Bài 22: Thế Nào Là Người Hữu Dụng Cho Đức Chúa Trời

1542

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới



Mục đích của các bài học nầy là giúp chúng ta hiểu Kinh thánh hơn và áp dụng các điều học hỏi vào cuộc sống hằng ngày. Vì Lời Chúa rất thực tế và thích hợp cho mọi người, mọi thời đại. Chúng ta đang lược khảo sách Xuất Ê díp tô ký và nghiên cứu về cuộc đời của Môi-se.

 

Vào thời điểm cuối của 40 năm chăn bầy trong đồng vắng, Môi-se đã trải qua kinh nghiệm  rất đặc biệt. Ông đang ở trong sa mạc thì nhìn thấy bụi gai cháy bùng lên. Hiện tượng nầy thật ra không có gì lạ lắm. Thông thường, ngọn lửa sẽ thiêu rụi bụi gai trong vòng khoảng 5 giây. Tuy nhiên, lần nầy bụi gai tiếp tục cháy mà không bị tàn. Môi-se kinh ngạc tiến đến để xem, xin quí vị cùng lắng nghe câu chuyện nầy được ghi trong Xuất Ê díp tô ký chương 3.

 

Vả, Môi-se chăn bầy chiên cho Giê-trô, ông gia mình, là thầy tế lễ tại xứ Ma-đi-an; dẫn bầy chiên qua phía bên kia đồng vắng, đến núi của Đức Chúa Trời, là núi Hô-rếp.

 

Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia. Người nhìn thấy cả bụi gai đang cháy, nhưng không hề tàn.

 

Môi-se bèn nói rằng: Ta hãy tẻ bước lại đặng xem sự lạ lớn nầy, vì cớ sao bụi gai chẳng tàn chút nào. Đức Giê-hô-va thấy người tẻ bước lại xem, Đức Chúa Trời bèn ở giữa bụi gai gọi rằng: Hỡi Môi-se, hỡi Môi-se! Người thưa rằng: Có tôi đây! Đức Chúa Trời phán rằng: Chớ lại gần chốn nầy, Hãy cổi giầy ngươi ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh. Rồi Ngài lại nói: Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Ap-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se liền che mặt, vì sợ nhìn đến Đức Chúa Trời.Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta đã thấy rõ ràng sự cực khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu rêu vì cớ người đốc công của nó; phải, ta biết được nỗi đau đớn của nó.

 

Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật, tức là nơi dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu-sít ở.

 

Nầy, tiếng kêu rêu của dân Y-sơ-ra-ên thấu đến ta, và ta đã thấy dân Ê-díp-tô hà hiếp chúng nó thể nào; vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

 

Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi;

 

 Môi-se đã đi vào trong ‘chủng viện’ 40 năm; và đây là thời điểm đánh dấu sự tốt nghiệp của ông. Tại bụi gai cháy, Chúa phán với Môi-se rằng, “Môi-se, con đã nhìn thấy nan đề  của dân tộc con, đó là điểm đáng khen.” Nhiều người không hề thấy nan đề của những người chung quanh. Ngoại trừ đi vào trong nhà tù hoặc các bệnh viện tâm thần, chúng ta không thấy các nan đề của xã hội vì cơ chế của xã hội ngày nay hoạt động như một guồng máy. Những nan đề đã vượt ra khỏi tầm nhìn của chúng ta; không còn hiện hữu trong tâm trí chúng ta. Bởi vậy, nhiều người không hề thấy các nan đề đang diễn ra chung quanh. Với Môi-se thì khác, Chúa phán với Môi-se rằng, “Môi-se, con đã nhìn thấy các nan đề, con đã thương cảm, đó là điểm đáng khen. Con muốn làm một điều gì đó; dĩ nhiên, đó là điều tốt. Nhưng Môi-se ơi, điểm quan trọng không phải là con nhìn thấy điều đó, không phải là điều con quan tâm. Nhưng điểm thật sự quan trọng đó là: Ta nhìn thấy các nan đề của dân Y sơ ra ên và Ta quan tâm về dân Y sơ ra ên; Ta động lòng thương xót và Ta có giải pháp cho các nan đề nầy.”

 

Tại thời điểm nầy, có lẽ Môi-se thầm nghĩ rằng, “Chúa ơi! như vậy thật là tuyệt, con sẽ trở về để chăn bầy chiên của con.” Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng, “Hãy theo ta, ta sẽ sai ngươi đến Pha-ra-ôn để thực hiện sứ mạng giải phóng dân Y-sơ-ra-ên.” Đến đây, Môi-se thưa rằng, “Tôi là ai? Tại sao Ngài chọn tôi?” Quí vị có để ý, đây là thời điểm cuối của 40 năm thứ nhì trong cuộc đời của Môi-se. Đức Chúa Trời đang thuyết phục Môi-se rằng, “Môi-se, con là một người hữu dụng.” Bốn mươi năm đầu tiên, Chúa dạy Môi-se rằng, “Môi-se, con chẳng là gì cả.” Bốn mươi năm tiếp theo Ngài dạy rằng, Môi-se là một người hữu dụng.

 

Bốn mươi năm thứ ba trong cuộc đời của Môi-se là một giai đoạn đầy hào hứng của sách Xuất Ê díp tô ký. Đức Chúa Trời sẽ dạy Môi-se một bài học mới. Theo Moody, Đức Chúa Trời sẽ dạy Môi-se những gì mà Đức Chúa Trời có thể hành động qua một người tự biết mình không ra chi. Chúng ta gọi đây là sự khiêm tốn. Vậy khiêm tốn là gì? Thật khó để định nghĩa thế nào là khiêm tốn. Người ta kể về một Mục sư được hội thánh của ông gắn huy chương về sự khiêm nhường. Thế nhưng sau đó, họ buộc phải lấy lại vì lúc nào ông cũng muốn mang huy chương đó. 

 

Điều mà Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy trong Môi-se để được Chúa dùng trong công tác giải phóng dân sự của Ngài đó là đức khiêm nhường. Nói một cách khác, để khiến Môi-se trở nên một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đứng ra để gánh vác trách nhiệm giải phóng dân Y sơ ra ên khỏi ách thống trị của Pha-ra-ôn tại Ai-cập, Chúa phải dạy ông rằng, “Môi-se, ngươi chẳng là gì cả. Vì nếu ngươi biết mình chẳng ra chi cả thì ngươi là người hữu dụng. Ta sẽ cho ngươi thấy những gì mà ta có thể hành động qua người tự biết mình chẳng ra chi.”

 

Có bao giờ quí vị đặt vấn đề, vì sao Môi-se đặt câu hỏi, “Tôi là ai?” Hãy suy nghĩ trong giây lát. Môi-se là ai? Nếu quí vị là người có thẩm quyền để sai phái một người đi giải phóng dân Y sơ ra ên, liệu quí vị có ủy nhiệm cho Môi-se làm công tác nầy không? Trước tiên, Môi-se là kẻ sát nhân. Liệu quí vị sai phái một kẻ sát nhân, một kẻ đang bị truy nã gắt gao trở về lại Ai-cập không? Có điều đáng để ý, 3 người được Đức Chúa Trời đại dụng lại là những kẻ giết người. Phao-lô là kẻ giết người. Đa-vít là kẻ giết người. Môi-se là kẻ giết người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời dùng những con người nầy. Liệu quí vị có dùng một kẻ giết người không? 

 

Môi-se lại là một người Hê-bơ-rơ. Sách Sáng thế ký cho biết rằng, người Ai-cập khinh thường, thậm chí ghê tởm người Hê-bơ-rơ. Thái độ kỳ thị và định kiến đã có từ ngàn xưa. người Ai-cập không chịu ăn chung với người Hê-bơ-rơ. Liệu quí vị có sai phái một người Hê bơ rơ như Môi-se không?

 

Sáng thế ký cũng tiết lộ rằng, người Ai-cập kinh tởm những người chăn chiên hơn cả người Hê-bơ-rơ. Họ ghét những người chăn chiên. Họ có định kiến với người chăn chiên vì họ thờ bò. Bởi vậy, Đức Chúa Trời hỏi Môi-se rằng, “Ngươi có gì trong tay?” Môi-se trả lời, “Cây gậy chăn chiên.” Chúa phán, “Hãy ném nó trước mặt Pha-ra-ôn.” Chính hành động nầy khiến Pha-ra-ôn giận dữ vì biết rằng, Môi-se là người chăn chiên.

 

Tóm lại, Môi-se là người Hê-bơ-rơ, kẻ sát nhân, một gã chăn chiên, một đứa con nuôi đã không được đoái hoài sống trong cung điện 40 năm. Quí vị có cho rằng, ông xứng đáng đứng vào vị trí của một người lãnh đạo giải phóng dân Y sơ ra ên không? Câu trả lời là “không”.

 

Việc chọn người là điều quan trọng cho các nhà lãnh đạo quốc gia. Thành công hay thất bại do việc chọn người mà ra. Nhiều nhà lãnh đạo đã thành công vì đã chọn đúng người; ngược lại, nhiều người thất bại chỉ vì không có khả năng trong vấn đề nầy và chọn sai người. Khi chọn một người nào đó để hợp tác với mình, những nhà lãnh đạo luôn luôn cố gắng tìm người tài ba lỗi lạc. Kinh thánh đã ghi lại việc Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se, để gánh vác một trọng trách vô cùng lớn lao là giải phóng dân sự của Ngài ra khỏi vòng nô lệ tại Ai-cập. Ngài đã chọn Môi-se là người xem ra là người không thích hợp cho công tác nầy. Nếu một người thành thật nhận rằng, mình không xứng đáng và tin rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền năng để giải cứu, thì đây chính là người Chúa có thể dùng để đem lại sự giải cứu. Sự kêu gọi và ủy nhiệm mà Môi-se đã nhận từ Chúa minh chứng cho lẽ thật nầy. Nếu chúng ta muốn được Chúa dùng trong công tác cứu người ngày hôm nay; nếu chúng ta muốn nhìn thấy bạn bè thân quyến được giải phóng ra khỏi quyền lực của tội lỗi; và nếu chúng ta muốn trở thành khí cụ hữu dụng trong tay Đức Chúa Trời, hãy nhớ điều nầy: Chúng ta không phải là những người giải cứu họ.

 

Một vị giáo sư tại chủng viện đã nói rằng, “Khi anh chị em cố gắng để dẫn dắt người nào đến với Chúa Jêsus để tiếp nhận sự cứu rỗi, đừng bao giờ quên điều nầy: Nếu không bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, mọi việc của anh em làm đều là công dã tràng.” Tuyệt đối là điều bất khả kháng. Chỉ có một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều nầy. Nếu Chúa kêu gọi bạn làm một người chinh phục linh hồn tội nhân như Ngài đã kêu gọi Môi-se trong công tác giải phóng dân Y sơ ra ên, thì Chúa phải uốn nắn để hình thành tính khiêm nhường trong bạn. Tôi nghĩ rằng, định nghĩa chính xác của khiêm nhường là sự nhận thức đúng ai là người thi hành phép lạ nầy. Tôi đã không hiểu điều nầy, nhưng Kinh thánh dạy từ trang nầy đến trang khác rằng, “Đức Chúa Trời dùng quyền năng của Ngài thông qua những con người thuộc về Chúa để hoàn thành mục đích của Ngài.”

 

Chúa Jêsus đã dạy chúng ta một minh họa thật tuyệt vời khi Ngài kéo một nhành nho có trái, và phán với các vị sứ đồ rằng, “Đức Chúa Trời dùng quyền năng của Ngài thông qua những con người thuộc về Ngài để hoàn thành mục đích của Ngài.” Chúa giải thích, “Các ngươi kinh ngạc về những lời ta nói và những việc ta làm. Nhưng các ngươi có biết rằng, lời nói và việc làm của ta là kết quả của mối liên hệ giữa ta và Cha ta. Ta và Cha là một. Mọi lời ta nói và mọi việc ta làm là kết quả của mối liên hệ ta với Cha là một.” Ngài tiếp, “Ta sẽ lìa các ngươi nhưng Đức Thánh Linh sẽ đến cùng các ngươi. Nếu các ngươi làm một với Đức Thánh Linh như ta là một với Cha ta thì Ngài sẽ giúp các ngươi làm việc ta làm và nói lời ta nói. Nếu các ngươi hiệp làm một với Thánh linh thì công việc của ta và lời của ta sẽ được thực hiện qua các ngươi”

 

Chúa kéo nhánh nho đầy trái và nói rằng, “Các ngươi thấy những nhánh nho được gắn liền với cây nho, nhờ vậy mà nó sinh trái.” Ngài muốn dạy họ hai điều. Thứ nhất, “Nếu không có ta, các ngươi không làm điều chi được cả.” Điều thứ hai, “Nếu không có các ngươi, thì ta cũng không làm chi cả.” vì trái nho không mọc trên cây nho nhưng mọc trên nhánh nho.

 

Trong sách Xuất Ê díp tô ký, Đức Chúa Trời là cây nho đang tìm kiếm một nhánh nho. Đức Chúa Trời sẽ không hành động nếu không có một người như nhánh nho. Vì thế, Ngài tìm kiếm Môi-se. Nhưng khi kêu gọi và ủy thác trọng trách cho Môi-se, Chúa phải dạy cho Môi-se hiểu rằng, “Môi-se, con không là gì cả. Con không phải là người làm mọi việc nầy. Khi  con hiểu được điều đó, ta mới dùng con được. Con sẽ là người mà qua đó ta thi thố quyền năng; và con sẽ khám phá  những gì mà ta có thể hành động qua một người tự biết mình chẳng ra chi.”

 

 

Bài trướcBồi Linh Thông Công Trung Tráng Niên Tại Chi Hội Tp.BMT
Bài tiếp theoBài 22: Áp-Ra-Ham Giải Cứu Lót