Bài 81: Các Ẩn Dụ Về Nước Thiên Đàng

9261

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

MA-THI-Ơ 13:1-23

         Chúng ta đến một đoạn Kinh Thánh rất đặc biệt trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ, đề tài chính của đoạn này là:

         Các ngụ ngôn về nước thiên đàng chỉ ra đường hướng của Vương quốc Đức Chúa Trời sau khi dân Y-sơ-ra-ên từ khước, cho đến khi Vua Nước Trời trở lại đặng thiết lập thiên đàng trên đất.      

          Như đã trình bày, Tin lành Ma-thi-ơ có lẽ là Tin lành chìa khóa của Thánh Kinh. Nó là chiếc chìa khóa dùng để mở cả hai cánh cửa của Cựu Ước và Tân Ước. Nếu điều đó đúng, thì đoạn 13 này chính là chìa khóa của Tin lành Ma-thi-ơ, điều này khiến cho đoạn 13 trở nên hết sức quan trọng. Đoạn Kinh Thánh này giúp cho các bạn hiểu biết rõ về nước thiên đàng hơn bất kỳ nơi nào khác trong Kinh Thánh. Chúng ta gọi nó là những bài giảng bằng ngụ ngôn đầy huyền nhiệm, hay là ẩn dụ. Nó cũng là một trong ba bài giảng chính trong Tin lành Ma-thi-ơ.

          1- Bài Giảng Trên Núi để nhìn lại quá khứ, nó là luật pháp của nước Đức Chúa Trời trên đất.

          2- Bài giảng bằng Ngụ ngôn đầy huyền nhiệm tỏ bày tình trạng của nước thiên đàng trên thế gian trong thời đại hiện nay.

          3- Bài giảng trên núi Ô-li-ve nhìn đến tương lai, và những điều xảy đến bên kia thời đại này.

         

Chúng ta hãy nhớ Chúa của chúng ta nối tiếp lời giảng của Giăng Báp-tít “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đến gần.” Và Chúa chúng ta đã tuyên bố bản Luật pháp của nước thiên đàng đó, tức là Bài Giảng Trên Núi. Tiếp theo Ngài bày tỏ rằng Ngài có quyền năng, đồng thời Ngài cũng đã sai phái các môn đồ Ngài đặng đi ra rao truyền sứ điệp của Ngài. Sứ điệp này đã gặp sự phản kháng của dân Y-sơ-ra-ên. Họ từ chối Ngài là Vua của họ. Bởi vậy, Ngài đã đưa ra sự phán xét nghịch lại các thành của Y-sơ-ra-ên, nơi mà công việc đầy quyền năng của Ngài thể hiện ra, đồng thời Ngài cũng chống lại những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời đó. Khi họ yêu cầu Ngài làm một dấu lạ, Ngài liền phán rằng, chẳng ban cho một dấu lạ nào cả, ngoài dấu lạ về Giô-na. Giô-na là một dấu lạ về sự sống lại, và nó sẽ được ứng nghiệm trong Đấng Christ ngay sau đó. Cuối cùng Ngài đã đưa lời mời gọi một cách rất cá nhân, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho ác ngươi được yên nghỉ.”

          Bây giờ câu hỏi được nêu ra: “Điều gì sẽ xảy ra đối với nước thiên đàng?” Điều hiển nhiên là Ngài sẽ không thiết lập nước trời trên đất ngay khi Ngài đến lần thứ nhất. Thế thì, điều gì sẽ xảy ra đối với nước thiên đàng suốt thời gian từ khi Chúa Giê-xu khổ nạn, và thời gian vinh quang của Đấng Christ. Vâng, trong bài giảng bằng Ngụ ngôn Đầy Huyền Nhiệm, Chúa đã đặt ra trước mặt chúng ta tình trạng của nước thiên đàng trên đất suốt trong thời gian cách khoảng này, Ngài dùng đến 7 hay 8 ngụ ngôn, hay còn gọi là ẩn dụ để giải bày.

          Chúng ta gọi đó là các Ngụ Ngôn Đầy Huyền nhiệm, bởi vì trong Lời Chúa sự huyền nhiệm là điều được kín giấu cho mãi đến thời kỳ nào đó mới được biểu lộ ra. Hội thánh là một sự huyền nhiệm (theo như định nghĩa này) vì nó đã là một sự kiện không được mặc khải trong Cựu Ước. Nó đã được tiết lộ ra sau khi Đấng Christ chịu chết và sống lại. Quả thật không có Hội thánh, nếu không có sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Ê-phê-sô 5: 25 nói rằng: “Như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh.”

          Điều quan trọng cần lưu ý là nước thiên đàng không đồng nghĩa với Hội thánh hay là Hội thánh không đồng nghĩa với nước thiên đàng. Nước thiên đàng ngày nay là Thế giới Cơ Đốc “Christendom” (một vùng của thế giới mà trong đó Cơ Đốc giáo chiếm ưu thế và có thể được xem là Thế giới Cơ Đốc). Rõ ràng Hội thánh là trong Thế giới Cơ Đốc, nhưng nó không có nghĩa là toàn thể trong bất cứ phương diện nào.

          Những Ngụ Ngôn Đầy Huyền nhiệm này chỉ ra hướng đi của vương quốc, sau khi nó đã được ban cho dân Y-sơ-ra-ên nhưng đã bị từ khước. Chúng tiết lộ điều sẽ xảy ra giữa thời kỳ chối bỏ Đấng Christ và thời kỳ Ngài trở lại trên đất với tư cách là Vua. Với những Ngụ ngôn Đầy Huyền nhiệm của Chúa bao trùm thời gian giữa lúc Ngài bị từ chối đến lúc Ngài trở lại để thiết lập vương quốc Ngài. Đây thời kỳ đó rất là quan trọng.

          Khi mở đầu đọan Kinh Thánh này, chúng ta lưu ý đến chính những hành động đầy thú vị của Đức Chúa Giê-xu.

           Ma-thi-ơ 13:1-2, “Cũng ngày ấy, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nhà, ngồi bên mé biển. Đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đứng trên bờ.”

          Hãy lưu ý cách nói biểu tượng của ký thuật này: “Cũng ngày ấy Đức Chúa Giê-xu ra khỏi nhà” điều này nói về nhà Y-sơ-ra-ên. “Và ngồi bên mé biển” Biển ở đây ám chỉ về các dân ngoại (một cách nói bóng tượng trưng được dùng trong Kinh Thánh). Chúa Giê-xu lúc bấy giờ sống trong dân tộc Y-sơ-ra-ên, nhưng đồng thời cũng quay đến với toàn thế gian. Bấy giờ Ngài đang nói về điều sẽ xảy đến trong thế gian khi Ngài trở lại với tư cách là Vua. Sự kiện này chứng tỏ một sự thay đổi lớn lao mà nó xảy ra trong phương pháp của Ngài. Có đoàn dân đông lắm tập trung lại nghe Ngài, rồi Ngài đi vào thuyền bắt đầu giảng dạy, trong khi họ đứng trên bờ.

 THÍ DỤ VỀ NGƯỜI GIEO GIỐNG                

          Mặc dầu Chúa Giê-xu cho nhiều thí dụ hay ngụ ngôn trong đoạn Kinh Thánh này, nhưng Ngài chỉ giảng giải hai thí dụ đó thôi, như thí dụ về người gieo giống và thí dụ về lúa mì và cỏ lùng. Lời giảng giải của Ngài là một hướng dẫn để có thể hiểu cách nói tượng trưng, hay hình bóng trong các ngụ ngôn khác. Chẳng hạn, trong thí dụ về người gieo giống, thì chim chóc ám chỉ về Sa-tan. Vậy nên khi Ngài dùng biểu tượng về chim chóc cho thí dụ khác, chúng ta tin chắc rằng chúng không thể ám chỉ về điều tốt được. Chúng ta cần chăm chú kỹ đi theo cách giải nghĩa của Chúa chúng ta.

          Thí dụ về người gieo giống là ngụ ngôn đầy huyền nhiệm đầu tiên và có thể được xem như là nền tảng cho tất cả ngụ ngôn kia.

           Ma-thi-ơ 13:3, “Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo.”

          Chúa nói rằng người gieo giống là Con Người (Son of Man), và hạt giống chỉ về Lời của Đức Chúa Trời.

           Ma-thi-ơ 13:4-8, “Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục.”

          Sự gieo giống là hình ảnh quen thuộc tại xứ Pha-lét-tin. Người ta cào xới trên mặt đất bằng một lưỡi cày rất thô sơ. Đôi khi, thậm chí họ cũng không làm điều đó kỹ càng cho lắm. Thế rồi người gieo giống đi ra vãi tung hạt giống trên mặt đất. Việc gieo giống này ngày nay cũng còn rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia ở Phi Châu và Á Châu. Nó là một cảnh tượng rất quen thuộc như cách làm ruộng của người Việt Nam chúng ta – dĩ nhiên ngày nay tại các quốc gia tiên tiến, việc gieo giống được áp dụng bằng máy móc – nhưng trong thời xa xưa giống được gieo bằng tay.

          Như đề cập trước đây, người gieo giống chỉ về Chúa Giê-xu. Chúng ta học biết điều này qua thí dụ về lúa mì và cỏ lùng (câu 37). Chúa Giê-xu là Người gieo giống, và điều này xác định về công tác của Ngài trên thế giới ngày nay – Ngài là Vua, nhưng Ngài đã đặt chiếc áo vương quyền lộng lẫy sang một bên, và cho đến ngày nay Ngài vẫn miệt mài làm công việc của một nông dân, chân lấm tay bùn – Ngài đang gieo giống – nhưng Ngài vẫn cứ là Vua.

           Hạt giống, chúng ta học biết nó trong câu 19, chỉ về Lời của Chúa. Cánh đồng tượng trưng về thế gian (câu 38). Hãy để ý rằng cánh đồng đó là thế gian chứ không phải là Hội thánh, hình ảnh đó giống như thế này: Bên trong đây là Hội thánh giữa thế gian, còn ngoài kia vô số người vẫn chưa tin nhận Chúa Giê-xu Christ. Lời Chúa được ban cho phía này và cũng được ban cho phía kia. Nhưng một bên thì nhận lãnh, còn bên kia thì chối từ. Công tác của chúng ta là gieo giống mặc dù không phải tất cả ai cũng sẽ nhận lãnh hạt giống đó.

Chúa Giê-xu coi sóc về chương trình gieo giống vĩ đại này. Ngài đã ban cho chúng ta một phần nhỏ để làm, và do đó công tác của chúng ta là gieo giống. Thế thì có người sẽ hỏi: Vậy Đấng Christ đã chẳng nói rằng: ‘Thế nên hãy cầu nguyện với Chúa của mùa gặt ’ hay sao?” Đúng vậy, Ma-thi-ơ 9:36-38, “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn. Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”

          Phân đoạn Kinh Thánh này xảy ra ngay trước khi Chúa Giê-xu phái các sứ đồ của Ngài đến với chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. Thời kỳ của Luật pháp Môi-se đã đến hồi kết thúc. Thời kỳ của mùa gặt sẽ đến sau khi hạt giống đã được gieo ra. Trong khoảng gần 1500 năm, dưới thời kỳ Luật pháp Môi-se, hạt giống đã được gieo ra trước đó rồi, kế đó là mùa gặt đã đến và một thời kỳ mới. Vào cuối thời kỳ có mùa gặt, vào đầu mùa có sự gieo giống. Điểm nhấn mạnh ở đây là gần cuối mùa gặt là sự phán xét. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong những ẩn dụ theo sau.

          Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay là thời đại mà chúng ta gieo giống về Lời của Chúa. Thật vui khi nhận được lá thư từ một người nào đó, người đã từng nghe sự dạy dỗ của Lời Chúa qua đài phát thanh. Một số người nào đó lắng nghe chương trình phát thanh Lời Chúa khoảng một năm hay lâu hơn, và cuối cùng hạt giống đã nảy mầm và sinh sôi kết quả. Khi còn đang sống trên thế gian này công việc của chúng ta là gieo giống, ước ao chúng ta là những người bạn đồng công trong việc này.

         

           Bây giờ, chúng ta hãy xem xét mảnh đất nào mà hạt giống rơi xuống. Nó rơi xuống ở trên 4 loại đất, và đến ba phần tư số hạt giống không thể nẩy mầm mọc được. Chúng chết héo đi hay bị nghẹt ngòi. Chẳng có gì sai lầm đối với hạt giống cả, nhưng đất mới là vấn đề trở ngại. Bạn có thể tranh biện theo bất kỳ lối nào đi nữa thì tùy bạn, nhưng ở đây trong thí dụ này chỉ có một ý chí tự do là được bày tỏ ra. Điều kiện về đất là điều quan trọng nhất, nó có liên quan đến kết quả của hạt giống được gieo.

          Trong lời giảng giải của Chúa về những loại đất mà trên đó hạt giống được gieo ra. Trong câu 4 Ngài nói rằng một số hạt giống rơi dọc đường, chim bay đến và ăn. Trong câu 19 Ngài giải thích cho các môn đồ về ý nghĩa của nó.

           Ma-thi-ơ 13:19, “Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đàng.”

          Chim ám chỉ về quỷ dữ, quỷ dữ cướp đi hạt giống đã được gieo ra dọc đường. Đây cũng là điều khiến cho mỗi tín hữu trong Hội thánh chúng ta nên xem xét lại lòng mình. Đừng áp dụng sự xem xét này cho người khác chung quanh, mà hãy áp dụng cho chính bản thân mình. Có một người nào đó đã viết nên một bài thơ khéo léo như vầy:

“ Khi bạn lên đến thiên đàng,

Dường như bạn sẽ bàng hoàng nhận ra.

Nhiều người khi ở trần gian,

Xấu xa lắm nỗi, lầm sai đủ điều.

Mà nay giữa chốn thiên triều,

Uy nghi trinh bạch ra chiều thanh tân.

Dặn lòng, bạn chớ phân vân!

Đừng cho người thấy băng khoăn của mình,

Biết đâu người chẳng hỏi rằng:

Làm sao bạn đến thiên đàng như tôi?”

          Đất ở dọc đường rõ ràng chỉ về các thành viên trong Hội thánh, các Cơ Đốc nhân tuyên xưng bằng môi miệng. Họ đã nghe về Lời Chúa, nhưng không phải nghe bởi đức tin – Lời Chúa không hòa lẫn với đức tin, hoặc giả nếu có trộn lẫn, thì đó chỉ là thứ đức tin hình thức, đức tin bằng tri thức là cái gật đầu ra vẻ đồng ý. Nói cách khác, đối với nhiều người ngày nay, Cơ Đốc giáo cũng chỉ như là một lối đi dọc vệ đường. Thuộc về một Hội thánh nào đó, cũng giống như thuộc về hội đoàn hay một câu lạc bộ mà thôi. Những người này đang ở trong tình trạng đông lạnh. Chúng ta không những chỉ thấy họ ở trong các Hội thánh của chúng ta, mà còn thấy một số họ xa lánh khỏi Hội thánh và rơi vào các nhóm tà giáo và các chủ thuyết khác nhau.

          Nhóm thứ hai chỉ về loại đất nhiều sỏi đá, Ma-thi-ơ 13: 20-21, “Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm.”

          Những người thuộc nhóm đất sỏi đá này tương phản với nhóm đất thứ nhất. Nó chính là quỷ dữ, nó đoạt mất Lời Chúa từ những người nghe dọc đường, nhưng nhóm này là những người tội lỗi xác thịt. Thay vì bị đông lạnh, họ lại ở trong lò bếp, ấm áp, đầy cảm xúc, tuôn tràn giọt lệ và cảm động sâu xa. Những người này có thể gọi là những Cơ Đốc nhân “dễ cảm xúc.” Khi những người nghe giảng về Kinh Thánh họ tiếp nhận rất mau, với lòng xúc động nhiệt thành, khóc lóc. Nhưng sau khi ra về thì lòng nóng cháy họ nguọâi dần, rồi tắt lịm. Điều nầy thật giống như người được gọi là những Cơ Đốc nhân “lửa rơm”. Khi có một hội đồng đầy sôi nổi đang diễn ra, thì họ thật sự trở nên hết sức nhiệt tình, nhưng họ lại không có mối giao thông thật sự với Đấng Christ. Nó chỉ như là một sự sôi nổi theo cảm xúc mà thôi. Họ là những người thuộc nhóm đất có nhiều đá sỏi.

          Nhóm người nghe thứ ba thuộc nhóm đất có nhiều bụi gai.

           Ma-thi-ơ 13:22, “Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo, mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm và của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.”

          Đối với nhóm người này của thế gian không còn chỗ dành cho Lời Chúa. Ma quỷ đã cướp đi Lời Chúa trong những người ở dọc vệ đường, bản tánh xác thịt làm cho chết những hạt giống rơi trong vùng đất đá sỏi kia, nhưng thế gian làm cho nghẹt ngòi Lời Chúa trong nhóm người thứ ba này. Thế nên sự lo lắng về thế gian chiếm hữu trong lòng họ. Đôi khi đó là sự nghèo khó, và đôi khi là sự giàu có đầy lừa dối. Cũng thật rất lý thú để nhận ra rằng – những người ở hai đầu của giai tầng xã hội, tức là người hết sức nghèo khổ và hết sức giàu có – là những người rất khó tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu. Có thể nhận thấy rằng, rất nhiều người đã từng để cho sự lo lắng về đời này chiếm hết chỗ trong cuộc sống của mình, mà không có nơi nào dành cho Lời Chúa. Ba loại đất này không ám chỉ về ba loại tín đồ – Thật ra, họ chẳng phải là tín đồ gì cả! Họ là những người nghe về Lời Chúa, nhưng chỉ tin nhận bằng môi miếng bề ngoài.

          Cảm tạ Chúa! Có một số hạt giống rơi vào đất tốt, và Chúa Giê-xu giảng giải điều này:

           Ma-thi-ơ 13:23, “Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.”

          Đây là những người nghe Đạo bèn đem lòng tin nhận và hiểu biết thấu đáo. Những người này sinh ra nhiều hoa lợi khác nhau – có người sinh ra ba chục, nhưng cũng có một số người sinh ra đến một trăm hột.

          Chúng ta cũng phải cần có sự hiểu biết về Lời Chúa. Chắc bạn còn nhớ câu chuyện về hoạn quan Ê-thi-ô-bi, khi trên đường quay về xứ mình, ngồi trên xe mà đọc lời Chúa, nhưng có một chỗ trong Kinh Thánh ông đọc mà chẳng hiểu gì, mặc dầu ông rất muốn hiểu Lời Ngài, thế nên Đức Thánh Linh đã đưa Phi-líp đến đó như là một người xin đi quá giang. Phi-líp đã đi nhờ xe, nhưng bù lại đã trả cho vị hoạn quan này một tấm vé để ông ta có thể đi đến thiên đàng. Ấy là Phi-líp đã giảng giải về Chúa cho ông ta, đó là đoạn Kinh Thánh đề cập đến Chiên Con bị dẫn đến hàng làm thịt và đó chính là Chúa Giê-xu Christ, Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Thế rồi hoạn quan Ê-thi-ô-bi nghe lời Kinh Thánh qua Phi-líp và đã tin nhận Ngài.

          Phi-líp gieo ra hạt giống tốt cho Đức Chúa Trời. Đây chính là bối cảnh của Nước thiên đàng, vì nó ám chỉ về Người Gieo Giống, tức là Chúa Giê-xu Christ, đang gieo hạt giống tốt của Lời Chúa trong thế gian, và Đức Thánh Linh đặt Lời đó vào lòng của những ai muốn tin nhận Ngài.

          Sau khi Chúa chúng ta giải bày về thí dụ người gieo giống, Ngài cũng phán một điều khá thú vị: Ai có tai, hãy nghe! (Ma-thi-ơ 13:9)                             

          Nhưng hãy lưu ý đến câu hỏi cuả các môn đồ và câu trả lời của Chúa.

Ma-thi-ơ 13:10, “Môn đồ bèn đến gần Ngài mà hỏi rằng: sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy?”

          Có người đã nói rằng, một thí dụ hay ẩn dụ là một câu chuyện thuộc về đất, lại có một ý nghĩa thuộc về trời, đây là một định nghĩa rất tốt. Ví như bạn đặt một thứ gì xuống bên cạnh một đồ vật nào đó để mà đo đạc nó. Chẳng hạn, cũng giống như bạn đặt một cây thước xuống bên cạnh một cái bàn rồi đo nó. Cái thước chính là một ẩn dụ hay một ngụ ngôn. Chúa chúng ta đã cho nhiều ngụ ngôn để đo lường lẽ thật của thiên đàng, điều mà Ngài có thể lập ra cho chúng ta trong tương lai.

          Tại sao Ngài lại làm như vậy? Ma-thi-ơ 13:11, “Ngài đáp rằng: bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.”

          Nếu một người nào đó muốn biết Lời Chúa thì anh ta có thể biết được, cũng như một người muốn biết về lẽ thật, thì cũng có thể biết về lẽ thật ấy. Nhưng các bạn cũng có thể bịt tai lại với lẽ thật ấy. Ngày nay có rất nhiều người được gọi là có tư tưởng rộng rãi, lại bịt tai mình đối với Lời của Đức Chúa Trời. Nếu bạn không muốn nghe Lời ấy, tất nhiên bạn sẽ không thể nghe nó được. Không những bạn không thể nghe được Lời Chúa, nhưng bạn cũng không thể hiểu nó, cho dù bạn đã có nghe đi nữa! Bạn cần phải có một lỗ tai nhạy cảm thiêng liêng muốn nghe Lời của Đức Chúa Trời.

          Ma-thi-ơ 13:12, “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa.”

          Nếu bạn muốn biết một ít về chân lý, và muốn hiểu biết thêm, thì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ giúp cho bạn có thêm. Đức Chúa Trời không bao giờ đóng lại Lời Ngài cho bất kỳ người nào muốn nghe nó. Ngài đã nói rõ ràng về điều này, chính đó là lý do tại sao Ngài dùng các ngụ ngôn, ẩn dụ để phán. Người nào không muốn nghe tất nhiên sẽ không hiểu chúng.

          Chúa chúng ta đã phát họa nên những ngụ ngôn từ những đồ vật rất bình thường trong cuộc sống, những đồ vật quen thuộc của dân chúng thời bấy giờ. Ngài cho họ những chân lý thuộc linh sâu thẳm bằng những đồ vật mà họ đã biết hay đã thấy thường ngày.

          Có người đã diễn tả quan điểm này qua những vần thơ như sau:

Ẩn ngôn Lời Chúa tuyệt vời

Cao siêu mà cứ như lời bình dân

Xa xăm nhưng vẫn thật gần

Thiên đàng hòa với hồng trần này đây

Ngài dùng nhiều thí dụ hay

Như cây, cỏ, gió, mưa, mây giữa đời

Thanh xuân nắng ấm khung trời

Như cây vả héo, như loài huệ hoang

Như vườn nho chín trên giàn

Như loài chim sẽ, quạ khoang đen tuyền

…Ngụ ngôn lời rất tự nhiên

Mà trong ý nghĩa diệu huyền biết bao!

Thế nhân ơi hãy mau mau

Tai nghe, lòng mở khắc sâu Lời Ngài!

          Trong ẩn dụ nói về người gieo giống, chúng ta nhận thấy điều có thể được gọi là tình trạng của nước thiên đàng, ấy là việc bày tỏ sự tể trị của Đức Chúa Trời trên toàn cõi thế gian, khi Ngài kêu gọi ra một dân tộc được gọi bằng Danh của Ngài. Ngày nay, Đức Chúa Trời đang thực hiện chương trình này trong khắp cả Hội thánh tức là thân thể đã được Ngài kêu gọi, bao gồm mọi thành viên tín hữu chân thật. Bởi vậy ngày nay, chúng ta có tình trạng về Nước Thiên đàng, vì Đức Chúa Trời đang thực hiện chương trình của Ngài bằng cách đem nhiều người đến với sự hiểu biết về sự cứu rỗi của Đấng Christ.

 

Bài trướcBài 81: Những Điều Bị Lãng Quên
Bài tiếp theoRa Khỏi Đống Tro Tàn (Chương 4)