Nguyễn Sinh Biên Soạn
TIN CẬY CHÚA
Thi Thiên 50:15
Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta.
Câu Kinh thánh này tóm tắt ý nghĩa của từ tin cậy Chúa một cách đơn giản.
Trên thực tế việc tin cậy Chúa đòi hỏi đức tin chân thật và hoàn toàn giao thác nan đề cho Chúa, không nghi ngờ hay lo lắng.
Kinh nghiệm cho thấy rằng tin cậy Chúa không dễ.
Câu Kinh thánh trên đây bảo ta làm một việc xem như rất đơn giản, đó là kêu cầu Chúa.
Dường như không nói thì ai gặp gian truân hay nan đề đều kêu cầu Chúa cả. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng việc kêu cầu trong lúc hoạn nạn khó khăn hơn nhiều. Đây chính là lúc chúng ta suy ngẫm về việc tin cậy Chúa và tìm ra giải pháp cho nan đề.
Ta nhận thấy những khó khăn xẩy ra đem đến những hình thức đau thương khác nhau.
Có thể là trường hợp gây nhức đầu trong một hôn nhân không hạnh phúc hay là bất mãn vì một chuyến sẩy thai hoặc là buồn lo vì một đứa con vô tín hay nổi loạn.
Cũng có thể là ưu tư vì một người lo làm ăn kiếm sống nuôi gia đình bỗng bất ngờ mất việc vì kinh tế chung suy giảm hay một thiếu phụ có con thơ, được bác sĩ cho biết là mắc ung thư nặng.
Nhiều người bất mãn vì hi vọng tan vỡ và những giấc mơ không thành. Như một việc thương mại thua lỗ hay một nghề nghiệp không phát triển được. Có người còn chịu nỗi bất công trong xã hội, đau khổ vì cô đơn, hay vì bất ngờ mất đi người thân yêu.
Có người hổ nhục vì bị ruồng rẫy, mất chỗ đứng trong xã hội và tệ nhất là tai hại vì lỗi lầm chính mình gây ra. Sau cùng là nỗi tuyệt vọng khi nhận ra rằng hoàn cảnh của mình không thay đổi được, như khuyết tật trong thân thể hay một đứa con bị tật nguyền.
Tất cả những hoàn cảnh này và nhiều trường hợp khác đem đến lo âu và buồn khổ mà chúng ta thường phải chịu trong những thời điểm khác nhau và ở các mức độ khác nhau. Có nỗi đau bất ngờ, thảm khốc, và tàn hại. Nhiều khi trường kỳ cố hữu, cũng có lúc dường như xẩy ra làm chúng ta mất hết tinh thần trong một thời gian.
Thêm vào những đau thương của bản thân, chúng ta lại còn được kêu gọi quan tâm đến nỗi đau của người khác, của bè bạn hay người thân nữa. Khi bè bạn hay người thân đau khổ chúng ta cũng đau khổ.
Trên bình diện rộng hơn, qua báo chí hay truyền hình, chúng ta được biết thế giới không lúc nào là an bình cả, hết chiến tranh lại dịch bệnh và thiên tai. Đó là chưa kể những đe doạ về bom hạt nhân hay đầu đạn nguyên tử tiêu diệt số đông kẻ thù.
Ở bình diện nhỏ hơn, nhiều người tránh được những tai ách to lớn nhưng vẫn không khỏi những chuyện bực dọc lặt vặt làm cho mất an bình. Cuộc đời dường như không mấy an vui lắm.
Chính vì cuộc đời nhiều rắc rối và bất mãn mà câu hỏi mới đặt ra:
Có thể tin cậy Chúa hay không?
Có người ví sánh cuộc đời như có một tấm màn rất dày giăng trên đường ta đi. Tấm màn sẽ lùi dần khi ta tiến bước. Không ai có thể nói gì về những gì bên kia bức màn ấy, và không ai có thể nói về những gì sẽ xẩy ra cho mình trong giờ sắp tới hay ngày hôm sau. Đôi khi màn hé mở cho thấy những sự việc mình mong đợi, nhưng cũng nhiều lúc mở ra những việc ta không ngờ và thường là ta không mong đợi. Những việc như thế trái với điều ta ước mong, thường gây lo âu, bất mãn, đau đầu và buồn thảm.
Người tin Chúa không được miễn trừ những đau thương ấy. Có khi xem ra lại còn tệ hơn, thường xuyên hơn, khó hiểu hơn nữa. Trong những lúc như thế, người tin Chúa có thể thắc mắc:
Trong hoàn cảnh của tôi hiện nay Chúa ở đâu?
Ta có còn tin cậy Chúa khi khó khăn xẩy ra và gây đau thương không?
Chúa có thực sự đến cứu những người kêu cầu Ngài hay không?
Trong nghịch cảnh không dễ tin cậy nơi Chúa. Vì không ai thích đau đớn mà chỉ mong tai qua nạn khỏi cho mau mà thôi. Ngay đến sứ đồ Phao-lô mà cũng từng xin Chúa đến ba lần để được thoát khỏi chiếc gai nhọn đang xóc vào da thịt ông trước khi ân điển Chúa ban để ông có thể tiếp tục sống và phục vụ.
Người tin Chúa thường nhận thấy rằng khó tin cậy Chúa hơn là vâng lời Ngài dạy.
Vì ý chỉ của Chúa được dạy trong Kinh Thánh chúng ta thấy rất là hữu lý và dễ chấp nhận. Nhưng những hoàn cảnh xảy ra cho chúng ta thường khó chấp nhận.
Vâng lời Chúa là hoạt động bên trong phạm vi ý chỉ Chúa đã được giải bầy rõ. Nhưng tin cậy Chúa là vào một đấu trường không có ranh giới. Vì chúng ta không biết nghịch cảnh có tầm xa, bao lâu, cường độ gây đau thương tới đâu, và phải tin cậy Chúa đến mức nào? Chúng ta thường cứ phải theo hoàn cảnh mà sống.
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng tin cậy Chúa cũng quan trọng không khác gì vâng lời Chúa dạy.
Vì khi chúng ta không vâng theo lời dạy của Chúa là chúng ta thách thức uy quyền của Ngài và coi thường đức thánh khiết của Ngài.
Nhưng khi chúng ta không tin cậy Chúa là chúng ta nghi ngờ quyền chủ tể của Chúa và đặt vấn đề về đức thiện lành của Ngài.
Cả hai trường hợp kể trên chúng ta đều tỏ ra coi thường oai quyền và đức tính của Chúa.
Trước mắt Chúa thì bất tuân lệnh Chúa hay không tin cậy Ngài đều như nhau.
Khi đoàn dân Do-thái không có bánh ăn, họ than phiền như trong Thi Thiên 78:19-22
19. Họ nói nghịch cùng Đức Chúa Trời, Mà rằng: Đức Chúa Trời há có thể dọn bàn nơi đồng vắng sao? 20. Kìa, Ngài đã đập hòn đá, nước bèn phun ra, Dòng chảy tràn; Ngài há cũng có thể ban bánh sao? Ngài há sẽ sắm sửa thịt cho dân Ngài ư?
Hai câu sau cho biết:
21. Vì vậy Đức Giê-hô-va có nghe bèn nổi giận; Có lửa cháy nghịch cùng Gia-cốp, Sự giận nổi lên cùng Y-sơ-ra-ên; 22. Bởi vì chúng nó không tin Đức Chúa Trời, Cùng chẳng nhờ cậy sự cứu rỗi của Ngài.
Bí quyết tin cậy Chúa là luôn luôn nhìn vào nghịch cảnh qua đôi mắt đức tin, chứ không theo cảm xúc.
Rô-ma 10:17 nói rằng: Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.
Đức tin tin cậy Chúa trong nghịch cảnh cũng chỉ đến từ Lời Chúa trong Kinh Thánh chứ không nơi nào khác. Vì chỉ qua lời Kinh Thánh chúng ta mới thấy được quan hệ và sự can thiệp của Chúa vào các hoàn cảnh đau thương của mình. Vì nhờ Thánh Linh đem Lời Chúa áp dụng vào tâm hồn chúng ta mà chúng ta mới nhận được ân điển của Chúa để tin cậy Chúa trong nghịch cảnh.
Trong nghịch cảnh, Lời Chúa dạy chúng ta ba điều về Chúa, đó là:
1. Chúa thương yêu tuyệt đối
2. Chúa khôn ngoan vô cùng
3. Chúa hoàn toàn làm chủ
Chúng ta có thể tóm tắt là:
Trong thương yêu Chúa luôn luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta.
Trong khôn ngoan, Chúa luôn luôn biết sự việc nào là tốt nhất và
Trong uy quyền chủ tể Chúa có năng lực thực hiện điều đó.
Trong mỗi trang của Kinh Thánh đều xác nhận quyền chủ tể của Chúa, dù diễn tả hay hàm ý. Thí dụ như Ca-thương 3:37-38:
37. Nếu chẳng phải Chúa truyền lịnh, ai nói ra và sự việc được thành?
38. Từ miệng Đấng Rất Cao chẳng phát xuất ra tai họa và phước lành hay sao?
Câu Kinh Thánh kể trên làm cho nhiều người thắc mắc, vì khó quan niệm tại sao từ nơi Chúa phát xuất vừa tai ách lại vừa phúc lành. Người ta hỏi rằng: Nếu Chúa là Đấng thương yêu thì sao Ngài có thể giáng tai họa như thế?
Nhưng câu nói của Chúa Giê-xu trước tổng trấn Phi-lát ngày xưa, xác nhận quyền chủ tể của Chúa trên cả tai ương.
10. Phi-lát hỏi Ngài rằng: Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao?
11. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa.
Qua đối thoại này ta hiểu rằng việc Chúa Giê-xu bị xử án và hành hạ là do Đức Chúa Trời chủ động.
Đức Chúa Trời đã hi sinh con của Ngài do tình thương muốn cứu vớt nhân loại chúng ta. Chúng ta ít khi nhận thấy rằng Chúa Giê-xu đã chịu một kinh nghiệm đau thương ngoài tưởng tượng của con người chúng ta.
Người tin Chúa thay vì thắc mắc về lời Kinh Thánh xác nhận Chúa là Đấng chủ tể cả tai ương lẫn phúc lành, nên tin rằng sự việc nào xẩy ra đều có mục đích cả, chúng ta là loài người không hiểu hết mà thôi.
Ê-sai 38:17 có ghi lời vua Ê-xê-chia rằng: Nầy, sự rất cay đắng của tôi đã trở nên sự bình an! Chúa đã yêu thương linh hồn tôi, đem nó ra khỏi hầm hư nát; vì Chúa đã ném mọi tội lỗi tôi ra sau lưng Ngài. Cho thấy rằng Chúa có mục đích tốt lành qua những tai ách Chúa đưa đến.
Tiên tri Giê-rê-mi cũng viết trong Ca-thương 3:32-33 rằng: 32. Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhơn từ Ngài; 33. Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu.
Quyền chủ tể của Chúa còn được sử dụng theo sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, vượt xa mọi hiểu biết của con người chúng ta. Sứ đồ Phao-lô sau khi nghiên cứu về quyền chủ tể của Chúa trong cuộc giao tiếp với dân Chúa, đã kết luận:
33. Ôi sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! 34. Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? 35. Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? 36. Vì muôn vật đều là từ Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men.
Lời của sứ đồ Phao-lô đưa chúng ta đến quyết định quan trọng, đó là mỗi người phải hết lòng tin cậy Chúa.
Tuy nhiên muốn tin cậy Chúa, mỗi người cần phải biết Chúa một cách riêng tư và chuyên biệt. Vua Đa-vít đã viết trong Thi Thiên 9:10 rằng: 10. Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin cậy nơi Ngài; Vì Ngài chẳng từ bỏ kẻ nào tìm kiếm Ngài.
Biết danh Chúa là biết thấu đáo về Chúa. Biết Chúa trong kinh nghiệm bản thân chứ không phải chỉ theo đạo. Chính vì lý do này mà Hội Thánh Tin Lành chú trọng đặc biệt về học Lời Chúa và nghiên cứu Kinh Thánh. Mong quý vị mỗi ngày học với chúng tôi để có thể biết Chúa, vâng lời Chúa và hết lòng tin cậy Ngài.