Bài 272: Xưng Tội

1822

 

 

Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm.  

Gia-cơ 5:16

 

 

   Xưng tội là sự cung ứng của Chúa để làm tan mọi trở ngại ngăn cản tương giao giữa ta với Chúa và với người khác. Xưng tội không phải chỉ là thái độ của những người không ngại nhận lỗi của mình. Xưng tội là một mệnh lệnh cho mỗi người tin Chúa. Gia-cơ dạy rằng khi chúng ta phạm lỗi thì phải xưng tội, quan trọng không phải chỉ là đối với Chúa, nhưng còn đối với anh em chị em tín hữu khác nữa. Có một kinh nghiệm giải thoát thật quý giá đến với ta khi ta công khai xác nhận hành vi gây xúc phạm của mình đối với người khác.

 

   Nhưng nếu xưng tội không xuất phát từ ăn năn hối hận, thì chỉ là việc nhận tội chứ không phải xưng tội thật sự. Điều quan trọng trong việc xưng tội là nói rõ tội vi phạm, chứ không phải chỉ ẩn giấu trong những lời tổng quát. Khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha tội cho con” hoàn toàn khác với việc nêu rõ tội danh, và chân thành sám hối. Khi có thể được, xưng tội phải trực tiếp đối với người mình xúc phạm. Ngoài ra bạn cũng không xưng tội thay cho người nào khác, nhưng cho vi phạm của chính mình. Xưng tội không phải dấu hiệu của yếu đuối, nhưng là bằng cớ chứng minh rằng bạn không muốn tội lỗi còn lại trong cuộc đời của mình.

 

   Gia-cơ nối liền việc xưng tội với cầu nguyện. Nghĩa là lời cầu nguyện sẽ bị cản trở nếu bạn vẫn còn giữ lại tội chưa xưng ra. Khi Gia-cơ hứa rằng: “Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm” ông có ý nói trong trường hợp tội đã được xưng ra. Nếu bạn muốn có một đời sống cầu nguyện đầy quyền năng, thì phải thường xuyên xưng tội. Vì chỉ khi nào không có gì cản trở hay ngăn cách bạn với Chúa thì lúc ấy lời cầu nguyện của bạn mới có hiệu quả. Nên nhớ rằng kiêu ngạo thường cản trở ta trong việc nhận tội cùng nhau. Nhưng ước ao sống vừa lòng Chúa sẽ thúc đẩy bạn phải xưng tội và giải thoát bạn khỏi tính khí hư xấu đó.

 

Bài trướcTriển lãm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam Tại nhà thờ TL Nguyễn Tri Phương.
Bài tiếp theoBài 5: Cầu Nguyện Và Đọc Kinh Thánh