Bài 1: Kinh Thánh Là Gì ? (Phần 1)

12382

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Hoan nghinh quí vị đến với chương trình Thánh Kinh Lược Khảo. Việc theo đuổi chương trình này được ví như chúng ta cùng tham gia cuộc hành trình chung với nhau. Chúng ta sẽ cùng học toàn bộ Kinh thánh, Cựu ước và Tân ước. Xin sắp xếp để tham gia khóa học với chúng tôi, đồng thời quí vị cũng mời người khác cùng dự khóa học này.

 

Chúng ta sẽ học 66 sách trong Kinh thánh một cách tổng quát. Khi lược khảo 66 sách của Kinh thánh, chúng ta lần lượt tìm hiểu các vấn đề sau:

 

Thứ nhất                    : Nội dung từng sách của Kinh thánh.

Thứ hai                      : Bố cục của sách.

Thứ ba                    : Điều quan trọng hơn chính là sứ điệp bồi linh của từng sách; hay nói rõ hơn, đó là sự áp dụng thực tiễn của Kinh thánh vào đời sống hằng ngày.

 

Khóa học này được soạn thảo cho các tín hữu. Tôi tin rằng tiềm năng của Hội thánh tập trung nơi những tín hữu bình thường nầy. Sứ đồ Phao lô chia sẻ khải tượng đó với chúng ta khi ông dạy trong Êphêsô 4:12 rằng: Mục đích của chúng ta khi nhóm hiệp lại là để trang bị cho nhau, hầu phát triển công việc Chúa và gây dựng thân thể Đấng Christ. Công việc Chúa được ủy thác cho các thánh đồ là những người bình thường; và nếu muốn thấy công việc Chúa được phát triển, chúng ta cần trang bị cho các tín hữu. Nếu tại một Hội thánh mà công việc Chúa chỉ tập trung vào Mục sư, Ban trị sự hoặc chỉ một vài người nòng cốt thì Hội thánh đó không thể phát triển mạnh được.  Mục đích của khóa học nầy là trang bị nền tảng Kinh thánh cho các tín hữu, để họ chia sẻ niềm tin một cách hữu hiệu hơn trong cuộc sống hằng ngày. Khi được trang bị đầy đủ, họ sẽ mạnh dạn để chia sẻ niềm tin cho những người thân trong gia đình, cho bạn hữu và cho bà con lối xóm. Đặc biệt, chương trình này cũng giúp trang bị cho các nhân sự trong Hội thánh, các giáo viên Trường Chúa nhật và những người khác đang phục vụ trong Hội thánh bằng cách cung cấp cho họ sự hiểu biết căn bản về Kinh thánh.

 

Để bắt đầu, tôi xin được nhắc rằng khóa học sẽ mang lại kết quả lớn lao nếu quí vị cố gắng làm các bài tập sẽ được thông báo. Sứ đồ Phaolô dạy, chỉ có một cách tránh sự bỡ ngỡ khi phải đối diện với các vấn nạn trong Kinh thánh đó là phải học hỏi Kinh thánh. Điều này có nghĩa: cách duy nhất để thực sự hiểu Kinh thánh đó là học Kinh thánh. Nói rõ hơn, quí vị hãy quyết định không bỏ qua một bài học nào, nghiên cứu và hoàn thành các bài tập sẽ được cho.

 

Khóa học nầy sẽ rất bổ ích cho những ai đang hoạt động trong các công trường thuộc linh cũng như lãnh vực truyền giáo. Nếu ao ước được phục vụ Chúa hữu hiệu hơn, quí vị sẽ ham thích để đi sâu hơn trong sự học hỏi Lời của Ngài.

 

Tôi cũng xin phép được trình bày vài điều cần phải có khi chúng ta bắt đầu khóa học nầy. Bất cứ ai hành nghề cũng cần có dụng cụ; đồng thời, cũng phải biết cách sử dụng nó. Những người thợ mộc, thợ nề, nha sĩ, bác sĩ… đều có dụng cụ hành nghề. Họ cũng phải biết cách sử dụng các dụng cụ như thế nào nữa. Tương tự, để việc học hỏi lời Chúa có kết quả, quí vị cần có các dụng cụ hay các sách tham khảo sau đây:

 

Trước hết, đó là Kinh thánh. Tôi xin đề nghị quí vị nên có một cuốn Kinh thánh được đóng chắc chắn; nếu không thì sau một thời gian lật qua lật lại, nó sẽ bị rách nát và không thể dùng được nữa. Xin đừng ngần ngại mà đánh dấu trong Kinh thánh, nếu có thể được xin dùng những màu sắc khác nhau khi đánh dấu. Điều nầy hữu ích vì nó giúp quí vị nhớ lại những ý đã học cũng như những phân đoạn quan trọng. Làm được như vậy, quí vị sẽ rất quen thuộc với cuốn Kinh thánh của mình. Bên cạnh cuốn Kinh thánh Tân Cựu ước hiện đang lưu hành phổ thông, quí vị có thể đối chiếu với các bản dịch khác. Khi đối chiếu giữa các bản dịch với nhau, nhất  là ở những chỗ khó hiểu, sẽ giúp chúng ta hiểu Kinh thánh rõ hơn.

 

Tiếp theo là Thánh Kinh tự điển.  Đây là cuốn sách giải thích từng nhân vật, địa điểm hay các sự việc trong Kinh thánh. Chẳng hạn, nếu muốn tìm hiểu về Vua Đa vít, Thánh kinh Tự điển sẽ tổng hợp những chi tiết liên quan về Đa vít; và từ đó, giúp cho quí vị có cái nhìn tổng quát về vị Vua nầy. Hoặc nếu có dịp tham quan vùng Đất Thánh và có Thánh Kinh tự điển trong tay, quí vị có thể hiểu biết cặn kẽ về từng địa danh của vùng Đất Thánh.

 

Thứ ba là Thánh kinh Phù dẫn. Thánh kinh phù dẫn là cuốn sách liệt kê từng chữ, từng câu có cùng chung một ý trong Kinh thánh và cho chúng ta biết địa chỉ của nó.  Nếu quí vị đặt câu hỏi với các học giả Kinh thánh rằng: “Nếu ông bị lạc trên một hoang đảo và chỉ có thể mang theo một cuốn sách ngoài Kinh thánh, thì đó sẽ là cuốn gì?” Nhiều người sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: “Thánh kinh Phù dẫn”. Trước tiên, Thánh kinh Phù dẫn hết sức có giá trị bởi vì quí vị có thể học Kinh thánh theo chủ đề. Quí vị có thể tìm thấy trong Thánh kinh Phù dẫn về bất cứ một ý niệm hay chủ đề nào trong Kinh thánh; nó sẽ cho chúng ta biết địa chỉ của chữ đó từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền. Ví dụ, khi muốn học về đề tài bình an, quí vị có thể lật đến trang có liệt kê chữ bình an và tìm thấy tất cả những câu Kinh thánh có chữ bình an.  Điều nầy giúp quí vị có cái nhìn bao quát và nhanh chóng về chủ đề cần nghiên cứu. Đó là lý do tại sao các học giả Kinh thánh rất ưa chuộng Thánh kinh Phù dẫn.

 

Một lý do khác khiến Thánh kinh Phù dẫn rất quí báu, đó là nó giúp quí vị xác định địa chỉ của các câu Kinh thánh. Nếu người nào hỏi quí vị, “Trong Kinh thánh chỗ nào chép lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác?” Quí vị có thể lật ra những phần chép về lòng tham, hoặc tiền bạc, hoặc cội rễ  hoặc điều ác và nhanh chóng xác định địa chỉ của câu Kinh thánh liên quan đến chủ đề trên.

 

Cuối cùng là Thánh kinh giải nghĩa. Đây là sách tham khảo rất tốt giúp quí vị hiểu Kinh thánh cặn kẽ hơn. Các tập cẩm nang của chúng tôi giống như cuốn giải nghĩa Kinh thánh nhỏ. Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được các tập sách nầy vì nó rất quan trọng giúp quí vị học, hiểu và rồi dạy lại cho người khác. Chắc chắn có một lúc nào đó, khi người khác hỏi về Kinh thánh, quí vị muốn mình có thể trả lời một cách chính xác.

 

Trong các sách Phúc âm, Chúa Giê xu hiện ra với các vị sứ đồ sau khi Ngài sống lại và chia sẻ với họ những dữ kiện về Kinh thánh. Bởi việc đó mà điều kỳ diệu sau đây đã được Kinh thánh ghi lại: “Lần đầu tiên trong cuộc đời, họ hiểu Kinh thánh”. Những dữ kiện về Kinh thánh mà Chúa Giê xu đã chia sẻ với các vị sứ đồ đã khiến họ hiểu Kinh thánh. Trong tinh thần đó, tôi xin phép được chia sẻ vài dữ kiện về Kinh thánh; và hy vọng rằng, những dữ kiện nầy giúp quí vị hiểu Kinh thánh. Trước tiên, xin chúng ta hãy suy nghĩ về định nghĩa của Kinh thánh. Kinh thánh là gì?

 

Chữ Kinh thánh gồm hai chữ Kinh và Thánh. Chữ Kinh đến từ chữ “biblia” có nghĩa là một bộ gồm nhiều cuốn sách chớ không phải một cuốn. Kinh thánh là tuyển tập gồm 66 sách.

 

Vì sao lại tuyển tập nầy được gọi là thánh?  Chữ thánh chỉ những điều “thuộc về Đức Chúa Trời” hay “đến từ Đức Chúa Trời” hay “có liên hệ với Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Trời là cội nguồn. Đây chính là ý niệm của chữ “thánh”. Theo đó “thánh” với ý nghĩa chính là chỉ điều thuộc về Đức Chúa Trời. Sở dĩ, bộ 66 sách được gọi là thánh vì nó xuất phát từ Đức Chúa Trời và thuộc về Đức Chúa Trời. Nó chứa đựng thông điệp của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Điều này khiến Kinh thánh trở nên cuốn sách quan trọng nhất trên thế giới. Đó là lý do vì sao chúng ta sẽ học cuốn sách nầy. Kinh thánh chính là cuốn sách của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

 

Cuốn sách này cũng được xem là Lời của Đức Chúa Trời. Vì sao chúng ta nói rằng đây là lời của Đức Chúa Trời? Xin hãy lắng nghe lời của sứ đồ  nói về Kinh thánh. II Ti mô thê 3:16,17: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình,hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” Qua hai câu Kinh thánh nầy, Sứ đồ Phao lô muốn nói rằng, Đức Chúa Trời có một sứ điệp mà Ngài muốn truyền đạt cho con người; và để truyền đạt sứ điệp đó, Chúa đã cảm động khoảng 40 trước giả để viết nên Kinh thánh. Các trước giả đã được cảm động để những lời họ viết ra không phải là của họ, nhưng là lời của Đức Chúa Trời. Kinh thánh đã được viết trong suốt thời gian khoảng 1500 năm đến 1600 năm. Các tác phẩm của họ đã trở nên tập sách mà ngày nay chúng ta gọi là Kinh thánh. Trong bài đến, chúng ta sẽ tiếp tục phần dẫn nhập “Sự học hỏi quan trọng nhất”, đó là học hỏi lời Đức Chúa Trời.

 

Bài trướcNgày Cơ Đốc Giáo Dục Tại Hội Thánh Tin Lành An Lạc Tây.
Bài tiếp theoBài 2: Kinh Thánh Là Gì ? (Phần 2)