Bài 7: Đọc Sách Giải Nghĩa Kinh Thánh, Vâng Lời Kinh Thánh

2625

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Kỳ trước chúng ta đã đọc qua việc học và suy gẫm Kinh thánh. Tôi tin rằng quý thính giả bắt đầu thực hành những điều này, nếu quý vị có những phước hạnh khi học và suy gẫm Kinh thánh, xin vui lòng chia sẻ với người khác, chúng tôi rất vui khi biết được phước hạnh đó nơi quý vị.

 

Hôm nay chúng ta xem xét những chỉ dẫn kế tiếp trong việc học Kinh thánh, đó là đọc sách giải nghĩa Kinh thánh.

 

5 – ĐỌC SÁCH GIẢI NGHĨA KINH THÁNH

 

Quý vị và tôi cần nên tra cứu những sách giải nghĩa tốt. Có nhiều sách giải nghĩa mà khi đọc qua tôi thấy rất hữu ích. Quý vị sẽ tìm thấy những điều hữu ích khi đọc những sách do người yêu mến Chúa, tôn kính Lời Chúa viết. Thật vậy quý vị sẽ chọn lọc, góp nhặt những điều tốt lành về những nghiên cứu của nhiều thế kỷ qua, khi đọc các sách hướng dẫn, nghiên cứu bởi sự soi dẫn Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Quý vị và tôi được lợi ích với công việc nghiên cứu sâu nhiệm Lời của Chúa.

 

Những bộ giải nghĩa tốt sẽ giúp cho quý vị những điều sau đây:

 

– Cung cấp các nguồn tài liệu và dữ kiện về bối cảnh lịch sử.

– Đem lại lời giải đáp cho các câu hỏi theo nhiều phương diện liên quan đến nội dung.

– Giúp thảo luận những điều liên hệ đến các văn bản khó hiểu và những ý nghĩa của nó, với các luận cứ hậu thuẫn.

 

Mỗi bộ sách giải nghĩa Kinh thánh có cái hay riêng của nó, vì vậy tôi gợi ý là quý vị nên xem vài bộ giải nghĩa khác nhau để bổ túc với nhau.

 

Mỗi giáo sư, mục sư, người giảng Tin lành nên có những bộ sách nghiên cứu, đó là điều cần thiết.

 

Có thể nào chúng ta lại dùng nguyên văn những gì mà người khác viết không? Không, không được phép làm vậy, ngoại trừ lúc chúng ta nói lời viết của tác giả nào. Một cách khác nữa là chúng ta có thể lấy những ý của người khác viết và diễn đạt theo sự hiểu biết, tiếp nhận của mình, nhiều người đang thực hiện cách nầy. Điều quan trọng là chúng ta nên tiếp nhận những sự nghiên cứu hữu ích của người khác về Lời của Chúa.

 

Trong những năm qua và cả hiện nay những sách giải nghĩa Kinh thánh giúp tôi rất nhiều, nhờ vậy mà tôi hiểu thêm Lời Chúa. Tôi nhớ lại nhiều năm trước khi tìm mua được cuốn Thánh Kinh Lược Khảo, tôi dùng sách này để có thể học biết những điều căn bản về toàn bộ Kinh thánh. Tôi cũng dùng Thánh Kinh Tự Điển giúp tôi hiểu được các từ ngữ trong Kinh thánh. Từng hồi, từng lúc tôi có dịp mua và thu góp nhiều sách giải nghĩa để làm tài liệu tra cứu khi cần thiết.

 

Các sách giải nghĩa bằng tiếng Việt hiện nay còn giới hạn, nhưng nếu quý vị có khả năng ngoại ngữ như tiếng Anh, hay tiếng Hoa thì quý vị có nhiều tài liệu thêm. Còn đối với quý vị biết sử dụng máy vi tính, quý vị có thể dùng dĩa CD Thánh Kinh Việt nam, có nhiều tài liệu tốt và sách giải nghĩa trong đĩa này.

 

Nhưng tôi thấy là chúng ta phải rất cẩn thận khi đọc các sách viết về Kinh thánh. Bởi vì chúng ta thường hay bị lệ thuộc vào những sách đó hay là chỉ nhờ cậy vào sách mà thiếu lòng trông cậy vào sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Có khi vài sách trên thị trường hôm nay dạy dỗ sai lệch về Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần thử nghiệm, suy xét mọi điều nầy với chính Kinh thánh.

 

6 – VÂNG LỜI KINH THÁNH

 

Để nghiên cứu và hiểu lời Chúa, sự vâng lời là điều quan trọng. Thí dụ như trường hợp của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời hiện ra cùng ông và kêu gọi ông rời khỏi quê hương của mình là U-rơ, và Ngài ban cho ông đất hứa. Khi Áp-ra-ham vâng theo lời Chúa thì Ngài bày tỏ lẽ thật cho ông.

 

Ngay trong các sách Tin lành nói sự cứu rỗi linh hồn cho chúng ta cũng được xác định bởi sự vâng lời. Trong các tài liệu viết về Tin lành có thư tín Rô-ma, Phao-lô đặt vấn đề vâng lời khi ông khởi đầu viết (1:5) “Nhờ Ngài chúng ta nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngọai đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài.”

 

Đến cuối sách Rô-ma, Phao-Lô nói thêm (16:26) “Mà bây giờ được bày ra và theo lịnh của Đức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri bày ra cho mọi dân điều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin.”

 

Vâng phục của đức tin là điều Phao-lô nói sau cùng của lá thơ. Còn phần giữa là gì? Phao-lô trình bày ý nghĩa của Tin lành và các giáo lý quan trọng. Sau đó ông kết luận trong phần cuối liên quan đến những việc chúng ta cần làm. Phao-lô đặt Tin lành là vấn đề của sự vâng phục.

 

Sự vâng phục của đức tin là điều quan trọng. Đây là nơi A-đam và Ê-va đi sai. Chúa bảo ông bà như vầy: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng thế Ký 2:15-17)

 

Nhưng bà Ê-va nghe lời ma quỷ là kẻ thù của Đức Chúa Trời, và không vâng lời Ngài. “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.” (Sáng thế Ký 3:6)

 

Vâng lời Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng. Chúng ta cần ý thức rằng, Đức Chúa Trời sẽ không tiếp tục tỏ bày lẽ thật cho chúng ta nếu chúng ta không vâng lời. Cho nên chúng ta phải vâng theo lời Kinh thánh nếu chúng ta muốn tìm thấy ích lợi từ việc đọc, học và nghiên cứu Kinh thánh.

 

Chúa Giê-xu nói ai vâng lời Ngài là người khôn ngoan,

 

“Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.” (Ma-thi-ơ 7:24-27)

 

Thánh Gia-cơ viết và ví sánh việc vâng Lời Chúa như việc soi gương:

 

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.” (Gia-cơ 1:22-25)

 

Tiên tri Sa-mu-ên nói về sự vâng lời như sau: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22)

 

Việc vâng lời Đức Chúa Trời rất quan trọng bởi vì có những người chung quanh đánh giá đời sống Cơ Đốc của chúng ta để xem chúng ta có tin tưởng vào Lời của Đức Chúa Trời không?

 

Ông Cowan nói rằng “Cách tốt nhứt để bảo vệ Tin lành là sống xứng đáng với Tin lành.”

 

Trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu tại hội thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô có viết, “Ấy chính anh em là thư gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc. Vả, rõ thật rằng anh em là bức thư của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em.” (II Cô-rinh-tô 3:2-3)

 

Có một tác giả vô danh làm bài thơ ngắn như sau:

 

“Tin lành được viết mỗi ngày một đoạn

Bằng việc bạn làm, bằng lời bạn nói

Con người đọc những gì bạn nói, để xem thật hay giả

Tin lành là những gì được nói qua chính đời sống bạn.”

 

Các câu thơ nầy nói lên một điều thực tế và quan trọng, đó là khi chúng ta vâng theo lời Kinh thánh, người xung quanh sẽ nhìn biết đời sống tin kính Chúa của mình.

 

Tôi tin rằng Cơ Đốc giáo, hay Hội thánh ngày nay được tiếng tốt hay bị tổn thương tùy thuộc vào đời sống của người tin đạo. Một Cơ Đốc nhân thực hành lời Chúa dạy bày tỏ ánh sáng của Tin lành, nhưng khi không vâng theo, không thực hành lời Chúa, sống đời sống hữu danh vô thực sẽ làm cho người chưa tin Chúa có cớ gièm chê hay xa lánh Hội Thánh của Ngài.

 

Quý vị là những Cơ Đốc nhân, những tín đồ của Chúa Giê-xu, quý vị cần xem xét đời sống của chính mình để xem bản thân có vâng theo lời Chúa dạy mà chúng ta đã đọc và nghe hay không. Lời Chúa dạy sẽ trở thành hiện thực, đem đến phước hạnh khi quý vị vâng theo.

 

Như trường hợp một thanh niên, được Lời Chúa nhắc nhở là hãy đi nhà thờ vào các Chúa nhật để thờ phượng Ngài, người này đi nhà thờ một thời gian rồi sau đó không đi nữa vì bạn hữu rủ đi chơi vào ngày Chúa nhật. Hâu quả là sau đó anh vướng vào việc hút thuốc, uống rượu và quan hệ với các cô gái. Thời gian sau anh bị bịnh do hậu quả ăn chơi của mình, cho nên không đi làm được, anh lâm vào hoàn cảnh túng hụt khó khăn về tài chánh. Khi đó anh nhớ lại Lời Chúa dạy việc trung tín đi nhà thờ vào các Chúa nhật để thờ phựơng Ngài, anh quay lại và Chúa giúp anh dần dần thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

 

Chúa Giê-xu kể thí dụ về hai con trai như sau:

 

“Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn năn, rồi đi. Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Giê-xu phán cùng họ rằng: Quả thật, ta nói cùng các người, những kẻ thâu thuế và phường đỉ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi.” (Ma-thi-ơ 21:28-31)

 

Chúa Giê-xu thể hiện sự vâng lời Đức Chúa Trời cách trọn vẹn, như sách Hê-bơ-rơ ghi chép như sau: “Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời. Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu.” (Hê-bơ-rơ 5:7-8)

 

Sứ đồ Giăng viết thơ các tín hữu rằng ông rất vui mừng khi biết họ làm theo lẽ thật. Ông viết:

 

“Trưởng lão đạt cho bà được chọn kia cùng con cái bà mà tôi thật yêu dấu, nào những tôi yêu dấu thôi đâu, nhưng hết thảy mọi người biết lẽ thật cũng yêu dấu nữa;  điều đó, vì cớ chính lẽ thật ở trong chúng ta, lại sẽ ở với chúng ta đời đời:  Nguyền xin ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Đức Chúa Trời là Cha, và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ là Con của Cha, được ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và sự yêu thương!  Tôi có lòng vui mừng lắm mà thấy trong con cái bà có mấy kẻ làm theo lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Cha.” (II Giăng 1:1- 4)

 

Tôi mong ước khi quý vị học Lời Chúa và vâng theo sự dạy dỗ của Chúa, quý vị sẽ hưởng được phước hạnh trong sự vâng lời như lời dặn bảo của Đức Chúa Trời cho dân chúng trong thời của Giô-suê:

 

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8)

 

7 – TRUYỀN DẠY CHO NGƯỜI KHÁC

 

Không những chúng ta đọc Kinh thánh, nghiên cứu Kinh thánh, suy gẫm Kinh thánh, nhưng còn phải truyền dạy cho người khác. Đó là điều tốt mà tất cả chúng ta nên làm. Đã đến lúc quý vị phải học Lời Chúa để chia sẻ cho người khác. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống xa cách với những người chung quanh, nhưng trở nên người hiểu biết lời Chúa giữa lúc những người chung quanh chưa biết. Cho nên chúng ta cần nâng đỡ lẫn nhau qua Lời Chúa, như sách Hê-bơ-rơ 10:25, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”

 

Đức Chúa Trời bảo chúng ta trở nên người làm chứng (Công vụ các Sứ đồ 1:8) tức là nói lại cho người chung quanh những gì mình đã thấy và nghe. Chúa không bảo chúng ta trở thành học giả, chuyên gia hay người nhớ sách. Chúa không muốn chúng ta giấu lẽ thật trong sách. Có người cho giáo dục là tiến trình để truyền đạt kiến thức, tin tức từ thầy cô đến học sinh. Các lẽ thật của Kinh thánh cũng cần được truyền đạt cho người chưa biết, cho nên sẽ không thực tiễn nếu Lời Chúa không được chia sẻ. Ngày nay chúng ta được kêu gọi trở nên người làm chứng.

 

Mục sư Vernon McGee có kinh nghiệm nầy khi ông còn ở chủng viện, ông làm công tác mục vụ cho một hội thánh nhỏ, giống như năm người bạn khác. Đến khi tốt nghiệp, họ đã trổi hơn những người bạn khác cùng lớp. Tại sao? Có phải là họ thông minh hơn những người khác không? Không phải vậy. Nhưng bởi vì họ đã truyền đạt Lời Chúa cho người khác.

 

Quý vị thân mến, tôi mong ước quý vị chia sẻ lại những gì quý vị đã học biết về Kinh thánh cho những người chung quanh.

 

Tôi đã chia sẻ cho quý vị bảy điều hướng dẫn căn bản để tiếp nhận lời của Chúa, đó là:

 

1- Bắt đầu bằng cầu nguyện.

2- Đọc Kinh thánh.

3- Học Kinh thánh

4- Suy gẫm Kinh thánh

5- Đọc sách giải nghĩa Kinh thánh.

6- Vâng theo lời Kinh thánh.

7- Truyền dạy cho người khác.

 

 

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Và Cảm Tạ 83 Năm Tin Lành Truyền Đến Bình Thuận.
Bài tiếp theoĐến Với Người Phung Tại Hòa Vân – Đà Nẵng.