Bài 59: Mỗi Người Ở Tại Vị Trí Của Mình

1284

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Sách Các quan xét có hai phần áp dụng, thứ nhất là cho cá nhân và thứ hai là cho quốc gia. Chúa đã có nhiều điều dạy dỗ cho chúng ta qua phần tiểu sử của các vị quan xét. Điểm nổi bật nhất là gì? Họ chỉ là những con người nhỏ bé và Đức Chúa Trời có thể dùng những con người nhỏ bé nầy để làm những việc lớn cho Ngài vì họ sẵn lòng và thuận phục Thánh Linh. Nếu Đức Thánh Linh không ở cùng và sử dụng họ, thì họ chỉ là những người thường mà không làm được gì cả.

 

Bây giờ, chúng ta đi vào chi tiết đời sống của Ghê-đê-ôn trong đoạn 6, 7 và 8. Ghê-đê-ôn là một nhân vật nổi bật nhất trong tất cả các quan xét. Chúng ta học được từ nơi ông nhiều hơn từ những người khác. Ghê-đê-ôn mô tả ông như là người nhỏ nhất trong những kẻ nhỏ nhất. Ghê-đê-ôn xuất hiện giữa một thời kỳ bội đạo của dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên đã từng một thời phụng sự Chúa dưới sự lãnh đạo và giải phóng của Đê-bô-ra. Họ tôn thờ Chúa và phụng sự Ngài. Nhưng sau khi những người lãnh đạo qua đời, họ làm điều ác và quay lưng với Đức Chúa Trời. Bởi vậy, Ngài dấy lên kẻ thù là người Ma-đi-an. Người Ma-đi-an xâm lăng và chèn ép dân Y-sơ-ra-ên rất tàn bạo. Không những nhiều người Y-sơ-ra-ên phải bỏ mạng tại chiến trường mà đất đai, mùa màng của họ cũng bị phá hoại cướp bóc đến nỗi họ vô cùng nghèo đói.

 

Sau 7 năm bị áp bức, dân Y-sơ-ra-ên kêu van cùng Đức Chúa Trời. Chúa dấy lên một người để giải phóng dân tộc. Người đó không ai khác hơn là Ghê-đê-ôn. Đoạn 6 cho biết rằng, thiên sứ xuất hiện và nói với ông, “Hỡi người dõng sĩ, Chúa ở cùng ngươi.”  Ghê-đê-ôn thưa rằng, “Nếu Chúa ở với chúng tôi, tại sao những điều này lại xảy ra? Phép lạ của Ngài ở đâu?” Ông ngụ ý nói đến những phép lạ mà ông đã từng được nghe khi nhắc về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Nhiều người ngày nay cũng hỏi giống như Ghê-đê-ôn, “Các phép lạ đâu cả rồi? Chúng tôi chỉ nghe đến phép lạ trong những thời xa xưa, nhưng chẳng thấy phép lạ nào đang xảy ra trước mắt.” Câu trả lời của Chúa dành cho Ghê-đê-ôn có thể được diễn dịch như sau, “Ghê-đê-ôn, ngươi chính là một phép lạ. Ta sẽ thực hiện phép lạ qua ngươi.” Và Chúa đã kêu gọi ông, “Hãy dùng sức ngươi vốn có mà giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, Ta há chẳng sai ngươi đi sao?”

 

Điều vô cùng quan trọng cho một người được Chúa kêu gọi là họ sẽ dấn thân với niềm tin quyết rằng, Chúa đã sai phái mình thì Ngài sẽ ở với mình. Nếu bạn tin rằng, Chúa đã kêu gọi bạn vào một chức vụ với một công việc nào đó; nếu bạn tin rằng, Chúa ở cùng thì vấn đề không phải bạn là ai, nhưng vấn đề Chúa là ai. Vấn đề không phải là bạn muốn gì nhưng là Chúa muốn gì. Vấn đề không phải bạn đã làm được điều gì nhưng Chúa đã làm điều gì qua đời sống bạn.

 

Có nhiều giáo sĩ đã đi ra khắp nơi trên thế giới để rao giảng Tin lành. Họ đã bám trụ tại đó hằng chục năm, sống dưới những điều kiện hết sức thiếu thốn tiện nghi. Nếu họ không có niềm tin quyết rằng Chúa đã sai phái họ và Ngài ở cùng họ, thì không bao giờ họ có thể sống tại những nơi đó đến hằng hai chục năm trường. Chúa muốn Ghê-đê-ôn xác quyết rằng, Ngài đã gọi ông vào công tác nầy.

 

Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Ghê-đê-ôn đứng lên giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của người Ma-đi-an, thì ông thưa với Chúa rằng, “Làm sao con có thể làm được việc đó? Con chỉ là kẻ nhỏ bé nhất trong một gia tộc nghèo khó nhất giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên. Tại sao Ngài kêu gọi con?” Ý tưởng này chạy xuyên suốt sách Các quan xét. Đức Chúa Trời không tìm kiếm những nhân vật thượng thặng nhưng Ngài tìm kiếm những con người yếu đuối nhỏ bé nhất, vì dường như họ sẵn sàng học những định luật thuộc linh mà Môi-se và các vị lãnh đạo khác đã học. Những định luật đó là thế này, “Tôi không là gì cả, nhưng Đức Chúa Trời mới là tất cả. Tôi không thể làm được nhưng Ngài có thể làm được. Và cuối cùng, tôi đã không làm được điều chi nhưng Đức Chúa Trời đã làm mọi sự.” Làm sao những con người tài năng xuất chúng có thể học được những bài học nầy? Họ thường có xu hướng tin vào chính mình. Nhưng nếu họ là những người chẳng ra chi so với người khác, họ có khuynh hướng tin cậy vào Chúa.

 

Khi Chúa kêu gọi Ghê-đê-ôn lật đổ ách thống trị của người Ma-đi-an thì ông phải đương đầu với một thế lực vô cùng hùng mạnh của đối phương. Quân đội của họ đến hằng trăm ngàn người, đông như cát trên biển. Do đó, Đức Chúa Trời phải củng cố đức tin của Ghê-đê-ôn. Việc này được mô tả chi tiết hơn các vị quan xét khác. Có thể các vị quan xét khác cũng trải qua một kinh nghiệm giống như vậy. Trước tiên, Ngài muốn chứng tỏ đức tin bằng cách thử họ. Rồi Ngài bày tỏ chính Ngài nhằm làm vững đức tin của họ. Đức Chúa Trời đã củng cố đức tin của con dân Ngài khi Chúa kêu gọi họ làm những việc mà có khi đòi hỏi một đức tin rất lớn. Bản Kinh thánh của Berkeley đã dịch Thi thiên 37:23 như sau, “Bước đi của những người tin kính được Chúa xác quyết.” Có những lúc chúng ta không biết ý muốn của Chúa là thế nào. Nhiều lúc dường như đứng trước ngã ba đường, không biết rẽ sang trái hay quẹo sang phải. Sau khi cân nhắc thận trọng, chúng ta chọn một hướng để đi tới. Rồi chúng ta cầu nguyện xin Chúa xác quyết điều đó. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ xác quyết nhằm khích lệ đức tin chúng ta.

 

Chúa làm vững những bước đi của Ghê-đê-ôn bằng nhiều cách. Trước tiên, Ngài thiêu đốt của lễ bởi lửa bốc ra từ hòn đá. Phép lạ này nhằm làm vững đức tin của Ghê-đê-ôn. Tiếp theo là câu chuyện quen thuộc về cái lốt chiên.

 

Câu chuyện này được Kinh thánh ghi như sau:

 

Ghê-đê-ôn thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nếu Chúa muốn dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như lời Chúa đã phán, thì tôi sẽ để một lốt chiên trong sân đạp lúa; nếu sương chỉ đóng trên lốt chiên, còn đất lại khô ráo, thì tôi sẽ nhận biết Chúa dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như Chúa đã hứa vậy. Việc bèn xảy ra như vậy: ngày mai Ghê-đê-ôn dậy sớm, ép vắt lốt chiên, thì sương chảy ra đầy một chén nước. Ghê-đê-ôn lại thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Xin cơn thạnh nộ Chúa chớ nổi phừng cùng tôi, tôi chỉ sẽ nói lần nầy thôi. Xin Chúa để tôi làm thử với lốt chiên chỉ một lần nầy thôi: Xin cho một mình lốt chiên phải khô, còn sương lại đóng khắp trên đất. Trong đêm đó, Đức Chúa Trời bèn làm như vậy; chỉ một mình lốt chiên thì khô, còn khắp trên đất lại bị sương phủ.

 

Nếu được Chúa kêu gọi để làm một công việc nào đó, bạn có muốn được Chúa xác quyết về điều đó không? Ghê-đê-ôn đã làm như vậy. Ngài đã ủy thác cho Ghê-đê-ôn thực hiện một trọng trách. Chúa muốn xác quyết điều đó với Ghê-đê-ôn nên Ngài đã đáp ứng lời cầu xin của ông. Có sự khác biệt giữa việc xin Chúa bày tỏ dấu hiệu với việc thử Chúa. Một trong những cám dỗ mà Chúa đã trải qua đó là ma quỷ đem Ngài lên một nơi cao nhất của đền thờ rồi thách thức Ngài gieo mình xuống. Nó lý luận rằng, nếu Ngài là con Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ sai thiên sứ gìn giữ Ngài. Chúa Jêsus trả lời cho ma quỷ, “Có Lời chép rằng, Ngươi chớ thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Khi đến với Đức Chúa Trời, chúng ta phải đến với đức tin. Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Chúa. Đức tin thường thông qua thử nghiệm, do đó, trong bước đường theo Chúa sẽ có lúc Ngài thử nghiệm chúng ta. Nhưng ngược lại, chúng ta không có quyền thử Đức Chúa Trời.

 

Giả sử, bạn có một người con chuẩn bị lên trung học, bạn gặp giáo sư và trình bày ý kiến như sau, “Có một điều tôi lấy làm quan tâm cho cậu con trai của tôi. Nó thường mất bình tĩnh khi thi cử. Do đó, tôi muốn nó không phải trải qua một kỳ thi nào. Tuy nhiên, thầy có thể sắp xếp để con tôi được gặp thầy, và thay vì thầy kiểm tra kiến thức của nó thì nó sẽ kiểm tra thầy.” Bạn nghĩ sao? Chắc chắn, con của bạn sẽ không bao giờ được nhận vào học ở bất cứ trường nào với đề nghị kỳ lạ như vậy.

 

Theo Kinh thánh, khi chúng ta bắt đầu cuộc sống với đức tin là lúc chúng ta bước chân vào đại học đức tin của Đức Chúa Trời. Chúng ta không có quyền thử Đức Chúa Trời. Nhưng ngược lại, Ngài có quyền thử chúng ta. Chúa có thể cho chúng ta những bài tập 15 phút, bài kiểm tra giữa học kỳ hay cuối học kỳ… Đức Chúa Trời có thể thử nghiệm chúng ta bất cứ lúc nào Ngài muốn. Ngài có toàn quyền để làm điều đó. Trở lại vấn đề cái lốt chiên của Ghê-đê-ôn, Đức Chúa Trời chấp nhận lời cầu xin của Ghê-đê-ôn nhằm khích lệ ông. Ngài nhìn thấy đức tin trong lòng của Ghê-đê-ôn và biết Ghê-đê-ôn cần có sự xác quyết từ nơi Chúa. Điều này khác với việc thử Chúa và thật sự ngờ vực Ngài.

 

Đức Chúa Trời còn làm cho vững đức tin của Ghê-đê-ôn bằng cách thứ ba và cũng là lần cuối cùng. Dân Ma-đi-an đóng trại tại thung lũng gần Mô-rê, vào lúc ban đêm, trời rất tối. Trước khi tấn công, thì Chúa phán với Ghê-đê-ôn rằng, “Ta muốn ngươi lẻn vào trại quân của người Ma-đi-an đêm nay. Ta sẽ làm cho vững đức tin của ngươi thêm một  lần nữa.” Ghê-đê-ôn vâng lời. Kinh thánh ghi lại biến cố này như sau:

 

Trong lúc Ghê-đê-ôn đến, có một người thuật điềm chiêm bao cho bạn mình nghe, rằng: Nầy, tôi có một điềm chiêm bao, thấy một cái bánh nhỏ bẳng bột lúa mạch lăn vào trại quân Ma-đi-an: nó lăn đến một trại, đụng làm cho trại ngã, lật ngược trên lộn dưới, nên trại bị đánh đổ. Bọn người đáp rằng: Đó nào khác hơn là gươm của Ghê-đê-ôn, con trai Giô-ách, người Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã phó Ma-đi-an và cả trại quân vào tay người.

 

Khi nghe điều đó, Ghê-đê-ôn đứng lặng mình trong bóng tối, cúi đầu mà thờ lạy Đức Chúa Trời. Ông nói, “Cám ơn Chúa vì Ngài đã làm cho vững đức tin của con.” Rồi ông trở về với đồng bạn của mình, nói với họ rằng, “Hãy đứng lên vì Chúa đã phó người Ma-đi-an vào tay của chúng ta.” Đức Chúa Trời đã thật sự làm vững mạnh đức tin của Ghê-đê-ôn. Đến lúc này, ông không cần thêm sự xác quyết gì khác nữa, không cần thêm một lốt chiên nào nữa. Bây giờ, ông tin quyết rằng, Đức Chúa Trời phó người Ma-đi-an vào tay ông.

 

Lần đến, chúng ta sẽ xem Đức Chúa Trời có thể làm gì qua một người đặt lòng tin nơi Ngài. Phải chăng Ngài cũng cố, làm cho vững đức tin để chuẩn bị cho một phép lạ lớn lao sẽ được thực hiện? Đức Chúa Trời có đang chuẩn bị bạn cho một công việc của đức tin không? Phải chăng Đức Chúa Trời muốn làm những việc lớn lao qua bạn nhưng bạn không sống gần với Chúa để nhận biết điều đó? Hãy đối chiếu cuộc đời bạn qua những từng trải của Ghê-đê-ôn. Trong chương đến, chúng ta sẽ thấy không những Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho Ghê-đê-ôn mà còn thử nghiệm Ghê-đê-ôn trước khi dùng ông lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên để đánh bại người Ma-đi-an.

 

Bài trướcTỉnh Long An Bồi Linh Quý III/2015
Bài tiếp theoLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm HTTL Tam Kỳ – Tỉnh Quảng Nam