Bài 95: Lời Dự Ngôn Của Chúa Giê-Xu (TT)

4279

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

MA-THI-Ơ 24:14-28

   Trong chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu phần đầu của Ma-thi-ơ 24 nói về những dấu hiệu của thời kỳ tận thế. Hôm nay chúng ta tiếp tục nghe lời Chúa Giê-xu giảng về các dấu hiệu này.

          Ma-thi-ơ 24:14 Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

          Tin Lành về Nước Trời là điều mà Giăng Báp-tít đã từng rao giảng “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 3:2). Đồng một thể ấy, Chúa Giê-xu đã khởi đầu chức vụ của Ngài cũng với sứ điệp này “Các ngươi hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17). Cũng vậy, Ngài đã sai các môn đồ ra đi đặng rao giảng sứ điệp nầy (Ma-thi-ơ 10). Nhưng đến đoạn Ma-thi-ơ 11, chúng ta thấy Chúa đã thay đổi sứ điệp của Ngài khi phán rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ khiến cho các ngươi được yên nghỉ.” Và trong đoạn 20 câu 28, Ngài đã phán rằng, Ngài đến để hy sinh mạng sống của Ngài đặng làm giá chuộc tội cho nhiều người. Nhưng trong suốt thời kỳ đại nạn Tin Lành về nước Đức Chúa Trời cũng lại sẽ được rao giảng nữa. Tin Lành đó không phải cho thời đại ngày nay, bởi vì hiện nay chúng ta phải rao giảng về Tin Lành ân điển của Đức Chúa Trời. Phải chăng Tin Lành về nước Đức Chúa Trời là một thứ Tin Lành khác? Thưa các bạn, không, không phải vậy đâu! Nó cùng là một thứ Tin Lành nhưng chỉ khác về đặc điểm cần nhấn mạnh đến mà thôi. Khi thời kỳ của cơn đại nạn bắt đầu, người ta sẽ biết rằng họ đang ở gần kề sự cuối cùng, mặc dầu họ không biết rõ ngày hay giờ của nó. Bởi vậy nên sứ điệp cần được rao giảng sẽ là: “Hãy ăn năn, vì Nước Thiên đàng đã đến gần.”

          Bây giờ tôi xin phép được trả lời sự phê bình của một số người giảng dạy rằng, có nhiều phương cách để được cứu rỗi. Tôi xin trả lời dứt khoát rằng: không, Đức Chúa Trời không bao giờ có hai phương cách để cứu rỗi loài người, chỉ có phương cách duy nhất đó là thập tự giá của Đấng Christ mà thôi. Mọi sinh tế trong thời kỳ Luật-pháp trước khi Đấng Christ đến trên thế gian đều có cùng mục đích tỏ bày sự mong đợi thập tự giá của Ngài, mọi kỳ lễ tưởng niệm đều quay lại để tưởng nhớ thập tự giá của Ngài mà thôi.

          Để minh họa cho điểm này, chúng ta hãy quay trở lại với Sáng Thế Ký đoạn 4 để nhìn xem sinh tế mà A-bên đã dâng lên cho Đức Chúa Trời. A-bên đã mang đến một chiên con. Giả sử lúc ấy bạn có mặt tại đó, có thể bạn đã hỏi A-bên rằng: “Tại sao ông lại mang đến chiên con này?” Ông có nghĩ rằng chiên con này có thể cất tội lỗi của ông không? A-bên có thể đã đáp lại rằng: “Dĩ nhiên là không! Sở dĩ tôi mang chiên con này đến, bởi vì Đức Chúa Trời đã bảo tôi phải làm như vậy. Tôi mang nó đến với đức tin của tôi mà thôi.” Thế rồi bạn có thể lại hỏi ông ta: “À, thế thì nếu chiên đó không cất được tội lỗi của ông, thì tại sao Đức Chúa Trời đã yêu cầu ông mang nó đến?” Câu trả lời của A-bên lúc đó có thể như thế này: “Con chiên nhỏ này chỉ về một Đấng sẽ đến sau, tức là hạt giống của một người đàn bà, ấy là mẹ tôi. Đấng ấy sẽ cất đi mọi tội lỗi của hết thảy chúng ta. Vậy nên tôi mang đến chiên con này bằng niềm tin của tôi, đồng thời cũng nhận biết rằng tôi chỉ là một tội nhân và tôi phải cần một Đấng nào đó giúp tôi.” Các bạn thấy đó, A-bên đang trông đợi một Đấng sẽ đến sau.

          Giăng Báp-tít không chỉ nói: “Hãy ăn năn, vì Nước Thiên đàng đã đến gần” nhưng cũng nói: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Vậy, Giăng đã nhận biết rõ Ngài. Trước khi Đấng Christ đến trên thế gian này thì con người đã đến cùng Đức Chúa Trời để được cứu theo điều kiện của Ngài là dựa vào đức tin. Họ đã được Đức Chúa Trời tha thứ tội dựa trên căn bản về sự chết của Đấng Christ. Trong Kinh Thánh Cựu-Ước, Đức Chúa Trời đã không hề cứu chuộc một ai dựa trên căn bản Luật-pháp. Trọng tâm của hệ thống Luật-pháp Môi-se là hệ thống sinh tế. Người ta mang một con chiên đến để dâng lên cho Đức Chúa Trời, bởi vì Luật-pháp đã chỉ ra rằng họ đã vi phạm Luật-pháp, không vâng theo mạng lịnh của Ngài, thế nên họ cần phải có một sinh tế đặng chết thay cho tội lỗi của họ. Luật-pháp đã được ban bố “hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời ” (Rô-ma 3:19).

          Các bạn thân mến, các bạn và tôi đều là những kẻ vi phạm Luật-pháp, chúng ta là những tội nhân cần đến một Cứu Chúa chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Điều chúng ta cần phải làm, ấy là hãy mau tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình, trước khi Ngài đến với cương vị là Đấng Chủ tể vũ trụ này, và trở thành vị Quan án để xét đoán chúng ta.

          Bây giờ xin chúng ta hãy trở lại với câu Kinh Thánh mà chúng ta đang xem xét, “Tin Lành này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” Điều này không có nghĩa rằng khi Hội Thánh còn ở trên đất thì sự cuối cùng sẽ không thể đến, cho tới khi nào Tin Lành ân điển của Đức Chúa Trời được giảng ra khắp đất. Tôi biết có nhiều người áp dụng câu Kinh Thánh này để cổ động cho các chương trình giảng dạy Kinh Thánh. Trong khi việc đem Tin Lành đến khắp đầu cùng đất là việc rất được tán dương, nhưng đây chẳng phải là câu Kinh Thánh đem áp dụng để cổ động cho nó. Các bạn thân mến, như các bạn đã biết, việc giải nghĩa Kinh Thánh dựa trên văn mạch của nó là điều rất quan trọng. Các bạn hãy nhớ rằng, Chúa Giê-xu đang trả lời câu hỏi: “Có điềm gì chỉ về ngày tận thế?” Ngài đang nói đến thời gian cuối cùng.

      CƠN ĐẠI NẠN CÙNG VỚI SỰ KHỐN KHÓ VÀ PHIỀN NÃO.

      Bây giờ Chúa Giê-xu tỏ cho môn đồ các dấu hiệu chỉ về thời kỳ này.

      Ma-thi-ơ 24:15 Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý),

          Sự gớm ghiếc tàn nát ấy là gì? Tiên tri Đa-ni-ên đã nói về hai sự kiện trong số đó. Một trong hai sự kiện đó chỉ về việc Antiochus Epiphanes từ xứ Sy-ri đã tràn đến và tiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem. Trong Đa-ni-ên 11:31 chúng ta đọc thấy: “Những quân lính của người mộ sẽ dấy lên, làm ô uế nơi thánh cùng đồn lũy, cất của lễ thiêu hằng dâng, và lập sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu.” Lịch sử đã chép lại sự kiện Antiochus Epiphanes tiến đánh Giê-ru-sa-lem vào năm 170 Trước Công Nguyên, lúc ấy có đến trên một trăm ngàn người Do Thái bị tàn sát. Hắn đã cất đi của lễ thiêu hằng dâng khỏi đền thờ, đặt huyết và nước canh thịt heo lên bàn thờ, dựng một hình tượng Ju-pi-ter đặng thờ lạy tại nơi thánh.

          Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, Chúa chúng ta đang đề cập đến sự gớm ghiếc tàn nát thứ hai mà tiên tri Đa-ni-ên đã ám chỉ đến (Đa-ni-ên 12:11). Tôi tin rằng sự kiện này sẽ là hình ảnh của An-ti-christ (kẻ chống lại Đấng Christ) sẽ được lập nên nơi đền thờ. Trong thời kỳ đại nạn, đền thờ sẽ được xây dựng lại và quốc gia Y-sơ-ra-ên lại trở về xứ Pha-lét-tin. Rõ ràng Chúa chúng ta đang nói về đền thờ chớ không nói về Hội Thánh, bởi vì nhà thờ không có nơi thánh. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể xác quyết rằng đây chính là sự gớm ghiếc tàn hại mà Chúa Giê-xu đề cập đến trong phân đoạn này, mà đây chỉ là sự ước đoán của chúng ta mà thôi.

          Tôi chẳng hề chờ đợi về sự tàn hại gớm ghiếc đó chút nào cả – giả sử nếu tôi gặp nó trên đường phố đi nữa thì tôi cũng sẽ không biết – nhưng những người trong ngày cuối cùng đó sẽ tìm kiếm, bởi vì nó sẽ là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ đang ở trong thời kỳ đại nạn. Thay vì chờ đợi An-ti-christ và sự tàn hại gớm ghiếc của nó xảy ra, chúng ta được Chúa bảo hãy nên “chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Giê-xu Christ ” (Tít 2:13)

          Chúa chúng ta có phán rằng: “Ai đọc phải để ý” điều này có ý nói rằng những ai đang sống vào thời kỳ ấy, nên để ý. Các bạn và tôi sẽ không ở vào thời gian đó, nên Ngài đã không cho chúng ta thêm nhiều chi tiết khác.

          Bây giờ chúng ta lại thấy một từ ngữ chỉ thời gian khác nữa. Khi sự gớm ghiếc tàn hại đó xuất hiện, “thì” hoặc “sau đó”

          Ma-thi-ơ 24:16 thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi;

          Các bạn và tôi sẽ không trông mong để trốn lên những ngọn núi xứ Giu-đê. Cũng có nhiều người cho rằng, nếu trong thời kỳ đại nạn đó mà bom nguyên tử nổ ra, thì ai ở gần ngọn núi nào hãy mau mau chạy lên ngọn núi gần nơi mình ở nhất, khi nói như vậy thì họ đã không hiểu trọn vẹn lời tiên tri này của Chúa chúng ta. Thật ra, chẳng hề có bất cứ điều gì liên quan đến các bạn và tôi, đúng hơn lời tiên tri này chỉ liên quan với những người lúc đó đang ở tại xứ Giu-đê mà thôi. Lời tiên tri này được ban cho những người đó, chớ không phải ban cho chúng ta.

         Ma-thi-ơ 24:17  ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của cải trong nhà;

         Nóc nhà ở xứ Pha-lét-tin tương tự như căn gác xếp sát mái nhà của người Việt Nam chúng ta mà thôi. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng, ở đây Chúa chúng ta đang phán với những người trong xứ Pha-lét-tin, chứ không phải cho chúng ta. Lời cảnh báo này không áp dụng cho chúng ta, chúng ta không nên phí thì giờ ở trên các căn gác xếp đó làm gì.

          Ma-thi-ơ 24:18  và ai ở ngoài ruộng, đừng trở về lấy áo mình.

          Câu này có liên quan với những người bận bịu trong công việc đồng  án. Nếu một người đang làm việc trên cánh đồng mà đã để chiếc áo khoác của mình nơi cuối bờ ruộng, thì khi nghe nói rằng sự gớm ghiếc tàn hại đó vừa mới xảy ra, người ấy chớ quay lại mà nhặt lấy chiếc áo khoác kia, nhưng hãy mau mau mà chạy thoát thân cho nhanh.

          Ma-thi-ơ 24:19 Đang lúc đó, khốn khó thay cho đờn bà có mang, và đờn bà cho con bú!

      Câu này nói lên sự quan tâm lớn lao của Chúa liên quan đến các người mẹ và trẻ con. Đó sẽ là một thời kỳ mà người ta không nên có con nhỏ.

          Người ta tin rằng sẽ có một sự gia tăng dân số lớn lao vào lúc bắt đầu cơn đại nạn đó – Sự thật là ngày nay thế giới chúng ta tràn ngập dân số và có thể là một sự kiện khác nữa, như vậy khi chúng ta gần đến thời kỳ cuối cùng.

          Ma-thi-ơ 24:20 Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát;

          Một lần nữa câu Kinh Thánh này cho thấy rằng những người được đề cập đến ở đây là những người tuân giữ ngày Sa-bát, tức ngày thứ bảy. Đây là một bằng chứng nữa nói lên rằng Đấng Christ đang nói trực tiếp với người Do Thái. Tôi không đi nhà thờ vào ngày Sa-bát, nhưng đi vào ngày Chúa Nhật, bởi vì Chúa Giê-xu từ cõi chết sống lại vào ngày đó.

          Ma-thi-ơ 24:21  vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.

          “Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn” – trong Khải-huyền 7:14, được dịch theo nghĩa đen là “Cơn hoạn nạn đó là cơn hoạn nạn lớn lao.” Nói một cách khác, cơn hoạn nạn này là duy nhất, chưa từng có sự kiện nào giống như vậy trong lịch sử thế giới và cả trong tương lai cũng sẽ chẳng có cơn hoạn nạn nào giống như vậy. Chúng ta cũng hãy để ý rằng Chúa Giê-xu là Đấng đã đặt tên cho thời kỳ cuối cùng là hoạn nạn.

          “Đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau này cũng không hề có nữa.” Xin các bạn hãy tin tôi đi, điều ấy chắc chắn có thật và nhiều người sẽ biết điều ấy khi cơn hoạn nạn xảy ra trên đất này. Tôi có nghe người ta nói rằng, ngày nay trong Hội Thánh đang trải qua thời kỳ đại nạn, và họ dường như không hiểu nó sự nghiêm trọng đến mức nào. Cũng có một số người nói rằng, trong thời đại ngày nay chúng ta đang ở trong thời kỳ đại nạn. Thật sự, ngày nay có quá nhiều điều tồi tệ, tôi cũng công nhận như vậy, nhưng thời kỳ này có thể cũng tương tự như nhiều thời kỳ khác trong lịch sử mà thôi. Khi nào cơn đại nạn xảy ra trên đất này, sẽ chẳng có gì tương tự với nó, cho dẫu trong thời quá khứ hay trong thời tương lai.

          Ma-thi-ơ 24:22 Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các ngươi được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.

          Chúng ta đọc thấy trong Khải-huyền nói rằng, trong thời kỳ đại nạn một phần ba số dân trên trái đất sẽ bị tiêu diệt. Một chỗ khác nói rằng một phần tư dân số trên thế giới bị tiêu diệt. Điều này xảy ra duy nhất một lần mà thôi. Chúng ta hãy xem kỹ sự đối chiếu được chép trong Khải-huyền đoạn 6, con ngựa chiến tranh sắc hồng, con ngựa ô đói kém, và rồi đến con ngựa tử thần vàng vọt sẽ cùng tiến đến trong thời kỳ đó. Thế rồi dân số trên thế giới sẽ bị giảm thiểu nhiều. Đã có một thời người ta cho rằng, dường như điều đó chỉ là sự phóng đại mà thôi. Thậm chí có những nhà phê bình đứng đắn cũng đã cho rằng đó chỉ là phương pháp hành văn khoa đại, nói quá mức. Tuy nhiên, vì ngày nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã có bom nguyên tử, có khả năng hủy diệt dân số thế giới, do đó ý nghĩa của Kinh Thánh nêu trên không còn được xem là phóng đại nữa.

          Dầu vậy trong câu này cũng có chứa đựng một niềm an ủi – “song vì cớ những người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.” Đức Chúa Trời sẽ không để cho nhân loại phải đi vào con đường tự diệt vong, do đó chính là lý do tại sao mà những ngày đại nạn sẽ được thu ngắn lại.

  CHÚA GIÊ-XU XÁC QUYẾT VỚI CÁC MÔN ĐỒ VỀ VIỆC TRỞ LẠI CỦA NGÀI

          Bây giờ, chúng ta sẽ đến phần nói về dấu hiệu báo sự trở lại của Ngài,

          Ma-thi-ơ 24:23-25

  23  Khi ấy, nếu có ai nói với các ngươi rằng: Kìa Đấng Christ ở đây hay là: Ở đó, thì đừng tin. 24  Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn. 25  Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi.

          Xin các bạn đừng nên bỏ qua những gì mà Chúa đang phán ở đây. Khả năng để làm các phép lạ ngày nay nên được xem là rất đáng ngờ vực, bởi vì kẻ làm phép lạ lớn lao sắp tới sẽ không phải là Đấng Christ, nhưng chắc hắn lại là An-ti-christ và tiên tri giả của hắn mà thôi.

          “Nếu có thể được thì chúng cũng đến dỗ dành những người được chọn.” Ai là những người được chọn? Kinh Thánh cho chúng ta biết có hai nhóm người được chọn: dân tộc Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh. Chúng ta hãy dùng ý thức phổ quát để xem xét nhóm nào được nói đến ở đây. Nhóm nào mà Chúa Giê-xu đang nói đến thời điểm này? Đó là Y-sơ-ra-ên. Đúng vậy, dân tộc Y-sơ-ra-ên là người được chọn trong ý nghĩa câu Kinh Thánh này. Chúa Giê-xu không đề cập đến Hội Thánh trong câu này. Các bạn có thể lừa phỉnh một số người nào đó trong một ít thời gian. Nhưng chắc chắn các bạn không thể nào lừa phỉnh con cái Đức Chúa Trời suốt cả mọi thời gian. Điều đó không thể nào thực hiện được. Tôi có nhiều bằng cớ để minh chứng cho điều này. Có nhiều người trước đây đã nghe sự dỗ dành nên đã đi theo một số tà giáo lầm lạc, sau khi nghe giảng về Kinh Thánh trên ra-dô mấy tháng, họ đã quay bỏ tà giáo lầm lạc đó mà trở về cùng Chúa, cùng Hội Thánh chân chánh. Chẳng thể nào lừa dối con cái Chúa mãi mãi được. Rồi đến ngày nào đó, họ cũng sẽ rời bỏ tà giáo lầm lạc ấy mà thôi.

          Ma-thi-ơ 24:26-27

26  Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Nầy, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; nầy, Ngài ở trong nhà thì đừng tin. 27 Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con người đến sẽ cũng thể ấy.

          Đến ngày Chúa Giê-xu trở lại, sẽ chẳng cần Giăng Báp-tít đi trước để loan báo tin này nữa. Khi Ngài đến, tất cả mọi người trên thế giới này đều biết rõ, vì việc này lan rộng khắp nơi và truyền nhanh như sấm chớp. Khi cơn bão sấm chớp đó xảy ra thì ai cũng đều biết cả, và đôi khi nó cũng là một diễn biến đáng hãi hùng. Lần trở lại thứ hai của Chúa Giê-xu trên đất này cũng sẽ giống như vậy. Sự báo trước trở nên không cần thiết cho bất kỳ một ai cả. Khi Chúa Giê-xu trở lại lần thứ hai đặng thiết lập vương quốc của Ngài trên đất này thì tất cả mọi người đều được biết rõ. (Xin các bạn hãy nhớ rằng sự đến lần thứ hai của Ngài trên đất này không giống với lúc Hội Thánh cất lên).

           Ma-thi-ơ 24:28  Nơi nào có xác chết, thì những chim ó sẽ nhóm tại đó.

          Đây là câu Kinh Thánh khó hiểu nhất trong toàn thể Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve. Sau khi Ngài giảng cho các môn đồ về sự trở lại đầy vinh hiển của Ngài như sấm chớp phát ra từ trời, rồi Ngài lại nói về các thứ chim ăn xác chết thì dường như thật hết sức lạ lùng. Nhưng tôi tin rằng điều này có liên hệ đến việc trở lại của Đấng Christ để phán xét thế gian, vì trong Khải-huyền đoạn 19 có cho chúng ta biết về một lời mời gọi đối với loài chim, hãy tụ lại đặng hưởng tiệc lớn của chúng. Khải-huyền 19:17-19

   17  Tôi thấy một vị thiên sứ đứng trong mặt trời. Người cất tiếng lớn kêu các chim chóc bay giữa không của trời, mà rằng: Hãy đến, bay hãy nhóm họp lại để dự tiệc lớn của Đức Chúa Trời, 18  hãy đến ăn thịt các vua, thịt các tướng, thịt các dũng sĩ, thịt ngựa cùng kẻ cỡi ngựa, và thịt của mọi người, tự chủ và tôi mọi, nhỏ và lớn. 19  Tôi lại thấy con thú và các vua thế gian cùng những quân đội mình nhóm lại đặng tranh chiến với Đấng cỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài.

   Loài chim ăn xác chết dường như là tác nhân hay phương tiện thực hiện cho sự phán xét của Chúa. Khi Chúa Giê-xu trở lại lần nữa trên thế gian này, Ngài sẽ đến với sự phán xét trong đại quyền, đại vinh của Ngài.

    Các bạn thân mến, lời tiên tri của Chúa Giê-xu báo trước sẽ có đại nạn trong ngày cuối cùng, tôi mong ước là các bạn hãy tìm nơi ẩn náu an toàn cho đời sống của mình, đó là tin nhận Chúa Giê-xu và ở trong sự bảo vệ của Ngài.

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Tỉnh An Giang Lần Thứ 24
Bài tiếp theoKhông Chịu Quay Đầu – 21/6/2018