Bài 20: Đức Chúa Trời Là Đấng Đang Tể Trị

1662

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong phần tổng quan Kinh Thánh, chúng ta đã đi qua những chương cuối của sách Sáng thế ký để học về cuộc đời của Giô-sép và từ đó rút ra các bài học dưỡng linh.

 

Giô-sép đã ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Khi còn ở trong gia đình, chàng bị các anh ghen ghét và âm mưu giết. Nhờ sự can thiệp của một người anh, Giô-sép bị đem qua Ai-cập và bị bán làm nô lệ. Tưởng chừng “hết cơn bĩ cực” nhưng anh lại bị vu oan là quấy nhiễu tình dục với bà chủ Phô-ti-pha. Trước lời cáo gian nầy, anh bị tống giam vào tù. Một thanh niên vừa mới lớn đã nếm quá nhiều đắng cay, phũ phàng trong cuộc sống. Giô-sép đã không làm điều gì nên tội để gánh chịu những điều nầy; song mọi sự xảy ra để Đức Chúa Trời được tôn vinh.  Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài ban phước cho Gia cốp. Cũng bởi chính ân điển đó, Ngài kêu gọi Giô-sép bước vào nhiều nỗi gian lao. Vì Đức Chúa Trời có chương trình đưa Giô-sép xuống Ai-cập, Ngài dùng mọi hoàn cảnh để chuẩn bị cũng như huấn luyện ông trở thành vị cứu tinh cho dân tộc của mình ra khỏi cơn đói kém, vì nó có nguy cơ dẫn đến sự tiêu diệt dân tộc nầy. Giô-sép đã được chuẩn bị và sẵn sàng để được Đức Chúa Trời dùng. Vào phần cuối của câu chuyện, chính Giô-sép đã  bày tỏ nhận thức nầy.

 

Giô-sép hoàn toàn tin vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên đời sống của ông. Giô-sép đã bày tỏ điều đó qua Sáng thế ký chương 45 từ câu thứ năm 5

 

Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.

 

Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em.

 

Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời; Ngài dường đặt tôi làm cha Pha-ra-ôn, cai quản cả nhà người, vì trị khắp xứ Ê-díp-tô.

 

Các anh hãy mau mau trở về cha tôi đi, và nói với người rằng: Giô-sép, con của cha, có nói như vầy: Đức Chúa Trời đã đặt tôi làm chúa cả xứ Ê-díp-tô, cha hãy xuống với tôi; xin đừng chậm trễ, cha, các con, các cháu, các chiên, bò cùng tài vật của cha sẽ ở tại xứ Gô-sen gần tôi đây.

 

Đối với Giô-sép thì không có gì sai lầm trong chương trình của Đức Chúa Trời trên đời sống của ông. Ông tin tưởng tuyệt đối rằng Chúa tể trị trên mọi sự do đó ông nói với các anh của mình rằng, “Không phải các anh đã đưa tôi đến Ai-cập, nhưng là Chúa”.

 

Sách Sáng thế ký kết thúc bằng cách ghi lại việc định cư của đại gia đình Gia-cốp tại đất Ai-cập . Từ đó, chúng ta bước sang sách thứ hai của Kinh Thánh đó là sách Xuất Ê-díp-tô ký. Giô-sép và những diễn biến chung quanh cuộc đời ông cung cấp cho chúng ta bối cảnh lịch sử của sách Xuất Ê-díp-tô ký. Sách Sáng thế ký nói về những con người đặc biệt được sinh ra, được đặt tên, được cứu thoát khỏi cơn đói kém. Cả Kinh Thánh xoay quanh những con người nầy. 11 chương đầu của sách Sáng thế ký nói về lịch sử của trời đất, muôn loài vạn vật. Đến cuối chương 11 và bắt đầu chương 12, Áp-ra-ham một con người đặc biệt xuất hiện. Có thể mở ngoặc tại đây mà nói rằng, 1178 chương còn lại của Kinh Thánh đề cập về Áp-ra-ham và con cháu của ông, nhất là một người ra từ dòng dõi của ông để qua đó mà cả nhân loại được ban phước. Người đó chính là Chúa Giê-xu Christ.  

 

Cả Kinh Thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên. Tại sao người Y-sơ-ra-ên lại vô cùng quan trọng như vậy? Bởi vì, khi Đức Chúa Trời quyết định giáng thế làm người, Ngài không đến như là ngươi da đen, da trắng, da vàng hay da đỏ. Chúa tạo nên những con người đặc biệt, để qua đó, Ngài hiện thân làm người. Những con người đặc biệt nầy chính là người Hê-bơ-rơ, còn gọi là người Y-sơ-ra-ên hay người Do-thái. Nếu ai có quyền tự hào về nguồn gốc của mình thì đó là người Do-thái, vì Thượng đế thành người qua dân tộc nầy.

 

Khi tổng quan về Cựu ước, chúng ta xem xét sự phát triển của dân tôc đặc biệt nầy. Áp-ra-ham là tổ phụ của họ, người khai sinh dân tộc nầy. Gia-cốp đặt cho họ tên Y-sơ-ra-ên; còn Giô-sép giải cứu họ ra khỏi cơn đói kém. Giô-sép là một bức tranh về Chúa Cứu thế khi ông giải cứu họ khỏi đói kém và tuyệt chủng. Sáng thế ký kết thúc bằng lời nhắn nhủ Giô-sép với các anh rằng, hãy đem cha già và hết cả gia đình xuống tại Ai-cập  để sống với ông.

 

Vào thời điểm phôi thai nầy, quốc gia Y-sơ-ra-ên được hình thành dầu chỉ có 12 gia đình ở tại Ai-cập  mà thôi. Giữa sách Sáng thế ký và sách Xuất Ê-díp-tô ký là khoảng thời gian 400 năm. Đó là một thời gian dài. Xuất Ê-díp-tô ký chương 1 cho biết rằng, dân Y-sơ-ra-ên đã sinh sản và trở nên đông đúc. Dân số của họ phát triển quá nhanh chóng đến nỗi Pha-ra-ôn xem họ như là một sự đe dọa. Ông quyết định biến họ trở thành những con người nô lệ. Bốn trăm năm sau sách Sáng thế ký, Y-sơ-ra-ên đã trở thành một nhóm gồm những người nô lệ ô hợp. Họ chưa có cơ cấu của một quốc gia. Đức Chúa Trời muốn họ trở thành một quốc gia độc lập. Do đó, Xuất Ê-díp-tô ký đã ghi lại những gì mà Ngài đã làm để hình thành quốc gia Y-sơ-ra-ên.

 

Chúng ta cần nhận thức tầm quan trọng về lịch sử phát triển của nhóm người đặc biệt nầy, được trình bày một cách khái quát như sau: sự khai sinh và cội nguồn của dân Y-sơ-ra-ên là Đức Chúa Trời. Ngài đã tạo nên dân tộc đặc biệt nầy, đưa họ vào trong thế giới để hoàn thành các mục đích của Ngài. Mục đích tối hậu là qua họ mà Đức Chúa Trời giáng thế làm Đấng Cứu tinh của nhân loại.

 

Đức Chúa Trời là cội nguồn của họ. Truy nguyên thì họ phát xuất từ A-đam như Sáng thế ký chương 1 đến chương 3 cho biết. A-đam chính là tổ tiên của họ. Từ dòng dõi A-đam, Chúa đã chọn Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp để làm tổ phụ của họ. Dân Y-sơ-ra-ên đã được thai nghén và phát triển từ các vị tộc trưởng nầy. Thành ngữ “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp” được lặp đi lặp lại trong Tân ước cũng như Cựu ước. Đức Chúa Trời muốn dùng thành ngữ nầy để nhắc họ về cách mà Chúa đã tạo lập quốc gia của họ. Đất nước họ đã bắt đầu với 3 vị tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia cốp. Cho đến cuối sách Sáng thế ký, có 12 gia đình hay 12 chi phái định cư tại Ai-cập.

 

Mở đầu sách Xuất Ê-díp-tô ký, nhóm người nầy chưa hình thành một quốc gia, dẫu vậy họ đã phát triển từ 12 chi phái trở nên nhóm người đông đảo. Nhưng  đám người nô lệ không phải là một quốc gia. Nếu Đức Chúa Trời muốn phát triển họ thành một quốc gia, thì điều đầu tiên họ cần là người lãnh đạo. Sách Xuất Ê-díp-tô ký chép về một nhà lãnh đạo kiệt xuất trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Người đó chính là Môi-se. Ông đã được kêu gọi và ủy nhiệm để làm nhà lãnh đạo vĩ đại của dân Y-sơ-ra-ên.  Đây là bước đầu tiên đúng đắn để xây dựng một quốc gia độc lập.

 

Một trong những khó khăn lớn lao nhất khi Môi-se lãnh đạo đám người nô lệ nầy, đó là họ không có luật lệ phép tắc gì cả. Họ không có cơ chế điều hành quốc gia. Bởi vậy, Môi-se đã lên núi Si-nai 3 lần, dành 40 ngày để kiêng ăn, cầu nguyện. Môi-se thưa với Chúa, “Lạy Chúa, con cần luật pháp để cai trị dân sự nầy.”  Quý vị thử tưởng tượng, làm thế nào để cai trị hai ba triệu người mà không có luật pháp gì cả. Song, đây là tình hình trong buổi giao thời giữa Sáng thế ký và Xuất Ê-díp-tô ký.

 

Khi học về sách Xuất Ê-díp-tô ký, điều trước tiên chúng ta cần quan tâm đó là con người. Phần lịch sử của Cựu ước nói về con người. Sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi lại sự phát triển của một nhóm người đặc biệt để qua họ, Đức Chúa Trời đến với con người. Ngay trong những trang đầu của sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta thấy hai nan đề của người Y-sơ-ra-ên. Thứ nhất là họ ở tại Ai-cập , và thứ hai họ là những người nô lệ. Đức Chúa Trời không muốn dân sự của Ngài sống kiếp nô lệ. Bởi vậy, vấn đề quan trọng mà sách Xuất Ê-díp-tô ký đề cập đến là làm thế nào để giải phóng họ ra khỏi tình trạng nô lệ.

 

Xuất Ê-díp-tô ký nghĩa là “ra khỏi Ê-díp-tô” hay “ra khỏi Ai-cập”. Vậy, con đường thoát khỏi cảnh nô lệ đọa đày nầy là gì?

 

Sách Xuất Ê-díp-tô ký là một tài liệu lịch sử; đồng thời, nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng. Xuyên suốt Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy rằng, con đường giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ trong sách Xuất Ê-díp-tô ký nói về một nan đề mà chúng ta đối diện ngày hôm nay. Ví dụ, nhiều chương trong sách Giăng ghi lại sự giảng dạy của Chúa Giê-xu. Chương 8:30 chép rằng, “Khi Ngài phán những lời đó xong thì nhiều người tin Ngài.” Chúa Giê-xu quay sang những người vừa mới bày tỏ lòng tin nơi Ngài và phán với họ rằng,

 

“Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

 

Một số người đáp lại, “Thầy có ý gì khi nói rằng ‘Các ngươi sẽ trở nên tự do’, chúng tôi chưa làm nô lệ cho ai cả.” Chúa Giê-xu trả lời rằng, “Các ngươi là những người nô lệ, ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Bất cứ ai miệt mài trong tội, không làm điều tốt mình muốn làm, không thể làm điều mình phải làm thì người đó không có sự tự do.” Chúa Giê-xu khẳng định rằng, Ngài là chân lý và họ sẽ biết Chúa khi họ có mối liên hệ với Ngài. Chúa Giê-xu phán rằng, “Khi Ta giải phóng các ngươi, các ngươi sẽ được tự do thật.”

 

Sự tự do thoát khỏi xiềng xích và nô lệ của tội lỗi là ý nghĩa biểu tượng của sách Xuất Ê-díp-tô ký. Sách Xuất Ê-díp-tô ký cung cấp cho chúng ta giải pháp cho nan đề của dân sự Đức Chúa Trời về mặt lịch sử. Nan đề đó chính là kiếp nô lệ và sách Xuất Ê-díp-tô ký cho biết Đức Chúa Trời đã giải quyết tình trạng nầy như thế nào. Vậy con đường thoát ra khỏi Ai-cập  là gì? Con đường thoát ra khỏi kiếp nô lệ là gì? Kinh Thánh trả lời, Đức Chúa Trời là con đường giải thoát; chính Chúa là câu trả lời cho các nan đề.

 

Con đường thoát khỏi tội lỗi của bạn và tôi là gì? Làm thế nào để chúng ta được giải phóng ra khỏi tội lỗi? Sách Xuất Ê-díp-tô ký trình bày các nguyên tắc của sự giải cứu, dựa vào đó mà dân sự của Đức Chúa Trời đã được giải cứu. Cũng những nguyên tắc đó được áp dụng cho chúng ta hôm nay. Nó chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để được giải thoát khỏi xiềng xích và thống trị của tội lỗi. Nó cũng dạy cho chúng ta biết các chân lý có thể buông tha chúng ta ra khỏi tội lỗi.

 

Lần đến, chúng ta sẽ tiếp tục học sách Xuất Ê-díp-tô ký. Xin bắt đầu đọc các sách đó hôm nay. Trong khi đọc hãy trả lời 3 câu hỏi quan trọng sau: “Kinh Thánh nói điều gì? Điều đó có nghĩa gì? Và điều đó có nghĩa gì đối với tôi? Hay làm thế nào để áp dụng các điều nầy vào đời sống của tôi?

 

Bài trướcBài 20: Đức Chúa Trời Kêu Gọi Áp-Ra-Ham
Bài tiếp theoBài thứ 176: Đức Tin