Bài 47: Giô-Sép Bị Bán Qua Ai-cập

3222


Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 


Sáng thế ký 37:25-36                                          

 

Chúng ta tiếp tục câu chuyện thương tâm xảy ra cho Giô-sép, ông là con Gia-cốp do mẹ là Ra-chên sanh ra cách muộn màng, nên cha thương Giô-sép nhiều hơn các anh khác và may cho chàng một áo choàng nhiều màu sắc. Giô-sép nằm mộng thấy hai chiêm bao và khi thuật lại cho các anh nghe thì họ càng ghét chàng hơn nữa vì điềm chiêm bao ngụ ý nói rằng các anh sẽ quỳ mọp trước Giô-sép. Khi cha sai Giô-sép đi đến nơi các anh chăn chiên ở đồng cỏ xa nhà, để biết tin tức họ có khỏe mạnh không, khi họ thấy Giô-sép đến thì bắt quăng xuống hố. Số phận của Giô-sép sẽ ra thế nào?

 

Sáng thế ký 37:25-27, “Đoạn, họ ngồi lại ăn. Nhướng mắt lên chợt thấy một đoàn dân Ích-ma-ên ở phía Ga-la-át đi đến, trên lưng lạc đà họ chở đầy thuốc thơm, nhũ hương và một dược đương đem đi đến xứ Ê-díp-tô. Giu-đa bèn nói cùng các anh em rằng: Giết em ta mà giấu máu nó, có dùng cho ta được việc chi? Hè! hãy đem bán nó cho dân Ích-ma-ên và đừng tra tay vào mình nó; vì nó là em, là cốt nhục của chúng ta. Các anh em đều nghe theo lời người nói.”

 

Bữa ăn nào cũng có bánh, vì đó là thức ăn thông thường của người Do-thái, giống như chúng ta cơm mỗi ngày. Hiển nhiên lắm, các anh vừa xử trí với em trai mình và họ chẳng xúc động sâu xa gì hết, họ vẫn thèm ăn, chẳng sút kém chút nào. Khi nhận thấy cách đối xử của Giô-sép với Si-mê-ôn lúc gặp lại sau này, chúng ta có thể đoán rằng người chủ mưu trong việc bắt Giô-sép ném xuống hố là anh Si-mê-ôn.

 

Có một con đường đi qua phía bắc Đô-ta-in một khoảng ngắn, và một con lộ khác quan trọng hơn, chạy xa đôi chút về phía đông sau khi vượt qua sông Giô-đanh, sau đó đi qua Bết-san rồi cứ chạy xuống, qua trung tâm miền Hếp-rôn, và từ đó sang hướng Tây-nam mà xuống xứ Ai-cập. 

 

Có một đoàn lái buôn cũng vừa lúc đi ngang qua đó. Bây giờ thì lại đến lượt Giu-đa can thiệp, khi đoàn lái buôn đó đi ngang qua. Đấy chỉ là một kế hoạch đầy dụng ý, nhưng dẫu sao thì ít nhất anh ta cũng không muốn thấy có vụ án mạng xảy ra. Anh ta không muốn thấy máu của Giô-sép vấy trên tay họ. Anh Giu-đa tỏ ra những nét cao đẹp hơn, lời kêu gọi của anh chẳng giải bày mọi ý định trong tâm tư, song chỉ gợi cho ai nghĩ đến phần trục lợi. Nhưng rõ ràng lắm mục đích của Giu-đa là ngăn cản tội xác nhân. Dầu sao đi nữa Giô-sép cũng là em trai của mình, giết nó và che lấp máu nó thì cũng chẳng lợi gì. Có lẽ Giu-đa có nghe việc lấp máu đi trong thời Ca-in, người ta cho rằng máu bị đổ của kẻ vô tội sẽ kêu thấu đến tận trời, Vả lại, việc che lấp máu giết người vô tội thì cũng có ngày bại lộ.

 

Các anh kia liền đồng ý với đề nghị đó cũng chỉ vì họ rất muốn tống khứ Giô-sép đi. Họ cũng không màng rồi đây đời nó kết thúc như thể nào. Họ chỉ nghĩ ra rằng, rồi đây những người Ích-ma-ên này sẽ đem Giô-sép xuống xứ Ai-cập và rồi ở đó họ sẽ bán anh ta như một tên nô lệ. Đề nghị bán Giô-sép làm nô lệ chẳng phải một đề nghị tốt nhưng ít ra cũng ngăn chặn được các anh giết Giô-sép.

 

Tại hầu hết nhiều nơi thì thân phận kẻ nô lệ chẳng khác chi người sắp chết và họ biết rằng rồi đây họ sẽ chẳng còn nghe thấy tin tức gì của Giô-sép nữa.

 

Sáng thế ký 37:28, “Vả, khi những lái-buôn Ma-đi-an đi ngang qua, các anh kéo Giô-sép lên khỏi hố nước, rồi bán chàng giá hai mươi miếng bạc cho dân Ích-ma-ên đem qua xứ Ê-díp-tô.”

 

Khi Giu-đa vừa nói, vừa để mắt nhìn đoàn người Ích-ma-ên là những lái buôn đang đi ngang đó. Bấy giờ các anh của Giô-sép đồng ý bán em mình, nên họ bèn kéo Giô-sép lên khỏi hố. Họ bán chàng với giá 20 nén bạc. Sau này khi xem những phần Kinh thánh khác, cho chúng ta biết giá trung bình của một người nộ lệ đúng tuổi trị giá 30 nén bạc, nhưng Giô-sép mới có 17 tuổi thôi, nên giá thấp hơn. Trong thời xa xưa việc bán người làm nô lệ rất bình thường, nhưng ngày nay không còn nữa.

 

Rất có thể chúng ta đang nghĩ rằng, về vấn đề này chỉ có Môi-se (người đã viết Kinh thánh Sáng thế ký) mới có thể quyết định được. Trước tiên ông gọi họ là người Ích-ma-ên, sau lại gọi là người Ma-đi-an, và rồi sau đó lại gọi là người Ích-ma-ên nữa. Như vậy họ là ai? Phải chăng đây là một điều lầm lẫn trong Kinh thánh hay không? Trước đây, có một anh sinh viên nọ mang đến cho tôi một cuốn sách nhỏ mà người ta đã đưa cho anh ta, trong đó liệt kê một hai ngàn cái gọi là “Những sai lầm trong Kinh thánh.” Sau khi xem qua, điều duy nhất mà tôi tìm thấy là những sai lầm của cuốn sách nhỏ này, chứ không phải của Kinh thánh. Một trong những điều chúng đề cập đến là việc gọi những người lái buôn thuộc dân Ích-ma-ên, rồi gọi là dân Ma-đi-an và sau cùng gọi trở lại là dân Ích-ma-ên.

 

Vấn đề này khá lý thú và cũng đáng để chúng ta xem xét cặn kẽ hơn. Trước hết, nó để lộ cho chúng ta thấy rằng đó chỉ là những lời chỉ trích tầm phào của những ai căm ghét Kinh thánh đã diễn giải sai những gì mà họ cho là sai lầm, nhưng thật ra nó bày tỏ Kinh thánh được ghi chép hoàn toàn chính xác.

 

Hãy tự hỏi những người dân Ích-ma-ên đó là ai? Họ là con cháu của Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham. Còn những người Ma-đi-an kia là ai? Đó là dòng dõi của Ma-đi-an, cũng là con trai của Áp-ra-ham. Ích-ma-ên là con trai của Áp-ra-ham, được sanh bởi bà A-ga, còn Ma-đi-an là con trai của Áp-ra-ham, sanh bởi bà Kê-tu-ra mà ông cưới sau khi bà Sa-ra qua đời. Tất cả họ đều là anh em với nhau. Thật ra họ là bà con thân thích với nhóm thanh niên, những người đang định bán em trai mình! Vào thời điểm đó, ai là người Y-sơ-ra-ên? Lúc ấy họ chỉ có 12 người. Ích-ma-ên lớn tuổi hơn Y-sác, vậy nên lúc đó dân Ích-ma-ên chỉ độ hơn 100 người. Thế thì khi đó số người Ma-đi-an là bao nhiêu? Vì, Ma-đi-an sanh sau Y-sác, thế nên con cháu Ma-đi-an chẳng có nhiều, có lẽ khoảng hơn chục người hoặc nhiều hơn một ít. Những người này chỉ là những nhóm nhỏ. Vả lại, vào thời ấy việc đi lại qua hành trình dài có nhiều nguy hiểm. Họ định băng qua sa mạc để đến xứ Ai-cập. Họ đã liên kết với nhau vì lợi ích chung và cũng vì bảo vệ lẫn nhau. Họ đang tiến hành một chuyến đi buôn bán đến xứ Ai cập và cũng vì họ là những người bà con, họ hiểu biết lẫn nhau và thế là họ liên kết với nhau.

 

Lời của Đức Chúa Trời là tốt lành và chúng ta cần hiểu đúng. Chúng ta quả thật là những người có khi không nhận thức đúng về Lời Chúa. Sự ngu ngốc càng làm tăng thêm sự nghiêm trọng cho những gì mà người ta tưởng rằng đó là những điều mâu thuẫn trong Kinh thánh. Đến đây, chúng ta thấy được rằng Môi-se đã hiểu rõ hoàn cảnh đương thời như thế nào và ông ta đã viết ra một cách chính xác.

 

GIÔ-SÉP BỊ BÁN LÀM NÔ LỆ

 

Vả, Giô-sép đã bị 10 người anh của mình bán cho những người Ích-ma-ên, rồi họ đem anh ta xuống xứ Ai-cập.

Sáng thế ký 37:29-30, “Ru-bên trở lại hố; nầy Giô-sép đâu mất rồi; bèn xé áo mình, trở lại nơi các em mình mà rằng: Ôi! đứa trẻ đâu mất rồi! Còn tôi, sẽ đi đâu.”

 

Ru-bên không có mặt tại đó khi các anh khác bán Giô-sép đi. Ông rất kinh hoàng dường nào khi trở lại hố mà chẳng thấy em Giô-sép ở đó, anh quá đỗi đau lòng mà xé áo mình, không biết phải làm gì trong hoàn cảnh đau lòng đó. Chúng ta thấy rằng trong số các anh ghét Giô-sép, nhưng cũng còn có người thương, có người còn nghĩ đến tình cốt nhục anh em.  

 

Các câu Kinh thánh trên đây không nói cho chúng ta biết rằng các anh Giô-sép đã có thuật lại với Ru-bên điều mà bọn họ đã thật sự làm hay không, nhưng có thể họ đã nói, và bảo với Ru-bên rằng, chẳng ích chi mà đuổi theo đoàn người lái buôn kia, vì nay họ đã đi khỏi khá xa rồi, chi bằng tốt hơn là anh ta nên giúp họ đặt ra một câu chuyện nghe có vẻ hợp lý nhằm nói lại với cha già Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 37:31-32, “Các anh giết một con dê đực, rồi lấy áo Giô-sép nhúng vào trong máu; đoạn, gởi cái áo nhiều sắc đó đem về cho cha mình và dặn nói rằng:  Đây là vật chúng tôi đã kiếm được. Vậy, xin hãy nhìn coi, có phải áo của con trai cha chăng.”

 

Mưu kế này nghe thật khéo léo quá phải không? Họ hành động như thể họ chẳng hề trông thấy Giô-sép nữa. Họ giả vờ họ tìm được chiếc áo choàng đó thôi. Xin hãy nhớ lại rằng bọn họ biết quá rõ về cái áo mà họ ghét cay, ghét đắng, nhưng giả vờ như chẳng biết chút gì về nó cả, rồi còn hỏi cha mình rằng, ông có nhận ra cái áo đó chăng? Dĩ nhiên cha già Gia-cốp biết rõ cái áo đó của ai và đã đưa ra một kết luận hiển nhiên, cái kết luận mà các người con trai cần nhắm đến, đó là Giô-sép đã chết.

 

Sáng thế ký 37:33, “Gia-cốp nhìn và nói rằng: Ấy là áo của con trai ta đó; một thú dữ đã xé cấu nó! Quả thật Giô-sép đã bị phân thây rồi!”

 

Bây giờ chúng ta hãy xem xét thêm sự kiện này trên một khía cạnh khác. Những người con trai của Gia-cốp đã giết một con dê đực và lấy áo choàng của Giô-sép nhúng vào trong máu đó. Phải chăng sự kiện dùng con dê để lừa gạt cha mình nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại một sự kiện mà chúng ta đã biết trước đây?

 

Xin hãy nhớ lại lúc mà Gia-cốp đồng mưu với mẹ mình là Rê-bê-ca, họ đã giết một con dê đực làm một thức ăn ngon có mùi thơm đặng dâng lên cho Y-sác, cha mình. Xong họ lấy da của con dê này quấn lên các bàn tay và cánh tay của Gia-cốp nhằm để lừa gạt cha mình. Bây giờ lại đến lượt các anh trai của Giô-sép dùng máu của con dê đực để lừa gạt cha của họ, người cha đó lại chính là Gia-cốp chứ chẳng phải ai khác cả. Họ đưa cho ông ta cái áo choàng đó rồi hỏi: “Cha ơi, cha có nhận ra chiếc áo này không?” Chúng con đã tìm thấy nó ở trên núi kia. Dường như có một con thú dữ, chắc nó đã tấn công và ăn thịt em của chúng con rồi!” Thế là cha già Gia-cốp kết luận ngay rằng, con trai ông, Giô-sép đã bị thú dữ giết rồi.

 

Chúng ta hãy lưu ý đến điều nầy một cách cẩn thận. Gia-cốp bị lừa dối theo cái cách giống hệt như cái cách mà ông đã lừa dối cha mình trước đây. Quả đúng là “ác lai, ác báo” theo cách nói của người phương đông, hay là chúng ta thường nghe nó “quả báo nhãn tiền.” Kinh thánh cũng dạy rằng: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu, vì hễ ai gieo giống chi, lại gặt giống nấy” (Ga-la-ti 6:7). Khi còn là thanh niên, Gia-cốp đã gieo giống xấu, anh ta thường dùng sự dối gạt, nay ông ta bị dối gạt theo cái cách giống y hệt như cái cách mà ông ta đã lừa dối cha mình trong nhiều năm về trước.

 

Khi chúng ta gieo lúa, chúng ta sẽ gặt lúa. Khi chúng ta gieo cỏ lùng thì sẽ gặt cỏ lùng. Ngày nay, tư tưởng này vẫn đúng cho bất cứ lãnh vực nào mà chúng ta mong muốn áp dụng vào. Chẳng hạn lãnh vực vật lý, lãnh vực luân lý, lãnh vực tinh thần. Chắc chắn là quy luật này vẫn đúng cho cả đời sống của tín hữu nữa.

 

Nếu như nghĩ rằng mình có thể sống song hành với tội lỗi thì cũng không sao vì mình là con cái của Đức Chúa Trời, thế là đã có một tư tưởng khác đang xảy đến cho mình rồi. Tốt hơn chúng ta nên thay đổi tư tưởng đó của mình và nhớ đừng phạm tội, bởi vì Đức Chúa Trời chẳng hề tây vị ai. Ngài phán rằng, luật này được áp dụng chung cho tất cả mọi người, vậy thì chúng ta sẽ không thể nào được hưởng ngoại lệ.

 

Bây giờ chúng ta hãy để ý đến sự đau buồn của Gia-cốp:

 

Sáng thế ký 37:34-35, “Người (Gia-cốp) xé quần áo mình ra, lấy bao quấn ngang hông, và để tang lâu ngày cho con trai mình. Hết thảy con trai, con gái hiệp lại an ủy người, nhưng không chịu; bèn nói rằng: Ta để tang luôn xuống chốn âm phủ cùng con ta! Ấy đó, cha (của) Giô-sép khóc than chàng như vậy.”

 

Có lẽ sẽ có người nghĩ rằng sự đau buồn của Gia-cốp biểu lộ cho thấy rằng Gia-cốp yêu con trai mình là Giô-sép biết dường nào. Cũng công nhận rằng, chắc chắn ông ta đã yêu cậu con trai này lắm! Nhưng điều này cũng tiết lộ cho thấy rằng Gia-cốp vẫn chưa học được bài học “bước đi trong đức tin.” Hãy nhớ lại kinh nghiệm mà ông ta có tại núi Phê-ni-ên. Đó là làm giảm nhẹ đi cái bản ngã của con người cũ, ở đó con người xác thịt bị sụp đổ, và bây giờ ông ta phải học để bước đi trong đức tin, nhưng thế mà ông ta vẫn chưa học được bài học đó. Thật ra đức tin của Gia-cốp được đề cập trong đoạn thứ 11 của Kinh thánh Hê-bơ-rơ, nhưng ở đó, cuộc đời ông chẳng có gì được xem là gương mẫu của đức tin mãi cho đến thời kỳ ông gần qua đời. Lúc đó, đức tin ấy mới được biểu lộ ra.

 

Ở đây, chúng ta hãy so sánh sự đau buồn của Gia-cốp với sự đau buồn của Đa-vít (II Sa-mu-ên 12:15-23). Đa-vít đã khóc thương cho đứa con trai bé bỏng của mình, đứa con mà ông rất đổi yêu thương. Đa-vít yêu thương đứa con trai bé bỏng ấy cũng nhiều như Gia-cốp thương yêu Giô-sép vậy. Nhưng Đa-vít là người có đức tin. Ông biết rằng đứa con ấy chẳng thể nào trở lại cùng ông, nhưng ông cũng tin rằng rồi một ngày nào đó ông sẽ gặp được đứa con trai bé bỏng ấy nơi nước thiên đàng. Một đức tin thật lớn lao biết bao! Gia-cốp thì ngược lại, đã không bước đi trong đức tin. Đây là một nổi thương tiếc cũng khá dị thường.

 

Là Cơ Đốc nhân, có lẽ chúng ta cũng đã từng mất đi một người mà mình hết lòng yêu dấu và có lẽ không thể nguôi ngoai điều đó được. Chúng ta hãy chứng tỏ đức tin của mình, một khi đã nhận thức được rằng, chúng ta chẳng thể nào đem được người đó trở lại với mình bằng sự tiếc thương, sầu thảm. Điều đó chẳng có ích chi cả. Nếu là con cái của Đức Chúa Trời mà lại quá than khóc cho một người, mà người đó cũng là con cái của Đức Chúa Trời, tốt hơn chúng ta hãy bước đi trong đức tin vì biết rằng rồi sẽ có một ngày gặp lại người ấy nơi nước đời đời và không bao giờ chia cách nữa. Thế gian nầy chẳng hề có đức tin, họ than khóc giống như những con người tuyệt vọng. Nhưng chúng ta là Cơ Đốc nhân, hãy cứ vững vàng bước đi trong đức tin!

 

Sau đây là câu Kinh thánh cuối cùng của đoạn này, chúng ta hãy cùng đi theo Giô-sép mà đến miền Ai-Cập.

 

Sáng thế ký 37:36, “Các lái buôn Ma-đi-an đem Giô-sép đến xứ Ê-díp-tô, bán cho Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn.

 

Đến Sáng thế ký 39 chúng sẽ nghe tiếp về chuyện xảy ra cho Giô-sép, khi bị bán làm nô lệ cho Phô-ti-pha quan thị vệ của Pha-ra-ôn tại Ai- cập. Cuộc đời Giô-sép chuyển sang một giai đoạn mới. Trong các sau, chúng ta sẽ tìm hiểu những điều kế tiếp xảy đến cho Giô-sép. 

 

 

Bài trướcTin Ảnh: Hội Đồng Bồi Linh Tỉnh Khánh Hòa Năm 2014.
Bài tiếp theoThánh Kinh Mùa Hè Năm 2014 Tại Hội Thánh Vĩnh Long.