Bài 24: Bốn Bí Quyết Thuộc Linh

1391

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng khám phá bốn bí quyết thuộc linh mà Đức Chúa Trời phải huấn luyện Môi-se trước khi ông trở thành người giải phóng dân Y-sơ-ra-ên.

 

Thứ nhất, “Ngươi KHÔNG PHẢI là người giải cứu, nhưng ta là người giải cứu và ta ở với ngươi.” Thứ hai, “Ngươi KHÔNG THỂ giải cứu dân sự nầy, nhưng ta có thể giải cứu họ và ta ở với ngươi.” Thứ ba, “Ngươi KHÔNG MUỐN giải cứu những người nầy nhưng ta muốn và ta ở với ngươi.” Thứ tư, “Ngươi ĐÃ KHÔNG giải cứu những người nầy nhưng ta đã giải cứu bởi vì ta đã ở với ngươi.”

 

Chúng ta đang lược khảo đến những chương đầu của sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Sứ điệp quan trọng nhất chúng ta nhận được từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký được gói ghém trong cá tính của Môi-se, một con người vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời đã từng sống trên thế gian nầy. Trong bài học vừa qua, chúng ta đã kết thúc bài học bằng cách tập trung vào “Bốn bí quyết thuộc linh” mà tôi đã tìm thấy qua cuộc đời của Môi-se và nhân vật khác trong Kinh thánh, như Phi-e-rơ trong Tân ước. Tôi không thể làm nhiệm vụ một tín hữu hay một mục sư nếu tôi không tin vào bốn bí quyết thuộc linh nầy. Khi đến với Chúa Giê-xu, chúng ta có những gánh nặng, những nan đề cũng như những vết thương trong lòng. Chúa  Giê-xu phán, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Sau đây là lời chứng của một mục sư về cuộc đời của ông.

 

“Khi còn trẻ, tôi sống trong tự ti mặc cảm. Tôi rất nhút nhát đến nỗi có người cho rằng, tâm trí tôi chậm phát triển. Tôi nhớ một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà tôi được giao phó, đó là thăm viếng một cặp vợ chồng: người vợ đã tin Chúa nhưng người chồng chưa tin. Khi  đang làm chứng cho ông tại phòng khách, tôi bị nhức đầu khủng khiếp. Mặt tôi tái xanh và bắt đầu toát mồ hôi. Tôi cảm thấy nhuốm bệnh. Trong khi chúng tôi nói chuyện cách lặng lẽ,  ông ấy nhìn tôi và nói, “Anh có sao không?” Tôi đáp, “Chắc tôi sắp bị tai biến mạch máu não!” Ông ấy bảo tôi nằm xuống chiếc ghế, rồi đắp khăn mát lên đầu tôi. Lẽ ra, tôi đã hướng dẫn người nầy đến với Chúa, nhưng tôi trở bệnh đến nỗi phải ra về và không dùng cơm tối được. Sau đó, ông biết được sự việc, bèn cảm động mà suy nghĩ rằng, những gì mà tôi đã nói với ông chắc hẳn hết sức quan trọng; cho nên, dầu bị bệnh mà tôi vẫn ngồi đó để tiếp chuyện. Bởi vậy, ông đến với một tín hữu và xin giúp đỡ để tin Chúa. Đó là những gì xảy ra khi tôi bắt đầu chức vụ. Tôi không thể làm xong nhiệm vụ của một mục sư, hay của một tín hữu cho đến khi tôi học bốn bí quyết thuộc linh nầy.

 

Đức Chúa Trời gọi chúng ta làm mục sư, tín hữu hay người chinh phục linh hồn tội nhân. Chúa muốn chúng ta trở nên khí cụ của Ngài; qua đó, những người khác được cứu. Tôi phải học bốn bí quyết thuộc linh, nếu không tôi không thể trở thành mục sư.

 

–        Thứ nhất: “Không phải tôi, nhưng là Chúa và Ngài ở với tôi.”

–         Thứ hai:  “Tôi không thể nhưng Ngài có thể và Ngài ở với tôi.”

–        Điều thứ ba, “Vấn đề không phải là tôi muốn hay không nhưng là Chúa muốn hay không.” Một mục sư tâm sự rằng, “Tôi không giấu giếm gì với Đức Chúa Trời cả. Nhiều buổi sáng khi thức dậy tôi thưa, “Chúa ơi, con không muốn.” Nhưng Chúa phán, “Chuyện đó  không ăn nhập gì cả, ta muốn và ta ở với con, vậy hãy đi.”

–        Trong chức vụ, khi được Đức Chúa Trời dùng thì người ta bắt đầu tán thưởng, tôi phải giải thích qua bí quyết thuộc linh thứ tư: “Tôi không làm điều đó, Đức Chúa Trời đã làm vì Ngài ở cùng tôi.”

 

Đây là lời chứng của một mục sư. Một sáng nọ, trong buổi bồi linh với hằng trăm người học Kinh thánh, họ nồng nhiệt đứng dậy vỗ tay liên hồi để hoan nghinh tôi. Một người trong nhóm họ nói rằng, người mà ông ấy cảm tạ nhiều nhất trong suốt năm qua đó là tôi; bởi vì, ông đã tin Chúa qua tôi. Nhớ lại lời dạy dỗ sâu sắc của một tôi tớ Chúa, tôi nói với họ rằng, “Thưa quí vị, nếu Chúa phán với quí vị qua bài bồi linh nầy, hay nếu Ngài ngự vào đời sống quí vị giờ nầy, hãy cảm ta Chúa. Đừng cám ơn kẻ không ra chi nầy.” Nếu hiểu rõ bí quyết thuộc linh thứ tư, chúng ta sẽ không dám kiêu hãnh và cũng không có lý do gì để kiêu hãnh; vì biết rằng, mình không làm được gì cả, chính Chúa đã làm mọi sự. Vì thế; chỉ có Ngài mới xứng đáng nhận lãnh mọi lời tung hô khen ngợi. Nhưng tiếc thay, một số người sau khi được Chúa dùng, cứ ngỡ mình là nguyên nhân của mọi thành công, nên sinh lòng kiêu hãnh, chiếm đoạt vinh quang của Đức Chúa Trời; và do đó, không còn được Chúa dùng nữa.

 

Sứ điệp nầy được lặp đi lặp lại qua bài học về các nhân vật Chúa dùng trong Kinh thánh. Đức Chúa Trời không dùng chúng ta bởi vì chúng ta tốt đẹp hay tài năng. Ngài dùng chúng ta mặc dầu chúng ta là người chẳng ra gì. Chúng ta chỉ là phương tiện của Đức Chúa Trời. Phao lô nhận định về thành phần những người mà Chúa kêu gọi và lựa chọn như sau: “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” ( I Cô-rinh-tô 1:26-29)

 

Có một trường hợp trong Tân ước giống như trường hợp của Môi-se. Trong 5 chương đầu của Phúc âm Lu-ca, Chúa dạy Phi-e-rơ về 4 bí quyết thuộc linh. Đây không phải là lần đầu tiên Chúa gặp Phi-e-rơ. Họ đã biết lẫn nhau và Chúa đã kêu gọi ông, “Hãy theo ta, và ta sẽ khiến ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Vào lúc nầy, Phi-e-rơ vẫn chưa chấp nhận tiếng kêu gọi. Vào buổi sáng nọ, Chúa  Giê-xu  giảng dạy cho đoàn dân đông tại biển Ga-li-lê. Phi-e-rơ đánh cá suốt đêm nhưng bắt không được gì cả. Chúa hỏi Phi-e-rơ liệu Ngài dùng thuyền của ông để giảng cho đoàn dân được không. Phi-e-rơ đồng ý. Chúa bước lên thuyền, rồi ngồi xuống mà giảng dạy. Sau khi giảng xong, Chúa quay sang Phi-e-rơ vì Ngài đang chú tâm đến ông. Kinh thánh không ghi chép điều gì về đoàn dân đông, hoặc Chúa dạy họ những gì, hoặc họ phản ứng ra sao; vì những điều đó không quan trọng. Trong khi giảng dạy vào buổi sáng đó, Chúa biết rằng Phi-e-rơ sẽ là người mà qua ông, Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày lễ Ngũ  tuần. Chúa Giê-xu biết rằng, một ngày nào đó, con người này sẽ bước đi trên đường phố Giê-ru-sa-lem và bóng của ông khiến người bệnh được lành. Chúa  Giê-xu biết tất cả khi Ngài nhìn người đàn ông đó đang giặt lưới. Bây giờ, vấn đề là làm sao Chúa có thể dùng Phi-e-rơ, không phải là tay đánh cá giỏi, để biến đổi trở nên tay đánh lưới người? Chúng ta nhớ lại bối cảnh của cuộc đàm thoại này, Phi-e-rơ đã đánh cá suốt đêm và bắt không được gì cả. Ông đã thất bại như Môi-se. Câu sau cùng trong Luca chương 5 câu 10 được gọi là “mang lịnh tối hậu.” Chúa  Giê-xu nói với Phi-e-rơ, “Hãy theo ta và ta sẽ khiến ngươi trở nên tay đánh lưới người.”

 

Đối với Chúa, để dùng Phi-e-rơ, không phải là tay đánh cá giỏi, và biến ông trở nên người có thể chinh phục người khác, Ngài phải dạy 4 điều.

 

Thứ nhất: “Phi-e-rơ, ngươi không phải là người đánh cá. Ta mới là người đánh cá. Và ta ở trong thuyền của ngươi.” Khi Chúa yêu cầu Phi-e-rơ chèo ra ngoài sâu để thả lưới, ông miễn cưỡng vâng lời. Đến chỗ nước sâu, Chúa phán, “Hãy ném lưới để bắt cá.” Phi-e-rơ thụ động trả lời, “Thầy ơi, chúng tôi đã đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì cả.” Tôi tưởng tượng rằng, có khoảnh khắc yên lặng trong khi Chúa nhìn ông. Nhưng, Phi-e-rơ nói tiếp, “Dẫu vậy, theo lời của Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Chúng ta đã biết phần kết câu chuyện đó: Lưới đầy cá đến nỗi thuyền của Phi-e-rơ gần chìm. Bạn bè của ông đến giúp và thuyền họ cũng gần chìm. Chúa đang cố gắng dạy ông, “Phi-e-rơ, nếu ngươi đi đánh lưới người, ngươi phải hiểu điều nầy. Ta là người đánh lưới, ngươi không phải là người đánh lưới. Ngươi không thể nào chinh phục người khác, Phi-e-rơ; thậm chí ngươi không thể đánh cá được. Ngươi không thể chinh phục người khác nhưng ta có thể. Và ta ở trong thuyền của ngươi, Phi-e-rơ. Ngươi không muốn đi đánh lưới người, nhưng ta muốn.”

 

Trong sách Công vụ, chúng ta lại khám phá bí quyết thuộc linh thứ tư khi được áp dụng trên đời sống của Phi-e-rơ. Ông trở nên tay đánh lưới người tài ba và là một nhà lãnh đạo tầm cỡ của hội thánh thời Tân ước. Ông giảng bài giảng vào ngày lễ Ngũ tuần và có ba ngàn người được cứu. Ông là tay đánh lưới người thành công. Ông đã học thế nào để trở nên tay đánh lưới người? Chúng ta khám phá câu trả lời trong Lu-ca chương năm, khi Chúa  Giê-xu dạy Phi-e-rơ bốn bí quyết thuộc linh nầy. “Phi-e-rơ , ngươi không phải là người đánh cá, ta là người đánh cá. Ngươi không thể đánh lưới người hay chinh phục con người, nhưng ta có thể. Thậm chí ngươi không muốn nhưng ta muốn.” Khi kết quả lớn lao xảy ra, Phi-e-rơ biết rõ rằng, ông không làm được gì cả; chính Chúa đã làm tất cả qua ông vì Ngài ở với ông.

 

Tôi thật sự tin là bốn bí quyết thuộc linh nầy rất quan trọng nếu chúng ta là người, mà qua đó Đức Chúa Trời thi hành công việc của Ngài. Sự kêu gọi và sai phái Môi-se và Phi-e-rơ đã minh họa điều nầy. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời để dùng quyền năng của Chúa, qua người của Chúa nhằm hoàn thành mục đích của Ngài theo chương trình của Ngài. Muốn điều nầy xảy ra, người phục vụ  Chúa phải học bốn bí quyết thuộc linh.

 

Có câu chuyện kể về một viên tài công là người hướng dẫn những chiếc thuyền lớn vào trong cảng. Ông là một trong những tài công giỏi nhất. Ông có cái tủ sắt ở nhà; và trước khi đi làm vào mỗi sáng, ông luôn luôn lấy cái hộp màu đen ở trong tủ sắt ra. Rồi từ chiếc hộp màu đen nầy, ông lấy ra mảnh giấy trắng nhỏ và nhìn vào đó rất chăm chú. Xong, ông mới đi làm. Ông làm như vậy từ ngày nầy sang ngày khác, năm nầy sang năm nọ. Ông cũng không nói với người vợ về những gì được viết trên mảnh giấy đó. Sau khi ông cụ qua đời, người vợ mở cái hộp màu đen rồi lấy mảnh giấy màu trắng ra. Và đây là những dòng chữ được viết trên đó, “Cảng nằm bên trái, mạn thuyền nằm bên phải.” Những dòng chữ này thật quan trọng đối với viên tài công, nó đã giúp ông trong suốt quãng đời lái tàu.

 

Nếu có cái tủ sắt và một chiếc hộp màu đen cùng với mảnh giấy trắng ở đó, quí vị sẽ viết gì lên mảnh giấy nầy? Riêng tôi, đây sẽ là những dòng chữ được viết trên đó: “Không phải là tôi, nhưng là Ngài. Đối với tôi là không thể được, nhưng đối với Ngài là có thể được. Tôi không muốn, nhưng Ngài muốn. Tôi không làm được gì cả, nhưng Chúa đã làm mọi sự.”

 

Tôi tin rằng, quí vị có thể học những điều nầy như Môi-se đã học vậy.

 

             

 

Bài trướcBài thứ 231: Đói Khát Công Chính
Bài tiếp theoBài 24: Áp-Ra-Ham Và A-Ga