Bài 43: Ghi Nhớ Những Phép Lạ Chúa Làm

1560

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Phục truyền luật lệ ký là sách lặp lại luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài tại núi Si-nai. Phần lặp lại đi kèm với phần áp dụng. Nói rõ hơn, đây là luật pháp cho thế hệ thứ nhì của dân sự Đức Chúa Trời. Thế hệ thứ nhất đã ngã gục tại đồng vắng; do đó, thế hệ thứ nhì cần được nghe Lời của Đức Chúa Trời trước khi họ tiến vào lãnh thổ Ca-na-an. Điều răn dạy của Phục truyền luật lệ ký là thế hệ thứ nhì của tuyển dân Đức Chúa Trời phải dạy Lời của Ngài cho thế hệ thứ ba, hay là cho con cái của họ.

 

Hình bóng về sự cứu rỗi được bày tỏ rõ ràng qua những sách đầu của Kinh thánh.

 

. Sách Sáng thế ký cho biết nguồn gốc của sự cứu rỗi chính là Đức Chúa Trời và nguồn gốc của nan đề tội lỗi chính là con người.

 

. Sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi lại biến cố giải phóng dân Y sơ ra ên ra khỏi vòng nô lệ tại Ai-cập. Đây chính là bức tranh về sự giải phóng chúng ta ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Dân Y sơ ra ên sau khi thoát khỏi Ai-cập, nếu băng qua đồng vắng thì họ chỉ phải tốn 11 ngày để tiến vào Ca-na-an, là vùng đất mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho họ được gọi là vùng đất hứa. Sách Dân số ký cho biết, họ đã không làm như vậy. Họ đi vòng vòng trong đồng vắng suốt 40 năm cho đến khi cả một thế hệ bị chết hết vì vô tín. Điều nầy minh họa cho đời sống thuộc linh của tín nhân, người đã được cứu ra khỏi tội, nhưng không chịu tiến vào vùng đất hứa thuộc linh,  nói theo cách khác là tiến vào một đời sống phước hạnh và sung mãn; thì cuộc đời họ vẫn trong vòng lẩn quẩn của đời sống khô khan.

 

. Sách Lê-vi ký cho biết rằng chúng ta được cứu với một mục đích. Mục đích đó là hiểu biết và tôn thờ Đức Chúa Trời.

 

. Sách Phục truyền luật lệ ký ghi lại các bài giảng mà Môi-se đã giảng trong nhiều lúc khác nhau. Trước khi tiến chiếm Ca-na-an, dân Y sơ ra ên đóng quân ở phía đông của sông Giô-đanh. Phục truyền luật lệ ký chứa đựng những lời cổ vũ mạnh mẽ, những bài giảng đầy ơn nhằm thách thức con dân Chúa khi chuẩn bị tiến vào đất hứa. Từ đó, họ hoàn thành và kinh nghiệm mục đích sự cứu rỗi Chúa dành cho họ. Một lần nữa, ý nghĩa hình bóng về sự cứu rỗi trong sách Phục truyền luật lệ ký dành cho chúng ta. Nếu chúng ta đã được giải phóng ra khỏi Ai-cập thuộc linh mà vẫn cảm thấy mệt mỏi trong cái vòng lẩn quẩn của vô tín và mập mờ; nếu chưa thực sự lĩnh hội những gì Chúa dành cho chúng ta bởi đức tin; nếu chúng ta cuối cùng đã đến chỗ muốn tiếp nhận các đặc quyền thuộc linh và bước vào trong một đời sống phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho mọi người tin cậy Ngài.

 

 Phục truyền luật lệ ký là những lời nhắn nhủ sau cùng của Môi-se dành cho dân sự của Đức Chúa Trời, những người mà ông đã dẫn dắt họ suốt bao năm trường, thiết tha yêu mến họ, những người mà ông đã từng cầu thay với Đức Chúa Trời nhiều lần để xin Ngài tha thứ và ban ơn cứu độ.

 

 Môi-se là một người giảng xuất sắc nhất. Những bài giảng đầy ơn nhất đã được giảng ra và đã  được ghi lại trong Kinh thánh. Ngày nay, những người giảng đạo chỉ phải làm một điều là trung thành rao giảng lại những bài giảng trong Kinh thánh. Một số các bài giảng đầy ơn thuộc về sách Phục truyền luật lệ ký do Môi-se là người vĩ đại của Đức Chúa Trời giảng ra.

 

Trước tiên, chúng ta cùng khảo sát trong phần mở đầu của sách Phục truyền luật lệ ký. Đây thật là phần tóm lược lịch sử của người Hê-bơ-rơ được trình bày qua Môi-se bởi sự  linh cảm của Đức Thánh Linh.

 

Kết thúc sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta sẽ bắt đầu khảo sát về lịch sử của dân Y sơ ra ên. Bài giảng trong Công vụ đoạn 7, Ê-tiên đã đúc kết thật tuyệt vời về lịch sử của người Hê-bơ-rơ rất ngắn gọn, rất cô đọng. Trong những chương mở đầu, Môi-se đã tóm tắt lịch sử của người Hê-bơ-rơ đến tại thời điểm ông sống.  Khi đọc về bài khái lược của ông, chúng ta sẽ hiểu được điều gì là quan trọng trong cái nhìn của Môi-se về một giai đoạn lịch sử của dân tộc Do thái. Việc đọc bản tóm tắt nầy là điều rất quan trọng, vì  nó cung cấp cho chúng ta trọng tâm của lịch sử Hê-bơ-rơ và cũng cho biết điều gì thật sự là quan trọng. Một trong những điều quan trọng nhất mà Môi-se nhấn mạnh, đó là cách mà Đức Chúa Trời đã đối xử với ông và cách mà Đức Chúa Trời đã đối xử với dân sự của Ngài.

 

Xuyên suốt cả sách Phục truyền luật lệ ký là lời căn dặn phải tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời.  Khi họ tuân giữ lời của Ngài thì Đức Chúa Trời ban phước cho họ. Khi bất tuân thì họ chuốc lấy sự tai họa. Môi-se đã nêu lên những điều nầy và răn dạy họ vâng lời Ngài. Một trong những chữ chìa khóa của sách là chữ “vâng lời”, một chữ khác nữa là chữ “yêu thương.” Nhiều người nghĩ rằng, yêu thương không phải là chủ đề trong những sách của Môi-se. Thật ra, từ “yêu thương” được đề cập đến nhiều lần trong sách, nhất là lời căn dặn của Môi-se phải yêu mến Chúa cách hết lòng. Yêu thương là một chủ đề rất quan trọng của sách.

 

Tiếp theo sau phần khái lược về lịch sử của dân Y sơ ra ên là một bài giảng rất hay của Môi-se. Bài giảng nầy cũng được tìm thấy trong phần đầu của sách cho đến chương thứ tư. Trong đó, Môi-se căn dặn họ tuân giữ lời của Đức Chúa Trời và đừng bao giờ quên những gì mà Chúa đã làm cho họ.

 

Phần ứng dụng chính trong 3 chương mở đầu đó là: Hãy nhớ lại những gì mà Chúa đã làm, những phép lạ mà Ngài đã thực hiện trên cuộc đời của chúng ta. Lời căn dặn trong chương 4 là: nguyện các phép lạ đó tạo nên một ảnh hưởng sâu xa và lâu dài trong đời sống chúng ta; và chúng ta phải nói với con cái của mình về những phép lạ nầy, cẩn thận về nguy cơ chúng phá bỏ giao ước với Đức Chúa Trời. Chữ giao ước được hiểu nôm na là một bản hợp đồng giữa Đức Chúa Trời và con người. Nếu con người không tuân giữ những điều kiện của bản hợp đồng, thì hợp đồng không còn giá  trị nữa. Đức Chúa Trời không ban phước khi họ không tuân giữ lời Ngài. Đây là một lời khuyến cáo nghiêm trọng. Đừng bao giờ phá bỏ giao ước giữa bạn với Đức Chúa Trời.

 

Môi-se đã nói như sau, “ Vậy, ngày nay hãy biết và ghi tạc trong lòng ngươi rằng Giê-hô-va, ấy là Đức Chúa Trời trên trời cao kia và dưới đất thấp nầy: chẳng có ai khác. Hãy giữ những luật lệ và điều răn của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi, hầu cho ngươi và con cháu ngươi đều có phước, ở lâu dài trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi mãi mãi. ” (Phục truyền 4:39-40)

 

Chương 5 là một chương quan trọng của sách Phục truyền luật lệ ký. Chương nầy lặp lại 10 điều răn. Phần nầy đúng là lặp lại luật pháp. So sánh với 10 điều răn trong sách Xuất Ê díp tô ký, phần nầy có đề cập đến một số các áp dụng mà chúng ta không tìm thấy được trong Xuất Ê díp tô ký chương 20. Một lần nữa, lời khuyến cáo tại đây là,

 

“Ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính sợ ta, hằng giữ theo các điều răn ta như thế, để chúng nó và con cháu chúng nó được phước đời đời!” (Phục truyền 5:29)

 

Đây là lời căn dặn rất mạnh mẽ của Môi-se cho dân sự của Đức Chúa Trời,

 

“Vậy, các ngươi khá cẩn thận làm theo, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán dặn các ngươi; chớ xây qua bên hữu, hoặc qua bên tả.  Các ngươi khá đi theo trọn đường mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã chỉ cho, để các ngươi được sống, hưởng phước, và ở lâu dài trong xứ mà mình sẽ nhận được.” (Phục truyền 5:32-33)

 

Đây là một sứ điệp quan trọng của Phục truyền luật lệ ký. Chúng ta phải đi trọn đường với Đức Chúa Trời và làm mọi điều mà Đức Chúa Trời đã vạch ra cho chúng ta. Như vậy, vâng lời là chìa khóa để nhận phước hạnh của Đức Chúa Trời

 

Trong bài đầu của sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta đã dành ít thời gian cho bài giảng thuyết hùng hồn nhất của Môi-se trong chương 6. Nó còn được gọi là bản tuyên ngôn đức tin của Do thái giáo. Các ra-bi Do thái gọi đây là “Shema”, vì theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nghe.” Mục đích của lời khuyến cáo nầy là nhắc nhở thế hệ thứ hai của người Y sơ ra ên phải truyền đạt lời của Đức Chúa Trời, và các tiêu chuẩn giá  trị lại cho thế hệ thứ ba. Điều nầy đã được giải thích rõ ràng trong bài đầu tiên.

 

Chúng ta tìm thấy nền tảng cho việc giáo dục cơ đốc trong bài giảng nầy.  Nền tảng đó là Lời của Đức Chúa Trời. Đó là những gì chúng ta phải dạy cho con cái mình, là những gì mà việc giáo dục phải dựa vào vì nó là lời tuyệt đối của một Đức Chúa Trời tuyệt đối.

 

Nền tảng thứ hai là trách nhiệm giáo dục được Chúa ủy thác cho cha mẹ dựa trên mối liên hệ giữa họ và con cái. Không có cách nào để áp dụng bài giảng của Môi-se về việc giáo dục con cái trở nên những người kính mến và tuân giữ lời Chúa, nếu chúng ta không có mối liên hệ với chúng. Môi-se giải thích hết sức rõ ràng, đặc biệt với những người làm cha , “khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” (Phục truyền 6:6-7)

 

Như chúng ta đã nói đến trong bài đầu, nếu con cái chúng ta chỉ nghe về Chúa từ các bà mẹ, khi lớn lên nó sẽ có ấn tượng rằng, tôn giáo chỉ dành cho đàn bà trẻ con. Mọi điều nó nghe về đạo đều do người mẹ, chưa hề được nghe cha dạy những điều nầy.

 

Nhưng có lẽ phần quan trọng nhất trong những nền tảng về việc giáo dục là điểm thứ tư, chúng ta gọi là “sống thực.” Điều mà con cái cần hơn hết là một gương tốt. Không gì tệ hại hơn là khi giảng dạy về lời Chúa mà lại không sống đúng với những gì họ giảng dạy. Chính lời nói và việc làm không đi đôi với nhau đã  khiến những người nghe quay lưng khỏi Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Một người giảng lời Chúa mà không có sống với lời Chúa, không có kinh nghiệm  về Đức Chúa Trời, không có kinh nghiệm  về lời của Ngài thì chỉ gây tác hại trên con cái. Điều đó không kéo chúng đến với Đức Chúa Trời; mà trái lại, đẩy chúng xa khỏi Ngài. Bởi vậy, điều Môi-se nhấn mạnh là cha mẹ phải là những con người sống thực. Những lời nầy phải được ghi nhớ trong lòng. Mục đích của việc giáo dục là tạo nên những người trưởng thành kính mến Chúa, tuân giữ lời Chúa và phục vụ Ngài cách hết lòng. Không có cách nào để tạo nên những con người như vậy nếu chúng không thấy một gương mẫu nơi những người dạy chúng. Gương tốt chính là bài giảng hiệu nghiệm nhất. Đây là phần rất quan trọng của việc giáo dục Cơ đốc.

 

Quí vị có chấp nhận trách nhiệm mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho quí vị để giáo dục con cái theo con đường mà Chúa muốn chúng noi theo không? Bởi ơn Chúa, chúng ta có đang kinh nghiệm  và sống thật với những gì mình nói để trở thành gương tốt cho con cái của mình không? Cầu Chúa giúp chúng ta nhận trách nhiệm Chúa giao. Cầu xin Ngài trang bị những gì chúng ta cần và giúp chúng ta trở nên một gương tốt cho con cái mình.

 

 

Bài trướcBài 20: Tin Cậy Chúa
Bài tiếp theoBài 43: Tội Lỗi Các Con Trai Gia-Cốp