Bài 14: Vấn Đề Đau Khổ

1095

Nguyễn Sinh biên soạn

 


VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ

 

Một trong những điều huyền bí nhất của đời người là huyền bí về đau khổ. Câu hỏi thường nghe nạn nhân thốt ra là: “Tại sao tôi bị thế này?” Tại sao mắc bệnh tật? Tại sao bị tật nguyền? Tại sao người này hay người khác chết? Tại sao tôi phải gánh nỗi khó chịu thế này? Có những đau khổ trong thân xác, trong tâm trí và trong lòng. Chúng ta không hiểu vì lý do nào mà các việc đó xảy ra.

Nhưng chúng ta có thể hiểu rõ hơn vấn đề đau khổ trong đời sống nếu nắm vững một số các dữ kiện tích tích cực sau đây:

 

1. Mỗi phước hạnh nhận được cũng có thể là một đau khổ.

 

Thí dụ như tôi mua cho con một chiếc xe đạp.  Tôi nhớ khi còn nhỏ cũng được cho một chiếc xe đạp cũ mà đã sung sướng lắm rồi, nên mua cho con chiếc xe mới là điều tôi nghĩ con rất thích. Tuy nhiên trẻ nhỏ khi mới tập đi xe đạp cũng dễ trầy tay trẹo chân lắm.  Khi con tôi tập xe rồi ngã và khóc, thì tôi có tự trách là mình gây tai nạn cho con hay không? Đúng là như thế, nhưng khi cho con chiếc xe mới tôi cũng đã tạo được niềm vui trong đời của đứa con chứ. Cho con chiếc xe cũng là cho nó cơ hội sứt tay trầy chân, nhưng tôi không bao giờ cố ý cho con bị tai nạn cả.

 

Chúa đã cung ứng cho chúng ta nhiều điều quý báu cho chúng ta được vui hưởng. Như tình yêu chẳng hạn. Tình yêu đem đến những phước hạnh quý nhất cho cuộc đời, nhưng cũng chính tình yêu đưa đến những đau thương nặng nề nhất. Chúa cho người nam và người nữ khả năng thương yêu nhau. Chúng ta cưới gả và xây dựng gia đình, thế rồi con cái ra đời và một thứ tình yêu khác phát sinh. Nhưng rồi có điều xẩy ra cho những người chúng ta thương yêu và tâm hồn chúng ta tan nát.

 

Chúa cho chúng ta khả năng mơ ước, hi vọng và trông mong. Nhưng đôi khi hi vọng của chúng ta tan vỡ và những gì chúng ta đam mê nhất bị đe dọa. Chúng ta khổ vì bất mãn và thất vọng. Mặt khác chúng ta cũng có khả năng nếm biết cái phấn khởi của thành công. Vì vậy để có thể có được niềm vui chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận đau khổ.

 

Một đội bóng tham gia vào một trận đấu. Các cầu thủ hết sức trổ tài, nhưng khi bị thua, khó lòng chịu nổi. Chỉ có một cách tránh cái đau khổ đó là đừng chơi thôi. Nhưng họ cũng không chối từ nếu thắng vinh quang và thỏa mãn. Sự thật là đã chơi bóng thì phải sẵn sàng chấp nhận được thua, mà thường gọi là tinh thần thể thao hay ngày xưa gọi là tinh thần thượng võ.

 

Nghiên cứu về đời sống, chúng ta sẽ thấy những gì xẩy ra đều đi có đôi cả: tốt và xấu, cao và thấp, mạnh và yếu, nóng và lạnh, trắng và đen kể cả khổ và sướng. Cuộc đời đúng là có thể xẩy ra thế này hay thế khác. Dường như nếu không có đau đớn thì cũng chẳng làm gì có sung sướng trong đời.

 

2. Đau đớn và khổ sở trong cuộc đời là một trong những giá phải trả để được thuộc về nhân loại.

 

Câu nói thường nghe nhất là: Tại sao kẻ vô tội chịu đau khổ?

 

Trong xã hội có hệ thống pháp luật, có thẩm phán và bồi thẩm đoàn.  Nếu người nào bị cáo một tội phạm sẽ bị đưa ra toà xử công khai. Nếu xét rằng có tội người ấy sẽ bị trừng phạt tương xứng với tội phạm. Tòa án cũng cẩn thận để không bao giờ trừng phạt những người vô tội.  Nhưng đời sống thì không hẳn như vậy.

 

Dĩ nhiên lý luận thông thường vẫn cho rằng tội đưa đến đau khổ trong đời này và đời sau, nhưng vẫn có trường hợp người vô tội chịu khổ nhiều quá. Nhiều bậc cha mẹ ăn ở thiện lành thế mà con cái họ lại sống đời hư hỏng làm cho họ thật khổ tâm. Có những thánh nhân mang thân phận đau khổ cả đời, người khác phải gánh vác những nỗi khó khăn và bất mãn.

 

Nhưng nếu chúng ta đòi rằng Chúa phải tạo ra một thế giới theo căn bản cá nhân – nghĩa là cho mỗi người chịu khổ tùy theo điều sai trái mà người ấy phạm – thì không chừng chúng ta cũng phải giới hạn những niềm vui mà nhiều người đem đến cho chúng ta. Bạn xét xem đời sống bạn đã được hưởng bao nhiêu điều tốt lành do cố gắng của người khác.  Bạn có muốn loại bỏ cả những điều ấy khỏi cuộc đời mình chăng?

 

Chúng ta được hưởng vô số phước hạnh mà không do mình gây ra. Cũng vậy, chúng ta chịu nhiều nổi khổ cũng không do mình phạm lỗi.

 

Câu hỏi nhiều khi đặt ra là: Tôi làm gì mà phải chịu nông nỗi này?

Và câu trả lời là không có gì cả.

Chúng ta cũng không làm gì cả mà được hưởng phúc lành. Vì đau khổ và sung sướng đều thuộc về nhân loại cả. Chúng ta chịu khổ vì tội của người khác gây ra.

 

Ta sang một điểm huyền bí khác, đó là tại sao Chúa dường như can thiệp vào cuộc đời một số người mà không can thiệp vào cuộc đời những người khác. Ta cầu nguyện cho một số người bệnh và thấy Chúa chữa lành, trong khi đó nhiều khi cầu nguyện mãi mà bệnh không thuyên giảm.  Tại sao người này được lành mà người kia không lành?

 

Đây là nan đề về cách Chúa đáp lời cầu xin.

 

Gia-cơ 5 :16 ghi rằng : « Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm. » Nghĩa là Chúa luôn luôn đáp lời cầu xin, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu hết cách trả lời của Chúa. Đôi khi câu trả lời là « được » hay là « phải » ; có lúc là « không được » hay « không phải » ; nhưng cũng có khi là « chưa được » hay « cứ chờ ».

 

Ngay cả những hình thức trả lời này cũng là cách loài người nghĩ ra chứ không phải cách của Chúa. Vì chúng ta không thể với tới tư tưởng của Chúa bao giờ.

 

Chúng ta cũng thường cầu nguyện và trông mong theo quan điểm của mình, mà không hiểu quan điểm và ý định cũng như chương trình của Chúa cho mỗi cuộc đời. Nghĩa là phải tôn trọng ý Chúa và kế hoạch của Ngài nữa.

 

Ý Cha được nên nhiều khi không thích hợp với ý chúng ta. Câu hỏi nào đặt ra theo ý chủ quan nhiều khi rất khó trả lời, nhưng khi nhận ra chúng ta chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi cầu xin ân huệ từ vua vũ trụ, thì ta đành vâng phục và không dám đòi hòi hơn nữa.  Đặc ân cầu nguyện cũng đã là một ân huệ rồi.

 

3. Thứ ba là, Chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa cùng làm việc với chúng ta để giúp chúng ta thắng được những đau khổ trong thân xác, trong trí não và tâm hồn.

 

Tác giả Thi Thiên viết rằng:

 Đức Giê-hô-va xây cất Giê-ru-sa-lem; Ngài hiệp lại những kẻ bị tản lạc của Y-sơ-ra-ên, Chữa lành người có lòng đau thương, Và bó vít của họ. Ngài đếm số các vì sao, Gọi từng tên hết thảy các vì ấy. Chúa chúng tôi thật lớn, có quyền năng cả thể; Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận. 6 Đức Giê-hô-va nâng đỡ người khiêm nhường, Đánh đổ kẻ ác xuống đất. (Thi Thiên 147:2-6).

 

Trong các câu này chúng ta thấy Chúa là chủ tể vũ trụ vạn vật, nhưng cũng Chúa của cá nhân mỗi người.  Chúa làm việc cùng với chúng ta trong nhiều hình thức.  Đôi khi Chúa làm việc với cá nhân và cất đi đau thương của người ấy. Có khi Chúa chờ đợi cho đến khi lời cầu xin được đáp ứng cho toàn thể gia đình của con cái Chúa.

 

Thí dụ như một bà mẹ cầu nguyện cho đứa con được cứu thoát khỏi chứng tê liệt. Nhưng mọi người đều phấn khởi khi Chúa đưa đến vị thầy sáng chế ra thuốc ngừa bệnh tê liệt này là bác sĩ Jonas E. Salk, nhờ đó mà hằng triệu trẻ nhỏ được chủng ngừa tê liệt mỗi ngày trên thế giới ngày nay. Duy chỉ phải chờ đợi một thời gian mà thôi.

 

Đôi khi Chúa trả lời cầu nguyện không phải bằng cách loại trừ nỗi đau thương, nhưng cho có khả năng chịu đựng nổi cơn đau ấy. Đó cũng là sự thực trong đời sống. Mục đích của Chúa Cứu Thế không phải là giải trừ mọi cơn bão tố của đời sống.  Chúa không vào trần gian để dạy chúng ta cách hưởng thụ những gì tốt lành và tránh thoát những nan đề. Chúa vào trần gian để tạo nên những con người có bản chất tốt. Chúa từng bảo các môn đệ đầu tiên rằng: 

 

Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi! Giăng 16:33.

 

Chúa đã thắng thế gian này, và chúng ta nhờ ân huệ của Chúa cũng sẽ đắc thắng.

 

Một người cha đem đứa con gái nhỏ đến cho bác sĩ mắt khâu mí mắt của bé, vì lý do nào đó bị đứt ra. Bác sĩ không muốn dùng thuốc mê vì có thể gây hại cho bé, nên bảo bé: Con ngồi yên, đừng nhúc nhích một phút được không? Đứa bé trả lời: Con ngồi yên được nếu ba con cầm tay con. Thế rồi bác sĩ thực hiện việc khâu mí mắt của bé, và thực sự bé không cử động cũng không khóc. Câu chuyện này cho thấy việc người cha cầm lấy tay bé không giúp gì cho bác sĩ tăng hay giảm số mũi khâu hay làm cho bé bớt đau.  Nhưng nếu không có người cha cầm tay bé, chưa chắc việc khâu mí mắt đã làm nổi. Câu chuyện này minh họa về kinh nghiệm của hằng nghìn người về bàn tay mạnh, khôn ngoan và quyền năng của Chúa đã cầm lấy tay họ. Đau thương dù kinh khủng đến đâu chúng ta vẫn chịu được và ngay giữa cơn đau đớn, chúng ta được an bình và đắc thắng.

 

Bài trướcBài 39: Gia Đình Của Gia-Cốp
Bài tiếp theoHuấn Luyện Kỷ Năng Trình Chiếu Tại Nhà Thờ Tin Lành Long Hồ – Vĩnh Long.