Bài 4: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 2)

2551

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới 

 

 

Trong bài trước, chúng ta đã nói về 4 mục đích của Kinh thánh: thứ nhất là trình bày về Chúa Jêsus, thứ hai là về lịch sử của Ngài, thứ ba là khiến người không tin tiếp nhận Ngài và cuối cùng là giúp người tin có một đời sống toàn hảo.

 

Hôm nay, tôi xin đề cập một ít về lịch sử của Kinh thánh. Ai là những người đã viết ra Kinh thánh? Họ đã viết khi nào? Ở đâu? Ngôn ngữ nào đã được dùng để viết Kinh thánh? Hiện tại có còn bản gốc nào chăng? Ai đã bảo quản các sách này? Ai đã dịch sang ngôn ngữ của chúng ta? Ai đã tuyển chọn các sách thành Kinh thánh? Ai là người có thẩm quyền trong việc lựa chọn này? Họ đã thực hiện khi nào? Ai đã  thâu thập và xếp đặt Kinh thánh như cách chúng ta có ngày nay?

 

Để trả lời những câu hỏi như vậy, trước tiên chúng ta tìm hiểu về tác giả của Kinh thánh. Ai đã viết Kinh thánh? Trong các bài trước, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời viết Kinh thánh. Ngài chính là tác giả của Kinh thánh. Điều này có nghĩa là, Đức Chúa Trời đã cảm động con người bởi phép lạ của sự linh cảm để viết nên Kinh thánh. Do đó, Ngài chính là tác giả thật sự của Kinh thánh.

 

Đức Chúa Trời đã mặc khải để con người viết nên Kinh thánh. Mặc khải là từ tổng quát chỉ về mọi phương cách mà Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ chân lý cho con người. Đức Chúa Trời bày tỏ chân lý cho con người qua thiên nhiên. Chúa cũng bày tỏ cho từng cá nhân qua Đức Thánh Linh. Ngài bày tỏ lẽ thật cho chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Các nhà thần học gọi sự  linh cảm là sự mặc khải đặc biệt. Hay nói cách khác, Kinh thánh là sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời. Nó có khởi đầu, có kết thúc. Đức Chúa Trời đã cảm động con người viết ra Kinh thánh trong suốt thời gian khoảng 1600 năm.

 

Vào năm 90 sau Công nguyên, khi kết thúc sách Khải huyền, Giăng đã cảnh cáo không được thêm bớt vào Lời của Đức Chúa Trời. Đây là một phép lạ  đặc biệt, bởi thế chúng ta gọi đây là sư mặc khải đặc biệt. Vậy, liệu Đức Chúa Trời còn thỉnh thoảng bày tỏ hoặc phán dạy cho từng cá nhân nữa không? Thưa vâng, tôi tin nơi sự  mặc khải đặc biệt và tôi cũng tin nơi sự mặc khải cá nhân. Điều này tạo ra một vấn đề khác. Giữa hai sự mặc khải, mặc khải cá nhân và mặc khải đặc biệt, điều gì quan trọng hơn? Tôi tin rằng, sự mặc khải đặc biệt luôn luôn có thẩm quyền tối hậu, hay nói cách khác, sự mặc khải đặc biệt có thẩm quyền trên sự mặc khải cá nhân. Giả sử, có người nói rằng, “Tôi sẽ ly dị vợ tôi, nàng thật là quá quắt, nếu Môi-se biết được nàng là người như thế nào, thì chắc chắn ông sẽ không ngần ngại mà viết thêm một điều luật mới. Tôi phải ly dị nàng mà thôi.” Tôi sẽ hỏi người đó  thế này, “Nàng có ngoại tình không?” Ông ấy đáp: “Không, tôi chỉ muốn ly dị, tôi không chịu nỗi nàng, tôi không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân nữa.” Và, nếu người đàn ông đó nói rằng: “Đức Chúa Trời phán với tôi là phải ly dị với nàng.” Tôi sẽ mạnh mẽ khẳng định rằng: “Đức Chúa Trời không hề  phán những điều như vậy với ông. Bởi vì Kinh thánh hay sự mặc khải đặc biệt, Chúa không cho phép ông lìa bỏ nàng. Ông phải chung thủy với nàng.” Hôn nhân không thể  nào bị phân rẽ, có nghĩa là người vợ hoặc người chồng phải chung thuỷ với nhau trọn đời. Đó là những gì mà sự mặc khải đặc biệt dạy về hôn nhân. Do đó, mặc khải cá nhân không thể  nào đi ngược lại sự  mặc khải đặc biệt.

 

Tôi tin nơi sự mặc khải cá nhân, nhưng có vài điều cần lưu ý. Phải hết sức thận trọng khi dùng câu: “Đức Chúa Trời phán với tôi.” Vì câu này đã bị lạm dụng. Nhiều lần chúng ta nói: “Đức Chúa Trời phán với tôi”, nhưng thật sự Ngài không phán với chúng ta. Chúng ta muốn lời nói của mình trở nên quan trọng và mang tính chất quyết định. Một mục sư kể câu chuyện liên quan đến vấn đề  này như sau: Cách đây nhiều năm, chúng tôi xây dựng ngôi nhà thờ. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp cho đến khi phải chọn lựa màu sắc để sơn ngôi nhà thờ. Đây chính là chỗ mà nhiều người không đồng ý với nhau. Mỗi người đều có một ý kiến riêng. Trong khi vấn đề đang còn thảo luận, có một phụ nữ cũng là người lo việc trang trí đến gặp tôi tại một buổi họp. Bà mang theo một tấm thảm khá lớn. Bà không nói rằng: “Tôi nghĩ màu này sẽ rất đẹp cho ngôi nhà thờ.” Nhưng bà nói: “Chúa phán với tôi rằng, chúng ta nên dùng màu này.” Nói thật, tôi không tin là Chúa đã phán với bà. Tôi thường không tin khi người ta nói như vậy. Tôi nghĩ rằng, bà chỉ thổi phồng quan niệm cá nhân mà thôi. Chúng ta phải rất thận trọng khi nói rằng: “Chúa phán với tôi thế này, thế nọ”.

 

Ngày nay, con người nhấn mạnh đến lý trí, biện luận, logic. Khi quí vị trở nên một Cơ Đốc nhân, không có nghĩa quí vị đi ngược lại những điều đó. Tôi tin rằng, có  sự khác biệt giữa một người thật sự tin Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời và có người chỉ dựa vào trí khôn và lý luận. Người ấy dựa vào chính mình đem lý luận thay thế cho sự mặc khải. Họ nói rằng, “Tôi có trí khôn, tôi không cần sự mặc khải.” Là Cơ đốc nhân, chúng ta tin có một tiêu chuẩn từ Lời Chúa để thẩm định đâu là đúng, đâu là sai. Đời sống của chúng ta được hướng dẫn dựa trên tiêu chuẩn đó, và tiêu chuẩn này chính là sự mặc khải của Đức Chúa Trời.

 

Chúng ta cũng nói rằng con người viết nên Kinh thánh. Họ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, gồm có vua chúa, ngư phủ, chăn chiên, tướng lãnh, chính trị gia. Có người là bác sĩ, có người là  thâu thuế. Nếu nghiên cứu về việc thế nào những người này đã viết và xếp đặt Kinh thánh lại với nhau, quí vị sẽ  đồng ý với một nhà thơ đã nêu lên câu hỏi như sau: “Do đâu nếu không phải từ Thượng đế mà những người bình dân mộc mạc, không chút khả năng về nghệ  thuật, được sinh ra từ thời xa xưa, xuất thân từ nhiều nơi lại có khả năng kết hợp các chân lý một cách nhất quán. Hay làm thế nào hoặc tại sao tất cả họ lại âm mưu lừa đảo chúng ta bằng sự dối trá để rồi chịu đau đớn mà không than van, chịu đói rách, thậm chí, cuối cùng sẵn sàng trả giá để chịu chết?” 

 

Kinh thánh đã được tuyển chọn và sắp xếp như thế nào? Cựu ước được lựa chọn bởi những người như Ê-xơ-ra là nhà thông giáo. Vào khoảng 100 năm sau Chúa giáng sinh, một hội nghị tại Jamnia đã giải quyết vấn đề này. Thật ra, các cuốn sách này đã được sắp xếp lại với nhau 300 hay 400 năm trước đó. Tân ước đã được thâu thập, lựa chọn và sắp xếp lại với nhau trước 692 AD tại hội nghị Trullan.

 

Đối với Cựu ước, tiêu chuẩn quan trọng để thẩm định đó là tác giả. Tác giả phải là một tiên tri hay thầy thông giáo. Trong trường hợp Tân ước, tiêu chuẩn để thẩm định như sau:

 

Thứ nhất: Có phải sách được viết bởi sứ đồ hay là người thân cận với sứ đồ? Nội dung sách có giúp tăng trưởng thuộc linh và đáp ứng nhu cầu của tín hữu không? Nó có nhất quán về sự dạy dỗ không? Những cuốn sách này được lựa chọn rất cẩn thận và xếp vào Kinh Tân ước. Vậy còn thứ kinh thì sao? Thứ kinh được lựa chọn vào năm 1546 trong thời gian cải chánh giáo hội, và được xếp chung với các sách của Kinh thánh bởi giáo hội Công giáo La Mã đương thời. Tuy nhiên, các cuốn sách này đã  không được chọn lựa bởi hội nghị đầu tiên.

 

Một điều khác cần biết khi tìm hiểu về  lịch sử của Kinh thánh, đó là ngôn ngữ mà các trước giả sử dụng để viết Kinh Thánh. Cựu ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, Tân ước được viết bằng tiếng Hy Lạp.

 

Một điểm nữa khi đề cập về  lịch sử của Kinh thánh, đó là sự  bảo tồn của nó.  Thử tưởng tượng Kinh thánh được viết ra hằng mấy ngàn năm trước đây. Các cuộn sách này phải được sao chép và bảo quản. Dĩ nhiên, chúng ta không có bản gốc vì sách cũng phải chịu hư nát theo thời gian, nhưng chúng ta có những bản sao rất tốt. Những bản Kinh thánh hiện đang lưu hành là các bản dịch từ các ban sao.

 

Có một viên chức cao cấp sau khi tin Chúa thì đọc Kinh thánh, được nghe giảng Lời Chúa từ tuần nầy sang tuần khác. Ông có nhận xét rất tinh tế rằng: “Các tín hữu biết Kinh thánh lại không tin Kinh thánh, còn những người tin Kinh thánh như ông lại không biết Kinh thánh.” Ông quyết định “Tôi tin Kinh thánh, và  tôi sẽ học để hiểu Kinh thánh.” Thế rồi, ông đã đi học tại trường Kinh thánh. Bây giờ, ông tin Kinh thánh và hiểu biết Kinh thánh.

 

Một điểm quan trọng khác, đó là vấn đề linh cảm của Kinh thánh. Làm thế nào để biết rằng Kinh thánh là lời được linh cảm bởi Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã dạy  rằng: “Bất cứ ai thực hành thì sẽ biết điều đó.” Quí vị không thể chứng minh được Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời bằng cách nghiên cứu cổ ngữ  hoặc học tại các chủng viện. Theo Chúa Jêsus, quí vị sẽ biết Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời khi quí vị thực hành các lời dạy của Kinh thánh. Khi áp dụng lời Kinh thánh, nó sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn lao trên đời sống của quí vị, và quí vị chỉ có thể kết luận rằng: “Đây là  lời của Đức Chúa Trời.”

 

Chúa Jêsus hành động dựa trên nguyên tắc nầy. Khi gặp các vị sứ đồ, Chúa hỏi, “Các ngươi muốn gì? Họ đáp, “Thầy ở đâu?” Chúa trả lời rằng: “Hãy đến xem.” Kinh thánh chép họ đến, thấy chỗ  Ngài ở và ở lại với Ngài.” Chúng ta biết điều gì đã xãy ra sau đó? Kinh thánh dạy rằng, họ sống chết cho Ngài bởi những gì họ đã chứng kiến. Đó là cách mà Chúa Jêsus cho họ biết lời của Ngài là lời của Đức Chúa Trời. Ngài phán, “Hãy đến xem.” Lý trí thì nói rằng, “Khi nào tôi biết, tôi sẽ làm.” Chỉ khi nào người khác chinh phục tôi bằng lý trí thì tôi mới sẵn sàng theo họ cách tự nguyện. Ai chinh phục được cái đầu của tôi thì sẽ chinh phục được bàn tay tôi. Chúa Jêsus luôn luôn khẳng định rằng, “Không phải như vậy, phải làm ngược lại, hãy đặt ý chí thuận phục bằng cách vâng lời và áp dụng lời Kinh thánh rồi lý trí sẽ được thỏa đáp.”

 

Con người thường nói rằng: “Thấy rồi tin,” nhưng Chúa Jêsus và Kinh thánh thì trước sau như một dạy rằng, “Tin rồi thấy.” Đa-vít đã nói rằng, “Tôi hẳn đã ngã lòng nếu không thấy ơn của Đức Chúa Trời trên đất kẻ sống.” Đó là cách để chứng minh rằng, Kinh thánh là lời được linh cảm của Đức Chúa Trời. Quí vị hãy đến để nhìn xem và  quyết định làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như đã được bày tỏ qua Kinh thánh. Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời được mặc khải qua lời của Ngài khiến chúng ta biết chắc chắn rằng, Kinh thánh chính là  Lời của Đức Chúa Trời.

 

Tóm lại, việc Chúa Jêsus giải thích các sự kiện về Kinh thánh đã mở trí các môn đồ hiểu Kinh thánh. Tôi hy vọng rằng, các bài học này sẽ giúp quí vị hiểu và áp dụng Lời Chúa vào đời sống.

 

 

Bài trướcBài 3: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 1)
Bài tiếp theoBài 5: Cách Học Kinh Thánh (Phần 1)