng sẽ đem hội thánh theo với Ngài. Khi Ngài phán rằng: “các thiên sứ …sẽ nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời này cho đến tận phương trời kia.” Chúng ta có thể quả quyết rằng Ngài đang nói đến dân tộc Y-sơ-ra-ên, các thiên sứ bảo vệ luôn luôn gần gũi với Y-sơ-ra-ên.

    ẨN DỤ VỀ CÂY VẢ NHƯ LÀ MỘT DẤU HIỆU

          Ma-thi-ơ 24:32-33

32  Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. 33  Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.

          Tôi biết cây vả không đại diện cho điều gì khác hơn là về quốc gia Y-sơ-ra-ên (Do thái) như được chép Giê-rê-mi 24 và Ô-sê 9:10

1  Đức Giê-hô-va tỏ cho tôi, nầy, có hai giỏ trái vả để trước đền thờ Đức Giê-hô-va. Ay là sau khi Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đã bắt Giê-cô-nia, con trai Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, cùng các quan trưởng Giu-đa, với các thợ nghề và thợ rèn từ thành Giê-ru-sa-lem đem về nước Ba-by-lôn làm phu tù. 2  Một trong hai giỏ thì đựng những trái vả rất tốt, như trái vả đầu mùa; còn giỏ kia thì đựng trái xấu lắm, đến nỗi không có thể ăn được. 3  Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: Hỡi Giê-rê-mi, ngươi thấy gì? Tôi thưa: Thấy trái vả, những trái tốt thì rất tốt, còn những trái xấu thì rất xấu, xấu đến nỗi không thể ăn được. 4  Bấy giờ có lời của Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: 5  Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Như những trái vả tốt nầy, ta cũng sẽ xem những kẻ phu tù Giu-đa, mà ta đã sai từ nơi nầy đến trong đất người Canh-đê, cho chúng nó được ích. 6  Ta sẽ để con mắt ta trên chúng nó làm ích cho, và ta sẽ đem họ về trong xứ nầy, lập lên mà không phá đi nữa, trồng lại mà không nhổ đi nữa. 7  Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận biết ta là Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó; vì chúng nó sẽ hết lòng trở về cùng ta. (Giê-rê-mi 24:1-7)

    Ô-sê 9:10 Ta đã gặp Y-sơ-ra-ên, như gặp trái nho trong đồng vắng; ta đã thấy tổ phụ các ngươi như trái chín đầu trên cây vả tơ. Nhưng chúng nó đã vào nơi Ba-anh-Phê-rô; dâng mình cho vật xấu hổ, và cũng trở nên gớm ghiếc như vật chúng nó đã yêu.

  Có rất nhiều cây vả đang mọc lên cách sum suê ở Y-sơ-ra-ên và thậm chí ngày nay, và nói cho cùng thì cây vả đã từng biểu tượng cho đất nước này từ bấy lâu nay rồi. Tôi rất có ấn tượng với những vườn cây vả ra trái ở phía bắc Giê-ru-sa-lem, và những vườn nho ở về phía nam của thành này – ở khu vực phía nam của Bết-lê-hem tràn ngập những vườn nho. Những cây vả và những cây nho xác định hình ảnh của vùng đất này, và tôi tin rằng Chúa chúng ta đang dùng cây vả làm một biểu tượng cho quốc gia Y-sơ-ra-ên.

          Ma-thi-ơ 24:34   Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến.

          “Thế hệ này” – tiếng Hy Lạp có nghĩa là dòng dõi và cũng ám chỉ đến dân tộc Y-sơ-ra-ên. Hoặc nó cũng có thể ám chỉ đến thế hệ đang sống vào thời gian mà các lời tiên tri đó sẽ trải qua. Một thế hệ được xem như khoảng hai mươi năm, thế nên chắc chắn rằng những biến cố được nói tiên tri trong phần này sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn hơn hai mươi năm. Tôi có cảm tưởng rằng điều này có thể ám chỉ đến cả hai yếu tố vừa nêu trên, nhưng tôi thích sự giải nghĩa cho rằng, nó ám chỉ đến việc bảo tồn dòng dõi người Do Thái hơn. Tổng binh Ha-man đã không thể nào tiêu diệt được họ, Pha-ra-ôn của Ai-cập cũng không thể tiêu diệt họ, và thậm chí Hít-le của Đức quốc cũng không thành công trong tham vọng tiêu diệt người Do Thái. Bởi vậy, chắc chắn sẽ không có bất kỳ một nhà độc tài nào ngày nay có thể trừ diệt được dân tộc này – vì Đức Chúa Trời sẽ đoái xem người Do Thái.

          Ma-thi-ơ 24:35  Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.

          Chúng ta cũng có thể hiểu rằng ý Ngài muốn nói: “Các ngươi hãy gạch dưới đặng lưu ý điều gì Ta đã phán, bởi vì trời đất sẽ qua đi, nhưng lời của Ta chẳng bao giờ qua đi.” Trời và đất sẽ qua đi, lại sẽ có trời mới và đất mới (Khải-huyền 21:1), nhưng Ngài chẳng hề thay đổi Lời Ngài, nó sẽ đứng vững và tồn tại mãi xuyên suốt mọi thời đại.

          Ma-thi-ơ 24:36  Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi.

          Mặc dầu người ta sẽ biết rằng thời kỳ cuối cùng đang tiến lại gần, nhưng họ sẽ không biết ngày và giờ của nó. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay đã có rất nhiều người cố định điểm thời gian ngày Chúa Giê-xu trở lại. Theo tôi nghĩ, trong tương lai cũng sẽ có nhiều người cố gắng mà ấn định ngày giờ chính xác này. Nhưng không một ai có thể biết được ngày và giờ ấy là khi nào. Chúa chúng ta sử dụng hình ảnh của thời đại Nô-ê để minh họa cho thời kỳ Ngài trở lại.

          Ma-thi-ơ 24:37-39

37  Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. 38  Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, 39  và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy.

          Ngày mà Đấng Christ trở lại trên thế gian cũng sẽ giống như những ngày trong thời kỳ của Nô-ê vậy.

          Những ngày trong thời kỳ của Nô-ê mang rõ nét của sự vô luân và trụy lạc – mọi hành động và suy tưởng trong lòng người thời bấy giờ làm điều xấu xa. Sáng-thế-ký 6:5  Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn.

    Chúa Giê-xu chúng ta phán rằng, vào ngày mà Ngài sẽ trở lại thế gian cũng giống như những ngày trong thời kỳ của Nô-ê, nhưng Ngài lưu ý chúng ta một điều là lúc ấy người ta sẽ cứ tiếp tục ăn uống. Chúng ta tự hỏi rằng việc ăn và uống có gì là sai trái chăng? Không, chẳng có gì sai trái cả, nhưng chúng ta nhớ đến câu Kinh Thánh này: “Vậy, anh em hoặc ăn hoặc uống hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31). Tuy nhiên, con người trong thời Nô-ê đã không ăn uống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật ra họ đã ăn, đã uống như thể Đức Chúa Trời chẳng hề hiện hữu.

          Trong thời đại của chúng ta ngày nay có rất nhiều người nhận được thức ăn từ Đức Chúa Trời ban cho ngày ba lần, trong khi đó có đến hàng triệu người khác đang chết đói, thế mà họ lại chẳng bao giờ nghĩ đến việc cảm tạ Đức Chúa Trời. Thế rồi vào ngày ấy của tương lai, lúc họ đang ở cận kề thời gian của ngày Chúa trở lại, họ vẫn cứ sống ung dung và xem như thể ngày ấy sẽ chẳng bao giờ xảy đến.

          Cũng một thể ấy, con người trong thời Nô-ê tiếp tục cưới gả với nhau. Chắc chắn, Chúa chúng ta không có ý nói rằng việc cưới gả là sai. Quan điểm của Chúa ấy là họ đã hoàn toàn bác bỏ lời cảnh báo của Đức Chúa Trời thông qua Nô-ê đến nỗi họ cứ lo bận tâm tiến hành tổ chức các lễ tiệc cưới gả, cho đến ngày mà Nô-ê bước vào tàu. Họ cứ sống như thể Đức Chúa Trời chẳng hề hiện hữu. Họ đã không tin rằng Ngài sẽ phán xét họ và lại khinh thường lời cảnh báo của Ngài về cơn lụt rất lớn. “Và người ta không nghi ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đi hết thảy; khi Con Người đến sẽ cũng y như vậy.

          Ma-thi-ơ 24:40-41

40  Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; 41  và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại.

          Tôi có thể nghe một người nào đó hỏi tôi rằng: “Vâng, thưa mục sư, cuối cùng rồi chính ông cũng lại tự vẽ ra viễn cảnh không lối thoát. Ông đã có nói rằng Hội Thánh và việc được cất lên không hề có trong Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve, nhưng ở đây tôi thấy chúng có rồi đấy. Hai người đang làm việc ở ngoài đồng, một người được đem đi và một người bị để lại.”

   Vâng, thưa các bạn, trong phần này Chúa chúng ta không đề cập về việc Hội Thánh được cất lên. Và sau cùng xin hãy xét xem Ngài đang nói về điều gì ở đây? “Như ở trong thời kỳ Nô-ê.” Ai là người bị đem đi trong thời kỳ Nô-ê?  “Người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới và đùa đem đi tất ca.” Tất cả đều bị hủy diệt bởi cơn đại hồng thủy đó, chỉ trừ có gia đình Nô-ê. Điều này không liên hệ đến việc hội thánh sẽ được cất lên khỏi thế gian này. Thật ra, điều này chỉ về hình ảnh sự truất bỏ khỏi đất với những ai không được đi vào thời kỳ của vương quốc một ngàn năm bình an.

           Ma-thi-ơ 24:42 Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.

          “Hãy thức canh” là từ ngữ rất quan trọng, cũng có một ý nghĩa hơi khác với sự thức canh mà con cái Đức Chúa Trời bây giờ đang thực hiện về việc mong đợi được cất lên. Ngày nay chúng ta đang có một hy vọng đầy yên ủi. Còn trong ngày ấy ở tương lai thì sự mong đợi với sự sợ hãi lẫn lo âu. Vào ban đêm thì người ta sẽ bảo: “Lạy Chúa, cầu cho giờ ấy sẽ đến vào buổi sáng nay” và nếu là buổi sáng thì họ lại bảo: “Lạy Chúa, cầu cho giờ ấy sẽ đến vào buổi tối nay.” Ngày nay, chúng ta đang chờ đợi và khát khao ngày Chúa Giê-xu đến, nhưng vào ngày ấy ở tương lai người ta sẽ thức canh sự trở lại của Chúa Giê-xu đến với sự lo âu và sợ hãi.

          Các bạn có thể cho rằng tôi đang chẻ sợi tóc làm hai, không phải vậy đâu! Tôi đã có tra cứu từ ngữ “thức canh” trong ngôn ngữ Do thái và nhận thấy nó có khoảng mười bảy nghĩa khác nhau. Mặc dầu trong tiếng Anh hay tiếng Việt chúng ta cũng chỉ có một từ, nhưng nó có vài nghĩa khác nhau.

          Tôi xin phép minh họa điều này bằng hình ảnh một người đi săn nai. Mỗi năm, người này đều đi vào rừng và cũng vẫn đến cùng một địa điểm đó. Ông ta dựng trại, rồi cứ mỗi buổi sáng lại đi vòng đến chỗ ẩn khuất trên đồi, ngồi dưới cây lớn và chờ đợi. Sau một lúc, ông ta chợt nghe một tiếng động trong bụi cây và nghĩ rằng đó là một con nai. Ông nhấc súng săn lên và chờ đợi. Ông đang canh chờ một con nai.

          Hai tuần sau đó, bạn lại gặp người đàn ông này trên góc đường phố chính, và cũng trông thấy ông ta hết sức chăm chú đang nhìn dọc theo đường phố. Thế là bạn biết rằng ông ta đang chờ đợi một người nào đó. Bạn tiến lại phía ông ta và hỏi: “Ông đang chờ ai vậy?” Ông ta đáp: “Tôi đang chờ vợ tôi, cô ấy đã trể mất bốn mươi lăm phút rồi.” Lần này ông ta cũng lại đang canh chờ một người, nhưng khác hẳn cách mà ông đã canh chờ một con nai. Trước kia, ở trên đồi, ông ta đã mang theo súng săn nai với mình, nhưng lần này thì thật là trái luật nếu ông chờ vợ với khẩu súng trên tay! Thế là ông ta vẫn cứ canh chờ, nhưng trong một ý nghĩa hơi khác.

          Đến một hay hai tháng sau, khi bạn đi đến bệnh viện kia, lúc đang đi ngang qua một căn phòng nọ, bạn lại trông thấy người đàn ông này cùng với vợ mình đang ngồi bên cạnh giường của đứa con nhỏ. Đứa bé này đang bị sốt cao và bác sĩ cũng đã bảo rằng cơn nguy kịch của nó sẽ xảy ra vào lúc nữa đêm. Thế là họ lại canh chừng con mình đang bịnh. Các bạn thân mến, lần này thì sự canh chừng lại khác hẳn sự canh chừng để bắn được một con nai hay sự chờ đợi bà vợ ông trên góc phố ngày nào. Đây là sự canh chừng trong nỗi lo âu và sợ hãi. Tôi nghĩ rằng sự canh chừng này cũng sẽ hơi giống như cảm xúc mà người ta có khi canh chờ về ngày Chúa Giê-xu trở lại lần thứ hai.

          Ma-thi-ơ 24:43-45

43  Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình. 44  Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ. 45  Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ?

          Những gì Chúa chúng ta sẽ nói trong phần còn lại của Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve là Ngài đưa ra những ẩn dụ minh họa về thái độ của con người đối với ngày Chúa đến, và về những gì sẽ xảy ra khi Ngài trở lại thế gian.

         Ma-thi-ơ 24:46-51

46  Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! 47  Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình. 48  Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, 49  bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, 50  thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. 51  Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

          Ẩn dụ này phản ánh thái độ của một số người ở thời tương lai ấy. Họ sẽ nói: “Ô, Chúa đến chậm mà – thế thì chúng ta hãy cứ tiếp tục sống đừng bận tâm chi.” Khi Chúa Giê-xu trở lại, chắc chắn Ngài sẽ đoán phạt những người như thể ấy.

          Đây là một nguyên tắc lớn lao mà có thể áp dụng cho mọi thời đại. Các bạn và tôi ngày nay nên sống một đời sống theo ánh sáng của lẽ thật trước sự hiện diện của Đấng Christ. Hãy lưu ý rằng tôi đã không nói trong ánh sáng của sự hiện đến của Đấng Christ, nhưng nói trong ánh sáng của sự hiện diện Ngài. Bất kể cho dẫu rằng Ngài sẽ trở lại trong mười năm hay một trăm năm nữa, thì các bạn và tôi vẫn cứ ứng hầu trước sự hiện diện của Ngài. Hoặc giả các bạn có được cứu hay không thì các bạn vẫn phải ứng hầu trước sự hiện diện của Ngài. Nếu như các bạn được cứu thì các bạn trình lên cho Ngài những thành quả trong cuộc đời của các bạn để được ban thưởng. Ngược lại nếu bạn không được cứu thì bạn cũng sẽ ứng hầu trước mặt Chúa để chịu phán xét. Bởi vậy, nói tóm lại mọi người nên sống suốt cuộc đời mình trong ánh sáng của lẽ thật, luôn đứng trước sự hiện diện của Chúa.

          Đây chính là điểm nhấn mạnh nổi bật nhất trong Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve. Thế cho nên, bài giảng này cũng có những áp dụng cho đời sống của mỗi chúng ta ngày nay, mặc dầu sự diễn giải của nó chỉ đặc biệt áp dụng cho những người đang sống vào thời kỳ Đấng Christ trở lại thế gian với tư cách là Vua trên vương quốc của Ngài.

         Thưa các bạn, chúng ta lắng nghe và tìm hiểu về Bài Giảng trên Núi Ô-li-ve của Chúa Giê-xu liên quan đến thời kỳ cuối cùng và dự ngôn về sự tái lâm của Ngài, Tôi xin tóm lược ý chính của Bài Giảng này như sau:

  • Sau khi Chúa Giê-xu giảng trên núi Ô-li-ve, Ngài chịu chết trên thập tự giá.
  • Sau khi Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại, Ngài thăng thiên về trời.
  • Đến Ngài lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng lâm, bắt đầu thời kỳ Hội Thánh. (Ma-thi-ơ 24:4-8)
  • Chúa Giê-xu hiện ra trên không trung tiếp rước hội thánh, kết thúc thời kỳ hội thánh, bắt đầu thời kỳ đại nạn. (Ma-thi-ơ 24:9-26)
  • Các dấu hiệu báo trước ngày Chúa Giê-xu tái lâm (Ma-thi-ơ 24:27-51)
  • Chúa Giê-xu tái lâm, khởi sự thời kỳ ngàn năm bình an.

      Tôi ước ao tất cả các bạn đều có lòng trông đợi sự trở lại của Chúa Giê-xu, và sống đời sống làm vinh hiển danh Ngài.

Bài trướcHuấn Luyện Truyền Giáo Tại Bình Định
Bài tiếp theoĐấng Xét Đoán Duy Nhất – 27/7/2018