Bài 31: Cẩm Nang Dành Cho Mục Sư

1728

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Qua sách Lê-vi ký, chúng ta sẽ học về đền tạm trong đồng vắng. Môi-se được chỉ thị để xây dựng đền tạm nầy. Đền tạm không những chỉ dạy dân sự của Đức Chúa Trời làm thế nào để đến cùng Ngài để  thờ phượng; nhưng đó cũng là nơi mà thầy tế lễ và dân chúng gặp Đức Chúa Trời. Đền tạm là nơi để họ tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thiên thượng. Đền tạm không những dạy chúng ta về sự thờ phượng mà còn dạy chúng ta về Chúa Jêsus Christ. Nó trình bày về Chúa Jêsus và sự cứu rỗi được thực hiện qua chính Ngài. Nhiều chỗ trong Tân ước, Chúa Jêsus đã khẳng định rằng, Môi-se viết về Ngài. Điều nầy hoàn toàn nghiệm đúng khi chúng ta nghiên cứu về đền tạm trong đồng vắng. Nếu muốn hiểu sách Lê-vi ký, chúng ta buộc phải hiểu về đền tạm.

 

Xin tìm hiểu những áp dụng trong Tân ước về sự dạy dỗ của Cựu ước về đền tạm. Xuyên suốt Kinh thánh, chúng ta đặt các câu hỏi như, “Kinh thánh nói điều gì?” “Điều đó có nghĩa gì?” và “Điều đó có nghĩa gì đối với tôi?” Điều nầy hoàn toàn đúng với từng sách, từng chương, từng câu trong Kinh thánh. Trong trường hợp nầy những câu hỏi sẽ là, “Đền tạm nói lên điều gì?”, “Nó có ý nghĩa gì cho chúng ta là những người sống trong thời đại này?” Đây là những gì chúng ta muốn tìm hiểu khi xem xét phần còn lại của Kinh thánh đề cập về đền tạm.

 

Đền tạm có 6 vật dụng. Những vật dụng nầy được xếp đặt thành thập tự giá. Do đó, theo ý nghĩa hình bóng, đền tạm ám chỉ về Chúa Jêsus Christ và sự cứu rỗi đến từ Ngài.

 

Nơi thánh và nơi chí thánh được ngăn bởi tấm màn rất dày. Dù đền tạm nhỏ thôi, nhưng tấm màn được làm bởi chất liệu rất chắc chắn. Josephus là một sử gia người Do Thái nói rằng, dầu nhiều đội ngựa kéo tấm màn theo những chiều khác nhau, nhưng không sao làm rách được. Nhiều năm sau đó, Sa-lô-môn đã xây dựng đền thờ rất kỳ công có cùng kiểu mẫu như đền tạm; bức màn ngăn cách lớn giống như tấm màn của một nhà hát.

 

Có một phép lạ liên quan đến sự chết của Chúa Jêsus nhưng lại thường bị bỏ qua. Tân ước ghi lại rằng, khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá, bức màn ngăn cách giữa nơi thánh và chí thánh bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Đó  là một hiện tượng siêu nhiên và là một trong những  phép lạ rất lớn.

 

 Trở lại với sách Sáng thế ký, khi con người phạm tội, hậu quả nghiêm trọng nhất là loài người bị phân cách với Đức Chúa Trời. Trên căn bản đó, Kinh thánh đưa ra cách giải quyết cho nan đề nầy. Kinh thánh trình bày sự hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người. Đây cũng là ý nghĩa của đền tạm trong đồng vắng; và tương tự đối với đền thờ do Sa-lô-môn xây cất. Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta con đường trở lại với Ngài. Sáng thế ký chương 3 cho biết rằng, cây sự sống được canh giữ bởi gươm sáng chói. Đây là một ẩn dụ tinh tế để khẳng định rằng, chỉ có một con đường trở lại với Đức Chúa Trời. Con đường đó là thông qua Chúa Jêsus Christ hay là lời của Đức Chúa Trời; vì lời của Đức Chúa Trời được mô tả là gươm hai lưỡi. Đây là cách duy nhất để con người có thể quay trở lại với Đức Chúa Trời – Đấng mà chúng ta đã bị phân cách vì tình trạng tội lỗi. Đó chính là sứ điệp trọng tâm của đền tạm trong đồng vắng.

 

Có một nguyên tắc luôn luôn đúng : Kinh thánh giải nghĩa cho Kinh thánh. Điều nầy hoàn toàn đúng khi Cựu ước giải nghĩa cho Tân ước. Một lẽ thật khác của Tân ước được giải thích bởi đền tạm trong Cựu ước. Đền tạm là hình bóng về Chúa Jêsus. Mọi vật dụng trong đền tạm đều chỉ về Ngài.

 

Bàn thờ dâng của lễ thiêu nơi dâng sinh tế bị giết chỉ về sự chết của Ngài.

Thùng rửa chỉ về việc Chúa thanh tẩy tội lỗi cho chúng ta.

Chơn đèn vàng ngụ ý Ngài là ánh sáng của thế gian.

Bàn bánh thánh hay bàn bánh trần thiết chỉ về Ngài là bánh từ trời để nuôi sống chúng ta.

Bàn thờ xông hương ám chỉ Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm tối cao, luôn luôn cầu thay cho chúng ta.

Mọi điều nầy đều chỉ về Ngài. Sơ đồ và kiểu mẫu của đền tạm cũng ám chỉ về Ngài.

 

Sách Hê-bơ-rơ đề cập về đền tạm; và có lẽ đây là điều sinh động nhất mà Tân ước nói về đền tạm. Sách Hê-bơ-rơ cố gắng tạo một nhịp cầu giữa Cựu ước và Tân ước. Cựu ước yêu cầu việc dâng súc vật làm sinh tế. Vậy, tại sao ngay nay chúng ta không dâng sinh tế bằng súc vật nữa? Khi đối chiếu giữa những đòi hỏi của Cựu ước và Tân ước, chúng ta nhận thấy có sự thay đổi. Theo dòng lịch sử của nhân loại, Đức Chúa Trời đã thay đổi đòi hỏi của Ngài. Đức Chúa Trời không đòi hỏi việc dâng sinh tế bằng chiên hay bò ngày hôm nay. Tại sao vậy? Sách Hê-bơ-rơ giải quyết vấn đề nầy. Khi lược khảo đến sách Hê-bơ-rơ, chúng ta sẽ nói chi tiết hơn về điều nầy. Tuy nhiên, một cách cô đọng trong 9 chương của sách Hê-bơ-rơ, tác giả nói rằng, đền tạm hiện hữu trên đất nầy chỉ là một biểu tượng. Nó là sự sao chép một đền thờ khác ở trên trời. Chương thứ 9 tác giả cho biết, có một đền thờ trên trời. Đền thờ nầy không được làm ra bởi vật chất dưới đất; nhưng bởi vật liệu thuộc linh và vật thuộc về trời. Đền thờ mà Chúa bảo Môi-se xây là hữu hình và thấy được; nó là hình ảnh về đền thờ thuộc linh không thể thấy được trên trời. Khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Tác giả sách Hê-bơ-rơ cho biết, một sự việc lạ lùng xảy ra khi Chúa chết.

 

Cứ mỗi năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm đi vượt qua nơi thánh để vào nơi chí thánh mà đến cùng Đức Chúa Trời. Ông mang theo huyết chuộc tội cho dân chúng. Dân chúng thì đứng bên ngoài đền tạm khi thầy tế lễ thượng phẩm đi vào nơi chí thánh. Cùng một ý nghĩa đó, khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá, Ngài trở nên thầy tế lễ thượng phẩm tối cao trên thiên đàng. Chúa đã đi vào đền thờ trên trời. Tại bàn thờ dâng của lễ thiêu trên trời, Ngài dâng chính mạng sống của mình làm của lễ một lần đủ cả thay cho mọi sinh tế bằng súc vật. Chúa đến thùng rửa và thực hiện sự thanh tẩy vĩnh viễn. Trong sách Khải huyền, khi con dân của Đức Chúa Trời đến quanh ngai của Ngài  thì không có chậu rửa bằng nước; nhưng nó là một biển trong suốt như pha lê. Hay nói cách khác, đây là nước được đông cứng lại bởi vì sự thanh tẩy là vĩnh viễn. Khi chết trên thập tự giá và bước vào đền thờ trên trời, Chúa Jêsus đã thực hiện sự thanh tẩy vĩnh viễn cho chúng ta. Sau cùng, Chúa Jêsus đã đi thẳng vào nơi chí thánh. Sách Hê-bơ-rơ cho biết, tại nơi chí thánh, Ngài không dâng huyết của súc vật, nhưng dâng chính huyết Ngài cho Đức Chúa Trời một lần đủ cả cho toàn thể nhân loại.

 

Theo sách Hê-bơ-rơ, đền thờ trên trời khiến đền tạm dưới đất có ý nghĩa. Trong Cựu ước, đền tạm chỉ là một biểu tượng bên ngoài. Nó là một sự mô tả hữu hình của các sự kiện thuộc linh xảy ra trên trời khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá. Khi đọc sách Hê-bơ-rơ, xin hãy tự hỏi: “Phần Kinh thánh nầy nói điều gì?”, “Điều đó có nghĩa gì?” và “Điều đó có nghĩa gì cho tôi?”. Tác giả sách Hê-bơ-rơ nói rằng, “Những gì ở dưới đất nầy chỉ là một bản sao của những điều thật trên thiên đàng. Đấng Christ đã đi vào trong thiên đàng để đến cùng Đức Chúa Trời như là thầy tế lễ cho chúng ta. Không phải Ngài làm điều nầy dưới đất; thật ra, đền tạm dưới đất chỉ là bản sao của đền thờ thật trên thiên đàng. Chúa thực hiện một lần cho tất cả mọi người; vĩnh viễn cất đi quyền lực của tội lỗi bằng cách chết thay cho chúng ta. Điều nầy có nghĩa là chúng ta có thể đến nơi chí thánh, là chỗ mà Đức Chúa Trời ngự vì huyết của Chúa Jêsus Christ, huyết quí báu của chiên con, không tì, không vít đã bảo đảm sự cứu rỗi cho chúng ta. Không những bảo đảm sự cứu rỗi cho chúng ta, Chúa còn mở con đường mới khi xé bức màn ngăn cách ra làm đôi để chúng ta được bước vào nơi hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết. Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm tối cao cai trị đền thờ của Đức Chúa Trời; do đó, chúng ta hãy dạn dĩ đến cùng Đức Chúa Trời với lòng tin cậy rằng, Ngài tiếp nhận chúng ta vì chúng ta đã được rưới bởi huyết của Đấng Christ – huyết khiến chúng ta được tinh sạch – và cũng vì thân thể chúng ta đã được rửa sạch bởi nước trong.”

 

Quí vị có thấy tác giả muốn nói điều gì không? Ông muốn nói rằng, tội nhân không dễ dàng bước vào sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời. Vì tình trạng phân cách giữa Đức Chúa Trời và con người trong Sáng thế ký chương 3; cho nên, không phải là chuyện đơn giản để tạo sự hòa giải giữa Đức Chúa Trời và loài người. Khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời thực hiện chương trình cứu chuộc vĩ đại; qua đó, họ được phục hòa với Ngài. Tình trạng phân cách đã được hòa giải bởi sự chết của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, không những là được hòa giải, không những là được cứu, nhưng chúng ta còn được bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đối với đền tạm, tội nhân không bao giờ được phép vượt quá cổng vào. Thầy tế lễ gặp họ tại đó và chỉ cho họ cách thức dâng sinh tế. Họ phải chờ tại đó. Chỉ có thầy tế lễ thay mặt tội nhân mới được đến cùng Đức Chúa Trời.

 

Tội nhân không thể đến với Đức Chúa Trời. Chỉ một mình thầy tế lễ làm việc nầy và đóng vai trò trung gian cho tội nhân. Nhưng tất cả mọi điều nầy được ứng nghiệm và làm trọn khi Chúa Jêsus chịu chết. Sự chết của Ngài khiến mọi sinh tế đã được dâng lên mang đầy đủ ý nghĩa. Từ nay, chúng ta được bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây là một phép lạ kỳ diệu được mô tả trong Kinh thánh.

 

Tôi không nghĩ rằng, chúng ta hiểu và trân trọng phép lạ nầy đúng mức. Vì nếu hiểu và trân trọng, chúng ta đã đến với Đức Chúa Trời nhiều hơn. Đức Chúa Trời đã trả một giá cao nhất để cứu quí vị và tôi, cho phép chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Chúa để thờ lạy và  tương giao với Ngài. Đó là lý do vì sao tác giả thơ Hê-bơ-rơ viết những lời nầy (Hê-bơ-rơ 10):

 19  Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh,

 20  bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài,

 21  lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời,

 22  nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.

 

Đây là sự áp dụng đầy ý nghĩa trong Tân ước về đền tạm được ghi mô tả trong sách Lê-vi ký. Đấng Christ đã đứng vào vị trí của chúng ta để nhận mọi khổ hình mà lẽ ra chúng ta phải gánh chịu; bởi đó, mọi tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Đây là lẽ thật được dạy dỗ trong Tân ước, nhưng được nhấn mạnh và trình bày rõ ràng trong Xuất Ê díp tô ký và Lê-vi ký.

 

Bài trướcChúc Mừng Năm Mới.
Bài tiếp theoBài 31: Sa-Ra Qua Đời