Bài 40: Giải Pháp Cho Tình Trạng Suy Sụp Tinh Thần (tt)

1421

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Một hiện tượng đáng lưu ý là nhiều tôi tớ Chúa đã lâm vào tình trạng suy sụp tinh thần. Môi-se và một số người khác trong Cựu ước đã đi đến chỗ xin Chúa cất mạng sống của họ. Khi bị chán nản cùng cực, họ đã sai trật khi xin Đức Chúa Trời như vậy. Nhưng vì tấm lòng của họ là ngay thật trước mặt Chúa, Ngài không cất mạng sống của họ. Trái lại, Chúa đã ban những điều họ cần.

 

Trong chương 8 sách Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đã viết cho chúng ta một phân đoạn rất ý nghĩa. Ông cho biết, chúng ta không cầu nguyện như đáng phải cầu nguyện bởi vì chúng ta không biết được ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được điều mình cầu xin. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết đâu là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vậy, làm thế nào chúng ta cầu nguyện được? Phao-lô nói trong Rô-ma 8:26-28 rằng, đừng để điều đó khiến chúng ta không thể cầu nguyện được. Theo Phao-lô, chúng ta phải cầu nguyện ngay cả khi vì không biết mà chúng ta xin một điều sai nào đó. Cho dù xin một điều sai, nhưng nếu lòng chúng ta là ngay thật trước mặt Chúa thì Ngài sẽ ban cho điều đúng, dẫu chúng ta không biết điều đó là gì. Tấm lòng ngay thật của chúng ta trước mặt Chúa là điều quan trọng. Trong những trường hợp vì chán nản cùng cực mà cầu nguyện rằng, “Chúa ơi, xin cho con chết đi” thì cũng không vì đó mà Chúa cất mạng sống của chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cần. Trong trường hợp của Môi-se, Chúa ban cho 70 người để giúp ông. Ngài phán rằng, “Môi-se, ngươi tưởng một mình ngươi có thể làm xong mọi việc, không phải vậy Môi-se. Đây là công việc cần đến sự cộng tác của nhiều người khác. Hãy chọn 70 người và đem họ đến Hội mạc, ta sẽ ban thần linh trên họ như ta đã ban cho ngươi.”

 

Điều nầy không có nghĩa là Đức Chúa Trời tước quyền lãnh đạo của Môi-se. Điều nầy cũng không có nghĩa là trách nhiệm lãnh đạo bị chia cắt. Ngài bảo Môi-se san sẻ công việc với những người cộng sự. Chúa xức dầu cho 70 người để phụ giúp Môi-se. Điều lý thú là đề nghị nầy đến từ ông gia của Môi-se là người không thuộc về tuyển dân của Đức Chúa Trời. Hiển nhiên, Môi-se áp dụng đề nghị đó tại một thời điểm thích hợp khi Đức Chúa Trời tỏ cho ông biết rằng, nó là ý muốn của Ngài chớ không phải ý của ông gia.

 

Một trường hợp khác nữa là Ê-li. Ông cầu nguyện xin được chết; nhưng Đức Chúa Trời phán với Ê-li rằng, ông đã không chăm sóc thân thể mình đúng mức. Ông cần ngủ và nghỉ ngơi. Bởi vậy, Đức Chúa Trời đã khiến Ê-li ngủ thật sâu. Sau đó, Chúa đánh thức ông và bảo hãy ăn. Chúa đã cung cấp thức ăn bằng một phép lạ. Ê-li thức dậy, ăn rồi ngủ tiếp. Sau khi thức dậy lần thứ hai, Kinh thánh ghi rằng: “Rồi nhờ sức của lương thực ấy, người đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm cho đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời.”

 

Nếu đọc trong I Các Vua chương 18 chúng ta sẽ thấy, Ê-li đã kiệt sức khi đương đầu với các tiên tri Ba anh. Khi ông xin Chúa cho chết, Đức Chúa Trời đã trả lời rằng: “Ê-li, con không cần phải chết. Con chỉ cần được nghỉ ngơi và ăn uống thì sức khỏe và tinh thần được phục hồi. Con đã không chăm sóc thân thể con cách đúng mức.” Chúa không cất mạng sống của Ê-li. Việc nầy xảy ra tương tự đối với Gióp, Giô-na và Đa-vít. Điều lý thú là khi các nhân vật nầy bị suy sụp đến chỗ cần được khôi phục, thì Đức Chúa Trời rất thực tế trong cách Chúa giúp các tôi tớ Ngài vượt qua cơn khủng hoảng nầy.

 

Một trong những câu Kinh thánh quí báu nhất để giúp phục hồi đó là Thi thiên 23:3. Đa-vít nói rằng “Ngài bổ lại linh hồn tôi,” hay “Ngài phục hồi lại linh hồn tôi, Chúa dẫn tôi vào các lối công bình vì cớ danh Ngài.”

 

Khi Môi-se đến với Đức Chúa Trời trong chán nản cùng cực, Chúa phán, “Tâm linh ngươi cần được khôi phục, và đây là cách mà ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ chỉ cho ngươi các lối công bình. Ta muốn ngươi hãy đến và bước đi trong các lối đó, có thể là 3 năm hoặc cũng có thể là 5 năm. Các lối công bình sẽ khôi phục lại linh hồn ngươi.” Đây là cách Đức Chúa Trời dùng để khôi phục một linh hồn ngã lòng. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người không kiên nhẫn đủ, nhưng muốn mọi sự phải nhanh chóng. Chúng ta muốn mọi sự ngay lập tức. Đức Chúa Trời không cho chúng ta mọi sự ngay lập tức. Có thể, trong một số trường hợp Ngài trả lời lập tức; nhưng đối với việc phục hồi một người suy sụp, như kinh nghiệm của Môi-se chẳng hạn, thì cách của Ngài rất thực tế. Chúa phán, “Ta sẽ chỉ cho ngươi các lối công bình. Hãy chọn ra 70 người để giúp ngươi. Hãy phân chia công việc. Hãy hình thành một cơ cấu tổ chức, cử người đại diện và phân quyền cho người khác.” Phương cách nầy rất thực tế chẳng khác gì trong trường hợp của Ê-li.

 

Điều khiến chúng ta đáng lưu ý, một người vĩ đại như Môi-se mà còn phạm tội; một người vĩ đại như Môi-se mà còn phải suy sụp cùng cực. Thật ra, những nhân vật trong Kinh thánh để lộ rõ bản chất rất là người của họ. Đây là điều thực tế khiến chúng ta cảm thấy an tâm. Họ không phải là các nhân vật thần thoại. Họ là những con người thật bằng xương bằng thịt giống như mỗi chúng ta. Họ có bản chất người giống như chúng ta. Bản chất đó đã được điều khiển bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời nên họ có thể làm những việc lớn cho Ngài.

 

Hãy để ý đến một câu chuyện khác được ghi trong sách Dân số ký. Chương 22 viết về con lừa của tiên tri Ba-la-am. Ba-la-am được Ba-lác – Vua Mô-áp dâng lễ vật để nhờ ông rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Dù biết rằng Đức Chúa Trời không cho phép, nhưng Ba-la-am bị cám dỗ bởi các lễ vật. Đức Chúa Trời muốn can thiệp vào trường hợp nầy, nhưng Chúa không tìm được một người có thể nhận biết ý muốn của Ngài. Chúa muốn truyền một thông điệp; nhưng vì không có một ai làm người phát ngôn nên Ngài dùng con lừa là một con vật có thể nhìn thấy Ngài. Chúa có thể nói qua nó, đó chính là con lừa của Ba-la-am.

 

Có vị Mục sư kể về kinh nghiệm của ông như sau:

 

Trong khi còn học tại thần học viện, tôi đã gặp một nan đề lớn lao về thần học; nói rõ hơn, tôi hoài nghi về sự linh cảm của Kinh thánh. Một trong những điều làm cho tôi vô cùng bối rối là câu chuyện về con lừa của Ba-la-am trong Dân số ký chương 22. Câu chuyện đó cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Tôi hỏi một vị giáo sư rằng, “Nếu muốn được cứu, tôi có phải tin rằng Đức Chúa Trời phán qua con lừa không?” Tôi không biết vì sao tôi lại tập trung vào vấn đề nầy quá nhiều, nhưng những người trong trường thấy lo ngại và bắt đầu cầu nguyện cho tôi. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi có giá trị. Ngụ ý của câu hỏi đó như sau, “Bạn được cứu dựa trên quan điểm của bạn về sự linh cảm của Kinh thánh hay bạn được cứu do đức tin nơi Chúa Jêsus Christ? Mặc dầu đề cập đến con lừa của Ba-la-am nhưng  đây mới thật sự là câu hỏi của tôi.”

 

Có bao giờ bạn thấy con lừa chưa? Có bao giờ bạn nghe tiếng kêu be be của nó chưa? Khi dùng con lừa để chỉ một ai đó thì điều nầy có nghĩa gì? Thật là một thách thức cho đức tin khi chấp nhận rằng Đức Chúa Trời dùng một con lừa để truyền tải thông điệp của Ngài.

 

Có một Mục sư trẻ tuổi tham dự buổi tiệc dành cho các chủ khách sạn tại một khu vực du lịch. Mục sư được mời đến để cầu nguyện; sau đó, là phần văn nghệ vui chơi. Người quản trò kể nhiều câu chuyện vui nhưng suồng sã. Mỗi khi người quản trò kể một chuyện như vậy, mọi người hướng về vị Mục sư để xem ông phản ứng ra sao. Vị Mục sư cũng lấy làm bối rối không biết phải xử trí như thế nào trước tình huống nầy. Mọi người đều biết ông là Mục sư. Liệu ông cũng cười đồng tình hoặc ông sẽ phản ứng cách giận dữ và yêu cầu chấm dứt những câu chuyện như vậy. Làm thế nào đây? Thế rồi một ý nghĩ đến với ông, nếu Chúa Jêsus có mặt tại đó, Ngài sẽ phản ứng ra sao? Ông bắt đầu cầu nguyện, “Lạy Chúa, Chúa sẽ làm gì trong trường hợp nầy?” Thế rồi, Chúa bày tỏ cho ông biết rằng Ngài yêu họ. Bởi vậy, một ý nghĩ thoáng đến trong trí ông, “Liệu tôi có yêu những người nầy không? Làm sao để họ biết rằng tôi yêu họ?

 

Lúc đó, Mục sư đang ngồi chung bàn với ông thị trưởng của thành phố. Viên thị trưởng là người nghiện rượu. Trong đêm đó, ông uống rượu say mềm. Họ vẫn nói chuyện với nhau dù viên thị trưởng càng lúc càng say. Một ý nghĩ đến với Mục sư, “Tôi có thật sự yêu ông ấy không?” và “Ông ấy có biết rằng tôi yêu ông không?” Mục sư bắt đầu cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con một cơ hội để bày tỏ tình yêu thương với ông ấy.” Ngay lúc đó, khi đang ngồi đối diện với nhau, viên thị trưởng quay sang Mục sư và nói, “’Thưa Mục sư, khi mới tham gia chính trị tôi đã được khuyên rằng, “Đừng đánh giá con người theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng theo con người thật bên trong của họ,” và đó chính là lời khuyên nhủ của  tôi dành cho ông ngày hôm nay.”

 

Vị Mục sư liền trả lời, “Thưa ông thị trưởng, Cám ơn ông đã cho tôi một lời khuyên thật quí báu. Tôi rất tâm đắc với lời khuyên của ông, nên tôi quyết định sẽ giảng về đề tài đó cho hội thánh của tôi.” Ngài thị trưởng đáp, “Nếu ông giảng bài giảng nầy thì tôi sẽ đến tham dự. Xin báo cho thư ký tôi biết khi nào ông sẽ giảng và tôi sẽ có mặt tại đó.”

 

Vị Mục sư lấy làm cảm động về lời của ngài thị trưởng nên quay sang ông và nói, “Ông biết không, ông đã giải quyết một nan đề thần học rất lớn của tôi đêm nay.” Viên thị trưởng ngạc nhiên hỏi, “Như vậy nghĩa là sao?” Mục sư giải thích, “Ồ! khi còn ở trong trường Kinh thánh, tôi khó có thể tin rằng, Đức Chúa Trời lại phán qua một con lừa. Nhưng tôi chắc chắn trăm phần trăm rằng, Ngài đã phán với tôi qua ông hôm nay. Ông đã giúp tôi giải quyết một nan đề lớn lao.” Viên thị trưởng lấy làm  thích thú và hứa là sẽ tham dự khi nào mục sư giảng bài giảng đó. Ông đã giữ đúng lời hứa, đã đến và nghe bài giảng với đề tài, “Đánh giá đúng người khác”

 

Vị Mục sư tin rằng, ông đã nhận được sự mặc khải về Dân số ký chương 22. Sự mặc khải đó được trình bày như sau, “Dựa trên căn bản nào chúng ta cho rằng, Đức Chúa Trời chỉ dùng các bậc thánh nhân siêu phàm?” Dựa vào đâu mà chúng ta cho rằng, Đức Chúa Trời làm những việc phi thường qua những người phi thường vì họ là những thánh nhân phi thường?” Khi học về sự kêu gọi và ủy nhiệm Môi-se, chúng ta biết rằng, điều đó không đúng, chỉ là huyền thoại mà thôi. Đức Chúa Trời muốn làm những việc phi thường qua những con người bình thường, vì họ là những người sẵn lòng để Chúa dùng. Điều chúng ta thật sự cần là những người lúc nào cũng sẵn sàng đối với Chúa.

 

Trong hội thánh có những người rất ít năng lực, nhưng lúc nào cũng sẵn lòng. Ngược lại, có những người rất nhiều năng lực nhưng lại thiếu sự sẵn lòng. Họ là những người xuất sắc, có tài nhưng không dễ gì mà họ dành năm mười phút cho công việc Chúa. Điều quan trọng không phải chúng ta nhiều hay ít năng lực, nhưng điều quan trọng là thái độ sẵn lòng của chúng ta. Đây là những gì mà Đức Chúa Trời thật sự mong muốn. Nếu chúng ta tin rằng, Đức Chúa Trời là Đấng làm mọi sự chớ không phải chúng ta, thì điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Chúa là tấm lòng sẵn sàng của chúng ta.

 

 

Bài trướcGiải Bóng Đá Thanh Niên Tin Lành Tỉnh Vĩnh Long Năm 2013
Bài tiếp theoBài 40: Gia-Cốp Trở Về Ca-Na-An