Bài 31: Sa-Ra Qua Đời

2540

Sáng thế ký 23:1-20

 

 

Trong Sáng thế ký đoạn 23 nầy, chúng ta sẽ thấy tường thuật việc Sa-ra qua đời, Áp-ra-ham mua đồng ruộng Mặc-bê-la và chôn Sa-ra tại đó. Các biến cố của đời sống Áp-ra-ham lần lần bớt quan trọng và đi đến kết cuộc. Qua việc chôn cất Sa-ra, Áp-ra-ham vẫn luôn tỏ niềm tin cậy vào Đức Chúa Trời, ý nghĩa đó nổi bật trong đoạn này.

 

SA-RA QUA ĐỜI

 

Sáng thế ký 23:1-2, “Sa-ra hưởng thọ được một trăm hai mươi bảy tuổi. Ấy là bao nhiêu năm của đời Sa-ra. Sa-ra qua đời tại Ki-ri-át-A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an. Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than khóc người.”

 

Chúng ta chú ý Sa-ra hưởng thọ được 127 tuổi. Khi Sa-ra 90 tuổi thì sanh Y-sác, có nghĩa rằng khi bà qua đời thì Y-sác được 37 tuổi. Đây là một trong số rất ít những người nữ được Kinh Thánh ghi chép tuổi thọ, có lẽ vì bà Sa-ra là mẹ của những người tin Chúa. Như sách I Phi-e-rơ 3:6 đề cập như sau: “Như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là Chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy. Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than khóc người.” Đó là cách bày tỏ sự đau buồn theo phong tục của người Đông phương và cũng là thật lòng sầu thảm của Áp-ra-ham. Ông là người chồng thủy chung và yêu thương vợ. Người Đông phương thường than khóc trước thi hài kẻ mình để tang.   

 

Chúng ta được biết Sa-ra qua đời tại Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn. Áp-ra-ham mua đất chôn Sa-ra, đồng thời để chôn ông sau nầy, đây là đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông. Tại sao ông không đem Sa-ra chôn nơi khác? Bởi vì hy vọng mà ông hướng về tương lai trong đất đó. Nếu đọc tiếp trong đoạn nầy, chúng ta sẽ thấy các sự sắp đặt trong việc chôn cất, mà nó không tốt lắm, chúng ta sẽ thấy điều nầy trong phần sau.

 

ÁP-RA-HAM MUA CÁNH ĐỒNG Ở MẶC-BÊ-LA

 

Sáng thế ký 23:3-4, “Đoạn, Áp-ra-ham đứng dậy trước người chết mình và nói cùng dân họ Hếch rằng: Ta là một khách kiều ngụ trong vòng các ngươi; xin hãy cho một nơi mộ địa trong xứ các ngươi, để chôn người thác của ta.”

 

Áp-ra-ham tự xưng ông là khách kiều ngụ, dẫu rằng Đức Chúa Trời có hứa ban cho ông đất đó. Chúng ta là người còn tạm cư trên đất, chúng ta cũng hướng về đất hứa trên thiên quốc, như tác giả sách Hê-bơ-rơ viết trong 11:15-16, “Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.”

 

Lời giải thích vững chắc mà Tân ước đưa ra, tỏ cho chúng ta thấy rằng nếu đánh giá thấp những ý tưởng thiêng liêng, từ nơi lời của những người thuộc về Đức Chúa Trời trong thời Cựu ước thì không khôn ngoan. Ấy là vì đức tin chân chính, mà họ biểu lộ mức hiểu biết sâu xa và sự khôn ngoan qua lời nói.

 

Trong xứ này có tục lệ phải an táng một ngày sau ngày lâm chung, nên Áp-ra-ham phải lo mua mộ địa ngay. Dân họ Hếch, hay người Hê-tít đang chiếm hữu khu vực này, nên Áp-ra-ham phải hỏi ý kiến họ. Áp-ra-ham có mối giao hảo tốt với dân tộc này và họ cũng có lòng thành với Áp-ra-ham. Chúng ta thấy họ đối xử khéo léo, thành thật với nhau.

 

Sáng thế ký 23:5-6, “Dân họ Hếch đáp rằng: Lạy Chúa, xin hãy nghe chúng tôi: giữa chúng tôi, chúa tức là một quân trưởng của Đức Chúa Trời; hãy chôn người chết của chúa nơi mộ địa nào tốt hơn hết của chúng tôi. Trong bọn chúng tôi chẳng có ai tiếc mộ địa mình, đặng chôn người chết của chúa đâu.”

 

Những người dân họ Hếch nơi đây, thật lòng muốn hiến cho Áp-ra-ham một phần đất để chôn vợ ông. Họ nói với Áp-ra-ham, “Xin chọn phần đất nào của chúng tôi mà làm mộ địa, đó là điều rất vui khi chúng tôi cho ông.” Áp-ra-ham rất cảm động về điều đó. Họ gọi ông là “quân trưởng của Đức Chúa Trời.” Ông đã có ảnh hưởng tốt với dân tại đó.

 

Sáng thế ký 23:7-9, “Áp-ra-ham bèn đứng dậy, sấp mình xuống trước mặt các dân của xứ, tức dân họ Hếch, mà nói rằng: Nếu các ngươi bằng lòng cho chôn người chết ta, thì hãy nghe lời, và cầu xin Ép-rôn, con của Xô-ha giùm ta, đặng người nhượng cho ta hang đá Mặc-bê-la, ở về tận đầu đồng người, để lại cho đúng giá, hầu cho ta được trong vòng các ngươi một nơi mộ địa.”

 

Hang đá của Mặc-bê-la là nơi mà Áp-ra-ham chọn, nhưng ông muốn mua nó; ông không muốn họ cho ông. Nói cách khác, cho đến khi Đức Chúa Trời cho ông đất nầy, ông muốn mua điều đang ông cần. Bây giờ ông mua miếng đất để chôn cất.

 

Tại sao ông Áp-ra-ham không đem bà Sa-ra đi chỗ khác để chôn? Ông đã chôn bà tại đây, bởi vì chính nơi đây là vùng đất Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ông sau nầy. Nếu chúng ta đi xuyên suốt trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy có hai hy vọng lớn và hai mục đích lớn mà Đức Chúa Trời đã dự bị. Ngài có mục đích cho trái đất, Ngài cũng có mục đích cho thiên đàng. Ngài có mục đích cho trái đất; đó là, trái đất mà chúng ta đang sống sẽ trở thành đời đời. Nó đang được thay đổi trong một mô hình mới. Đó là trời mới và đất mới. Nhưng nó sẽ là trái đất, và nó sẽ là nơi ở đời đời. Đây là điều mà Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham và những người đời sau ông. Đức Chúa Trời không đặt trái đất nầy là nơi chúng ta đang sống trên đống rác, rồi sau đó Ngài bỏ đi chương trình mà Ngài đã làm; hoặc như là thảy bỏ rác dư trong nhà. Đức Chúa Trời sẽ không làm như vậy. Chúa sẽ thay đổi nó theo một mô hình mới. Trái đất mới sẽ tồn tại đời đời, và sẽ có con người tại đó. Đó là niềm hy vọng của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham muốn được chôn trong đất nầy khi sự sống lại được xảy ra, ông và Sa-ra sẽ được sống lại từ đất nầy. Ông không hề biết có bao nhiêu người sẽ đi với ông, nhưng sẽ có hằng triệu người được sống lại từ trong kẻ chết. Đây là niềm hy vọng của họ. Đó là niềm hy vọng lớn cho trái đất và sẽ là sự thật.

 

Trên phòng cao ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu của chúng ta nói với những môn đệ, họ được dạy về Kinh Thánh Cựu ước và những người có sự hy vọng thời Cựu ước: Giăng 14:1-3, “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”

 

Ngài đang nói về Giê-ru-sa-lem, là nơi Ngài chuẩn bị hôm nay và đó là chỗ cho Hội thánh sẽ đến. Giê-ru-sa-lem mới sẽ là nơi đời đời cho Hội thánh. Đây là điều mới lạ cho những môn đệ, và thật đáng lo ngại nếu đó là điều mới cho nhiều người tín đồ hôm nay. Đức Chúa Trời không bao giờ nói với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ đem ông đi khỏi trái đất nầy đến thiên đàng. Ngài luôn nói với ông, “Ta sẽ cho ngươi vùng đất nầy.” Áp-ra-ham tin cậy Đức Chúa Trời, đó là lý do mà ông muốn chôn Sa-ra trong đất nầy. Nó cũng trở thành nơi chôn ông khi ông qua đời. Ông có ý định được chôn ở đó và sau nầy các con ông đã thực hiện như vậy.

 

Địa điểm chính xác của nơi chôn Áp-ra-ham ở phía dưới Hếp rôn, khoảng hai mươi dặm phía nam của Giê-ru-sa-lem. Ngày nay, khi chúng ta đi xuống đó, chúng ta sẽ thấy đền thờ Hồi giáo được xây dựng trên đó. Khi vào bên trong chúng ta nhìn vào lỗ nhỏ trong sàn nhà, và nhìn xuống phía dưới thấy có hang nơi chôn Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca, Gia-cốp và Lê-a tất cả đều chôn ở đó. (Ra-chên được chôn ở Bết-lê-hem). Dòng tộc họ đều chôn ở Do Thái, bởi vì họ mong rằng, họ được sự sống lại từ vùng đất nầy. Đó là niềm hy vọng.

 

Niềm hy vọng của chúng ta như những người tin trong Tân ước là hy vọng trên thiên đàng. Điều đó sẽ rõ ràng cho chúng ta và chúng ta có thể hiểu tại sao việc chôn tại nơi đây là quan trọng cho Áp-ra-ham ở trong thời gian nầy.

 

Áp-ra-ham bây giờ đã thỏa thuận mua đất làm nghĩa trang. Chú ý đến sự trao đổi:

 

Sáng thế ký 23:10-13, “Vả, Ép-rôn, người Hê-tít, đương ngồi trong bọn dân họ Hếch, đáp lại cùng Áp-ra-ham trước mặt dân họ Hếch vẫn nghe và trước mặt mọi người đến nơi cửa thành, mà rằng: Không, thưa chúa, hãy nghe lời tôi: Hiện trước mặt dân tôi, tôi xin dâng cho chúa cánh đồng, và cũng dâng luôn cái hang đá ở trong đó nữa; hãy chôn người chết của chúa đi. Áp-ra-ham sấp mình xuống trước mặt dân của xứ, và nói lại cùng Ép-rôn hiện trước mặt dân của xứ đương nghe, mà rằng: Xin hãy nghe, ta trả giá tiền cái đồng, hãy nhận lấy đi, thì ta mới chôn người chết ta.”

 

Ép-rôn mà Áp-ra-ham nói đến tình cờ lại có mặt tại cổng thành, là nơi thường diễn ra mọi dịch vụ như vậy, và dân trong thành thường hội họp. Cho nên tất cả các sự thương lượng mua đất đều có sự chứng kiến của nhiều người.

 

Chú ý Áp-ra-ham và hành động rộng rãi của những người ở Hếp-rôn rất đặc biệt. Họ chắc chắn là những người rất là lịch sự trong thời đó. Áp-ra-ham có cảm tình tốt với những người này, ông sấp mình xuống cám ơn họ.

 

Dầu vậy Áp-ra-ham vẫn muốn mua hẳn hoi miếng đất, cách công khai, sòng phẳng.

 

Sáng thế ký 23:14-18, “Ép-rôn đáp rằng: Thưa Chúa, hãy nghe lời tôi: một miếng đất giá đáng bốn trăm siếc-lơ bạc, mà tôi cùng chúa, thì có giá chi đâu? Xin hãy chôn người chết của chúa đi. Áp-ra-ham nghe theo lời Ép-rôn, trước mặt dân họ Hếch cân bốn trăm siếc-lơ bạc cho người, là bạc thông dụng nơi các tay buôn bán. Vậy, cái đồng của Ép-rôn, tại Mặc-bê-la, nằm ngang Mam-rê, nghĩa là cái đồng ruộng hang đá, các cây cối ở trong và chung quanh theo giới hạn đồng, đều trước mặt có các dân họ Hếch cùng mọi người đến cửa thành, nhận chắc cho Áp-ra-ham làm sản nghiệp.”

 

Với phong tục Đông phương, Ép-rôn chẳng xin Áp-ra-ham trả giá miếng đất, ông chỉ nêu ra giá ước định, song đồng thời lại thêm rằng đối với những người như họ, thì số tiền ấy chẳng thấm vào đâu. Hiển nhiên lắm Ép-rôn làm điều người Đông phương thường làm. Trước hết, họ đề nghị tặng vô điều kiện, song chẳng muốn người ta nhận điền kiện của mình, đoạn họ đòi định một giá phải chăng.

 

Đối với chúng ta, đây dường như là tinh thần cao quý của những người kính sợ Đức Chúa Trời nổi bật, khác với hành vi tập quán của những người ngoại đạo. Áp-ra-ham vượt lên trên tinh thần mặc cả tinh khôn để mua mộ địa. Vì mặc cả như vậy, thì không xứng đáng với người thờ kính Đức Chúa Trời. Trái lại trong hoàn cảnh này Áp-ra-ham nhận đề nghị, để cho Ép-rôn khôn khéo kêu giá, như vậy ông tỏ ra mình ở mức độ cao hơn người lân cận. Trước mặt sự ngạc nhiên của mọi người, Áp-ra-ham cân tiền trả đủ số. Lại nữa Áp-ra-ham dùng bạc có bản vị cao hơn, tức là bạc thông dụng của các người buôn bán, được mọi người thừa nhận và có giá trị.   

 

Áp-ra-ham thật sự muốn trả tiền để mua, làm nơi cho chôn cất Sa-ra theo quy định của người đương thời. Và Sa-ra có chỗ chôn cất ổn định.

 

Bản ký thuật nêu ra chi tiết của giao kèo, đúng như thời đó. Các tấm bản giao kèo thời thượng cổ, trình bày sự trạng tương đồng với trường hợp này. Khu ruộng hang đá và cây cối đều gồm trong vụ mua. Hiển nhiên lắm, mọi người hiện diện trong sự thương lượng này biết rõ là nó thuộc khu vực nào và ranh giới của nó đến đâu. Chúng ta đoán biết rằng lý do thúc đẩy Áp-ra-ham mua khu đất đặc biệt này, vì nó nằm ngang Mam-rê, gần khu vục mà ông đang cư ngụ.  

 

Chúng ta thấy một lý do nữa là đức tin của Áp-ra-ham, ông muốn thi hài của vợ mình và của chính mình, được yên nghỉ trong xứ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông và con cháu. Ông muốn con cháu biết rằng mình đã tin lời Đức Chúa Trời đã hứa. Sự kiện của phần mộ ông bà Áp-ra-ham ở đó, là một bằng chứng hùng hồn về đức tin của họ về lời hứa của Đức Chúa Trời. Do đó, mục đích của bản ký thuật này cho thấy rằng Áp-ra-ham bắt đầu chuẩn bị cho chủ quyền khu vực đất hứa.

  

Sáng thế ký 23:19-20, “Sau các việc đó, Áp-ra-ham chôn Sa-ra, vợ mình, trong hang đá của đồng Mặc-bê-la, nằm ngang Nam-rê tại Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an. Đồng và hang đá đều có các người họ Hếch nhận chắc, để lại cho Áp-ra-ham dùng làm mộ địa.”

 

Lễ an táng được ký thuật khá đầy đủ, theo như Kinh Thánh khi ghi chép các biến cố quan trọng.

 

Nhằm lúc con cái Y-sơ-ra-ên đi đường chiếm hữu xứ Ca-na-an, thì Môi-se có lý do nhắc lại cho họ nhớ rằng, bởi đức tin, tổ phụ của họ ít nhất đã chiếm hữu một phần đất mộ địa làm tài sản riêng. Như vậy, Môi-se thúc giục họ hoàn tất công tác chiếm lấy xứ, mà Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ mình

 

Chỗ này là nơi người Hồi giáo dùng xây đền thờ. Có thể đó là đền thờ quan trọng thứ ba trên thế giới Hồi giáo. Họ cũng xây dựng nhiều đền thờ ở Cai-rô và những nơi khác. Một cái quan trọng và đẹp nhất là đền thờ Hồi giáo ở Mec-ca. Và một đền thờ khác ở Giê-ru-sa-lam, có thể cái quan trọng thứ nhì. Những người Hồi giáo coi những nơi này rất quan trọng, vì họ tầm về nguồn gốc của họ từ Áp-ra-ham.          

 

Thêm một vấn đề có tính cách lịch sử nữa, chúng ta thấy phần cuối của sách Sáng thế ký ghi chép các việc xảy ra về sau, chính Áp-ra-ham cũng được chôn trong hang đá Mạc-bê-la (25:9). Luôn cả Y-sác (36:27, 29) Rê-bê-ca, Lê-a (49:31) và sau cùng là Gia-cốp (50:13).

 

Lời người Do Thái giải thích Ki-ri-át A-ra-ba là “thành của bốn người,” theo như bốn vị tộc trưởng.        

 

Chúng ta khi thấy một người thân của mình qua đời, chúng ta rất buồn tủi và đôi khi không còn hy vọng nào về người chết. Áp-ra-ham cũng buồn khi vợ ông qua đời, nhưng ông là người có đức tin nơi Đức Chúa Trời, ông còn có hy vọng, có sự an ủi.

 

Chúng ta có hy vọng nào cho mình hay cho người thân của mình sau khi qua đời không? Những người tin Chúa Giê-xu có được nguồn trông cậy này, như lời sứ đồ Phao-lô viết cho người Tê-sa-lô-ni-ca như sau: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau." (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18)

 

Mong ước mỗi chúng ta đều tin vào Chúa Giê-xu để có niềm trông cậy sống trong đời này và đời sau.

 

 

 

Bài trướcBài 31: Cẩm Nang Dành Cho Mục Sư
Bài tiếp theoBài thứ 36: Thân Xác Nói Gì?