NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
MA-THI-Ơ 12
Đề mục chính trong Ma-thi-ơ 12 là sự xung đột và đổ vỡ sau cùng của Chúa Giê-xu với các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái.
Một lần nữa, bài học này nhắc lại về sự chuyển biến trong Tin Lành Ma-thi-ơ. Nếu bỏ qua nó, chúng ta không hiểu được sứ điệp được đề cập ở đây. Ma-thi-ơ không cố gắng nêu ra tiểu sử về cuộc đời của Chúa Giê-xu, cũng không cố để ghi chép lại các diễn biến đã xảy ra khi thi hành chức vụ của Ngài theo trình tự thời gian. Ma-thi-ơ giới thiệu Đấng Christ như một vị Vua, và Ngài đã ban cho một bài thuyết giảng tuyệt vời của Ngài mà chúng ta gọi là BÀI GIẢNG TRÊN NÚI, nó là văn bản luật pháp về nền đạo đức của Nước Trời, và cũng chính là bản tuyên ngôn của Vua. Ngài chứng tỏ rằng Ngài có quyền năng làm các phép lạ. Sau đó Ngài sai phái các sứ đồ đi ra đặng rao giảng sứ điệp của Ngài, và nhận được phản ứng là sự khước từ. Và tiếp theo, Vua đã công bố sự phán xét đối với các thành phố bội nghịch.
Kể từ đây đã bắt đầu nổ bùng ra sự xung đột giữa Chúa Giê-xu với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, đặc biệt là đối với người Pha-ri-si. Hiển nhiên vào lúc ban đầu, họ rất thân thiện với Ngài, nhưng đến lúc bấy giờ họ bèn tuyệt giao với Ngài vì liên quan giáo luật về ngày Sa-bát.
Chúng ta sẽ thấy vấn đề ngày Sa-bát xảy ra tại hai nơi: Một lần ở ngoài đồng, rồi lần khác xảy ra ở bên trong nhà hội.
CHÚA GIÊ-XU TUYÊN BỐ NGÀI LÀ CHÚA CỦA NGÀY SA-BÁT
Ma-thi-ơ 12:1, Lúc đó, nhằm ngày Sa-bát, Đức Chúa Jêsus đi qua giữa đồng lúa mì; các môn đồ đói, bứt bông lúa mà ăn.
Chúng ta thấy rằng trong bối cảnh này, Chúa Giê-xu xác nhận rằng Ngài là Chúa của ngày Sa-bát. Nhưng trước khi bước vào sự tranh biện về ngày Sa-bát, chúng ta hãy xem xét lý do tại sao các môn đồ lại bứt bông lúa mì ăn. Tại sao họ làm điều này? Lý do là vì lúc đó họ đang đói. Tại sao họ lại đói? Bởi vì họ theo Chúa Giê-xu. Hãy nhớ lại có lần Chúa Giê-xu đã nói với người trai trẻ muốn theo Ngài rằng: “Cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20) Vậy lúc đó, các môn đồ Ngài đang đói. Đây cũng là sự nhắc nhở khác cho chúng ta về sự nghèo khó mà Chúa Giê-xu phải gánh chịu. Ở đây, chúng ta cũng thấy được Chúa biện hộ cho hành động của các môn đồ Ngài là thể nào. Đây cũng chính là lúc mà sự tuyệt giao với những nhà lãnh đạo tôn giáo thật sự xảy ra.
Ma-thi-ơ 12:2, Người Pha-ri-si thấy vậy, bèn nói cùng Ngài rằng: Kìa môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sa-bát.
Chắc hẳn những người Pha-ri-si kia sẽ nói với Chúa Giê-xu rằng: “Tại sao Thầy lại cho phép họ làm như vậy?”
Ma-thi-ơ 12:3-6, Song Ngài đáp rằng: Chuyện vua Đa-vít đã làm trong khi vua với kẻ đi theo bị đói, các ngươi há chưa đọc đến sao? Tức là vua vào đền Đức Chúa Trời, ăn bánh bày ra, là bánh mà vua và kẻ đi theo không có phép ăn, chỉ để riêng cho các thầy tế lễ. Hay là các ngươi không đọc trong sách luật, đến ngày Sa-bát, các thầy tế lễ trong đền thờ phạm luật ngày đó, mà không phải tội sao? Vả lại, ta phán cùng các ngươi, tại chỗ nầy có một đấng tôn trọng hơn đền thờ.
Chúng ta tìm thấy ký thuật đề cập điều Chúa phán ở sách I Sa-mu-ên 21:1-6. Đó là sự kiện xảy ra trong thời kỳ Đa-vít bị khước từ khỏi ngôi vua, trong khi Sau-lơ đang nắm quyền cai trị. Và cũng giống như Chúa Giê-xu Christ đang bị khước từ cương vị nhà Vua, lời tuyên bố rằng Ngài là Đấng Mê-si đã không được ai chấp nhận. Bấy giờ, Chúa Giê-xu chăm sóc cho các môn đồ Ngài, điều đó quan trọng hơn sự tuân giữ luật lệ ngày Sa-bát. Và cũng một thể ấy, Đa-vít đã chăm sóc cho đoàn tùy tùng theo mình, cho dù có vi phạm luật pháp của Môi-se.
Ở đây Đức Chúa Giê-xu tuyên bố rằng, Ngài cao trọng hơn cả nơi gọi là thánh khiết nhất trong đời sống tôn giáo của họ, đó là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Theo như quan điểm của những người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu đã nói lời phạm thượng. Không những Ngài đã vi phạm ngày Sa-bát, nhưng Ngài còn nói phạm thượng nữa.
Ma-thi-ơ 12:7-8, Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội; vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.
“Ta ưa sự nhơn từ mà không ưa của lễ” là câu trích dẫn từ sách Ô-sê 6:6. Chúa chúng ta bảo vệ môn đồ Ngài bằng cách nói rằng họ đã không phá bỏ luật ngày Sa-bát. Tại sao vậy? Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.
Chúa Giê-xu đã đụng chạm đến giới luật thiêng liêng nhất mà họ đã tuân giữ, khi Ngài tuyên bố rằng Ngài là Chúa của ngày Sa-bát. Theo cảm nghĩ của người Pha-ri-si thì Ngài không thể nào tuyên bố ngạo mạn hơn thế được nữa. Chắc chắn điều đó đã gây nên lòng thù hận và sự căm ghét trong lòng họ đối với Ngài.
Bây giờ chúng ta hãy rời cánh đồng, nơi mà cuộc đối kháng này đã xảy ra, để đi vào trong nhà hội. Nhưng ở đây chúng ta cũng lại chạm trán với cùng câu hỏi về ngày Sa-bát đó.
Ma-thi-ơ 12:9, Đức Chúa Jêsus đi khỏi nơi đó, bèn vào nhà hội.
Lưu ý rằng “Ngài đi vào trong nhà hội của họ” không phải là nhà hội “của chúng ta” nhưng là “của họ.” Ngài đã phán điều tương tự như vậy liên hệ đến đền thờ. Trước tiên, đó là đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng cuối cùng Ngài phán rằng: “Nhà của các ngươi bị các ngươi bỏ hoang vu.”
Ma-thi-ơ 12:10-11, Ở đó, có một người teo một bàn tay. Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài. Ngài bèn phán cùng họ rằng: Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đương ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao?
Phải chăng người đàn ông teo tay này được người Pha-ri-si cố ý “đặt ” tại đó để gài bẫy Chúa Giê-xu khi Ngài chữa lành cho người này chăng? Nếu đúng vậy thì sẽ có hai sự thú nhận quan trọng về phía kẻ thù của Chúa Giê-xu như sau:
1. Họ thừa nhận rằng Ngài có quyền năng để chữa lành cho người bịnh. Như chúng ta từng biết, kẻ thù của Chúa Giê-xu không bao giờ chất vấn rằng Ngài có quyền năng làm phép lạ hay không. Chẳng ai có thể dám chất vấn việc thực hiện phép lạ của Chúa, bởi vì việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt mọi người giữa thanh thiên bạch nhật. Bởi vậy, người Pha-ri-si đành phải đương nhiên thú nhận rằng Chúa Giê-xu có quyền phép để chữa lành người bịnh. Đây chính là lý do tại sao mà họ đã “sắp đặt” người teo tay kia đứng tại đấy.
2. Họ ngầm hiểu rằng, nếu Chúa nhận ra người bịnh teo tay đáng thương ấy trên lối đi của Ngài, thì Chúa sẽ động lòng thương xót, khi ấy tất nhiên Ngài sẽ chữa lành cho người bịnh, dầu đó là ngày Sa-bát. Thật là một sự chấp nhận lý thú biết bao!
Sự chất vấn của họ về giáo luật, đối với việc chữa lành trong ngày Sa-bát của Chúa Giê-xu nhằm gài bẫy, đặng có cớ mà kiện cáo Ngài. Nhưng thật sự thì chính Chúa Giê-xu lại là người đưa họ vào thế bí. Họ công nhận rằng khi con chiên bị rơi xuống hố thì nên được vớt lên trong ngày Sa-bát. Thật ra, chính Luật-pháp Môi-se đã cho phép làm việc này.
Ma-thi-ơ 12:12-13, Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành. Đoạn, Ngài phán cùng người tay teo rằng: Hãy giơ tay ra. Người liền giơ tay, thì tay nầy cũng lành như tay kia.
Đây mới chính là điểm then chốt của vấn đề. Ngài có nên làm điều tốt trong ngày Sa-bát không? Không cần trả lời thì chúng ta cũng đã hiểu được rồi! Chúa Giê-xu đã chữa lành người teo tay này trong ngày Sa-bát, thế thì Ngài đã phạm vào điều luật của Môi-se không? Câu trả lời của các bạn như thể nào? Còn câu trả lời của riêng tôi là không, Ngài đã không phạm luật ngày Sa-bát.
NGƯỜI PHA-RI-SI LẬP MƯU GIẾT CHÚA GIÊ-XU
Sự kiện này đánh dấu sự đoạn giao giữa những người lãnh đạo tôn giáo với Chúa Giê-xu. Đây cũng chính là lúc mà họ quyết định tiêu diệt Ngài.
Ma-thi-ơ 12:14 Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Ngài.
Kể từ trước đó cho đến thời điểm này, những người Pha-ri-si đã từng tỏ ra thân thiện với Chúa Giê-xu. Trước đây họ rất muốn kết hợp truyền thống, và lễ nghi tôn giáo của họ để đồng hành với Ngài, nhưng Chúa Giê-xu đã từ chối đi cùng với họ, và thế là họ đã trở thành kẻ thù của Ngài. Sự tan vỡ này xảy ra qua vấn đề ngày sa-bát, và mối xung đột đã bùng ra báo hiệu điểm khởi đầu. Kể từ đây, nhóm người ganh ghét này vẫn cứ mãi lầm lũi theo dõi vết chân Ngài chẳng hề ngưng nghỉ, cho mãi đến khi chúng khoanh tay đứng gần bên cây thập tự thấy Ngài bị đóng đinh. Bọn chúng bèn bắt đầu lập mưu giết Ngài, chẳng nghi ngờ gì nữa, lần này chúng muốn bắt Ngài nhưng còn e ngại công chúng.
Ma-thi-ơ 12:15, Song Đức Chúa Jêsus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó; có nhiều người theo, và Ngài chữa lành cả.
Hành động và âm mưu của người Pha-ri-si khiến Chúa Giê-xu tạm thời lánh xa khỏi chỗ đó, bởi vì thì giờ của Ngài chưa đến. Chúng chỉ có thể đụng đến Ngài khi đến giờ được ấn định. Thật cũng khá lý thú để ghi nhận được qua câu Kinh Thánh này rằng, Chúa Giê-xu không chỉ chữa lành cho một số ít người trong đám đông, nhưng Ngài cũng đã chữa lành cho tất cả họ. Thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng được rằng điều này lại được Ngài làm ra chính trong ngày đó. Điều này quả thật hết sức đáng kinh ngạc. Hoặc giả họ phải chấp nhận Ngài, hoặc phải từ chối Ngài.
Ngày nay Chúa Giê-xu vẫn là nhân vật đang được bàn cãi đến nhiều. Chính trong thời đại ngày nay kẻ thù vẫn bám đuổi theo Ngài, nhiều vở kịch và những cuốn sách nhơ bẩn vẫn liên tục nói xúc phạm đến Ngài. Bạn là bạn của Ngài, hoặc sẽ là kẻ thù của Ngài, Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của bạn hoặc là Quan tòa của bạn. Bạn không thể nào bỏ qua Chúa Giê-xu Christ.
Ngài đã chữa lành cho đoàn dân đông. Ngài cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài. (Ma-thi-ơ 12:16)
Chúa Giê-xu không đến với thế gian này như một nhà pháp thuật, Ngài đến để tỏ bày các chứng cớ rằng Ngài chính là Đấng Mê-si, nhưng lúc Ngài bị nhân loại khước từ, Ngài vẫn tiếp tục công tác của Ngài hướng về thập tự giá để trở thành Đấng Cứu Thế của cả thế gian này. Các phép lạ của Ngài đã khiến cho quần chúng cứ thúc bách Ngài, đến nỗi Ngài đã không thể tiếp tục sứ mạng của Ngài như Ngài hằng mong muốn.
Ma-thi-ơ 12:17-20, Để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Nầy, tôi tớ ta đã chọn, Là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người, Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại. Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, Và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, Cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng.
“Ngài sẽ chẳng bẻ cây sậy bị giập” Không, thay vào đó Ngài sẽ băng bó cây sậy đó lại, cũng như người bị bầm giập vì tội lỗi mong muốn được Ngài băng bó lại.
“Ngài chẳng hề tắt ngọn đèn gần tàn.” Không, nhưng nếu con người đầy tội lỗi kia cứ mãi khước từ Ngài, thì chính sự khước từ đó sẽ bùng lên thành ngọn lửa phán xét cho mình. Chúa Giê-xu sẽ không tắt ngọn đèn gần tàn, bởi vì con người đã được ban cho ý chí tự do riêng để quyết định.
Ma-thi-ơ 12:21, Dân ngoại sẽ trông cậy danh người.
Trong thời đại ngày nay rõ ràng đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong đường hướng cứu rỗi của Đức Chúa Trời, không chỉ hướng đến sự làm cho trọn vẹn về lời tiên tri nói chung, nhưng cũng làm cho trọn vẹn về lời tiên tri liên quan đến dân ngoại. Họ sẽ được cứu rỗi. Sự khước từ Đấng Chirst bởi chính dân tộc của Ngài, đã chuyển ơn điển phước hạnh cho dân ngoại. Trong sách Công vụ các Sứ đồ chúng ta đã đọc thấy rằng, Chúa đã ủy thác cho Phao-lô trở thành một nhà truyền giáo cho dân ngoại: Ta sẽ bảo hộ ngươi khỏi dân nầy và dân ngoại là nơi ta sai ngươi đến, đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ. (Công-vụ 26:17-18)
TỘI LỖI KHÔNG THỂ ĐƯỢC THA THỨ
Ma-thi-ơ 12:22-23, Bấy giờ có kẻ đem đến cho Đức Chúa Jêsus một người mắc quỉ ám, đui và câm; Ngài chữa cho, đến nỗi người câm nói và thấy được. Chúng lấy làm lạ, mà nói rằng: Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng?
Nói một cách khác: “Đây chính là Đấng Mê-si của chúng ta.” Ngài có được sứ mạng đó. Đây quả là một phép lạ hết sức lớn lao mà Ngài đã làm, nó cũng lớn bằng các phép lạ kêu kẻ chết sống lại. Các phép lạ tiếp tục của Chúa Giê-xu trong việc chữa lành và đuổi quỉ đã thuyết phục dân chúng tin rằng, Ngài chính là con cháu của Đa-vít, tức Đấng Mê-si. Nhưng những người Pha-ra-si đã làm gì?
Ma-thi-ơ 12:24, Song những người Pha-ri-si nghe vậy, thì nói rằng: Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.
Đây chính là vấn đề tội lỗi không thể tha thứ được. Chúng ta phải theo dõi điều này cách hết sức kỹ càng.
Ma-thi-ơ 12:25-27, Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, thì phán rằng: Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được. Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư? Và nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ ư? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy.
Họ sẽ không bao giờ dám nói rằng chính họ sẽ nhờ vào Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỉ được.
Ma-thi-ơ 12:28, Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.
“Nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi” trong sự hiện diện của Đấng Mê-si. Chúa Giê-xu muốn nói rằng: “Chính Ta đây, quyền năng đuổi quỉ của Ta chính là sự ủy nhiệm cho Ta thật rất rõ ràng rồi!”
Ma-thi-ơ 12:29-32, Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được. Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra. Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
Chẳng hề có bất kỳ sự phạm tội nào hôm qua, mà hôm nay Chúa không thể tha thứ được, bởi lẽ Ngài đã chết thay cho tất cả tội lỗi. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đến thế gian đặng ấn chứng sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu trong lòng người trở thành hiện thực. Nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời phán với chúng ta nhưng chúng ta cứ chống cự lại công tác của Ngài, thì dĩ nhiên sẽ chẳng có sự tha thứ nào cho chúng ta cả. Không có sự tha thứ, vì cớ chối bỏ sự cứu rỗi đã mà Đức Thánh Linh tỏ bày. Và công việc đó của Thánh Linh Đức Chúa Trời là làm cho bạn được tái sinh.
Chúa Giê-xu nói tiếp, Ma-thi-ơ 12:34-35, Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác.
“Hỡi dòng dõi rắn lục kia,” chúng ta nhớ Giăng Báp-tít cũng từng gọi bọn họ y như vậy.
Có người đã nói rằng: “Những gì chất chứa tận đáy lòng sẽ phát xuất ra ngoài qua cửa miệng.” Sự tố cáo của Chúa Giê-xu đối với những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ tỏ bày rằng, Ngài đã khước từ họ. Họ có phạm vào tội lỗi không thể nào tha thứ không? Ít nhất sự tuyệt giao lần này của Chúa với kẻ thù rất trầm trọng và vết thương đó sẽ không thể nào được chữa lành.
Ma-thi-ơ 12:36-37, Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.
“Lời hư không” cũng có nghĩa là lời phạm thượng.
Bạn sẽ “bị kết án” nếu bạn nói ra những gì chất chứa từ trong lòng xấu xa của mình.
THẦY THÔNG GIÁO VÀ NGƯỜI PHA-RI-SI XIN DẤU LẠ
Ma-thi-ơ 12:38, Bấy giờ có mấy thầy thông giáo và người Pha-ri-si thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Bẩm thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ.
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si này lại áp dụng một mưu mẹo quỉ quyệt khác đặng tiếp cận với Ngài. Họ giả vờ như tán đồng để bước theo chương trình của Ngài, bằng cách hỏi xin Ngài ban cho một dấu lạ, dẫu là họ không tin dấu lạ mà Chúa đã làm. Họ đang cố gắng để gài bẫy Ngài. Chúng ta hãy để ý cách mà Chúa trả lời họ.
Ma-thi-ơ 12:39-40, Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.
Dấu lạ của tiên tri Giô-na là gì? Vâng, chúng ta hãy lắng nghe Ngài nói tiếp: Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.
Chúa Giê-xu đã khẳng khái từ chối ban cho họ một dấu lạ, nhưng Ngài đưa họ quay về với hai sự kiện được chép trong Kinh Thánh Cựu ước:
– Sự kiện thứ nhất nói về tiên tri Giô-na. Giô-na đã được sống lại từ cõi chết sau khi ở trong bụng cá ba ngày, ba đêm. Đức Chúa Trời đã đem ông ta từ trong bóng tối và sự chết đến ánh sáng và sự sống. Kinh nghiệm của Giô-na là hình ảnh biểu tượng về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ.
Ma-thi-ơ 12:41, Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!
Dân thành Ni-ni-ve đã tiếp nhận Giô-na và lời rao giảng của ông sau khi ông được sự giải thoát kỳ diệu ra khỏi bụng cá lớn và rồi dân chúng đã ăn năn. Còn hành động của dân Y-sơ-ra-ên—cả một dân tộc—lại tự đặt mình vào một vị trí tệ hại hơn, họ không chấp nhận Đấng Mê-si của mình và không chịu ăn năn.
– Sự kiện thứ hai, Chúa Giê-xu nói với họ về vua Sa-lô-môn:
Ma-thi-ơ 12:42, Đến ngày phán xét, nữ hoàng nam phương sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn!
Chúa Giê-xu lớn hơn cả Giô-na lẫn vua Sa-lô-môn. Nữ hoàng Sê-ba xứ nam phương khi nghe tiếng đồn về Sa-lô-môn, đã lặn lội đến để nghe về những lời khôn ngoan thông sáng của vua. Nhưng ở đây, Chúa Giê-xu Christ là Đấng từ trời đến mà họ chẳng quay lại với Ngài.
Đức Chúa Giê-xu lại đưa ra một trong những ẩn dụ sâu thẳm và đáng kinh hãi nhất, thật không có giá trị gì khi chỉ cải sửa bề người mà thôi.
Ma-thi-ơ 12:43-45, Khi tà ma ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; rồi nó nói rằng: Ta sẽ trở về nhà ta mà ta mới ra khỏi; khi trở về, thấy nhà không, quét sạch, và sửa soạn tử tế. Nó bèn lại đi, đem về bảy quỉ khác dữ hơn nó nữa, cùng vào nhà đó mà ở; vậy số phận người ấy sau lại xấu hơn trước. Dòng dõi dữ nầy cũng như vậy.
Qua ẩn dụ này nhắc nhở chúng ta khi dọn lòng mình sạch sẽ, xin hãy mời Chúa Giê-xu ngự trị trong lòng, nếu không thì ma quỉ sẽ quay lại, và tình trạng sau đó tệ hơn trước.
Phần cuối cùng của đoạn Kinh Thánh này thậm chí cũng còn thêm nhiều điều đáng chú ý, nó liên quan với những gì đã được đề cập ngay trước đó. Có một mối liên kết lớn lao hơn cả tình anh em cốt nhục, và thậm chí còn lớn lao hơn cả tình mẫu tử, đấy chính là mối liên kết được lập nên với Đức Chúa Trời xuyên qua niềm tin nơi Cứu Chúa Giê-xu Christ.
Ma-thi-ơ 12:46-49, Khi Đức Chúa Jêsus còn phán cùng dân chúng, thì mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng Ngài. Có người thưa cùng Ngài rằng: Đây nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn nói cùng thầy. Ngài đáp rằng: Ai là mẹ ta, ai là anh em ta? Ngài giơ tay chỉ các môn đồ mình, mà phán rằng: Nầy là mẹ ta cùng anh em ta!
Chúa Giê-xu đang nói về một mối liên kết mạnh mẽ nhất ngày nay, đó chính là mối liên kết giữa Đấng Chirst và mỗi một cá nhân tín hữu Cơ Đốc. Điều này thật quá lớn lao phải không các bạn? Ấy là Ngài muốn nói về một mối thông công mới.
Ma-thi-ơ 12:50, Vì hễ ai làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy.
Vậy, ý muốn của Cha ở trên trời là gì? Ấy là hãy lắng nghe lời phán của Đức Chúa Giê-xu Chirst, hãy tiếp nhận và hãy tin nhận Ngài.