Bài 24: Áp-Ra-Ham Và A-Ga

3195

Sau khi Áp-ram được nổi bật trong đoạn 15, có thể chắc chắn nói là ông đang đi đến một điểm cao trong đời sống đức tin– nhưng ông không phải là người hoàn hảo. Trong đoạn 16 chúng ta thấy sự xuống dốc đức tin của Áp-ram liên hệ đến Sa-rai và A-ga, một con đòi người Ê-díp-tô. Ở đây chúng ta thấy sự không tin của Sa-rai, Áp-ram và sự ra đời của Ích-ma-ên. Đây là điều chắc chắn có sự xuống dốc đức tin so với đoạn 15 trước đó.

 

SA-RAI ĐỀ NGHỊ CHO ÁP-RAM LẤY A-GA

 

Sáng thế ký 16:1, “Vả, Sa-rai, vợ của Áp-ram, vẫn không sanh con; nàng có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga.”  
Áp-ram có hai việc mang về xứ Ê-díp-tô gây cho ông nhiều sự khó khăn: một là sự giàu có, và việc nữa là con đòi người Ê-díp-tô.
 

Sáng thế ký 16:2, “Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai.”  


Việc mà Sa-rai đề nghị là việc thông thường trong thời đó. Khi người vợ không thể có con, người đàn ông được cưới vợ lẽ. Xin đừng nói rằng Chúa chấp thuận cho việc đó. Chúa hoàn toàn không chấp nhận. Đây chỉ là ý kiến của Sa-rai mà thôi, và Áp-ram nghe lời bà. Dường như ông đã mất đi cương vị của người chủ trong gia đình, và ông đã nghe theo lời đề nghị của bà. Chúng ta phải cẩn thận khi nghe lời đề nghị của người xung quanh, chúng ta phải xem xét đề nghị đó có trái ý muốn của Đức Chúa Trời hay không? Cách cụ thể là đem ý kiến, đề nghị đó đối chiếu với lời của Kinh Thánh xem nó có ăn khớp không? Kế đến chúng ta đem đề nghị của người ấy trình cho Chúa qua sự cầu nguyện.


Khi Đức Chúa Trời sắp đặt kế hoạch hay chương trình của Ngài, chúng ta hãy chờ cho đến đúng thời điểm Ngài thực hiện. Xin đừng ai rơi vào trường hợp của Sa-rai, khi nghĩ có lẽ là Chúa quên hay là Chúa không làm, rồi tự ý muốn ‘giúp’ Chúa thực hiện kế hoạch. Việc làm của Sa-rai đưa đến hậu quả đau khổ cho gia đình bà và những thế hệ tiếp theo.


Sáng thế ký 16:3, “Sau khi Áp-ram đã trú ngụ mười năm tại xứ Ca-na-an, Sa-rai, vợ người, bắt A-ga, là con đòi Ê-díp-tô mình, đưa cho chồng làm hầu.”
Đây là một con đòi nhỏ người Ê-díp-tô trở thành người vợ kế, và đây không phải là theo ý định của Chúa. Chúa nhất định không chấp nhận con cháu của dòng tộc nầy. Chúa đã không và sẽ không chấp nhận. Tại sao? Bởi vì đó là điều sai. Từ lúc ban đầu khi Chúa thiết lập hôn Ngài kết hợp chỉ một người nam và một nữ. Đừng có nói rằng, Chúa chấp nhận việc nầy. Chúng ta có thể nói đây là sự ký thuật, bởi vì đó là một sự kiện lịch sử.

Sáng thế ký 16:4, “Người lại cùng con đòi, thì nàng thọ thai. Khi con đòi thấy mình thọ thai, thì khinh bỉ bà chủ mình. "A-ga có thể đã nói: “Tôi là mẹ của con Áp-ram, và bà Sa-rai không thể làm được.” Và A-ga khinh bỉ Sa-rai. Từ cương vị là con đòi, nay đổi thái độ, cho mình là cao trọng, rồi khinh chê chủ mình. Tại đây các tai hại xấu do tục đa thê bắt đầu lộ ra. Đa thê luôn sanh ra sự ghen tương, ganh tỵ và tranh chấp. Nó sanh ra những yếu tố thấp hèn của con người. Khi nhận xét A-ga khinh bỉ bà chủ mình, có thể hàm ý rằng, nàng tưởng Đức Chúa Trời ban cho mình ơn phước mà Ngài không ban cho Sa-rai. Do đó nàng tưởng mình cao trọng hơn bà chủ. Thái độ này gây cho Sa-rai đau khổ.


Sáng thế ký 16:5, “Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Điều sỉ nhục mà tôi bị đây đổ lại trên ông. Tôi đã phú con đòi tôi vào lòng ông, mà từ khi nó thấy mình thọ thai, thì lại khinh tôi. Cầu Đức Giê-hô-va xét đoán giữa tôi với ông.”


Xin đừng vội đi qua câu nầy. Đừng nói rằng Chúa chấp nhận nó. Chúa nói đây là việc sai lầm, và bây giờ Sa-rai thấy việc làm sai của bà.“Điều sỉ nhục mà tôi bị đây đổ lại trên ông.” Sa-rai trách móc Áp-ram về việc mà bà xui giục ông làm. Bà Sa-rai đã sai. Bây giờ Sa-rai thấy ngay hậu quả của việc bà đưa A-ga làm nàng hầu cho Áp-ram.


Chúa không chấp nhận điều đó, và nó sẽ thật sự làm tan vỡ đến trái tim của Ápram. Nhưng, chúng ta thấy Áp-ram và Sa-rai thật sự không tin cậy vào Chúa. Sau những việc ấy, Áp-ram gần 90 tuổi và Sa-rai 80. Có thể họ đi đến một kết luận là họ không có con. Sa-rai có thể hợp lý và nói: “Tôi nghĩ  có thể đây là cách mà Chúa muốn chúng ta làm, vì đây là phong tục của thời nầy.”


Đó là phong tục đương thời, nhưng nó trái hẳn với cách của Chúa làm. Chúng ta có ấn tượng sai, nếu chúng ta nghĩ đây là sự ghi nhận trong Kinh Thánh được Chúa chấp nhận nó. Kinh Thánh được sự hà hơi và ký thuật chính xác, có nhiều việc Chúa không chấp nhận, nhưng vẫn được ký thuật trong Lời của Ngài.
Ngày nay chúng ta phải cẩn thận, khi xem xét cách cư xử, các phong tục tập quán trong xã hội, không nhất thiết là tất cả những gì được nhiều người chấp nhận, thì đều đúng hết đâu.

Áp-ram và Sa-rai đã sống tại U-rơ thuộc về xứ Canh đê, là nơi mà điều nầy được thực hành rất phổ thông, và đạo đức tại đây rất suy đồi. Sự tát tệ mà họ làm, ấy là họ không tin Đức Chúa Trời. Điều sai lầm của họ là khi Áp-ram lấy con đòi của Sa-rai là tội, và Chúa đối xử họ như vậy. Hôm nay, chúng ta trở lại sự nhấn mạnh và nói đến việc lấy vợ lẽ là tội, nhưng chúng ta không chú ý nhiều đến sự không tin. Nhưng sự không tin là một tội lớn ở đây, nó còn đen tối hơn những thứ khác.     


A-GA TRỐN ĐI NHƯNG GẶP THIÊN SỨ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI


Sáng thế ký 16:6, “Áp-ram đáp cùng Sa-rai rằng: Nầy, con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thể nào, mặc ý ngươi cho vừa dạ. Đoạn Sa-rai hành hạ A-ga, thì nàng trốn đi khỏi mặt người.”
Có người buộc tội Áp-ram. Ông chẳng khuyên bảo hoặc dung chịu Sa-rai cư xử tàn ác, song để cho Sa-rai giải quyết vấn đề. Quả thật Sa-rai vẫn còn là bà chủ của A-ga. Mối liên hệ ấy thật chưa bị bãi bỏ. Áp-ram đề nghị Sa-rai sử dụng quyền hành bà chủ. Tuy nhiên, ông không đề nghị dùng biện pháp tàn ác hay bất công. A-ga đã làm điều quấy và cần được sửa trị. Vì theo phong tục thời ấy, Áp-ram có quyền trực tiếp trên A-ga, vì nàng là con đòi của Sa-rai.  
A-ga chạy trốn khỏi nhà, có thể bà và đứa bé trong bào thai của bà sẽ nguy hiểm.

Sáng thế ký 16:7, “Nhưng thiên sứ của Đức Giê-hô-va thấy nàng ở trong đồng vắng gần bên suối nước, nơi mé đường đi về Su-rơ.”
A-ga được một danh dự đặc biệt, đó là thiên sứ của Đức Chúa Trời hiện đến với nàng. Sự việc này dường như càng mạnh mẽ hơn lời chứng rằng, A-ga là bật phụ nữ có tâm tình sùng kính, và đã chứng tỏ tâm tình ấy bằng cách cầu nguyện với Đức Chúa Trời của Áp-ram trong lúc khó khăn hiện tại. Có lẽ A-ga trên đường trở về quê hương là Ê-díp-tô. Thiên sứ hiện ra cùng A-ga thật là đúng lúc.
Thiên sứ của Đức Giê-hô-va, được cho là Đấng Christ trước khi nhập thể. Đây là một trong những bổn tánh của Ngài. Ngài luôn luôn tìm kiếm kẻ bị bỏ.

Sáng thế ký 16:8-10, “..thì hỏi rằng: Hỡi A-ga, đòi của Sa-rai, ngươi ở đâu đến, và sẽ đi đâu? Nàng thưa rằng: Tôi lánh xa mặt Sa-rai, chủ tôi. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi, và chịu lụy dưới tay người.  Thiên sứ của Đức Giê-hô-va lại phán rằng: Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi người ta đếm không đặng nữa.”


Trước khi làm chi khác A-ga phải sửa chữa lỗi lầm hiện tại trong đời mình, tức là sự cố chấp, rời bỏ chỗ sống thường xuyên. Nàng phải trở về với bà chủ, vì Sa-rai vẫn là chủ, và A-ga cũng nhìn nhận như vậy. Chẳng nên liều lĩnh bỏ chỗ sống của mình, trừ khi được Chúa tỏ rõ cho biết phải làm như vậy. A-ga cần phải hạ mình xuống và phục tùng chủ, thi hành phận sự của mình.


Qua lời nói của A-ga, xưng nhận mình là con đòi của Sa-rai cho thấy địa vị và thân phận của nàng không thay đổi, dẫu rằng bà đang có thai với Áp-ram. Thiên sứ khuyên A-ga hãy trở về với chủ. A-ga vâng lời thiên sứ khuyên.
Trong đoạn thứ tư của thư Ga-la-ti, Phao-lô dùng điều nầy giống như là một ngụ ngôn. Ông nói về con cháu của bà A-ga ở trên núi Si-nai nơi Môi-se ban luật pháp, Phao-lô cũng nói về sự hợp pháp và ràng buộc của luật pháp. Sau đó, ông nói đến Sa-rai là một người nữ tự do. Điểm chính ở đây nói đến bà Sa-rai là người thuộc về Áp-ram, bà là vợ ông. Ngày hôm nay có nhiều người muốn làm những điều khác thường. Họ muốn làm những việc trái luật. Nhưng chúng ta là những người tin nhận được liên kết với Đấng Christ. Hội Thánh đã được hứa gả cho Đấng Christ. Phao-lô nói rằng, một người nữ đồng trinh sẽ có một ngày trở thành cô dâu của Đấng Christ.
Đây là sự buồn rầu nhất, không phải chỉ là Sa-rai (nó đã xảy ra cho bà rồi), nhưng nó sẽ là sự đau đớn nhất cho Áp-ram về sau. Bây giờ A-ga đã trở về và sẽ sanh một đứa con trai, đứa con trai nầy sẽ trở thành con trai của Áp-ram.

Sáng thế ký 16:11-12, “Lại phán rằng: Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi. Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông đối mặt cùng hết thảy anh em mình.
Bây giờ sự khải thị do thiên sứ của Đức Chúa Trời, đặc biệt liên quan đến con trai mà A-ga sẽ sanh ra. Đức Chúa Trời cho biết là đứa trẻ sắp sanh ra là con trai, và Ngài đặt tên cho nó là Ích-ma-ên. Tên Ích-ma-ên có nghĩa là: “Đức Chúa Trời lắng nghe” điều này nhắc nhở hai mẹ con, Ngài lắng nghe tiếng kêu than, cầu nguyện trong lúc sầu khổ của họ. Còn về tánh tình của đứa trẻ nó giống như “con lừa rừng, tay nó địch với mọi người, và mọi người sẽ địch lại nó.” Nó thích tự do, không chút hạn chế như những thú rừng ở nơi hoang dã. Nó chẳng bao giờ yêu thích sự hòa bình. Nó hay tấn công người khác và người khác chống lại nó. Cho nên sự xung đột xảy ra liên tục.

Có bao giờ chúng ta nhìn câu nầy trong ánh sáng của 4000 năm lịch sử vùng Trung Đông không? Chuyện gì đang xảy ra tại đó ngày hôm nay? Con cháu của hai dòng tộc Do Thái và khối Ả Rập tranh chiến với nhau triền miên. Con cháu của Ích-ma-ên, họ là những người du mục, sống hoang dã. Đó là câu chuyện của những người bộ lạc trong sa mạc trải qua nhiều thế kỷ, và đây là sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Họ sẽ nói với chúng ta rằng họ là con cháu Áp-ram,  họ chỉ là con trai của Ích-ma-ên mà thôi. Họ có sự liên hệ đến Áp-ram từ Ích-ma-ên.


Sáng thế ký 16:13-14, “Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là "Đức Chúa Trời hay đoái xem," vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao? Bởi cớ ấy, người ta gọi cái giếng nầy ở về giữa khoảng của Ca-đe và Bê-re, là giếng La-chai-Roi.”
Đức Chúa Trời là Đấng giàu có ân điển với A-ga rất nhiều. Nó không phải là lỗi của bà, cho nên Đức Chúa Trời đã ban cho bà ân điển. Xin nhắc lại, thiên sứ của Đức Giê-hô-va không ai khác hơn là Đấng Christ trước khi nhập thể, đi tìm những người bị mất, Ngài là một người chăn tốt, và Ngài mang đến cho bà những lời êm dịu.
“Nàng gọi Đức Giê-Hô-Va mà đã phán cùng mình, danh Ngài là Đức Chúa Trời hay đoái xem.” Đây là những điều mới lạ cho bà, mà từ trước đến giờ bà không nhận thức được. Nghĩa là Đức Chúa Trời thấy, Đức Chúa Trời có quan tâm, có xem xét. Bây giờ chẳng những bà có hy vọng, song còn có sự khải thị vinh hiển về tương lai và có thiên sứ của Đức Chúa Trời hiển hiện. Giờ đây nàng biết rằng Đức Chúa Trời săn sóc, chăm nom mình. Ngài là Đức Chúa Trời thấy.


Người Ai-cập có nhận thức căn bản về Chúa. Người Ai-cập đã có những suy nghĩ rất xưa về Đức Chúa Trời. “Vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có được Đấng đoái xem tôi sao?” Sự thật xảy ra khi bà thấy được sự bao phủ của Chúa. Nó hình như không cảm động chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta có cái nhìn về Đức Chúa Trời của chúng ta cao hơn điều đó. Nhưng, xin hãy suy nghĩ một chút! Nếu chúng ta đến với Chúa chỉ một thời gian ngắn, chưa chắc có sự hiểu biết về Chúa, chưa thật sự giống như A-ga đã có. Chúng ta đang có nhận thức về Đức Chúa Trời như thế nào? Ngài là Đấng hay đoái xem, chăm sóc, và thấy mọi hoàn cảnh con cái của Ngài, hãy đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài, trong mọi cảnh ngộ.

Chúng ta chú ý thêm về lời xưng nhận của A-ga: “Chính tại đây, tôi há chẳng có thể gặp Đấng đoái xem tôi sao?” Chữ “tại đây” làm cho lời minh xác trường hợp này linh động hơn, tức là ở khoảng Ca-đe và Bê-rê, chớ không phải ở tại nhà của Áp-ram. Trong cảm nhận của A-ga biết được là Đức Chúa Trời có thể hiện ra ở khắp nơi. Người ta đặt tên cho giếng nước đó là La-chai-Roi. Người ta nhận biết từng trải của A-ga, nên để kỷ niệm lời nàng đã nói. Đức Chúa Trời được tôn xưng là Đấng hằng sống, thì rất là thích ứng, Vì Ngài là Đấng hằng đoái xem đến kẻ có nhu cầu và cầu khẩn danh Chúa.


Chúng ta gặp sự khó khăn không ít, vì con người bị giới hạn khó hiểu, Đức Chúa Trời vô hạn, vì chúng ta hiểu và biết rất ít về Chúa. Đề tài về sự hiểu biết Đức Chúa Trời thì vô tận. Đây là giá trị của những ai có lòng tìm hiểu. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là một đức tính cao trọng của con người dẫn đến sự sống đời đời.


SỰ SANH RA CỦA ÍCH-MA-ÊN

Sáng thế ký 16:15-16, “Rồi nàng A-ga sanh được một con trai; Áp-ram đặt tên đứa trai đó là Ích-ma-ên. Vả lại, khi A-ga sanh Ích-ma-ên cho Áp-ram, thì Áp-ram đã được tám mươi sáu tuổi.”
Việc A-ga trở về nhà Áp-ram vì tuân theo mạng lịnh đặc biệt của thiên sứ. Chúng ta thấy rằng A-ga không thể làm gì khác hơn trong hoàn cảnh này. Áp-ram tuyệt đối vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, và đặt tên con như đã định. Việc ông đặt tên, ngụ ý là ông chánh thức thừa nhận đứa trẻ ấy là con trai mình.   
Xin nhớ rằng, Ích-ma-ên là con của Áp-ram. Lúc nầy Áp-ram được 86 tuổi.

CÁC THỬ THÁCH CỦA ÁP-RAM


Trước khi chúng ta đi tiếp, chúng ta tóm lược lại bảy lần Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ram, chúng ta được nghe đề cập qua năm lần Đức Chúa Trời hiện ra. Có những lần trong đời sống ông đã thất bại, nhưng có lúc ông cũng thành công. Dầu vậy, Chúa đã thử ông bảy lần:

    – Thứ nhất: Chúa đã gọi Áp-ram ra khỏi U-rơ thuộc về xứ Canh-đê, quê hương của ông. Và ông đáp ứng lại nhưng chưa hoàn toàn. Đức tin của ông còn yếu và không trọn vẹn, nhưng sau đó ông đã đi theo tiếng gọi của Chúa. Cuối cùng Áp-ram đã đến trong xứ Ca-na-an được bình an, và Đức Chúa Trời ban phước cho ông.


    – Thứ nhì: Có cơn đói kém trong xứ Ca-na an, và Áp-ram rời bỏ Ca-na-an qua xứ Ê-díp-tô. Ở đó ông trở nên giàu và có nàng hầu A-ga, và cả hai điều nầy làm cho ông vấp ngã.         

     
    – Thứ ba: Chúa ban cho Áp-ram sự giàu có để thử ông. Sự giàu có nầy đã trở thành những thứ gây vấp ngã cho nhiều người. Nhưng Áp-ram không quên Đức Chúa Trời, và ông cũng có sự rộng lượng với người cháu của ông là Lót. Sự giàu có dẫn đến sự chia rẽ giữa ông và Lót. Và Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông lần nữa.


   – Thứ tư: Áp-ram được ban cho sức mạnh để đánh bại vua ở phương đông. Đây cũng là một sự thử thách cho ông khi trở nên một người chiến thắng. Nhưng ông đã từ chối những tài vật chiếm được từ nơi thắng trận. Sau đó Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Áp-ram và khích lệ ông.


   – Thứ năm: Đức Chúa Trời chậm ban cho ông người con trai từ Sa-rai. Áp-ram không có sự kiên nhẫn chờ đợi, qua sự thúc đẩy của Sa-rai, cuối cùng ông tự giải quyết vấn đề trong tay mình và đi ra khỏi ý định của Đức Chúa Trời. Kết quả là Ích-ma-ên được sanh ra. Những người Ả Rập hôm nay vẫn còn mối hiểm họa cho nước Do Thái, và họ vẫn tiếp tục làm như vậy, có thể cho đến thời kỳ ngàn năm bình an.


Hai sự thử nghiệm sau cùng của Áp-ram, lần thứ 6 liên hệ đến sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong đoạn 18. Và lần thứ 7, Lúc Áp-ra-ham dâng con trai Y-sác, trong đoạn 22. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về hai lần thử thách sau cùng trong những chương trình kỳ tới.

 


Bài trướcBài 24: Bốn Bí Quyết Thuộc Linh
Bài tiếp theoLễ Tốt Nghiệp Khóa Học “Người Nữ Trong Nhà Chúa” Của Tỉnh Khánh Hòa.