Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Chúng ta tiếp tục khảo sát sách Dân số ký. Sách nầy chứa đựng những sự dạy dỗ mang ý nghĩa hình bóng, rất nghiêm trọng và đặc biệt.
Trong khi học hỏi về các sự dạy dỗ này, hãy tập trung vào vài phân đoạn trong sách khiến chúng ta chú tâm. Chẳng hạn, chương 12 có đề cập về Môi-se, đây là phần rất đáng lưu ý. Thật là điều lôi cuốn khi học về con người vĩ đại của Môi-se trong sách Dân số ký. Những chương cuối của sách Phục truyền Luật lệ ký cho biết Môi-se là một người vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời đã từng sống trên thế gian này. Sách Dân số ký cho chúng ta biết, Môi-se là người đặc biệt và vĩ đại như thế nào. Ví dụ, chương 12 câu 3,5 và 8 ghi lại những lời này: “Môi-se là người khiêm hòa hơn hết thảy mọi người trong thế gian.”
Một trong những chữ bị hiểu lầm nhiều nhất trong Kinh thánh là chữ “nhu mì.” Chúa Jêsus phán: “Phước cho kẻ có lòng nhu mì.” Điều này không có nghĩa là những người yếu đuối hay nhu nhược lại được ban phước. Theo Kinh thánh, chữ “nhu mì” có ý nghĩa như chữ “thuần hóa.” Đây là hình ảnh chỉ về con ngựa đực rất mạnh mẽ được tra hàm thiếc vào miệng, buộc bởi dây cương, con ngựa đó không yếu nhưng nó đã được thuần hóa. Đây chính là ý nghĩa chữ “nhu mì” trong Kinh thánh. Chúa Jêsus phán rằng: “Hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, vì ta có lòng nhu mì.” Chúa Jêsus nhu mì theo nghĩa nào? Chúa nhu mì nghĩa là Ngài luôn luôn làm theo ý của Cha Ngài. Chúa Jêsus có thể nói rằng “Ta luôn làm điều Cha ta hài lòng.” Chúa đã chấp nhận trọn vẹn cái ách đó là ý muốn của Cha Ngài. Ngài đã trở nên nhu mì theo nghĩa nầy. Trong tinh thần đó, Chúa dạy chúng ta rằng “Hãy mang lấy ách của ta và trở nên nhu mì.”
Khi Sau-lơ người thành Tạt-sơ gặp Chúa Jêsus trên đường đến thành Đa mách, ông đã hỏi Ngài rằng: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Và ông thưa tiếp: “Chúa muốn con làm chi?” Sau đó, tên ông được đổi thành Phao-lô. Sau-lơ nghĩa là “người dõng mãnh”, còn Phaolô nghĩa là “người bé nhỏ .” Sau-lơ đã trở nên con người nhu mì trên đường đến Đa-mách. Khi ông hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm chi?” thì đó là dấu hiệu của nhu mì. Do đó, nếu hiểu được ý nghĩa của chữ nhu mì, chúng ta sẽ hiểu được những gì Kinh thánh ghi rằng: “Môi-se là người khiêm hòa hay nhu mì hơn hết mọi người trong thế gian.” Điều này có nghĩa là Môi-se đặt mình dưới kỷ luật của Đức Chúa Trời, vâng lời Chúa và làm điều Ngài muốn.
Một lời khen ngợi khác về Môi-se được ghi trong chương thứ 12. A-rôn và Miriam ganh tị với Môi-se và Đức Chúa Trời đã lên tiếng bảo vệ ông. Chúa phán, “Nếu có một tiên tri nào giữa vòng các ngươi, Ta là Đức Giê-hô-va sẽ tỏ mình cho người đó bằng khải tượng hoặc ta sẽ phán dạy trong chiêm bao. Nhưng với Môi-se tôi tớ ta thì không như vậy. Người ở trong nhà ta. Ta nói chuyện mặt đối mặt với người một cách rõ ràng và người thấy hình Đức Giê-hô-va.” Khi dân sự đòi ném đá Môi-se và A-rôn, Chúa đã hiện đến và phán với Môi-se rằng, “Dân sự này khinh ta cho đến chừng nào? Phải chăng họ không chịu tin ta cho dầu chứng kiến bao nhiêu phép lạ ta đã thi thố giữa vòng họ? Ta sẽ tước khỏi họ quyền thừa kế và hủy diệt họ, nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” Trong bài trước, chúng ta đã thấy Đức Chúa Trời sẵn sàng đánh đổi cả một dân tộc hơn hai triệu người để chỉ lấy hai người là Ca-lép và Giô-suê bởi vì họ theo và tin Chúa hết lòng. Qua câu chuyện nầy, Đức Chúa Trời lại sẵn sàng đánh đổi cả một quốc gia cho một người. Ngài phán, “Ta sẽ tiêu diệt tất cả trong sa mạc, nhưng ta sẽ khiến ngươi trở thành một quốc gia.” Bạn thấy điều gì là quan trọng đối với Đức Chúa Trời không? Ngài đánh giá cao tính nhu mì, vì người nhu mì là người sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài. Đức Chúa Trời phán: “Ta bằng lòng đổi mọi người để được ngươi.” Đây là một sự kiện thật đặc biệt.
Môi-se có mối liên hệ rất mật thiết với Đức Chúa Trời. Ông muốn được ở gần với Chúa. Ông sống gần Chúa và được Chúa quí trọng, đến nỗi Ngài bằng lòng đổi cả một dân tộc để lấy Môi-se. Tuy nhiên, có một sự kiện đáng lưu ý, Môi-se không được đặt chân trên vùng đất hứa. Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã không đổi cả một quốc gia với Môi-se; nhưng Ngài đã đánh đổi để lấy Ca-lép và Giô-suê. Tội của Môi-se trong chương 20 là một trong những bí ẩn của sách Dân số ký. Đôi khi chúng ta cho rằng, Đức Chúa Trời không công bằng. Đây là chỗ mà nhiều người đã lên tiếng về điều đó. Khi chúng ta hiểu được Môi-se là người vĩ đại như thế nào, khi thấy hành động mà ông đã làm trong lúc nóng giận, chúng ta có thể tự hỏi tại sao Ngài lại trừng phạt ông và không cho vào đất hứa.
Diễn biến đó được ghi lại như sau:
Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng:
Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng, và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống. Vậy, Môi-se cầm lấy cây gậy ở trước mặt Đức Giê-hô-va, như Ngài đã phán dặn.
Môi-se và A-rôn truyền nhóm hội chúng đến trước hòn đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch! hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao? Môi-se giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình. Nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội chúng uống, và súc vật họ uống nữa.
Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu.
Hành động của Môi-se được xem là tội. Điều này có thể khiến chúng ta suy nghĩ. Nó trông chỉ là một tội nhỏ, nhất là khi so sánh với tội của dân Y sơ ra ên, hoặc khi nhìn lại tính nhẫn nại của ông trong đồng vắng suốt 40 năm. Thế nhưng, ông đã bị thua cuộc chỉ vì một trường hợp nầy. Chúa phán, “Vậy là đủ rồi Môi-se, ngươi không được vào đất hứa.” Điều này dường như rất nghiêm trọng đối với chúng ta.
Có vài nhận định về tính chất nghiêm trọng trong sự trừng phạt của Đức Chúa Trời. Trước tiên, chúng ta phải tự hỏi rằng, “Có thể nào Đấng phán xét cả thế gian lại làm điều không đúng chăng?” Chúng ta là ai mà dám nói với Đức Chúa Trời rằng, điều gì là công bình, điều gì là không công bình? Chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng xác định điều gì là đúng, điều gì là công bằng. Điều đáng lưu ý, Môi-se không hề than trách về sự trừng phạt của Chúa. Đã có một lần, Môi-se đem vấn đề nầy ra để thưa với Chúa trong sách Phục truyền luật lệ ký và Chúa đã phán với ông rằng: “Đừng đề cập với Ngài về việc đó nữa.” Môi-se vâng lời và không bao giờ ông nhắc đến nữa. Ông không hề than trách rằng việc Chúa phạt ông là không công bằng.
Qua biến cố này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đặt một tiêu chuẩn cho người lãnh đạo cao hơn so với con dân của Ngài. Đừng bao giờ quên điều đó, nhất là khi bạn đang ở trong vị trí lãnh đạo. Kinh thánh đã chỉ rõ hai tiêu chuẩn này. Khi trở nên thành viên của một hội thánh, chúng ta phải tuân giữ một số tiêu chuẩn nhất định. Nếu một hội thánh nào không có một tiêu chuẩn gì cả, thì đó không phải là một hội thánh theo đúng nghĩa. Theo Kinh thánh, hội thánh đặt kỳ vọng nhiều hơn nơi người lãnh đạo. Đức Chúa Trời rất xem trọng vai trò của người lãnh đạo. Môi-se là người lãnh đạo, và điều dường như là một lỗi nhỏ đối với người khác nhưng nó không nhỏ đối với người lãnh đạo.
Tội của Môi-se có thể được diễn giải như sau. Trước tiên, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nói với hòn đá.” Thay vì nói với hòn đá thì Môi-se đã đánh hai lần bằng cây gậy. Đó là thái độ không vâng lời. Chúa bảo nói với hòn đá nhưng Môi-se đánh với hòn đá, không phải đánh một lần nhưng là hai. Môi-se mất tự chủ. Ông đã phẫn nộ nói cùng dân chúng rằng:
“Hỡi dân phản nghịch! hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?”
Chúa buộc Môi-se một tội khác. Ngài phán: “Ngươi đã không tin Ta.” Rồi Ngài còn nói thêm: “Ngươi không tôn thánh Ta trước mắt dân sự.” Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta nhắc lại, khi Đức Chúa Trời dạy Môi-se về những định luật thuộc linh như: “Ngươi không phải là người giải cứu nhưng là Ta và Ta ở với ngươi.” “Ngươi không thể giải cứu ai nhưng ta có thể và ta ở với ngươi.” “Ngươi không muốn nhưng ta muốn và Ta ở với ngươi.” Và khi công cuộc giải cứu đã hoàn thành, Ngài phán: “Không phải ngươi đã làm điều đó, Môi-se, nhưng là ta vì ta đã ở cùng ngươi.” Đức Chúa Trời đã dạy Môi-se những bài học nầy. Sai phạm nghiêm trọng nhất là khi Môi-se nói rằng:
“Chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?”
Ông đã không tôn thánh Đức Chúa Trời trước dân sự. Ông đã không khẳng định cách rõ ràng rằng, Đức Chúa Trời là Đấng đang thi hành phép lạ nầy. Môi-se đã tạo một ấn tượng nơi dân chúng rằng, ông là người thi hành các phép lạ. Đây là phần chính trong lỗi của Môi-se.
Chúng ta cần nhận thức rằng, Đức Chúa Trời thiết lập những tiêu chuẩn mà chỉ một mình Ngài thấu triệt. Chúa bày tỏ cho chúng ta nhiều điều thuộc về tiêu chuẩn của Ngài. Xin nhớ rằng, chỉ có Đức Chúa Trời mới là Đấng chỉ dạy cho chúng ta thế nào là công bằng chứ không phải chúng ta chỉ dẫn Ngài. Xét theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, hình phạt dành cho Môi-se là công bằng và đúng đắn. Chính Môi-se là người đồng ý với Đức Chúa Trời về điều này. Đây là bài học quan trọng cho chúng ta.
Chương 11 của sách Dân số ký ghi lại một biến cố khác liên quan đến Môi-se. Đó là việc Môi-se lâm vào tình trạng kiệt sức. Đây là hiện tượng khá phổ biến ngày nay. Nó mô tả một giai đoạn gần như khủng hoảng mà nạn nhân chỉ muốn chấm dứt mọi sự. Kinh thánh cho biết, Môi-se là người khiêm nhu nhất trong mọi người, và cũng là người vĩ đại nhất đã từng sống. Thế nhưng, những người như vậy cũng có lúc chán nản cùng cực, chỉ muốn chấm dứt mọi sự. Chẳng hạn, Môi-se đã thưa với Chúa rằng:
“Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự nầy trên mình tôi? Tôi há có thọ thai dân nầy sao? há có sanh đẻ nó sao? mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân nầy trong lòng người, như người cha nuôi bồng đứa trẻ bú, cho đến xứ mà Ngài có thề hứa ban cho tổ phụ của chúng nó. Tôi sẽ có thịt ở đâu đặng phát cho cả dân sự nầy? bởi vì họ khóc về tôi mà rằng: Hãy cho chúng tôi ăn thịt. Tôi không thế một mình gánh hết dân sự nầy, vì thật là rất nặng nề cho tôi quá! Nếu Chúa đãi tôi như vậy, và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin thà giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi!”
Có bao giờ bạn ở trong tâm chặng đó không? Môi-se, Ê-li, Gióp, Đa-vít … nhiều người vĩ đại của Đức Chúa Trời đã lâm vào sự chán nản cùng cực và đã cầu nguyện giống nhau rằng, “Chúa ơi, xin hãy giết con đi, con chỉ muốn chết mà thôi.” Có bao giờ bạn muốn chết không? Có bao giờ bạn lâm vào tình trạng chán nản cùng cực đến nỗi chỉ muốn chết không? Kinh nghiệm này xảy ra đối với nhiều người; và nó có thể xảy ra với những người tin kính nhất.
Điều đáng ghi nhận, Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của Môi-se. Có bao giờ bạn cám ơn Chúa vì Ngài không nhậm lời cầu nguyện không? Có lời của bài thánh ca viết rằng: “Xin dạy con nhẫn nhục khi Chúa không trả lời.” Nhiều người không thích câu này; vì đối với họ không hề có lời cầu nguyện không được trả lời. Sự thật thì có những lời cầu nguyện không được trả lời. Cám ơn Chúa vì bởi ân điển Ngài mà có những lời cầu nguyện không được nhậm. Chúng ta không biết ý muốn của Đức Chúa Trời là thể nào; do đó, nhiều lần chúng ta đã cầu xin những điều sai. Bởi vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta, Chúa sẽ không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta nếu nó đi ngược lại với ý muốn của Ngài. Đó là lý do vì sao trong bài cầu nguyện chung, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin ý Cha được nên, ở đất như trời.”