Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 12:1-20
Từ đoạn 12 trở đi, đưa chúng ta đến phía bên kia của sách Sáng thế ký. Bối cảnh của sách được đổi khác, chúng ta đi chậm từng bước. Sách này không còn nhấn mạnh đến biến cố của sự việc, nhưng đề cập đến từng người, không phải tất cả những người được đề cập là những người vĩ đại, nhưng tất cả đều là quan trọng. Trong phần này của sách Sáng thế ký, đề cập đến bốn người và những người liên lệ khác nữa.
Trong 11 đoạn đầu của sách Sáng thế ký, chúng ta thấy bốn biến cố quan trọng là: việc tạo dựng trời đất, con người sa ngã, cơn nước lụt và tháp Ba-bên. Trong những biến cố quan trọng này, Đức Chúa Trời liên hệ với toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời không hiện ra với nhiều người, ngoại trừ A-đam và Áp-ra-ham.
Nhưng có sự thay đổi từ đoạn 12. Với bốn nhân vật được nêu ra. Đức Chúa Trời không còn đề cập đến những biến cố, nhưng với một người và từ người này, Ngài sẽ lập thành một quốc gia. Trong phần thứ nhất chúng ta thấy Áp-ra-ham là người của đức tin (đoạn 12-23). Phần thứ hai đề cập đến Y-sác là người con quý mến (đoạn 24-26). Phần thứ ba đề cập đến Gia-cốp, người con được lựa chọn và uốn nắn (đoạn 27-36). Phần thứ tư đề cập đến Giô-sép, đứa con đau khổ và vinh quang (đoạn 37-50). Đây là bốn tổ phụ quan trọng để hiểu Lời của Chúa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về đời sống của họ trong suốt phần còn lại của sách Sáng thế ký.
Chúng ta thấy, Đức Chúa Trời không còn liên hệ với mọi dòng dõi. Sau khi con người sa ngã, tội lỗi gia tăng rất nhiều như trường hợp của Ca-in, đó là tội kiêu ngạo. Ông hãnh diện khi dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, nhưng khi Chúa khước từ của lễ của Ca-in, ông đâm ra giận dữ và thù ghét em mình là A-bên, vì Đức Chúa Trời nhận của lễ của A-bên. Sự giận dữ của Ca-in dẫn đến tội giết người, mà cội rễ của nó là tội kiêu ngạo. Đó cũng là tội lỗi của Sa-tan.
Đến thời kỳ nước lụt, chúng ta thấy tội lỗi của tánh xác thịt, khi tất cả hành động và suy nghĩ của con người nhằm thỏa mãn tánh xác thịt.
Đức Chúa Trời đổ cơn nước lụt xuống để đoán phạt con người, ngoại trừ Nô-ê là người có đức tin. Nếu Đức Chúa Trời chờ đợi thế hệ kế tiếp, Ngài mất cả toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời rất nhịn nhục với nhân loại. Ngài chờ đợi đến 969 năm, tức là trọn đời của Mê-tu-sê-la. Nhưng thay vì quay về với Đức Chúa Trời, con người công khai chống lại Chúa. Tiếp sau cơn nước lụt là tháp Ba-bên, điều đó cho chúng ta thấy không có ai tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Sau tháp Ba-bên, Đức Chúa Trời chuyển hướng từ sự chú tâm đến dòng dõi loài người, Ngài để ý và chọn một người. Và từ người đó, Đức Chúa Trời thành lập một quốc gia, và từ quốc gia đó Ngài tỏ bày sự khải thị. Quốc gia này sẽ đưa Đấng Cứu Chuộc vào thế gian. Đó là phương cách mà Đức Chúa Trời làm. Chúng ta tin cậy vào phương cách tốt nhất của Đức Chúa Trời.
Khi Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham, Ngài chọn một người có đức tin. Áp-ra-ham là một người lớn lao, vĩ đại. Áp-ra-ham là người vĩ đại nhất trên đất. Ngày hôm nay một người vĩ đại được định lượng như thế nào?
Từ lúc ban đầu Áp-ra-ham là người nổi tiếng, nổi danh. Áp-ra-ham đạt đến mức tuyệt đỉnh, ông là người nổi danh nhất trên toàn thế giới. Ba tôn giáo lớn ngày nay đều quay trở về với Áp-ra-ham, đó là: Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Có biết bao triệu người ở khắp năm châu ngày nay đã nghe về Áp-ra-ham. Đó là một trong những dấu hiệu chứng tỏ Áp-ra-ham là người vĩ đại.
Một dấu hiệu khác đánh dấu một người vĩ đại, đó là đức tính cao quý và lòng rộng rãi. Thử tưởng tượng có người nào rộng rãi hơn Áp-ra-ham không? Có lẽ không ai rộng rãi như Áp-ra-ham. Khi ông và cháu của ông vào xứ Pa-lét-tin, Áp-ra-ham nói với Lót cháu mình, hãy chọn trước phần đất tốt nào Lót muốn, Áp-ra-ham sẽ nhận phần còn lại. Thử nghĩ có ai làm như thế trong việc giao dịch hiện nay không? Hay ngay cả những người trong Hội Thánh, hay bạn thân, cũng chưa ai có thể đối xử với nhau rộng rãi như thế. Chúng ta cũng thấy Áp-ra-ham rộng rãi với vua Sô-đôm và Gô-mơ-rơ. Áp-ra-ham nói rằng, ông không lấy bất cứ điều gì của các vua này, vì chính Đức Chúa Trời là Đấng sẽ ban cho ông mọi sự.
Điều thứ ba, người vĩ đại là người xuất hiện trong một thời điểm quan trọng, là một người của thiên mệnh. Áp-ra-ham là một người như vậy.
Có nhiều người đồng ý với ba điểm trên về Áp-ra-ham, nhưng có thể họ không đồng ý đến điểm thứ tư, ấy Áp-ra-ham là con người của đức tin. Hãy để ý đến nhiều người vĩ đại, ngay cả họ không phải là Cơ Đốc nhân, dẫu vậy họ vẫn có một niềm tin tưởng nào đó. Đức Chúa Trời nói rằng Áp-ra-ham là người của đức tin. Trong Kinh Thánh ghi lại điều lớn nhất của Áp-ra-ham là ông tin cậy vào Đức Chúa Trời. Trong Rô-ma 4:3 “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và điều đó kể là công bình cho người.”
Khi chúng ta đi xuyên qua sách Sáng thế ký, chúng ta thấy ghi lại bảy lần Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham, và mỗi lần như vậy giúp đời sống đức tin ông gia tăng. Nhưng điều này không có nghĩa rằng Áp-ra-ham là người trọn vẹn. Thật ra Áp-ra-ham cũng đã thất bại mấy lần. Đức Chúa Trời thử thách ông bốn lần và cả bốn lần này ông đều cúi mặt xuống. Nhưng giống như Phi-e-rơ, sau những thất bại đó, Áp-ra-ham đều khởi sự trở lại.
Khi Đức Chúa Trời chạm vào lòng và đời sống của chúng ta, có thể chúng ta thất bại, nhưng hãy đứng dậy và khởi sự trở lại. Và chúng ta sẽ thấy điều này trong đời sống của Áp-ra-ham, khi đi qua Sáng thế ký đoạn 12 này.
ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI VÀ PHÁN HỨA VỚI ÁP-RA-HAM
Ba câu đầu tiên của Sáng thế ký đoạn 12 cho chúng ta ba lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham (hay tên gọi ban đầu là Áp-ram), Ba câu này là trung tâm điểm của Thánh Kinh. Vì phần còn lại của Kinh Thánh được xây dựng trên ba lời hứa này.
Sáng thế ký 12:1-3, “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”
Lời hứa đầu tiên nói về đất, Chúa phán: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.”
Lời hứa thứ hai là nói về quốc gia, Chúa hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn.”
Lời hứa thứ ba, nói về phước hạnh, Chúa phán hứa: “các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”
Giờ đây có câu hỏi được nêu lên: “Đức Chúa Trời có làm trọn lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham không?” Đức Chúa Trời đã làm cho Áp-ra-ham trở thành một quốc gia lớn, và nó trở thành một quốc gia bị chiếm giữ lâu đời nhất trên đất, không ai sánh bằng.
Còn lời hứa về phước hạnh thì sao? Áp-ra-ham có trở thành nguồn phước cho mọi dân tộc không? Thật đúng vậy, qua Chúa Giê-xu Christ phước hạnh đến toàn thế gian. Lời hứa này của Chúa được ứng nghiệm với Áp-ra-ham.
Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham ngoại trừ lời hứa về đất. Hãy nhìn xem những gì đang xảy ra tại đó, trong thời đại chúng ta. Họ đang giữ đất trên chân mình, họ chưa chiếm giữ trọn vẹn. Có người nói, Chúa chưa làm trọn vẹn lời hứa của Ngài. Nhưng chúng ta biết Chúa đã làm trọn hai phần ba lời của Ngài. Đức Chúa Trời nói rằng, dân tộc của Áp-ra-ham sẽ không được sống trên lãnh thổ của mình khi họ không vâng lời Ngài, hay khi họ xa cách Ngài. Và hiện nay dân tộc của Áp-ra-ham đang xa cách Đức Chúa Trời, cho nên chúng ta thấy họ đang gặp nhiều khó khăn. Xin đừng nói rằng Chúa không làm trọn lời hứa của Ngài. Thật sự Chúa đang làm trọn những gì Ngài đã nói. Một ngày sẽ đến, khi Đức Chúa Trời sẽ đem dân Y-sơ-ra-ên trở lại đất nước, và đất nước của họ sẽ rộng lớn. Dân Y-sơ-ra-ên, tức là con cháu của Áp-ra-ham chưa thật sự chiếm giữ toàn vẹn vùng đất mà Chúa đã cho họ. Mảnh đất mà dân Y-sơ-ra-ên đang có hiện nay còn quá nhỏ so với vùng đất mà Chúa ban. Họ sẽ nhận được vào thời giờ của Chúa. Đức Chúa Trời đang điều khiển vận mạng của cả thế giới và Ngài thực hiện theo ý chỉ của Chúa.
Chúng ta xem Áp-ra-ham đã làm gì trước ba lời hứa của Đức Chúa Trời với ông.
ÁP-RA-HAM ĐÁP ỨNG
Trong câu 1, “Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ram.” Trong phần Kinh Thánh khác nói rằng, Chúa gọi Áp-ra-ham khi ông sống ở xứ U-rơ thuộc về Canh-đê. Trong sách Công vụ 7:2-4 chép: “Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran, mà phán rằng: Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Bấy giờ người ra khỏi xứ Canh-đê, rồi đến thành Cha-ran. Từ đó, lúc cha người qua đời rồi, Đức Chúa Trời khiến người từ nơi đó qua xứ các ông hiện đương ở.”
Áp-ra-ham vâng theo lời Đức Chúa Trời rời nhà, công việc, và cuộc sống cao sang tại xứ U-rơ, để đi đến một nơi mà ông không biết là nơi nào. Trong phần Kinh Thánh này tên ông vẫn còn là Áp-ram cho đến đoạn 17 tên Áp-ram được đổi thành Áp-ra-ham.
Sáng thế ký 12:4, “Rồi Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy; Lót đồng đi với người. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm.”
Áp-ram đi theo như lời Đức Giê-hô-va phán dạy và Chúa dẫn ông đến đất Ca-na-an.
Sáng thế ký 12:5, “Áp-ram dẫn Sa-rai, vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an; rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an.”
Thời gian mà Áp-ram ở tại Cha-ran, là thời gian chuẩn bị và làm chậm trễ phước hạnh của Đức Chúa Trời. Chúa không hiện ra với ông cho đến khi ông đến xứ Pa-lét-tin, cho đến khi ông thật sự phân cách khỏi quê hương và thân nhân mình, ông chỉ mang theo cháu mình là Lót.
Sáng thế ký 12:6, “Áp-ram trải qua xứ nầy, đến cây dẻ bộp của Mô-rê, tại Si-chem. Vả, lúc đó, dân Ca-na-an ở tại xứ.”
Theo bản ký thuật này, dân Ca-na-an là con cháu của Cham. Có một điều quan trọng ở điểm này. Nhiều người nghĩ rằng chắc là Áp-ram rời khỏi U-rơ của xứ Canh-đê vì nơi đó quá tệ, để đi đến một nơi có lúa gạo, cây trái hấp dẫn, và họ nghĩ rằng Áp-ram đang tìm một nơi sinh sống tốt đẹp hơn. Có phải như thế không? Không. Đó không phải là những gì Kinh Thánh nói. Theo như khảo cổ học cho chúng ta biết xứ U-rơ thuộc Canh đê có nền văn hóa cao trong thời bấy giờ. Thực tế là Áp-ram và Sa-rai có nhiều súc vật trong gia đình. U-rơ là thành phố lớn và thạnh vượng. Áp-ram rời khỏi đó và đến xứ Ca-na-an. Trong khi Ca-na-an chưa được khai hóa, kém cỏi và thờ thần tượng. Mục đích của Áp-ram đến Ca-na-an không phải là để tìm kiếm giàu sang của cải, nhưng Áp-ram đến đó vì vâng theo Lời Chúa.
Hãy xem điều gì xảy ra khi Áp-ram vâng lời Chúa, Sáng thế ký 12:7, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy! Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người.”
Áp-ram lập một bàn thờ cho Chúa, khi Ngài hiện ra cho ông lần thứ hai. Trong khi trước đó, lúc ở Cha-ran, Chúa không hiện ra cùng ông. Đối với dân sự của Đức Chúa Trời, bàn thờ không chỉ là nơi dâng tế lễ, mà bàn thờ còn tượng trưng cho mối tương giao với Đức Chúa Trời và kỷ niệm những cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ với Ngài. Bàn thờ được dựng bằng đá và đất, được tồn tại nhiều năm, để nhắc nhở liên tục cho con người nhớ đến sự che chở và lới hứa của Đức Chúa Trời.
Áp-ra-ham thường xuyên lập bàn thờ cho Chúa vì hai lý do: 1- Để cầu khẩn và thờ phượng. 2- Để nhắc nhở ông nhớ đến việc Đức Chúa Trời ban phước lành. Nhờ đó, đời sống của Áp-ra-ham thường xuyên được làm mới lại lòng yêu mến và trung tín với Đức Chúa Trời, qua việc lập bàn thờ để thờ phượng Chúa.
Một trong những lý do mà chúng ta không nhận được phước hạnh khi chúng ta đọc Kinh Thánh là vì chúng ta không sống trong sự sáng mà Chúa hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, thì phước hạnh sẽ đến. Chúng ta thấy trong từng trải của Áp-ram, Đức Chúa Trời không hiện ra cùng ông cho đến khi ông ra khỏi xứ và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài, Đức Chúa Trời hiện ra cùng ông. Sau đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Chúa. Áp-ram là một thợ xây bàn thờ.
Sáng thế ký 12:8, “Từ đó, người đi qua núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài.”
Áp-ram làm hai điều khi ông vào đất Ca-na-an. Ông dựng lều, dọn một chỗ ở. Sau đó ông lập bàn thờ. Tại đó ông làm chứng cho Đức Chúa Trời, bất cứ nơi nào ông đi đến, ông đều để lại lời làm chứng cho Chúa.
Bạn đang làm chứng cho Chúa bằng cách nào? Có phải gởi một tập giấy chứng đạo tại nhà người quen nào đó, hay dán chữ Chúa Giê-xu trước cửa nhà hay phía sau xe, và kể như làm chứng phải không? Đó chưa thực sự làm chứng cho Chúa đâu. Áp-ram thờ phượng Chúa cách yên lặng, nhưng qua hành động của ông, những người Ca-na-an xung quanh nhìn biết Áp-ram thờ phượng Đức Chúa Trời.
Sau đó Áp-ram đi xuống phía nam (Sáng thế ký 12:9).
Bây giờ chúng ta đến một điểm mờ trong đời sống đức tin của Áp-ram
ÁP-RAM YẾU ĐỨC TIN
Sáng thế ký 12:10, “Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém ấy lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều ngụ.”
Áp-ram ở trong đất được ban phước, Đức Chúa Trời không bảo Áp-ram rời nơi đó. Nhưng khi cơn đói kém đến trong khu vực ấy, Áp-ram dẫn vợ mình xuống Ê-díp-tô, ngày nay gọi là Ai-cập. Có thể là nạn đói càng ngày càng tệ hơn. Tại sao lại có cơn đói kém ở nơi Đức Chúa Trời vừa mới kêu gọi Áp-ram đến? Đây có thể là một thử thách đức tin cho Áp-ram. Áp-ram nghĩ là Ai-cập sẽ tốt hơn nên ông dẫn vợ mình xuống đó. Áp-ram không cầu hỏi ý chỉ và chờ đợi sự dẫn dắt của Chúa.
Hãy để ý, Đức Chúa Trời không bảo ông xuống đó. Khi Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram trước đó có nói cho ông biết, đất này là đất mà Đức Chúa Trời ban cho ông, ông sẽ được phước hạnh khi ở tại đây. Nhưng Áp-ram thiếu sự tin tưởng vào lời Đức Chúa Trời. Ông đi xuống đất Ai-cập. Theo Kinh Thánh, Ai-cập là bức tranh của thế gian. Chúng ta sẽ thấy điều đó trong suốt các đoạn về sau.
Ngày nay thế gian cũng đang lôi cuốn Cơ Đốc nhân trở vào đó bằng nhiều cách. Và một trong những cách nó thường nói: “Mọi người đều đi đến đó, còn các bạn sao không đi?” Thế gian đang lôi cuốn chúng ta đi theo số đông, theo điều gì mắt thấy, theo lợi lộc vật chất.
Có thể Áp-ram nghĩ rằng đi xuống Ai-cập là con đường đúng vì tại Ca-na-an đang đói kém. Ông có lý do tốt. Nhưng khi ông đến đó, ông gặp khó khăn ngay lập tức, liên hệ đến vợ là Sa-rai vì bà rất đẹp.
Sáng thế ký 12:11-12, “ Khi hầu vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đờn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống.”
Sa-rai là người phụ nữ rất đẹp, nhưng cho đến khi Áp-ram đi gần tới Ai-cập, ông mới âu lo về sự nguy hiểm có thể xảy ra cho Sa-rai. Vì thế ông nói với Sa-rai: “Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta.” (Sáng thế ký 12:13)
Áp-ram bảo Sa-rai vợ mình xưng là em gái, điều này Áp-ram chỉ nói dối có phân nửa, vì Sa-rai là em gái cùng cha khác mẹ của ông (Sáng thế ký 20:12), nhưng nói dối phân nửa có khi còn tệ hơn nói dối hoàn toàn, bởi vì người có ý muốn dối gạt. Áp-ram sợ Pha-ra-ôn lấy Sa-rai làm vợ. Áp-ram thiếu đi lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh này. Trong thời kỳ đó, trước khi cưới một người làm vợ phải có thời gian sửa soạn, và trong thời gian này Đức Chúa Trời ngăn cản, hành hạ Pha-ra-ôn và gia đình của vua, và nói cho Pha-ra-ôn không được lấy Sa-rai làm vợ.
Sáng thế ký 12:18-20, “Pha-ra-ôn bèn đòi Áp-ram hỏi rằng: Ngươi đã làm chi cho ta vậy? Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi? Sao đã nói rằng: người đó là em gái tôi? Nên nỗi ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây; hãy nhận lấy và đi đi. Đoạn, Pha-ra-ôn hạ lịnh cho quan quân đưa vợ chồng Áp-ram cùng hết thảy tài vật của người đi.”
Đức Chúa Trời thấy chúng ta đang ở đâu và làm gì, Ngài cũng thấy chúng ta đang gặp những khó khăn nào. Ngài đang canh giữ đời sống của Áp-ram và Sa-rai, Ngài bảo vệ họ và đem họ trở về. Nhưng Chúa không hiện ra với Áp-ram và Sa-rai khi họ đến xứ Ai-cập. Đức Chúa Trời biết hoàn cảnh mà chúng ta đang đối diện, hãy trình dâng hoàn cảnh mình cho Ngài và xin Ngài hướng dẫn. Vì không ai nhờ cậy nơi Ngài mà bị hổ thẹn bao giờ.
Chúng ta đã tìm hiểu phần đầu của đời sống Áp-ra-ham, ông là người được Đức Chúa Trời kêu gọi và ông đi theo Ngài với đức tin, trong bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp những bước tiến trong đời sống Áp-ra-ham.