Bài 39: Gia Đình Của Gia-Cốp

9762

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Sáng thế ký 30

                                              

 

Khi đến Sáng thế ký đoạn 30 này. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang hành động, dẫu rằng Gia-cốp phạm tội. Đề tài của đoạn này là gia đình của Gia-cốp và sự sanh ra các con trai của ông. Gia-cốp nóng lòng muốn rời La-ban, và Gia-cốp thương lượng cách tinh khôn với La-ban.

 

CÁC CON TRAI GIA-CỐP

 

Sáng thế ký 30:1-4, “Ra-chên thấy mình chẳng sanh con cho Gia-cốp, thì đem lòng ghen ghét chị, nói cùng Gia-cốp rằng: Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết. Gia-cốp nổi giận cùng Ra-chên mà rằng: Há ta được thay quyền Đức Giê-hô-va, mà không cho ngươi sanh sản sao? Ra-chên rằng: Nầy con đòi Bi-la của tôi, hãy lại cùng nó, hầu cho nó sanh đẻ thay cho tôi, đặng phần tôi bởi nó cũng có con nữa. Vậy, Ra-chên đưa Bi-la làm hầu Gia-cốp, và người đi lại cùng nàng.”

 

Ra-chên là người vợ mà Gia-cốp rất thương mến, thấy địa vị vững chắc của mình không như trước kia. Muốn có con là một điều mong ước lành mạnh và tự nhiên. Phụ nữ làm tròn thiên chức sanh con. Nhưng lòng ghen ghét của Ra-chên không thể tha thứ, và việc nàng thiếu nhẫn nại có cơ hội gây tổn hại, vì bà đang hoài nghi chương trình và ý định của Đức Chúa Trời. Lời nàng nóng nảy đòi hỏi cách mạnh mẽ, nó phản ảnh tình trạng thiếu đức tin của nàng cách rõ ràng. Trong dòng dõi được lựa chọn, Đức Chúa Trời thấy rằng dục vọng và mưu kế loài người sẽ chẳng tiếp nối được dòng dõi của lời hứa và sanh được con cháu mong ước. Quả thật lòng ghen hờn và thiếu nhẫn nại của Ra-chên chắc mạnh mẽ lắm, nên phát ra một đòi hỏi phi lý như vậy, nếu lời yêu cầu của bà không được ông đáp ứng thì bà đòi chết. Phụ nữ trong thời ấy cảm thấy xấu hổ khi không có con, cho nên khi có nhiều con thì cương vị của các bà sẽ được tôn trọng hơn.

 

Gia-cốp có lý mà giận dữ, vì vợ chàng thốt ra những lời khờ dại, lầm lỗi. Chắc nàng đã quá tủi hổ khi không có con, nên mới thốt ra những lời như vậy. Vì thế Gia-cốp mới nhắc cho nàng nhớ rằng, thọ thai và sanh con là do ý chỉ và quyền năng của Đức Chúa Trời. Khi Gia-cốp nói đến sự sanh con hoặc son sẻ là do ý chỉ và quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời, ông chẳng có ý niệm mê tín đâu. Như Thi thiên 127:3 viết như sau: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.”

 

Nhưng Gia-cốp là người thiếu sót trong sự yên ủi vợ, vì trong lúc này chàng không mạnh mẽ trong đức tin đủ, để cùng Ra-chên đem vấn đề trình bày với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện. Gương của Y-sác, cha của ông đáng lẽ phải dạy cho chàng biết làm gì trong trường hợp như vậy, và chắc hẳn chàng đã được mẹ tỏ cho biết việc ông được sanh ra trong lúc bà ở tuổi khá muộn.

 

Tại đây, chúng ta thấy Gia-cốp và Ra-chên quay trở về với thực hành của những người thời trước. Chúng ta còn nhớ là Áp-ra-ham và Sa-ra cũng hành động như vậy. Đức Chúa Trời không chấp nhận việc đa thê trước đây, và hiện nay Ngài cũng không chấp nhận. Kinh Thánh cho chúng ta sự ký thuật chính xác, dĩ nhiên là Chúa không chấp nhận việc đa thê. Như chúng ta đã thấy việc này đã gây bao nhiêu khó khăn trong gia đình của Áp-ra-ham. Giờ đây chúng ta thấy sự khó khăn còn nhiều hơn bội phần trong gia đình Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 30:5-8, “Bi-la thọ thai, sanh một con trai cho Gia-cốp. Ra-chên rằng: Đức Chúa Trời đã xét tôi công bình, nhậm lời tôi, nên cho tôi một con trai; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai đó là Đan. Bi-la, con đòi của Ra-chên, thọ thai nữa, và sanh một con trai thứ nhì cho Gia-cốp. Ra-chên rằng: Tôi đã hết sức chống cự với chị tôi, và tôi được thắng; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai nầy là Nép-ta-li.”

 

Tiếp theo đó thì Lê-a tranh cạnh với Ra-chên và làm việc tương tự, Sáng thế ký 30:9-13, “Lê-a thấy mình thôi sanh sản, bèn bắt Xinh-ba, con đòi mình, làm hầu cho Gia-cốp. Xinh-ba, con đòi của Lê-a, sanh một con trai cho Gia-cốp. Lê-a rằng: Phước biết dường bao! rồi đặt tên đứa trai đó là Gát. Xinh ba, con đòi của Lê-a, sanh một con trai thứ nhì cho Gia-cốp; thì Lê-a rằng: Tôi lấy làm vui mừng dường bao! vì các con gái sẽ xưng ta được phước; nàng bèn đặt tên đứa trai đó là A-se.”

 

Lê-a chẳng phải thôi sanh sản, bà chỉ ‘ngưng’ sanh sản, có lẽ bà không cần dùng đến phương kế mà em gái đã đùng để có con cái. Tuy nhiên khi tình trạng ấy xảy ra, bà đi theo bước chân của em gái và trao Xinh-ba, con đòi của mình cho Gia-cốp làm vợ. Và con cái do Xinh-ba sanh ra điều ở dưới quyền quản trị của Lê-a. Sau chuyện đó thì Lê-a tiếp tục sanh sản thêm.

 

Sáng thế ký 30:14-21, “Nhằm mùa gặt lúa mì, Ru-bên đi ra đồng gặp được những trái phong già, đem về dâng cho Lê-a, mẹ mình. Ra-chên bèn nói cùng Lê-a rằng: Xin chị hãy cho tôi những trái phong già của con chị đó. Đáp rằng: Cướp chồng tao há là một việc nhỏ sao, nên mầy còn muốn lấy trái phong già của con trai tao nữa? Ra-chên rằng: Ừ thôi! chồng ta hãy ở cùng chị tối đêm nay, đổi cho trái phong già của con chị đó. Đến chiều, Gia-cốp ở ngoài đồng về, thì Lê-a đến trước mặt người mà nói rằng: Chàng hãy lại cùng tôi, vì tôi đã dùng trái phong già của con tôi chịu thuê được chàng; vậy, đêm đó người lại nằm cùng nàng. Đức Chúa Trời nhậm lời Lê-a, nàng thọ thai và sanh cho Gia-cốp một con trai thứ năm. Nàng rằng: Đức Chúa Trời đã đền công tôi, vì cớ tôi đã trao con đòi cho chồng; vậy, nàng đặt tên đứa con trai đó là Y-sa-ca. Lê-a thọ thai nữa, sanh một con trai thứ sáu cho Gia-cốp, bèn nói rằng: Đức Chúa Trời ban cho tôi một vật quí báu; lần nầy chồng sẽ ở cùng tôi, vì đã sanh cho người sáu con trai rồi. Nàng đặt tên đứa con trai nầy là Sa-bu-lôn. Kế đó, nàng sanh một con gái, đặt tên là Đi-na.”

 

Tình trạng tranh cạnh và ghen hờn trong gia đình của người có nhiều vợ này vẫn tiếp tục, mặc dầu hai người vợ này là chị em, hoặc có lẽ vì là chị em nên, càng cạnh tranh và ghen hờn. Như vậy không còn nghi ngờ chi nữa, mục tiêu của bản ký thuật nầy là mô tả các tệ đoan của chủ nghĩa đa thê. Nhưng còn có mục tiêu chính yếu là tỏ rõ tổ phụ của mười hai chi phái đã ra đời thể nào. Đức Chúa Trời cho thấy sự hình thành nền tảng cho dòng dõi của Áp-ra-ham, và gia tăng cách mau lẹ.

 

Tình cảnh của Gia-cốp cũng không phải là sung sướng gì. Tới mức nào đó ông phải đi qua lại từ vợ này, đến vợ khác và cả hai con đòi nữa. Cuộc tranh cạnh kịch liệt giữa hai vợ của Gia-cốp, hầu như chẳng còn biết hổ thẹn.

 

RA-CHÊN SANH GIÔ-SÉP

 

Sáng thế ký 30:22-24, “Đức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên, bèn nhậm lời và cho nàng sanh sản. Nàng thọ thai, sanh một con trai, mà rằng: Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi; bèn đặt tên đứa trai đó là Giô-sép; lại nói rằng: Cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho một con trai nữa!”

 

Ra-chên thọ thai và sanh con là do sự ban cho của Đức Chúa Trời, chớ không phải do kết quả dùng trái phong già. Lúc kết hôn, có lẽ Ra-chên kiêu căng tự phụ về sắc đẹp của mình và sự yêu thương của Gia-cốp, nhưng lúc này bà hoàn toàn khiêm cung, dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời và vui mừng vì Ngài rửa sự xấu hổ của bà. Khi thốt những lời này, Ra-chên còn đứng ở mức đức tin thấp thỏi hơn, vì bà chỉ nghĩ đến quyền năng cao cả của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì nàng từng trải ơn cứu giúp của Ngài, nên đức tin tới mức cao hơn mà cầu xin ân điển của Đức Giê-hô-va, Ngài là Đấng thành tín giữ giao ước, nên bà cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho bà một đứa con trai nữa. 

   

Con trai Giô-sép là người sau này sẽ xuống Ai-cập. Chúng ta tìm hiểu về Giô-sép trong phần cuối của sách này. Đây là đứa con trai hết sức phi thường. Sau này Ra-chên sanh ra Bên-gia-min.

 

Gia-cốp có tất cả 12 người con, những người con này trở thành 12 trưởng tộc của 12 hai chi phái trong quốc gia Y-sơ-ra-ên.

 

GIA-CỐP CHUẨN BỊ RỜI LA-BAN

 

Sáng thế ký 30:25-26, “Khi Ra-chên đã sanh Giô-sép thì Gia-cốp thưa cùng La-ban rằng: Xin cậu cho tôi thôi, đặng trở về quê hương tôi; xin giao vợ và con lại cho tôi, mà tôi đã đặng vì cớ giúp cậu, để tôi đi; bởi cậu cũng biết rằng tôi đã giúp công việc cho cậu thể nào.”

 

Vì Gia-cốp đã cam kết phục vụ thêm bảy năm để cưới Ra-chên làm vợ, nên chàng không tuyệt đối gọi cả gia đình của mình trước khi hết hạn bảy năm sau. Bây giờ ông muốn La-ban nhìn nhận rằng giao kèo đã mãn, bằng cách giao lại vợ con của mình để ông có thể ra đi. Theo một phương diện thì hết thảy đều thuộc La-ban, hoặc cũng phải công nhận quyền quản trị của ông ta. Gia-cốp muốn kết thúc điều đó và lấy lại quyền cai quản gia đình của ông. Do kinh nghiệm sự đối đãi không tốt của La-ban nên Gia-cốp không còn muốn ở lâu nữa. Ông nhận biết rằng sự phục vụ trong những năm đó rất cao và hết mực trung thành. Gia-cốp ngụ ý rằng ông đã làm đúng theo sự thảo luận với nhau. Nên giờ đây ông cương quyết với ông gia của mình hơn.

 

Sáng thế ký 30:27-28, “La-ban đáp rằng: Ước gì cậu được nhờ ơn cháu! Cậu cũng đoán rõ ràng Đức Giê-hô-va đã vì cháu mà ban phước cho cậu vậy. Lại nói rằng: Cháu hãy định công giá cháu đi, rồi cậu sẽ trả cho!”

 

La-ban hoàn toàn kiêng nể người con rể nầy về tâm tánh và sự thành công. Giờ đây ông tỏ thái độ kiểu cách Đông phương, nói là: “Xin đừng nói chuyện ra đi, Xin hãy lại đây thời gian nữa, xin đừng đi vội.” La-ban hầu như sẵn sàng chịu nhận bất cứ điều kiện nào để giữ lấy người đã phục vụ cho ông cách hữu ích dường ấy. Ông là kẻ ích kỷ tột bực. Trước đây La-ban chỉ coi Gia-cốp như là một kẻ làm công, một người phục dịch, nay ông coi Gia-cốp như người ngang hàng để trao đổi.

 

Giờ đây Gia-cốp biết là cậu La-ban đang tìm cách thương lượng và cậu của ông là người đoạt lợi, Gia-cốp đã học được bài học đắt giá này, cho nên nay ông muốn rời nơi đó.

 

Sáng thế ký 30:29-30, “Gia-cốp đáp: Cậu biết tôi giúp đỡ cậu thể nào, và về tay tôi bầy súc vật cậu được ra sao. Trước khi tôi đến, súc vật của cậu thật ít, nhưng từ khi tôi đến ở, thì thêm nhiều quá bội. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho cậu từ khi tôi bước chơn vào nhà nầy; bây giờ biết chừng nào tôi sẽ được lo việc nhà tôi?”

 

Hiển nhiên lắm trước khi Gia-cốp bắt đầu chuẩn bị ra đi, La-ban không hề nhìn nhận là nhờ Gia-cốp mà mình mới được thạnh vượng. Vì ít nhất ông cũng nhìn nhận như vậy, nếu Gia-cốp cải tiến tình hình bằng cách nêu rõ và nhấn mạnh vào điểm ấy. Ông thừa biết con rể đã phục vụ ông như thế nào, bằng chứng là bầy súc vật của La-ban đã rất tốt và gia tăng quá đổi. Đây là cơ hội để Gia-cốp thẳng thắn xưng tỏ đức tin nơi ơn phước của Đức Giê-hô-va, với những lời quyết chắc: “Bất cứ tôi đi nơi đâu, Đức Giê-hô-va cũng cho ơn phước đi theo.”

 

Gia-cốp phàn nàn với cậu là suốt thời gian ông ở nhà cậu mình, phục vụ rất lâu mà chẳng được chi hết để lo cho chính gia đình vợ con của mình. Nhưng chính nhờ Gia-cốp mà cậu được thịnh vượng, giàu có.

 

Vì thế cậu La-ban phân giải thêm, Sáng thế ký 30:31-33, “La-ban rằng: Cậu sẽ cho cháu cái gì bây giờ? Đáp rằng: Sẽ chẳng cho tôi chi cả. Nếu thuận theo lời nầy, thì tôi sẽ cho ăn và chăn bầy súc vật cậu nữa: Ngày nay tôi sẽ đi kiểm soát các bầy chiên và bầy dê của cậu; trong bầy chiên bầy dê, hễ con nào có rằn, có đốm, cùng chiên sắc đen, thì tôi sẽ để riêng ra; ấy sẽ là phần công giá của tôi đó. Một mai cậu đi xem xét công giá tôi, thì lòng ngay thẳng tôi sẽ làm chứng trước mặt cậu. Hễ ở về phần bên tôi, các con dê nào không có rằn và đốm, các chiên con nào không có sắc đen, thì sẽ cho là ăn cắp.”

 

Bằng câu hỏi nầy “Cậu sẽ cho cháu cái gì bây giờ?” La-ban nhìn nhận rằng Gia-cốp hoàn toàn có lý để đòi một phần từ nơi bầy chiên của La-ban làm của riêng mình, và La-ban sẵn sàng cho. Nhưng Gia-cốp cũng biết tánh bủn xỉn của cha vợ mình, và chẳng mấy lúc ông hối hận vì đã chịu mất bất cứ phần tài sản nào.

 

Gia-cốp muốn chia phần gia súc mà La-ban đang có, ông muốn được những con chiên và dê có rằn, có đốm. La-ban thấy đó là điều có lợi cho ông vì hiện giờ thì không có nhiều con có rằn, có đốm trong bầy gia súc.

 

Bây giờ muốn hiểu sự việc theo sau, xin lưu ý rằng, ở Đông phương, chiên thường có màu trắng, còn dê có màu đen hoặc nâu đen. Không có nhiều trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên Gia-cốp chỉ nhận lấy những con ngoại lệ. Nếu chàng được giàu có tùy theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng sẽ sắp đặt các biến cố xảy ra để ban cho ông. Đó là hành động đức tin cao đẹp của Gia-cốp. Ông hoàn toàn nương cậy vào sự thương xót của Ngài.

 

Gia-cốp cũng đoán trước rằng La-ban đa nghi, từng hồi từng lúc đến xem xét, điều tra. Gia-cốp trông rằng, nếu có tình trạng ấy xảy ra thì mọi chuyện sẽ minh bạch, ấy là cứ nhìn chiên, dê nào có màu bình thường là của La-ban, còn con nào có rằn, có đốm khác thường là của Gia-cốp. Kết quả rất minh bạch.    

 

Sáng thế ký 30:34-35, “La-ban đáp: Ừ thôi! được như lời cháu nói. Chánh ngày đó, La-ban liền để riêng các dê đực có sọc, có đốm, các dê cái đó rằn, có đốm, các vật nào có đém trắng và các chiên con có sắc đen, giao cho mấy con trai mình; rồi để Gia-cốp cùng mình ở cách xa nhau chừng ba ngày đường; Gia-cốp bèn chăn bầy súc vật của La-ban chỉ còn lại.”

 

La-ban chấp nhận đề nghị của Gia-cốp ngay, tỏ ra vui vẻ nói “Được rồi.” Chính trong giờ đó La-ban liền phân chia súc vật ra làm hai nhóm, dầu rằng Gia-cốp hứa là sẽ làm điều ấy. Sự can thiệp bất ngờ của La-ban là vì vẫn còn tỏ vẻ nghi ngờ Gia-cốp. Lúc này La-ban đang lo sợ mất sự phục vụ của Gia-cốp, vì chính ông cũng là người lường gạt nên ông cũng ít có tin ai. Từ lúc đó La-ban giao bầy súc vật bình thường không có rằn, không có đốm cho các con ông chăn giữ, vì sợ Gia-cốp đánh tráo. La-ban còn cẩn thận hơn nữa nên đặt hai nhóm gia súc này cách xa nhau chừng ba ngày đường.  

 

Sáng thế ký 30:37-39, “ Đoạn, Gia-cốp lấy nhành bạch dương, nhành bồ đào và nhành bá-tiên tươi, lột vỏ để bày lằn da trắng ở trong ra. Người để những nhành đã lột vỏ trong máng trước mặt con chiên, là nơi các thú đó đến uống; khi đến uống nước thì con chiên có giao hiệp nhau. Các con chiên ngó thấy những nhành đó mà giao hiệp nhau thì sanh chiên con có sọc, có rằn và có đốm.”

 

Lời mặc cả liên quan đến công giá của Gia-cốp, như đã đưa ra trong lúc đầu, là hành động của đức tin. Nhưng khi thấy hành động nghi ngờ của La-ban hiện rõ, thì Gia-cốp dường như bị dao động, không còn quyết định lấy đức tin đối phó với tất cả các vấn đề, vậy ông dùng phương kế để thành công. Đằng sau phương kế đó là sự nghi ngờ. 

 

Sáng thế ký 30:40-43, “Gia-cốp để riêng chiên con ra, rồi để chiên cái trong bầy của La-ban trước mặt các con có sọc và có sắc đen; nhưng bầy mình thì riêng ra, không để gần bầy của La-ban. Vả, mọi lần các con chiên mạnh mập giao hiệp, thì Gia-cốp để các nhành đó dưới mắt trong máng uống nước, đặng chúng nó đối nhành mà giao hiệp cùng nhau. Nhưng khi nào con chiên gầy ốm, thì người không để nhành như vậy; thế thì, các chiên con gầy ốm để về phần La-ban, còn chiên con mạnh mập lại về phần Gia-cốp. Vậy, người trở nên rất giàu, có nhiều bầy súc vật, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa.”

 

Gia-cốp là người rất mưu lược, ông đã làm như vậy trước đây. Nhưng khi ông gặp cậu La-ban thì còn mưu lược hơn, vì thế Gia-cốp tìm cách đối chọi lại.

 

Gia-cốp có tất cả 12 con trai và những người con này trở thành 12 bộ tộc trong quốc gia Y-sơ-ra-ên, danh sách các con của ông như sau:

 

–          Do Lê-a sanh ra: 1- Ru-bên,  2- Si-mi-ôn, 3- Lê-vi, 4- Giu-đa, 5- Y-sa-ca, 6- Sa-bu-lôn, 7- Đi-na là con gái.

–          Do Bi-la, con đòi của Ra-chên sanh ra: 1- Đan, 2- Náp-ta-li

–          Do Xinh-ba, con đòi của Lê-a sanh ra: 1- Gát, 2- A-se

–          Do Ra-chên sanh ra: 1- Giô-sép, 2- Bên-gia-min.

 

Tổng cộng Kinh Thánh ghi chép Gia-cốp có 12 con trai và một con gái là Đi-na.

 

Trong đoạn kế tiếp, chúng ta thấy Đức Chúa Trời kêu gọi Gia-cốp rời khỏi Cha-ran và trở về đất đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Chắc rằng Đức Chúa Trời đang lo ngại cho các con của Gia-cốp, Ngài không muốn cho những người con này sống trong môi trường của nhà La-ban.

 

Trong ngày Gia-cốp rời nhà cha mẹ ra đi cách hối hả một mình, đến nay thời gian hai mươi năm trôi qua, ông có vợ, con cái và tài vật rất nhiều. Gia-cốp kêu cầu Đức Chúa Trời gìn giữ dẫn dắt ông và làm cho ông trở nên thạnh vượng.      

 

Mong ước chúng ta đi đâu hay làm gì trong đời sống mình, cũng hãy hết lòng nương cậy vào Chúa nhơn từ.

 

 

 

Bài trướcBài 39: Giải Pháp Cho Tình Trạng Suy Sụp Tinh Thần
Bài tiếp theoBài 14: Vấn Đề Đau Khổ