Bài 3: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 1)

4351

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới 

 

 

Khi Chúa Jêsus đề cập về các dữ kiện của Kinh thánh, chính điều này đã mở trí khiến các môn đồ hiểu Kinh thánh. Dựa trên nguyên tắc đó, trước khi đi vào phần lược khảo Kinh thánh, chúng ta sẽ đề cập đến các dữ kiện nhằm giúp chúng ta hiểu lời Chúa.

 

Chương 24 của sách Lu-ca có những chữ rất đặc biệt. Xin nhớ rằng, chúng ta đang nói đến việc hiểu Kinh thánh thông qua các dữ kiện của Kinh thánh.

 

Bây giờ, chúng ta trở về  với câu chuyện của hai môn đồ trên đường Em-ma-út. Chúa Jêsus đã sống lại cùng đi và chuyện trò với họ. Họ không nhận biết đây là Chúa Jêsus. Chúa biết họ đang chán nản và buồn thảm vì Đấng mà họ hi vọng là Mê-si đã bị đóng đinh. Ngài đã quở trách vì họ không hiểu Kinh thánh bằng những lời nầy:

 

Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói!

Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao?

 

Chúng ta để ý các câu sau đây:

 

Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.

 

Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về Ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm.

 

Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh thánh.

 

Đây là một trường hợp Chúa dùng Kinh thánh mở trí khiến môn đồ hiểu Kinh thánh.

 

Trong chương thứ 5 của sách Giăng, câu 39 và  40, Chúa đã phán tương tự như thế với các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ tranh luận với Chúa về lời tuyên xưng của Ngài. Chúa phán với họ rằng: “Thật sự thì các ngươi không thiếu gì các chứng cớ. Nếu các ngươi muốn tin ta là Đấng Mê-si thì nên nhớ rằng có rất nhiều các chứng cớ hậu thuẫn". Sau đó, Chúa đã liệt kê hàng loạt các chứng cớ  như lời chứng của Giăng Báp-tít; các phép lạ mà Ngài đã thực hiện. Chúa phán: “Các ngươi rất thông thạo về Kinh thánh, các ngươi nghiên cứu Kinh thánh vì tưởng rằng bởi việc am tường Kinh thánh mà các ngươi được sự  sống đời đời. Ngài phán tiếp: “Cả Kinh thánh đều nói về ta, thế mà các ngươi lại không chịu đến với ta để nhận được sự sống đời đời.” Xin quí vị để ý câu này: “Cả Kinh thánh đều chỉ về  ta”, theo học giả Oswald Chambers thì đây là câu chìa khóa cho cả Kinh thánh. Câu này cho biết nội dung của Kinh thánh, và nội dung đó chính là Chúa Jêsus. Đây chính là một sự kiện quan trọng của Kinh thánh. Việc Chúa giãi thích điều này khiến họ hiểu Kinh thánh.

 

Tôi xin được chia sẻ với quí thính giả về 4 mục đích của Kinh thánh. Thứ nhất, Kinh thánh trình bày về Jêsus Chrsit là Đấng Cứu thế và Đấng chuộc tội cho loài người. Để giới thiệu Jêsus Christ là Đấng Cứu thế và chuộc tội cho cả nhân loại; cũng như để giới thiệu về Cựu ước rằng: “Chúa Jêsus sẽ đến” và để giới thiệu về Tân ước rằng: “Chúa Jêsus đã đến” thì Kinh thánh đã trình bày bối cảnh lịch sử mà Ngài đã đến trong thế gian.

 

Do đó, mục đích thứ hai của Kinh thánh là trình bày về lịch sử của Đấng Cứu chuộc và lịch sử của sự cứu chuộc. Một điều cần để ý là xem Kinh thánh dùng bao nhiêu câu hay bao nhiêu đoạn để đề cập về các đề tài khác nhau. Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều gì là mục tiêu của Kinh thánh; điều gì không phải là mục tiêu của Kinh thánh. Ví dụ: 4 sách Tin lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và  Giăng, có cả thảy 89 đoạn nhưng chỉ có  4 đoạn đề cập về sự giáng sinh và 30 năm đầu tiên của Chúa trên đất này. 85 đoạn còn lại nói về cuộc đời và chức vụ của Ngài trong 3 năm sau cùng. Trong số 85 đoạn này, 27 đoạn đề  cập 3 tuần lễ sau cùng của Chúa trên đất. Các sách Tin lành trình bày về cuộc đời của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, theo quí vị thì khía cạnh nào trong cuộc đời của Ngài là quan trọng hơn đối với các tác giả? Có phải là sự giáng sanh và 30 năm đầu tiên hay 3 năm cuối trong chức vụ công khai của Ngài? Hay là tuần lễ cuối cùng khi Ngài chết trên thập tự và sống lại từ phần mộ ?

 

Nếu chúng ta xem xét số lượng của các đoạn Kinh thánh dành ra để nói về các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Chúa Jêsus, thì sẽ không khó khăn để đi đến nhận định sau đây: tuần lễ sau cùng quan trọng hơn gấp 7 lần sự giáng sinh và 30 năm đầu tiên.

 

Chúng ta dồn nhiều nỗ lực cho lễ Giáng sinh, song Kinh thánh lại chú trọng rất nhiều về lễ Phục sinh. Sách Giăng dành một nửa để nói về sự giáng sinh và 33 năm trên đất của Chúa; một nửa còn lại đề cập về tuần lễ cuối cùng của Chúa. Vậy, Giăng đã chia sach của ông làm hai phần. Nửa phần đầu dành cho 33 năm, nửa phần sau dành cho 1 tuần lễ. Do đó, tuần lễ này được gọi là tuần lễ thánh. Điều này có ý nghĩa gì? Các sách Tin lành không chỉ đơn thuần là các sách về tiểu sử nhân vật, nhưng đây là tiểu sử đặc biệt. Quí vị nghĩ thế nào nếu tiểu sử của một danh nhân nào đó lại không đề cập đến sự ra đời cũng như 30 năm đầu tiên trong cuộc đời của vị đó? Thế mà, hai sách Tin lành thậm chí không đề cập đến sự giáng sinh hoặc 30 năm đầu tiên của Ngài. Như vậy, các sách Tin lành được viết ra để giới thiệu về Chúa Jêsus và giải thích vì sao Ngài lại đến. Ngài đến cho tuần lễ cuối cùng.

 

Khi nhận xét về số lượng phân đoạn mà Kinh thánh dùng cho các chủ đề  khác nhau, quí vị sẽ khám phá điều này: có 1189 đoạn trong cả Kinh thánh nhưng chỉ có 11 đoạn nói về lịch sử của vũ trụ. Nó bao gồm lịch sử của trái đất, con người, ngôn ngữ, nguồn gốc của điều ác. Tất cả mọi chi tiết này được gói ghém trong 11 đoạn đầu tiên. Tùy theo quan niệm của quí thính giả mà 11 chương này có thể kéo dài một thời gian đến hàng triệu năm.

 

Áp-ra-ham là một nhân vật bắt đầu xuất hiện trong chương 12 của sách Sáng thế ký. Từ đây trở đi cho đến chương cuối cùng của sách Khải huyền, tức là 1178 đoạn đều nói về Áp-ra-ham và con cháu của ông. Đặc biệt là một người từ trong dòng dõi của ông mà cả thế giới được ban phước, đó là Đấng Mê-si hay Chúa Jêsus.

 

Kinh thánh chú trọng về khoảng thời gian 2000 năm lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Mục đích của Kinh thánh không phải là để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, trái đất hay con người. Nó cũng không phải là cuốn sách giáo khoa về  văn minh nhân loại. Kinh thánh quan tâm đến một điều đó là sự cứu rỗi. Kinh thánh trình bày sự cứu rỗi đã được thực hiện như thế nào; Đấng Cứu Thế đã  đến như thế nào. Bởi vậy, Kinh thánh đã nhanh chóng đề cập đến Áp-ra-ham trong đoạn 12. Từ Áp-ra-ham đến Đấng Christ là trọng tâm của Kinh thánh. Kinh thánh đã tập trung vào khoảng thời gian 2000 năm lịch sử này.

 

Một ví dụ thứ ba cũng trong nhận xét về số lượng phân đoạn dành cho các đề tài khác nhau là kích thước của Cựu ước và Tân ước. Tân ước có 260 chương; Cựu ước có 929 chương. Đức Chúa Trời rất thận trọng trong việc dành bao nhiêu đoạn cho các đề tài nhất định. Quí vị có nghĩ rằng, Chúa muốn nói nhiều với chúng ta qua Cựu ước bởi vì Ngài đã dành đến 929 đoạn, còn Tân ước có 260 đoạn. Dẫu vậy, có nhiều người nói, “Tôi không thích Cựu ước, tôi chỉ cần Tân ước”. Khi học về phần lược khảo Cựu ước và Tân ước, nhiều người đã nói như thế nầy: “Xin cho biết khi nào đến Tân ước, tôi sẽ tham gia, tôi không quan tâm đến Cựu ước.” Tôi thật sự tin rằng, Cựu ước là lời của Đức Chúa Trời và 929 đoạn của Cựu ước có sứ điệp vô cùng lớn lao cho chúng ta. Tôi hy vọng rằng, Cựu ước sẽ không phải là cuốn sách bị lãng quên đối với quí vị.

 

Đó chính là những điều mà Chúa đã giải thích cho các môn đồ; và qua đó, họ được mở mắt để hiểu Kinh thánh. Một lần nữa, theo sứ đồ Phao-lô, mục đích tiếp theo và rất quan trọng của Kinh thánh là giúp con cái Chúa có một đời sống toàn hảo cũng như được trang bị đầy đủ để  làm các việc thiện.

 

Theo tinh thần đó, Lời Chúa không được viết cho người không tin nhưng viết cho người tin. Kinh thánh được viết ra cho những người thật sự muốn thuộc về Chúa. Đức Chúa Trời tha thiết mong ước rằng, quý vị là người thuộc về Ngài. Đức Chúa Trời muốn quí vị tôn cao danh của Ngài và để  thực hiện điều này, Chúa trang bị cho quí vị qua Kinh thánh là lời được linh cảm.

 

Mục đích sau cùng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự đề cập trong sách Tin lành Giăng, đó là Kinh thánh được viết ra để người ta tin nhận Chúa. Giăng viết rằng: “Các môn đồ của Chúa Jêsus thấy Ngài làm nhiều phép lạ bên cạnh những điều mà tôi viết trong sách này, những điều này được viết ra để anh em tin rằng Ngài là  Đấng Mê-si, con của Đức Chúa Trời và bởi niềm tin nơi Ngài mà anh em được sự sống.” Giăng muốn chúng ta hưởng được sự sống đời đời. Bởi vậy, Giăng muốn chúng ta biết Chúa Jêsus đã đến và muốn chúng ta biết Ngài là ai. Ông cũng muốn chúng ta biết đức tin là gì. Do đó, ông nói “Tôi đã viết những điều về Chúa Jêsus để cho quí vị là những người không tin sẽ tra xét các phép lạ mà Chúa đã làm, hầu nhờ đó mà quí vị tin rằng nhân vật Jêsus trong lịch sử chính là Đấng Christ. Nếu tin như vậy, sẽ có những đổi thay trong đời sống quí vị và kết quả là quí vị nhận được sự  sống đời đời.” Xét theo khía cạnh đó, Tin lành Giăng là cuốn sách duy nhất trong sáu mươi sáu sách, viết cho người chưa tin.

 

Chúng ta có thể  tóm tắt mục đích sau cùng như thế  này: Đức Chúa Trời chỉ có một sứ điệp cho người chưa tin, và theo Kinh thánh, sứ điệp đó là “Hãy ăn năn và  tiếp nhận Tin lành.” Sau khi người chưa tin ăn năn và tiếp nhận Tin lành, Đức Chúa Trời ban cho họ Kinh thánh. Kinh thánh chứa đựng các lẽ thật dành cho họ. Vậy, mục đích của Kinh thánh là trình bày Chúa Jêsus Christ là Đấng Cứu thế dựa trên bối cảnh lịch sử của quốc gia Do Thái. Từ đó, kêu gọi người ta ăn năn, tin nhận Ngài và giúp cho người tin có một đời sống ngày càng hoàn thiện.

 

Bài trướcBài 2: Kinh Thánh Là Gì ? (Phần 2)
Bài tiếp theoBài 4: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 2)