Bài 86: Những Nguyên Tắc Liên Quan Đến Công Việc Chúa (TT)

2646

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Chúng ta đã tìm hiểu nhiều nguyên tắc để nhận định đâu là công việc của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc cuối cùng được trình bày là công việc Chúa được thực hiện bởi những người thật sự tin Chúa và theo Chúa. Những người không tin không có phần gì trong công việc của Đức Chúa Trời. Đây là một trong những lý do vì sao Hội Thánh ngày nay lại quá yếu ớt.

 

Một trong những yếu điểm của Hội Thánh là bị pha trộn lẫn lộn giữa thật với giả. Xét cho đến cùng thì hầu như không thể nào có một Hội Thánh mà không có sự pha trộn. Chúa Jêsus đã nói tiên tri về điều nầy trong ví dụ về cỏ lùng và lúa mì. Câu hỏi được đặt ra là có nên nhổ cỏ lùng không?  Kinh Thánh trả lời, “Không, vì ngươi không thể phân biệt giữa cỏ lùng và lúa mì cho đến mùa gặt.” Cỏ lùng trông giống như lúa mì. Chúa phán, “Hãy để cả hai mọc lên rồi đến ngày ta sẽ phân loại nó ra.” Như vậy tình trạng pha trộn là điều phải xảy ra trong Hội Thánh.

 

Nhưng chính điều đó giải thích vì sao Hội Thánh Chúa lại rất yếu. Nhiều Hội Thánh không hề trắc nghiệm liệu những thành viên là những người tin Chúa thật không, Hội Thánh cũng không nói điều này cho các tín hữu. Những người có chức quyền ngoài xã hội, những người có uy thế, những người có tiền của, những người nổi tiếng thường được Hội Thánh mời đón và chiêu mộ. Họ muốn những người nầy lãnh đạo Hội Thánh cho dầu họ tin Chúa hay không. Một câu hỏi thật quan trọng mà chúng ta đã không nói đến khi một ai đó muốn gia nhập Hội Thánh là, “Ông bà có thật sự tin vào Chúa Jêsus Christ không? Ông bà có tin Chúa Jêsus là Đấng Cứu thế và là Chúa của cuộc đời mình không?” Một khi bỏ qua những câu hỏi nầy chúng ta đã đánh mất cơ hội để xác quyết niềm tin nơi Chúa Cứu thế Jêsus.

 

Nguyên tắc được rút ra từ sách E-xơ-ra là công việc của Đức Chúa Trời phải được thực hiện bởi con dân của Ngài chớ không phải bởi những người tham gia vì nghĩ rằng đó là một việc tốt hoặc đáng làm. Giả sử một người hành nghề đòi hỏi phải quen biết nhiều người, chẳng hạn như một nha sĩ chuyên chỉnh răng. Ông không tin Chúa nhưng cần quen biết với những gia đình có con nhỏ. Ông có thể muốn trở thành người điều hành trường Chúa nhật của một Hội Thánh lớn vì đó là môi trường thuận lợi để ông giao tiếp với các gia đình có con. Điều này sẽ được Hội Thánh nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng như vậy nó đã vi phạm nguyên tắc liên quan đến công việc Chúa mà E-xơ-ra đã trình bày. Điều này giải thích vì sao Chúa Jêsus nói với những người tự xưng là đã đóng góp những việc lớn lao cho Hội Thánh rằng, “Việc của các ngươi chỉ là tội lỗi, các ngươi không có phần chi với ta hoặc với công việc ta.”

 

Nguyên tắc thứ bảy là thế nầy, Đức Chúa Trời là Đấng khởi sự công việc Ngài, là Đấng chỉ dẫn để thực hiện công việc đó, là Đấng cung cấp mọi điều cần thiết để công việc đó được hoàn thành, thì chính Ngài sẽ chiến thắng mọi trở lực chống đối. Nguyên tắc nầy đem lại sự khích lệ lớn lao cho những tôi tớ Chúa trên khắp mọi nơi đang kiên trì đương đầu với sự chống đối vì cớ công việc Chúa. Những người có kinh nghiệm trong đời sống hầu việc Chúa tin rằng một khi Đức Chúa Trời đã khởi sự một công việc nào, Ngài sẽ chỉ dẫn cách để làm công việc đó và chính Ngài sẽ cung cấp mọi điều cần thiết để công việc Ngài được hoàn thành. Ngày nay Chúa có toàn quyền trên mọi trở lực chống đối như thời của E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Phép lạ đó được minh họa trong E-xơ-ra 6:6-8. Khi người Do thái đang tái thiết đền thờ thì kẻ thù nghịch gởi một lá thư lên vua Si-ru nói rằng người Do thái là người có truyền thống nổi loạn. Họ khuyến cáo nhà vua nên đình chỉ công việc xây dựng đền thờ. Những kẻ chống đối nói nhiều điều dối trá và vu khống người Do thái. Bởi đó mà công việc bị đình trệ một thời gian. Nhưng khi người Ba-by-lôn khảo cứu lại lịch sử thì thấy rằng Si-ru đã ban hành một chiếu chỉ và cung cấp vật liệu để xây dựng đền thờ. Vì vậy một lịnh được ban ra là “Không được khuấy rối và chặn đứng việc xây dựng, hãy để họ tái thiết đền thờ.” Nhưng còn hơn thế nữa, hoàng đế nói,

 

Hãy lấy thuế khóa thâu ở bên kia sông, vội cấp phát các tiền chi phí cho những người đó, để công việc chẳng bị dứt chừng.

 

Quí vị có thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời trên những chống đối không?

Một nguyên tắc khác là những người ngoại cuộc chưa tin Chúa sẽ được cứu khi họ xem thấy công việc của Đức Chúa Trời. Trên khung chữ tại nhà của một cụ bà tin kính có dòng chữ nầy, “Hãy nhìn xem công việc của Đức Chúa Trời.” Thật là một ý tưởng rất hay. Có bao giờ quí vị nhìn xem công việc Chúa đang làm không? Có bao giờ quí vị thấy công việc của Ngài được thể hiện hết sức rõ ràng đến nỗi không còn một sự giải thích nào khác không? Khi người khác xem công việc của Đức Chúa Trời được làm qua chúng ta là những người được ví sánh như những chiếc bình đất, họ sẽ nhận biết rằng đó là việc của Đức Chúa Trời vì chúng ta không sao làm được những việc như vậy. Họ sẽ bắt đầu hiểu những gì mà Phao-lô ngụ ý khi ông nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng cội nguồn và động lực của mọi việc và là quyền năng đàng sau những việc mà con dân Chúa đang làm. Nhận thức nầy là bước đầu đưa họ đến ơn cứu rỗi. E-xơ-ra 6:21- 22 ghi lại việc dân ngoại đã hòa nhập với người Giu-đa sau khi họ từ bỏ lối sống cũ để cùng người Giu-đa thờ phượng Chúa và dự lễ vượt qua. Điều này hoàn toàn khác với việc những người không tin trước đây đã đến và yêu cầu để họ dự phần trong việc tái thiết. Hai sự kiện này hoàn toàn khác nhau. Một khi người ngoại được cứu, họ kinh nghiệm được điều mà Tân ước gọi là tái sanh. Họ trở nên dân sự của Ngài và qua họ mà Đức Chúa Trời thi hành chương trình của Ngài.

 

Bây giờ chúng ta bước sang nguyên tắc thứ 9. Công việc Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Lời của Ngài. E-xơ-ra là một gương sáng cho chúng ta. E-xơ-ra định tâm nghiên cứu Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và dạy Lời Chúa. E-xơ-ra là con cháu của Hinh-Kia, người đã khám phá những cuộn Kinh Thánh trong đền thờ vào thời của Giô-si-a. Sự khám phá nầy đã đem lại luồng sinh khí mới khiến nhiều người ham thích Lời Chúa. Khi còn ở xứ lưu đày, E-xơ-ra không thể thi hành chức thầy tế lễ, nhưng không phải vậy mà E-xơ-ra bỏ cuộc và đầu hàng hoàn cảnh. Ông đã cống hiến đời mình để học Lời Chúa, hay nói cách khác ông đã chuẩn bị cho tương lai. E-xơ-ra đã dành ra khoảng phần ba cuộc đời để học hỏi Lời Đức Chúa Trời, sau đó ông dành ra phần tiếp theo để thực hành Lời Chúa và cuối cùng ông trở nên một giáo sư lỗi lạc trong việc giảng dạy Lời Chúa. E-xơ-ra biết đâu là việc của Đức Chúa Trời vì ông biết Lời Ngài. Sứ mệnh dành cho nhóm người hồi hương đầu tiên là tái thiết đền thờ. Sau khi việc nầy đã xong, Chúa muốn Lời của Ngài được rao giảng tại đó. Đây là lý do vì sao E-xơ-ra và những thầy thông giáo khác cùng trở về để thực hiện công tác này. Lần sau cùng do Nê-hê-mi lãnh đạo, họ trở về xây bức tường bao quanh để bảo vệ dân sự khỏi những tấn công và đe dọa từ bên ngoài. Điều nhấn mạnh tại đây là E-xơ-ra đã khám phá ra công việc Chúa vì ông sâu nhiệm trong lời Ngài. Nhiều người ngày nay được kêu gọi để làm những việc vĩ đại của Đức Chúa Trời, và sự kêu gọi của họ bắt nguồn từ chỗ học hỏi Lời Chúa.

 

Một gương sáng trong thời đại hiện nay là Cameron Townsend, người đã khởi xướng phong trào dịch  Kinh Thánh. Do đâu mà ông có ý nghĩ rằng phong trào Wycliffe nên đẩy mạnh và dịch  Kinh Thánh sang mọi thứ tiếng cho mọi dân tộc? Ông Townsend cho biết khi suy gẫm Khải huyền 5:9 là câu nói đến ngày cuối cùng sẽ có những người được cứu thuộc về mọi bộ lạc, mọi dân tộc, mọi thứ tiếng bao quanh ngai trên thiên đàng thì Thánh linh dường như thỏ thẻ với ông rằng, “Làm thế nào để họ được cứu?” Hiển nhiên là họ cần được nghe Tin lành bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Thế nhưng nhiều dân tộc vẫn chưa hề có chữ viết. Cameron nắm lấy khải tượng nầy, ông mang gánh nặng là phải giúp họ có một thứ chữ viết để đọc rồi ông dạy họ và dịch  Kinh Thánh sang thứ tiếng đó. Công việc vĩ đại nầy được phát triển trên khắp thế giới, nó đã xuất phát từ chính Lời của Đức Chúa Trời.

 

Một nguyên tắc khác mang tính chất thực tế. Những gì được ghi lại trong sách E-xơ-ra cũng đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử Hội Thánh, khi công việc của Đức Chúa Trời hoàn tất, Chúa cho phép sự thất bại xảy ra để khẳng định rằng quyền năng của Ngài đã làm nên mọi sư chớ không phải con người. Hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi cho biết sau khi công việc lớn lao của Chúa được hoàn thành, dân sự lại sa ngã. Dân chúng bắt chước thói quen của dân ngoại sống tại đó. Tại sao điều nầy lại có thể xảy ra? Dĩ nhiên không phải luôn luôn như vậy. Nhưng nó thường xảy ra, chẳng hạn những người đã làm những việc lớn cho Đức Chúa Trời như Da-vít, Sam-sôn, Môi-se đã thất bại sau khi hoàn thành xong công việc. Có thể rằng Chúa dùng sự thất bại để dạy rằng Ngài là cội nguồn của mọi việc họ làm, và họ chỉ là những chiếc bình đất mà thôi.

 

Sa-tan cũng là một nguyên nhân khiến những việc đó xảy ra. Nguyên tắc 12 đó là, khi Đức Chúa Trời làm việc qua con người để hoàn thành công việc của Ngài, Sa-tan thường tấn công người đó. Một Mục sư quản nhiệm của một Hội Thánh lớn có dịp nói với các Mục sư Truyền đạo trong dịp hội đồng rằng, “Sau khi Đức Thánh Linh dùng quí vị, hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người khác vì quí vị có thể nói những điều ngớ ngẩn nhất ngay sau một bài giảng đầy ơn.” Mục sư Dick Woodward kể lại rằng nhiều tuần sau khi nghe lời khuyên nầy ông đã giảng một bài giảng rất được ơn. Sau giờ thờ phượng, ông đứng trước cửa để bắt tay và chào những người ra về, trong đó có một cặp vợ chồng trẻ, người vợ đang mang thai. Mục sư nói, “ Tôi nhìn cô và định hỏi, “Có phải anh chị mới đến thành phố nầy không?” vì có nhiều người vừa chuyển nhà đến vùng nầy. Nhưng khi bắt tay, tôi lại nói, “Chào chị, chị có gia đình chưa?” Khỏi phải nói, người vợ trẻ trố mắt kinh ngạc. Và dĩ nhiên sau đó tôi không hề thấy họ trở lại nhà thờ. Thật khôn ngoan nếu tôi nghe theo lời dặn dò của vị Mục sư lão thành kia. Sau khi Đức Thánh Linh dùng quí vị, hãy hết sức thận trọng nhất là trong khi giao tiếp để không nói những điều ngớ ngẩn.

 

Đó là những nguyên tắc liên quan đến công việc Chúa được rút ra từ sách E-xơ-ra. Tóm lại sứ điệp của E-xơ-ra được đúc kết cách đơn giản như thế nầy, “Kế hoạch của Đức Chúa Trời là dùng quyền năng của Ngài, thông qua những người của Ngài nhằm thực hiện mục đích của Ngài y theo chương trình của Ngài.” Quí vị có phải là một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời không? Quí vị có nhận thức rằng mình là phương tiện để quyền năng của Đức Chúa Trời được thể hiện không? Quí vị có hiểu rằng quyền năng của Đức Chúa Trời trong quí vị là nhằm để công việc của Ngài được hoàn tất qua quí vị theo như kế hoạch của Ngài không?

 

 

Bài trướcLễ Khai Giảng Thánh Kinh Căn Bản 2017 Tại Kiên Giang
Bài tiếp theoBài 86: Men Của Người Pha-Ri-Si Và Sa-đu-sê, Phi-e-rơ Xưng Đấng Christ