Bài 88: Lòng Thương Xót 

5133

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

MA-THI-Ơ 18

Chúng ta tìm hiểu đến Ma-thi-ơ đoạn thứ 18, nội dung chính trong đoạn này nói về: con trẻ, chiên bị lạc mất, cách cư xử trong Hội Thánh, và ẩn dụ về sự tha thứ.

          Trong vài đoạn kế tiếp, có vẻ không đưa diễn tiến hoạt động của sách Tin Lành Ma-thi-ơ xa hơn nữa, nhưng chúng lấp đầy những góc tối nổi lên, bởi sự chuyển hướng trong nước thiên đàng, vì cớ có sự chối bỏ vị Vua. Những ẩn dụ mầu nhiệm trong đoạn 13 cho chúng ta biết những nét chung của nước thiên đàng trong thời đại này, nhưng cũng còn những câu hỏi cần được trả lời. Những đoạn kế tiếp ở đây rất hữu ích để trả lời nhiều câu hỏi trong số những câu hỏi đó.

          Đoạn Kinh Thánh này giúp chúng ta biết được rằng, sự sanh lại là điều cần thiết để vào nước thiên đàng.

  CON TRẺ TRỞ NÊN TIÊU ĐỀ BÀI HỌC

  Ma-thi-ơ 18:1 Trong lúc đó, môn đồ lại gần Đức Chúa Giê-xu, mà hỏi rằng: Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng?

   Không biết các bạn có khám phá ra dấu hiệu của tham vọng thế tục ở đây không? Có thể là tôi có ý phê phán đó, nhưng tôi thấy là các môn đồ đang nói với chủ ý này. Có thể là hai hoặc ba người trong bọn họ cảm nhận rằng, họ xứng đáng được kể là lớn nhất trong nước thiên đàng. Vì vậy, Chúa đã làm một điều cảm động.

  Ma-thi-ơ 18:2 Đức Chúa Giê-xu gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ,

  Điều này nói gì với chúng ta? Nó cho chúng ta biết là đứa trẻ đến với Chúa không một chút do dự. Trong Mác 10:14 Chúa phán: ‘Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó.’ Vấn đề không phải là việc đem con trẻ đến với Ngài, nhưng vấn đề là chấm dứt việc người lớn cản trở con trẻ đến với Ngài. Chúng ta có ở đây một hình ảnh yêu thương. Chúa của chúng ta tiếp nhận những đứa trẻ này và đặt nó trong vòng các môn đồ.

 Ma-thi-ơ 18:3 mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

 Đây là một câu Kinh Thánh từng bị lợi dụng và hiểu lầm. Cần nhớ là Chúa Giê-xu đang nói về sự biến đổi, chứ không phải sự đi ngược trở lại. Một số người cho rằng câu này có nghĩa là các bạn phải trở lại như một đứa trẻ theo một khuôn mẫu không bình thường, hay các bạn phải trở nên trẻ thơ trong cách hành xử của mình để có thể vào nước thiên đàng. Chúa không nói về việc trở lại thành một con trẻ như ngày trước đây, nhưng nói về việc tiến đến một đời sống mới. Ở đây, Chúa lý giải với cách suy nghĩ của các môn đồ bằng cách đổi hướng chú trọng của họ, từ chủ đề nắm giữ một vị trí được tôn cao trong nước thiên đàng sang một chủ đề chính yếu, đó là trước nhất cần biết chắc đường vào nước thiên đàng. Điều căn bản này được Chúa Giê-xu nói trong Giăng 3:3: ‘Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.’ Điều quan trọng được nhấn mạnh trong câu này là sự sanh lại. Các bạn phải trở nên một đứa trẻ trong ý nghĩa của sự sanh lại. Khi các bạn được tái sanh là khi các bạn bắt đầu một đời sống như là một con trẻ về mặt thuộc linh.

          Rất tiếc thay là có nhiều người không nhận biết đời sống thuộc linh thiếu trưởng thành của họ. Khi tôi còn chăm sóc một Hội Thánh lớn ở thành phố, các bạn phải ngạc nhiên về số lượng yêu cầu của những người gọi là ‘mới tin nhận’ muốn đến làm chứng. Tôi cảm thấy nó cũng như những lời tranh luận của các môn đồ về việc ai sẽ là người lớn nhất trong nước thiên đàng. Chúa của chúng ta nói rằng, nếu các bạn đã được biến đổi, hãy suy nghĩ đến tuổi thuộc linh của mình. Các bạn phải trở nên một con trẻ. Có thể nào một đứa trẻ đứng dậy và nói ngay một bài làm chứng? Có thể nào một đứa trẻ là một chức viên trong Hội Thánh? Khi kể ra những phẩm chất của chức vụ lãnh đạo trong Hội Thánh, Phao-lô không liệt kê người mới tin đạo vào: ‘Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng. (I Ti-mô-thê 3:6). Tôi nghĩ là Chúa đang nói điều như vậy ở đây.

 Ma-thi-ơ 18:4 Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng.

 Khi các bạn trở lại với sự nhấn mạnh về đường vào nước thiên đàng là sự tái sanh, các bạn thấy người khiêm nhường như một con trẻ là người lớn nhất trong nước thiên đàng.

  Ma-thi-ơ 18:5-6 Hễ ai vì danh ta (Chúa Giê-xu) chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta. Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn.

  Chúa Giê-xu cảnh cáo về sự làm cho trẻ em sa vào tội lỗi với một lời rất nghiêm trọng. Chúa nói là ai làm cho đứa trẻ tin Ngài sa ngã, thì chính người gây cho đứa bé sa ngã sẽ bị cột vào cối đá mà quăng xuống biển.

  Theo tôi, điều Chúa làm trong phân đoạn này là đặt việc chứng đạo cho các con trẻ thành một mạng lệnh thánh. Ngài đặt ưu tiên cao cho việc đem các con trẻ đến với Đấng Christ. Tôi ca ngợi bất cứ ai đang làm việc với các trẻ em. Không có gì quan trọng bằng việc đó.

          Có một câu chuyện về ông Dwight L. Moody. Một buổi tối kia, sau buổi nhóm truyền giảng, ông về nhà. Gia đình ông hỏi, có bao nhiêu người tin Chúa trong tối hôm nay. Ông nói: ‘Có hai người rưỡi.” Gia đình ông hỏi: ‘Ồ, có phải là có hai người lớn và một trẻ em tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa phải không?’ Ông Moody trả lời: ‘Không, không phải, hai trẻ em và một người lớn.’ Ông nói tiếp: ‘Người lớn là một ông cụ. Ông ta chỉ có một nửa cuộc đời để dâng hiến. Ông ta là một nửa.’ Các trẻ em quan trọng hơn.

          Nhiều năm trước đây, vị mục sư của một Hội Thánh tỉnh lớn thông báo từ chức. Các chấp sự hỏi ông tại sao. Ông trả lời: ‘trong cả năm vừa qua tôi chỉ có được một người tin nhận Chúa là Bá-Ân. Và sau đó Bá-Ân là người mở đường cho công cuộc truyền giáo ở vùng cao nguyên. Năm đó là năm lớn nhất mà vị mục sư đó có được. Trong những câu Kinh Thánh này, Chúa đặt sự nhấn mạnh rất lớn đến các con trẻ.

   Ma-thi-ơ 18:7-8 Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội!  Nếu tay hay là chơn ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, hãy chặt và ném nó cho xa ngươi đi; vì thà ngươi què chơn hay là cụt tay mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chơn mà bị quăng vào lửa đời đời.

  Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì nặng hơn điều này!

  Ma-thi-ơ 18:9-10 Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục. Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời.

  Chúa của chúng ta nói rằng, chúng ta đừng khinh dể một đứa nào trong các con trẻ. Khi một đứa trẻ trong bọn chúng qua đời, linh hồn của nó đến ngay với Chúa. Tất cả các con trẻ được đến nước thiên đàng đấy các bạn. Nếu các bạn đã có mất một đứa con nhỏ, các bạn hãy biết điều này và sẽ có được sự an ủi rất lớn. Chúng nó đi đến nước thiên đàng, không phải vì chúng vô tội hay vì do chúng là thuộc về các bạn, nhưng vì Chúa Giê-xu đã chết cho chúng. Đó là điều Chúa nói ở đây: ‘Đừng làm chúng sa vào tội lỗi, đừng khinh dể chúng. Hãy để chúng đến với Ta. Dầu chúng nó chết, linh hồn của chúng nó đang ở nơi Cha ta hiện diện.’ Có rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng về tình trạng đời đời của các con nhỏ của họ.

          Vua Đa-vít đã biết về điều này. Khi con trai của ông với bà Bát-sê-ba bị bệnh, ông cố làm hết sức cho sự sống của đứa trẻ. Chúng ta thấy sự ghi chép về điều này trong II Sa-mu-ên 12:15-23. Ông kiêng ăn, khóc lóc, và nằm dưới đất cả đêm. Nhưng khi đứa trẻ đã chết, ông đứng dậy, tắm rữa, thay y phục, và vào đền thờ, thờ lạy Đức Chúa Trời. Các tôi tớ của ông kinh ngạc bởi những hành động như vậy. Và Đa-vít giải thích: ‘Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩ rằng: Nào ai biết, có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng. Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta.’ Đa-vít có sự tin cậy là một ngày kia ông sẽ ở cùng với đứa con mình. Đây là một lẽ thật rất quí giá. Nhiều người có con nhỏ qua đời. Tôi cũng mất đứa con nhỏ đầu lòng. Nhưng một ngày kia, một ngày mai vàng son, tôi sẽ ở đó trong nước thiên đàng, và tôi sẽ thấy đứa con nhỏ của tôi. Cháu đã được cứu. Tôi còn hai đứa con. Đứa kia ở trên nước thiên đàng. Hai đứa đang ở đây trên đất. Tôi phải thú nhận là tôi lo lắng cho các con đang ở trên đất này hơn là cho đứa đang ở trên thiên đàng. Tôi biết rõ nơi đứa đầu lòng ở đâu, và một ngày kia tôi sẽ đến với cháu.

          Thật là quan trọng để chú ý cảm xúc của Chúa Giê-xu về các con trẻ, đặc biệt trong thời của chúng ta khi có quá nhiều tội ác phạm đến các con trẻ này. Mới đây, tôi đọc tin tức về một người mẹ và người cha ghẻ bỏ một bé gái dọc đường xa lộ. Thật là kinh khủng khi đọc một tin tức như vậy. Họ chỉ muốn vứt bỏ cháu bé cho khuất mắt. Có một số người tin rằng không có hỏa ngục. Nhưng tôi muốn nói điều này: Nếu không có hỏa ngục, phải có một điều gì đó dành cho những kẻ như vậy! Chúa của chúng ta đã dùng lời lẽ mạnh nhất có thể có được, để cảnh giác chúng ta về những tội phạm nghịch với các con trẻ.

  ẨN DỤ VỀ MỘT CON CHIÊN BỊ LẠC

  Bây giờ, Chúa chuyển đến câu chuyện ẩn dụ lạ lùng về một con chiên bị lạc.

   Ma-thi-ơ 18:11   Vì Con người đã đến cứu sự đã mất.

   Ẩn dụ này khác với ẩn dụ về con chiên bị lạc trong Lu-ca 15. Chữ chìa khóa của ẩn dụ này là ‘cứu rỗi.’ Trong Lu-ca 15 nhấn mạnh về ý nghĩa ‘việc tìm’ kẻ bị lạc. Trong Ma-thi-ơ 18, đó là ‘việc cứu’ kẻ bị lạc.

  Ma-thi-ơ 18:12-13 Các ngươi tưởng thế nào? Nếu người nào có một trăm con chiên, một con bị lạc mất đi, thì há chẳng để chín mươi chín con lại trên núi, mà đi kiếm con đã lạc mất sao? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu người kiếm lại được, thì lấy làm vui mừng về con đó hơn chín mươi chín con không lạc.

  Hãy chú ý cách Ngài kết thúc. Dòng suy tư của Ngài vẫn trong ý chữ ‘những con trẻ bé nhỏ.’

  Ma-thi-ơ 18:14 Cũng một thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư mất.

  Ngài sẽ chăm sóc chúng cho đến khi chúng đến tuổi ý thức trách nhiệm. Nhưng các bạn, các phụ huynh có trách nhiệm dẫn dắt chúng đến với Đấng Christ. Tôi lo sợ là hệ thống trường học của chúng ta đang dùng cho con em của chúng ta theo những triết lý nhân bản. Những người trẻ đang phải trả một giá kinh khủng trong học đường hiện nay. Các bạn ơi, chúng ta có một trách nhiệm rất lớn trước mặt Chúa trong lãnh vực này.

  KHUÔN MẪU CHO CÁCH CƯ XỬ TRONG HỘI THÁNH

  Ma-thi-ơ 18:15 Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.

  Nếu người đó phạm tội nghịch với các bạn, các bạn phải đến với người đó. Câu này nói về tội phạm bởi một người tin Chúa. Trách nhiệm thuộc về người bị thương tổn là phải đến với anh em của mình, người đã xúc phạm mình chứ không phải là ngược lại.

  Ma-thi-ơ 18:16-17 Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.

  Có một số người thích để chuyện rắc rối âm ĩ và che giấu nó. Đó không phải là cách giải quyết mà Chúa nói với chúng ta. Nếu có một vấn đề giữa hai người tin Chúa, nó phải được giải quyết trong tình yêu thương, hòa dịu và kín đáo. Nếu những cá nhân không thể giải quyết được, phải đem ra trong nhóm. Nếu trong nhóm không thể giải quyết được, giải pháp cuối cùng là đem đến Hội Thánh là nơi có thẩm quyền sau hết. Chúa kết luận vấn đề như sau:

   Ma-thi-ơ 18:18   Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.

 Chúng ta đã học về bối cảnh của câu Kinh Thánh này trong Ma-thi-ơ 16:19,  nếu chúng ta cầm giữ Lời Chúa, chúng ta ‘buộc dưới đất.’ Nếu chúng ta chia sẻ Lời Chúa với nhau, chúng ta ‘mở dưới đất.’

 Ma-thi-ơ 18:19-20 Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.

  ‘Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi.’ Có phải là Ngài nói rằng, nếu chúng ta đồng ý với nhau về bất cứ việc gì thì Ngài sẽ nghe chúng ta không? Đúng. Nhưng hãy ghi chú điều kiện: ‘Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại.” Ngài sẽ nghe bất cứ điều cầu xin nào dâng trình lên trong danh của Ngài. Có nghĩa là điều mà chính Ngài cũng mong muốn. Hay chúng ta có thể nói rằng, cầu xin trong danh của Ngài là cầu xin trong ý chỉ của Ngài.

   ‘Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ’ là hình thức đơn giản nhất của tổ chức Hội Thánh. Như câu 19 là nền tảng mới cho sự cầu nguyên, câu 20 là nền tảng mới cho Hội Thánh hữu hình. Hội Thánh đầu tiên đã bắt đầu từ đó: ‘Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.’ (Công-vụ 2:42)

   ĐIỀU LUẬT MỚI VỀ SỰ THA THỨ

  Ma-thi-ơ 18:21 Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Giê-xu mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?

  Phi-e-rơ nghĩ là ông rất rộng lượng khi ông nói điều này, vì hai hoặc ba lần là số lần mà các bạn có thể tha thứ theo như lời dạy của các bậc thầy dạy luật của dân Do Thái. Phi-e-rơ đã sẳn sàng tha thứ đến bảy lần. Nhưng sự rộng lượng của Phi-e-rơ chỉ là một sự nhỏ nhoi so với điều định luật mới của Chúa Giê-xu.

  Ma-thi-ơ 18:22    Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

  Đó là 490 lần! Đến lúc đó, mọi chuyện có thể giải quyết ổn thỏa. Nếu không, cả hai người cũng đến lúc tuổi già, tới mức đó không còn gì để tính chuyện nữa! 490 lần là mức rất cao, và đó là điều Chúa Giê-xu đặt ra.

  Ma-thi-ơ 18:23-26 Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chơn chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết!

  Tôi đoán là người chủ muốn người đầy tớ trả góp từ từ.

  Ma-thi-ơ 18:27 Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho.

 Tôi nghĩ là Chúa đang dùng một hình ảnh kỳ lạ ở đây để chứng tỏ điều Ngài đặt ra. Số tiền người đầy tớ này thiếu nợ chủ là vào khoảng 12 triệu đô-la (đó là tôi tạm ví sánh). Đó là một số tiền rất lớn để tha nợ một người nào đó!

   Ma-thi-ơ 18:28   Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta!

          ‘Một trăm đơ-ni-ên’ bằng khoảng 17 đô-la (đó chỉ là mức tạm ví sánh). Hãy so sánh số đó với nợ 12 triệu đô-la.

   Ma-thi-ơ 18:29-35

   Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ.  Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra.  Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.

  Ẩn dụ về người đầy tớ được tha thứ, nhưng không tha thứ kẻ khác giải bày nguyên tắc của sự tha thứ. Đoạn Kinh Thánh hôm nay trình bày một nguyên tắc mới. Nhưng nó không hoàn toàn là nền tảng căn bản về sự tha thứ cho người tin nhận Chúa, mà nó được đặt ra trong thư Ê-phê-sô 4.32: ‘Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.’ Bởi vì Chúa đã tha thứ tội lỗi của chúng ta nên chúng ta phải tha thứ người khác. Nếu Chúa tha thứ chúng ta theo cách chúng ta tha thứ thì không một ai trong chúng ta có thể được tha thứ. Nhưng sau khi chúng ta đã trở nên con cái của Chúa rồi, bởi vì chúng ta được tha thứ nên chúng ta phải tha thứ. Đó là nguyên tắc cư xử của Cơ-đốc nhân.

  Các bạn thân mến, các bạn có bao giờ nhận được sự tha thứ chưa? Sự tha thứ từ nơi Chúa hay sự tha thứ nơi người xung quanh. Nếu các bạn kinh nghiệm được sự tha thứ thì xin hãy tha thứ anh em mình khi họ phạm tội với chúng ta. Dân tộc Việt Nam của chúng ta đã trải qua bao nhiêu thù hận chồng chất, xin Chúa cho chúng ta thực hành sự tha thứ. Tôi chắc rằng khi các bạn tha thứ nhau thì chính các bạn sẽ được phước hạnh và người mà các bạn tha thứ cũng thấy nhẹ nhàng. Sự tha thứ nối kết tình người và đem lại nguồn vui.

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Quảng Nam Tháng 11/2017
Bài tiếp theoKỷ Luật – 10/11/2017