Bài 2: Kinh Thánh Là Gì ? (Phần 2)

3860

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Kinh thánh là một tuyển tập gồm 66 sách. Vì sao tuyển tập nầy được gọi là thánh? Chữ thánh chỉ những điều “thuộc về Đức Chúa Trời”, “đến từ Đức Chúa Trời” hoặc “có liên hệ với Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Trời là cội nguồn. Đây chính là ý niệm của chữ “thánh”. Theo đó, “thánh” với ý nghĩa chính là chỉ điều thuộc về Đức Chúa Trời. Sở dĩ bộ 66 sách nầy được gọi là thánh, vì nó xuất phát từ Đức Chúa Trời và thuộc về Đức Chúa Trời. Nó chứa đựng thông điệp của Đức Chúa Trời cho nhân loại.

 

Để truyền đạt thông điệp đó, Ngài cảm động khoảng 40 trước giả để viết nên Kinh thánh. Các trước giả đã được cảm động để những lời họ viết ra không phải là của họ, nhưng là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh đã được viết trong suốt thời gian khoảng 1500 năm đến 1600 năm. 

 

Tiến trình mà Đức Chúa Trời cảm động các trước giả để viết nên Kinh thánh gọi là sự linh cảm, hoặc cảm động, hoặc cảm thúc. Phao-lô nói rằng, những cuốn sách nầy đến từ Đức Chúa Trời bởi sự linh cảm. Từ ngữ “linh cảm” có nghĩa là “thổi vào”. Chính Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời thổi vào hay hà hơi vào những người nầy, cảm thúc họ viết nên Kinh thánh. Phi-e-rơ nói về Kinh thánh như thế nầy: “Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2 Phi-e-rơ1:16,21)  

 

Trong khi sứ đồ Phao-lô trình bày về tiến trình hà hơi hay linh cảm, Phi-e-rơ giải thích linh cảm có ý nghĩa gì. Phi-e-rơ nói  rằng: Sứ điệp mà các trước giả viết trong Kinh thánh không xuất phát từ họ mà bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Tất cả mọi sứ điệp viết trong Kinh thánh đều được linh cảm và xuất phát từ Đức Chúa Trời. Chính Ngài truyền đạt những sứ điệp nầy cho con người bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

 

Phi-e-rơ dùng một chữ rất hay trong tiếng Hy Lạp, đó là chữ “phe-rô”. Từ chữ nầy mà chúng ta có chữ “ferry” nghĩa là phà hay thuyền. Đây là chữ mà Phi-e-rơ dùng khi ông diễn tả việc Đức Chúa Trời cảm động lòng những người viết Kinh thánh, như hình ảnh của gió thúc đẩy chiếc thuyền đi tới. Đó chính là ý nghĩa của chữ  linh cảm hay hà hơi theo Phi-e-rơ.

 

Nhóm từ “Lời hằng sống của Đức Chúa Trời” không được áp dụng cho Kinh thánh nhưng cho Chúa Jêsus. Kinh thánh được gọi là “Lời thành văn của Đức Chúa Trời”, song Chúa Jêsus được gọi là “Lời Hằng sống của Đức Chúa Trời”. Mọi điều thuộc về Ngài, mọi lời Ngài nói, mọi việc Ngài làm chính là lời của Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Đức Chúa Trời đã nói nhiều điều rất quan trọng cho chúng ta qua Kinh thánh; song Ngài còn nói nhiều điều quan trọng hơn nữa cho chúng ta qua con Ngài là Chúa Jêsus Christ. Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho loài người qua đời sống và sự giảng dạy của Chúa Jêsus hơn bất cứ cách nào khác. Do đó, Chúa Jêsus được gọi là “Lời Hằng sống của Đức Chúa Trời”.

 

Chúng ta nghe có người nói rằng, “Ông mục sư đó thật sự giảng lời của Đức Chúa Trời.” Sự giảng dạy lời Đức Chúa Trời đem lại những phép lạ lớn lao. Có người diễn tả thế nầy: Khi Lời của Đức Chúa Trời được rao giảng, Đức Thánh Linh dùng lời của Ngài được truyền đạt qua tôi tớ của Ngài để biến người nghe trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Sứ đồ  Phao-lô nói rằng, “Đức Chúa Trời lấy làm vui  lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.” (1 Côr 1:21b).  Phao-lô không thể hiểu được điều nầy, nhưng ông tin chắc chắn điều đó và tận hiến cuộc đời để rao giảng Phúc âm.  Khi Phao-lô đến một nơi nào và tuyên bố Tin lành của Chúa Jêsus, ông khám phá rằng, Lời của Đức Chúa Trời hay là sứ điệp của Đức Chúa Trời được rao giảng bởi người của Ngài, là người được cai trị bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì nhiều người được cứu.

 

Bây giờ, tôi xin trình bày vài điều về cách cấu tạo của Kinh thánh. Chúng ta sẽ bắt đầu với những bước rất là căn bản. Nếu quí vị là người đã nghiên cứu Kinh thánh rồi, xin kiên nhẫn vì trong một vài chương sắp tới sẽ có những bài phù hợp với trình độ của quí vị.  Điều quan trọng cần biết: đó là 66 sách của Kinh thánh không được sắp xếp theo thứ tự thời gian được viết ra, hoặc thời gian các tác giả đã sinh sống. Sáu mươi sáu sách của Kinh thánh được sắp xếp trên căn bản từng loại sách và được chia làm hai phần: một phần gọi là Cựu ước gồm 39 sách, phần kia gọi là Tân ước gồm 27 sách. Trong thời Chúa Jêsus chưa có Tân ước, nên Kinh thánh chỉ có Cựu ước. Khi Tân ước đã được viết ra và được kết hợp với Cựu ước thì có sự phân biệt giữa Cựu ước và Tân ước.

 

Sứ điệp chính yếu của Cựu ước là Chúa Jêsus sắp đến; còn sứ điệp của Tân ước là Chúa Jêsus đã đến. Theo Kinh thánh, lúc ban đầu Đức Chúa Trời và loài người sống hòa hợp với nhau. Song, Đức Chúa Trời tạo nên con người là một tạo vật có khả năng lựa chọn và con người đã lựa chọn khước từ Đức Chúa Trời thay vì vâng phục Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời không chấp nhận sự bất tuân và nổi loạn nên con người không còn được ở trong mối tương giao với Ngài như lúc ban đầu. Con người bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây chính là nan đề căn bản mà các cuốn sách Thánh đề cập đến.

 

Trong Cựu ước, Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng, “Ta có một  giải pháp về tình trạng chia cách giữa Ta và ngươi, ngươi có tin ta không?” Trong  Tân ước, Đức Chúa Trời nói với chúng Ta, “Ta đã hoàn thành một giải pháp về tình trạng phân cách giữa Ta và ngươi, vậy ngươi có tin Ta không?” Quí vị thấy không, Cựu ước nói rằng Chúa Jêsus sắp đến và Ngài sẽ hòa giải vấn đề phân cách giữa Đức Chúa Trời và tạo vật của Ngài. Còn Tân ước thông báo tin tức tốt lành nầy đã trở thành hiện thực, Chúa Jêsus đã đến và Ngài đã hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người. Phúc âm Mác đúc kết cả Tân ước qua câu “Chúa Jêsus đã đến.”

 

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu khái quát về Cựu ước. Cựu ước gồm có 5 loại sách khác nhau. Trước tiên là năm cuốn sách Luật pháp, do chính Đức Chúa Trời phán dạy. Qua các sách Luật pháp, Chúa nói với chúng ta điều gì đúng, điều gì sai. Chúa dạy cho chúng ta về tiêu chuẩn công nghĩa của Ngài.

 

Năm sách luật pháp được nối tiếp bởi mười sách lịch sử. Mười sách lịch sử cho biết rằng, có khi dân sự của Đức Chúa Trời tuân thủ các điều luật Chúa, có khi họ bất tuân. Khi tuân thủ luật pháp Chúa, dân sự của Đức Chúa Trời được phước và trở nên gương tốt để chúng ta noi theo. Khi bất tuân, họ bị sửa phạt và trở nên điều cảnh cáo cho chúng ta là những người sống vào thời kỳ cuối cùng. 

 

Câu Kinh thánh I Côr 10:11 là chìa khóa cho những sách lịch sử:

Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời.

Khi đọc những sách lịch sử, chúng ta tìm xem các gương tốt để noi theo và những gương xấu để tránh xa.

 

Tiếp theo các sách lịch sử là các sách thơ văn. Các sách thơ văn là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con cái Chúa khi họ áp dụng lời của Ngài vào trong cuộc sống hằng ngày. Qua các sách thơ văn, Đức Chúa Trời truyền sứ điệp của Ngài đến nơi sâu kín của lòng người. Ví dụ, sách Gióp là sứ điệp cho dân sự của Ngài khi họ đau khổ. Sách Thi thiên là sứ điệp cho dân sự của Ngài khi họ thờ phượng. Sách Châm ngôn là sứ điệp cho con cái Chúa khi họ va chạm với cuộc sống hằng ngày. Chúa muốn chúng ta có sự khôn ngoan thực tế trong quan hệ với mọi hạng người. Sách Truyền đạo là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con dân của Ngài khi họ có sự ngờ vực trong lòng. Sách Nhã ca là sứ điệp cho những người đang yêu nhau. Nó gồm những mẫu đối thoại yêu đương của cặp tình nhân trong những ngày hạnh phúc nồng thắm.

 

Phần tiếp theo các sách văn thơ của Cựu ước là phần nhiều nhất theo số chương và số câu. Nó được gọi là “Tiên tri”, và được phân làm hai theo kích thước. Một loại là các sách Tiên tri lớn và một loại là các sách Tiên tri nhỏ. Các sách được gọi là tiên tri lớn không phải vì nó cao sâu hơn hay quan trọng hơn; còn các sách gọi là tiên tri  nhỏ không phải vì nó thấp hơn hay thứ yếu, nhưng sự phân loại căn cứ trên độ dài của sách. Các sách tiên tri lớn có từ 48 chương cho đến 66 chương. Còn các sách tiên tri nhỏ có từ 1 chương, 2 chương hoặc 3 chương. Có lẽ, tác giả của các sách tiên tri nhỏ là những người trình bày gọn vì họ đã gói ghém sứ điệp của họ cô đọng hơn. Đó là phần khái quát của Cựu ước.

 

Trong Tân ước chúng ta cũng có 5 loại. Trước tiên có 4 sách nói về cuộc đời của Chúa Jêsus:  Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Các cuốn sách nầy trình bày những khía cạnh khác nhau về một cuộc đời quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: cuộc đời của Chúa Jêsus.

 

Thứ hai: sách lịch sử là sách Công vụ các sứ đồ, ghi chép lại lịch sử khai sinh và phát triển của Hội thánh đầu tiên trong thời các sứ đồ.

 

Thứ ba là các thư tín của Phao-lô và thứ tư là các thư tín tổng quát. Một nửa Tân ước gồm các thư tín của Phao-lô. Bên cạnh đó, có các thư tín tổng quát vì chúng được viết bởi các sứ đồ khác gởi cho các tín hữu, là những người tản mạn và sống ở những địa điểm khác nhau.

 

Tân ước kết thúc với loại thứ năm, một sách tiên tri là sách Khải huyền. Đó là sách gồm các biểu tượng. Chúng ta cần  Đức Thánh Linh dạy dỗ cách đặc biệt để hiểu đúng sách Khải huyền.

 

Vậy Kinh thánh có 66 sách. Những sách nầy không được sắp xếp theo thứ tự thời gian khi chúng được viết ra, nhưng theo nội dung từng loại sách. Có 5 loại sách trong Cựu ước: sách luật pháp, sách lịch sử, sách văn thơ sách tiên tri lớn và tiên tri nhỏ. Có 5 loại sách trong Tân ước: bốn sách Phúc âm, một sách lịch sử, thư tín của Phao-lô, thư tín tổng quát và một sách tiên tri là sách Khải huyền.

 

Sứ điệp của Cựu ước là Chúa Jêsus sắp đến; sứ điệp của Tân ước là Chúa Jêsus đã đến.

 

Bây giờ, bài tập đầu tiên dành cho quí vị: xin học thuộc lòng tên các sách trong Kinh thánh ở phần mục lục. Điều nầy giúp quí vị lật nhanh và đúng để tiện việc học biết lời Chúa.

 

Bài trướcBài 1: Kinh Thánh Là Gì ? (Phần 1)
Bài tiếp theoBài 3: Mục Đích Của Kinh Thánh (Phần 1)