Bài 22: Áp-Ra-Ham Giải Cứu Lót

2317

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới



Sáng thế ký 14:1-24


Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về sách Sáng thế ký từ đoạn 12, về việc Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ram và ban lời hứa của Ngài cho ông. Áp-ram đáp lại sự kêu gọi của Chúa. Trong đoạn 13 chép về việc Áp-ram và Lót phân rẽ nhau vì có sự tranh giành đồng cỏ.  

 

Trong đoạn 14 chúng ta sẽ thấy ghi lại chiến tranh đầu tiên, và Áp-ram giải cứu Lót. Chúng ta cũng thấy sự xuất hiện của thầy tế lễ thượng phẩm Mên-chi-xê-đéc trong thời đó và chúc phước cho Áp-ram. Về một phương diện nào đó, đây là đoạn Kinh Thánh rất đáng được chú ý. Hình như nó không ăn khớp trong câu chuyện và nếu chúng ta bỏ bớt ra đoạn này, câu chuyện vẫn tiếp tục suôn sẻ. Nhưng đây là một đoạn rất đặc biệt trong sách Sáng thế ký.

 

Trước hết chúng ta cùng xem Sáng thế ký 14:1-12,

          “Trong đời Am-ra-phên, vua Si-nê-a; A-ri-óc, vua Ê-la-sa; Kết-rô-Lao me, vua Ê-lam, và Ti-đanh, vua Gô-im, bốn vua hiệp lại tranh chiến cùng Bê-ra, vua Sô-đôm; Bi-rê-sa, vua Gô-mô-rơ; Si-nê-áp, vua At-ma; Sê-mê-bê, vua Xê-bô-im, và vua Bê-la, tức là Xoa. Các vua nầy hiệp lại tại trũng Si-điêm, bây giờ là biển muối. Trong mười hai năm các vua nầy đều là chư-hầu của vua Kết-rô-Lao me; nhưng qua năm thứ mười ba, thì họ dấy loạn.

          Nhằm năm thứ mười bốn, Kết-rô-Lao-me cùng các vua đồng minh kéo quân đến dẹp dân Rê-pha-im ở đất Ach-tê-rót-Ca-na-im, dân Xu-xin tại đất Ham, dân Ê-mim ở trong đồng bằng Ki-ri-a-ta-im, và dân Hô-rít tại núi Sê-i-rơ, cho đến nơi En-Ba-ran, ở gần đồng vắng. Đoạn, các vua thâu binh trở về, đến Suối Xử đoán, tức Ca-đe, hãm đánh khắp miền dân A-ma-léc, và dân A-mô-rít ở tại Hát-sát sôn-Tha-ma. Các vua của Sô-đôm, Gô-mô-rơ, At-ma, Xê-bô-im và vua Bê-la, tức là Xoa, bèn xuất trận và dàn binh đóng tại trũng Si-điêm, đặng chống cự cùng Kết-rô-Lao-me, vua Ê-lam; Ti-đanh, vua Gô-im; Am-ra-phên, vua Si-nê-a, và A-ri-óc, vua Ê-la-sa; bốn vị đương địch cùng năm. Vả, trong trũng Si-điêm có nhiều hố nhựa chai; vua Sô-đôm và vua Gô-mô-rơ thua chạy, sa xuống hố, còn kẻ nào thoát được chạy trốn trên núi. Bên thắng trận bèn cướp lấy hết của cải và lương thực của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, rồi đi. Giặc cũng bắt Lót, là cháu của Áp-ram, ở tại Sô-đôm, và hết thảy gia tài người, rồi đem đi.”

 

Truớc hết chúng ta thấy đây là một tài liệu lịch sử, ghi lại việc các vua phương đông đánh bại vua Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Trong nhiều năm qua các học giả phê bình gắt gao và khước từ phân đoạn này, vì nói rằng tên của những vị vua này không xuất hiện trong lịch sử của dân gian, và đây là một câu chuyện vô lý. Thật ra vua Am-ra-phên được lịch sử dân gian biết với tên Hammurabi. Cho nên chúng ta thấy phần ký thuật này rất quan trọng và có giá trị lịch sử.

 

Đây là chiến tranh đầu tiên được Thánh Kinh đề cập. Nhân loại có chiến tranh rất sớm. Chúng ta không biết nó đã khởi sự từ lúc nào. Và tác giả sách Sáng thế ký không chú ý đến việc ghi lại việc đánh nhau của các vua. Nhưng phân đoạn này được ghi lại bởi vì liên hệ đến Lót, là cháu của Áp-ram.

 

Vua Sô-đôm và Gô-mơ-rơ dấy loạn chống lại các vua phương đông, đó là bằng chứng có chiến tranh trước đây, và các vua phương đông chinh phục được nhiều thành và đồng bằng. Đến nay, những thành này dấy loạn chống nghịch lại. Cho nên chúng ta thấy các vua phương đông hiệp lại đánh các vua dấy loạn này, tại khu vực Sô-đôm nơi Lót đang sinh sống. Lót bị bắt đi. Ông là cháu của Áp-ram, cho nên Áp-ram tìm cách giải cứu cháu mình, đó là lý do có đoạn ký thuật này.

 

Bây giờ chúng ta thấy sự khó khăn xảy đến cho Lót, bởi vì ông ở trong thành Sô-đôm, ông cùng chịu chung số phận với thành bại trận, ông bị bắt làm tù binh và tài sản bị tịch thu.

 

ÁP-RAM GIẢI CỨU LÓT

 

Sáng thế ký 14:13, “Có một người thoát được chạy đến báo điều đó cùng Áp-ram, là người Hê-bơ-rơ. Áp-ram ở tại lùm cây dẻ bộp của Mam-rê, là người A-mô-rít, anh của Ech-côn và A-ne; ba người nầy đã có kết-ước cùng Áp-ram.”

 

Khi các vua phương đông rời khỏi khu vực Sô-đôm và Gô-mô-rơ với những gì họ chiếm được, họ đi về hướng bắc dọc theo bờ Biển Chết, khu vực này không xa Hếp-rôn và Mam-rê nơi Áp-ram đang cư ngụ. Khi Áp-ram nghe một người chạy thoát về báo tin, Áp-ram lập tức đuổi theo những vua đã bắt Lót cháu mình, Áp-ram hành động cách mau lẹ. Áp-ram có những người khác hiệp sức lại giúp ông. Áp-ram không còn để tâm hay buồn phiền về cách đối xử của Lót tranh giành đồng cỏ với mình trước đây, nhưng nghĩ đến tình cốt nhục, muốn giải cứu cháu mình.

 

Sáng thế ký 14:14, “Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó đến đất Đan.”

 

Áp-ram có tài sản và của cải nhiều. Ông cũng có nhiều gia nhân được nuôi dưỡng trong nhà ông. Với 318 người được tập luyện có khả năng dùng binh khí, cộng với vợ con và người già cả nữa thì số gia nhân của Áp-ram có rất đông. Những người này giúp Áp-ram chăn nuôi gia súc.

 

Sáng thế ký 14:15, “Đoạn Áp-ram chia bọn đầy tớ mình ra, thừa ban đêm xông hãm quân nghịch, đánh đuổi theo đến đất Hô-ba ở về phía tả Đa-mách.”

 

Áp-ram đuổi theo những người bắt Lót về Đa-mách, đây là quãng đường khá xa. Áp-ram chia những người đồng đi với mình ra mấy toán, để tấn công các vua phương đông vào lúc ban đêm. Áp-ram biết lực lượng của ông ít hơn so với lực lượng của các vua. Chắc chắn Áp-ram đã nhờ cậy vào Đức Chúa Trời, với lòng quả cảm tấn công bất ngờ. Kết quả là Áp-ram thắng trận, quân của các vua phương đông chạy tản lạc, bỏ lại người và đồ vật đã chiếm trước đó.

 

Sáng thế ký 14:16, “Người thâu về đủ hết các tài vật mà quân giặc đã cướp lấy; lại cũng dẫn cháu mình, là Lót cùng gia tài người, đờn bà và dân chúng trở về.”

 

Trong thời xưa, khi một thành hay dân tộc nào bị thua trận thì tài sản bị chiếm hết, và người bị bắt làm nô lệ. Áp-ram làm việc này rất nghĩa hiệp để giải cứu Lót cháu mình. Vì thế, phân đoạn này không phải là đoạn phụ vào nhưng đoạn này liên hệ đến đời sống và cách đối xử của Áp-ram.                               

 

Sáng thế ký 14:17, “Sau khi Áp-ram đánh bại Kết-rô-Lao-me và các vua đồng minh, thắng trận trở về, thì vua Sô-đôm ra đón rước người tại trũng Sa-ve, tức là trũng Vua.”

 

Vua Sô-đôm đi ra đón Áp-ram thắng trận trở về, để chúc mừng và tỏ lòng cám ơn. Đồng thời cũng có vua Sa-lem đến dâng lễ vật và chúc mừng.

 

Sáng thế ký 14:18-20 chép tiếp: “Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí cao, chúc phước cho Áp-ram và nói rằng: Nguyện Đức Chúa Trời Chí cao, là Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram! Đáng ngợi khen thay Đức Chúa Trời Chí cao đã phó kẻ thù nghịch vào tay ngươi! Đoạn, Áp-ram lấy một phần mười về cả của giặc mà dâng cho vua đó.”

 

Có vài câu hỏi cần được nêu ra sau đây:

 

Thứ nhất, “Vua Mên-chi-xê-đéc đến từ đâu?” Ông chỉ xuất hiện trong phân đoạn này, dâng bánh và rượu, chúc phước cho Áp-ram, rồi sau đó đi mất. Thật ngạc nhiên không rõ là Vua Mên-chi-xê-đéc đến từ đâu? Sau đó ông đi đâu và ông làm công việc gì? Kinh Thánh cho biết vua của Sa-lem, đồng thời là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao.

 

Thứ hai, “Cách nào ông nhìn biết Đức Chúa Trời Chí Cao?” Ông đã tìm biết Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng Tạo Hóa của trời đất, Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, Đức Chúa Trời của Sáng thế ký đoạn 1, Đức Chúa Trời của Nô-ê, Đức Chúa Trời của Hê-nóc. Chính Ngài là Đức Chúa Trời của toàn thể vũ trụ này, chính Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất. Tất cả loài người cần nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống.

 

Sứ đồ Phao-lô viết trong sách Rô-ma như sau: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

 

Từ lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài cho con người biết, và vua Mên-chi-xê-đéc nhận biết về Đức Chúa Trời qua các tạo vật của Ngài. Chúng ta cần để ý và ghi nhớ là chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa chứ không phải thờ các tạo vật của Ngài như sông, biển, núi, cây cối, thú vật v.v..

 

Mên-chi-xê-đéc sai đem dâng bánh và rượu. Ông làm như vậy với tư cách một người muốn được thấy và yểm trợ những người tốt và đáng ngợi khen như Áp-ram. Đồng thời bổ lại sức lực cho những người hợp tác với Áp-ram trong việc đánh trận vừa qua, và cũng tỏ lòng thân hữu với Áp-ram.

 

Trở lại thời kỳ của Áp-ram, Mên-chi-xê-đéc là thầy tế lễ của thế giới thời ấy. Ông nhận biết Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, và ông làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ là người làm công tác phụng sự trong việc thờ phượng, dâng của lễ, cầu thay, chúc phước v.v.. Khi Mên-chi-xê-đéc đến dâng cho Áp-ram bánh mì và rượu, đây là hai biểu tượng dùng trong lễ Tiệc Thánh. Thật ngạc nhiên khi nghĩ đến những gì vua Mên-chi-xê-đéc có trong tâm trí của ông, ông có biết gì về biểu tượng của bánh và rượu không?

 

Mên-chi-xê-đéc được đề cập ba lần trong Thánh Kinh. Lần đầu tiên trong sách Sáng thế ký này, kế đến là Thi thiên 110:4, khi nói tiên tri về Đấng Christ: “Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, Tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc.”

 

Cuối cùng, Mên-chi-xê-đéc được đề cập bảy lần trong sách Hê-bơ-rơ. Khi đọc trong sách Hê-bơ-rơ chúng ta biết tại sao trong sách Sáng thế ký không đề cập về nguồn gốc của Mên-chi-xê-đéc. Trong sách Sáng thế ký không đề cập đến cha mẹ của Mên-chi-xê-đéc thì hơi lạ, trong khi sách Sáng thế ký là sách của những gia tộc. Vì thường khi đề cập đến một người, cũng nói đến gia tộc của người ấy. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ giải bày cách rõ ràng, tại sao không có ghi gia phổ của Mên-chi-xê-đéc, ngày sanh hay ngày chết. Bởi vì Mên-chi-xê-đéc thuộc về dòng tế lễ của Đấng Christ, khởi đầu sau thứ bậc của Mên-chi-xê-đéc. Trong chức vụ của Chúa Giê-xu, Ngài dâng chính Ngài làm của lễ và vào Nơi Chí Thánh, hiện nay chính là thiên đàng. Theo xác thể, dòng tế lễ của Đấng Christ theo thứ tự của A-rôn. Nhưng theo bổn tánh của Chúa, Ngài không có khởi đầu hay kết thúc, và dòng tế lễ của Ngài theo thứ tự của Mên-chi-xê-đéc. Như vị vua, Đấng Christ là con cháu của Áp-ra-ham, con cháu của Đa-vít, như trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ nói cho chúng ta biết thứ tự của gia phổ này. Nhưng trong sách Tin Lành Giăng 1:1,14 chúng ta thấy chép như vầy: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.”

 

Chúa Giê-xu không có khởi đầu và không có kết thúc, chính Ngài là Đức Chúa Trời đời đời. Ngài đến từ trời vinh hiển, sống trong xác thể. Chúng ta ngắm xem sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta thấy trong vua Mên-chi-xê-đéc bức tranh vinh hiển của Chúa Giê-xu Christ.

 

Tác giả sách Hê-bơ-rơ viết: “Vua, Mên-chi-xê-đéc đó là vua của Sa-lem, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời rất cao, đã đi rước Áp-ra-ham và chúc phước cho, trong khi người thắng trận các vua trở về; Áp-ra-ham đã lấy một phần mười về mọi của cải mình mà dâng cho vua; theo nghĩa đen tên vua ấy, trước hết là vua sự công bình, lại là vua của Sa-lem nữa, nghĩa là vua bình an; người không cha, không mẹ, không gia phổ; không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời, như vậy là giống Con Đức Chúa Trời, Mên-chi-xê-đéc nầy làm thầy tế lễ đời đời vô cùng. (Hê-bơ-rơ 7:1-3)

 

Khi Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ram, đặt căn cứ trên “Đức Chúa Trời Chí Cao, là Đấng dựng nên trời và đất” là Đấng Tạo Hóa. Mên-chi-xê-đéc là thầy tế lễ tối cao trong thế giới thời đó. Còn Chúa Giê-xu Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong thời hiện nay. Chúa Giê-xu theo thứ tự của Mên-chi-xê-đéc, không theo thứ tự của dòng A-rôn. A-rôn chỉ là thầy tế lễ cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ đền tạm.

 

Lời chúc của Mên-chi-xê-đéc cũng là lời xưng nhận minh bạch, và lời làm chứng mạnh mẽ cho chân lý về Đức Chúa Trời chí cao cho những dân tộc láng giềng với Áp-ram đang thờ hình tượng, và không biết về Đức Chúa Trời. 

 

Sau đó Áp-ram lấy phần mười dâng cho thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc, để tỏ lòng cảm tạ Chúa. Tại đây việc dâng phần mười được thực hiện, dĩ nhiên Đức Chúa Trời đã tỏ bày cho Áp-ram biết được điều này.  

  

ÁP-RAM KHƯỚC TỪ CỦA CẢI CHIẾM ĐƯỢC

 

Sáng thế ký 14:21-24, “Vua Sô-đôm bèn nói cùng Áp-ram rằng: Hãy giao người cho ta, còn của cải, thì ngươi thâu lấy. Áp-ram đáp lại rằng: Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí cao, Chúa Tể của trời và đất, mà thề rằng: Hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy; e vua nói được rằng: Nhờ ta làm cho Áp-ram giàu có, chỉ món chi của những người trẻ đã ăn, và phần của các người cùng đi với tôi, là A-ne, Ech-côn và Mam-rê; về phần họ, họ hãy lấy phần của họ đi.”

 

Đây là một cám dỗ cho Áp-ram. Theo luật lệ của thời bấy giờ dành cho người thắng trận, Áp-ram có trọn quyền để hưởng tất cả những của cải chiếm được, ngay cả đối với những người thua trận bị bắt. Nhưng vua Sô-đôm khôn ngoan hơn và nói: “Hãy giao người cho ta, còn của cải thì ngươi thâu lấy.” Đấy là sự cám dỗ cho Áp-ram. Khi ông nhận những của cải chiếm được có thể làm cho ông giàu hơn. Nhưng sau đó, có thể có lý do cho vua Sô-đôm nói rằng, nhờ của cải mà vua chia cho Áp-ram nên ông mới trở nên giàu có như vậy. Nhưng Áp-ram đưa tay lên thề rằng, tôi không bao giờ nhận của cải chi vua ban cho. Áp-ram có một thái độ dứt khoát khước từ của cải mà vua Sô-đôm ban tặng, hay chia phần.       

 

Rất có thể Áp-ram trước khi ra đi vào chiến trận ông có lời hứa nguyện với Chúa: Lạy Chúa, con không vào chiến trận để trông mong chiếm được của cải, con chỉ muốn giải cứu Lót mà thôi. Đức Chúa Trời đã giúp cho Áp-ram làm thành điều ông khẩn nguyện. Áp-ram làm chứng cho vua Sô-đôm rằng ông thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống: “Tôi đã hứa nguyện không lấy bất cứ vật gì. Xin vua đừng ban cho tôi của cải, vì sau đó người đời sẽ nói rằng, Áp-ram giàu có là nhờ của cải của vua. Khi tôi có của cải, ấy chính Đức Chúa Trời là Đấng ban mọi sự cho tôi.”

 

Dầu vậy, Áp-ram cho phép những người hợp tác với ông hưởng được phần của họ, như là phần thưởng cho công sức của họ. Áp-ram luôn nghĩ đến công ơn của những người giúp ông thắng trận.

 

Qua Sáng thế ký đoạn 14 này chúng ta thấy những đức tính tốt của Áp-ram, đặc biệt là đức tin của ông. Chính nhờ đức tin khiến ông vừa can đảm vừa tuyệt đối khước từ những cám dỗ vật chất, luôn tôn xưng danh Đức Chúa Trời. 

 

 

Bài trướcBài 22: Thế Nào Là Người Hữu Dụng Cho Đức Chúa Trời
Bài tiếp theoBài thứ 202: Ân Điển