Bài 2: Kinh Thánh Đến Từ Đức Chúa Trời

3692

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong chương trình vừa qua, tôi đã chia sẻ cho quý vị biết Kinh thánh là quyển sách quan trọng nhất và độc đáo nhất vì Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng làm thế nào chúng ta biết được Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời? Đây là câu hỏi cần được nêu lên và trả lời. Có năm cách để chúng ta biết Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời.

 

1- Kinh thánh tồn tại

 

Một trong những bằng chứng cụ thể, bằng chứng bên ngoài, đó là sự tồn tại của Kinh thánh. Trước đây, trong nhiều thế kỷ, nhiều vị vua, những người cầm quyền, những người có niềm tin khác, những người chống đối Kinh thánh đã xé Kinh thánh, đốt Kinh thánh. Ngày nay những người chống đối Kinh thánh vẫn còn tiếp tục hoạt động, họ cố gắng đẩy Kinh thánh ra khỏi trường học, khỏi chính quyền và khỏi tổ chức của mình. Dầu Kinh thánh bị chống đối rất dữ dội, nhưng Kinh thánh vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Còn hơn thế nữa, Kinh thánh là quyển sách bán chạy nhất. Kinh thánh được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới và hiện diện tại hầu hết các quốc gia. Đó là bằng chứng thực tế và hiển nhiên.

 

Theo như bảng tường trình của Hiệp Hội Kinh thánh trong năm 1999 có 627 triệu quyển Kinh thánh được phân phối. Cho đến nay Kinh thánh được dịch ra hằng ngàn thứ tiếng trên toàn thế giới. Các hội dịch thuật Kinh thánh hiện nay cố gắng tiếp tục dịch Kinh thánh ra tiếng của những sắc tộc hay các bộ lạc ít người.

 

Cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Lời Kinh thánh được dịch ra tiếng Việt gần 100 năm trước đây, tôi mong ước quý vị tìm mua một quyển Kinh thánh để đọc.

 

Sự tồn tại kỳ diệu của Kinh thánh nói lên giá trị của Kinh thánh nhiều hơn điều chúng ta có thể suy tưởng.

 

Tác giả sách Thi thiên viết, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Lời Ngài được vững lập đời đời trên trời.” (Thi thiên 119:89). Sứ đồ Phi-e-rơ trích lời của tiên tri Ê-sai, “Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng Lời Chúa còn lại đời đời.” (I Phi-e-rơ 1:24)

 

2- Khảo cổ học

 

Một phương cách khác nữa chúng ta có thể biết Kinh thánh thật sự là Lời của Đức Chúa Trời là qua khảo cổ học. Việc đào bới của các nhà khảo cổ đã đem lại nhiều bằng chứng cho thấy rằng Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ đào bới và tìm thấy bằng cớ về bức tường của thành phố Giê-ri-cô bị sụp đổ. Năm 1929-1936 Tiến sĩ John Garstang, Giám đốc Anh quốc khảo cổ viện tại Giê-ru-sa-lem, kiêm giám đốc khảo cổ viện xứ Palestine đã đào bới di tích thành Giê-ri-cô, ông thấy đồ gốm và những di tích của thành. Bức tường thành đã sập, thành có hai vách cách nhau chừng 5 mét, vách ngoài dày gần hai mét, vách trong dày gần bốn mét, cả hai cao gần mười mét. Hai vách thành này xây không chắc chắn lắm, được xây bằng gạch dày 10 phân, dài từ 30-60 phân, trét hồ bùn. Hai vách thành được nối liền bởi những nhà xây trên chót vách, như nhà của Ra-háp. Tiến sĩ Garstang nhận thấy vách thành phía ngoài đổ ra ngoài, trút xuống sườn đồi, kéo theo vách phía trong luôn với nhà cửa, vì dọc theo sườn đồi lớp gạch dần dần mỏng hơn. Vách làm nền cung điện gồm bốn lớp đá chồng lên nhau, vẫn còn ở nguyên vị trí, nhưng nghiêng ra phía ngoài. Tiến sĩ Garstang cho rằng có những dấu tích tỏ ra vách thành đã bị cơn động đất lay đổ, và chúng ta có thể thấy vết tích của cơn động đất này giống như những gì Kinh thánh chép.

 

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng khảo cổ học cho biết sự chính xác của Kinh thánh. Nhiều bản viết tay cũng được tìm thấy, như trường hợp rất đặc biệt là các cuộn giấy da của tiên tri Ê-sai. Vào năm 1947 tại Ain Fashkha, cách thành Giê-ri-cô bảy dặm về phía nam, và cách Biển Chết một dặm về phía Tây, một số người Ả Rập du mục chở hàng hóa từ thung lũng sông Giô-đanh tới làng Bết-lê-hem, đang khi tìm một con dê lạc mất tại một dòng suối cạn đổ vào Biển Chết, bỗng tới cái hang bị sụp đổ một phần, trong đó họ tìm thấy một số bình vỡ có những cuộn sách để lộ một góc ra ngoài. Nhóm người Ả Rập bèn kéo các cuốn sách ra, và đem giao cho nữ tu viện thánh Mác của giáo hội chánh thống phái Sy-ri tại Giê-ru-sa-lem, sau đó những người phụ trách nơi đây giao cho Mỹ quốc Đông phương khảo cứu học viện để xem xét giá trị. Người ta nhận ra một trong những sách này là sách Ê-sai chép cách đây gần hai ngàn năm. Thật là một sự phát hiện lạ lùng.

 

3- Ứng nghiệm lời tiên tri

 

Nếu ngày hôm nay tôi được hỏi, điều gì có thể xác chứng Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, quý vị nghĩ là tôi sẽ nói gì? Tôi sẽ nói đó là sự ứng nghiệm lời tiên tri. Sự ứng nghiệm lời tiên tri là bằng chứng mà chúng ta không khước từ hay đảo lộn được. Có rất nhiều lời tiên tri trong Kinh thánh, một phần tư Kinh thánh là lời tiên tri. Lời tiên tri báo trước về những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Các lời tiên tri này được ứng nghiệm nhiều hơn những gì người ta tưởng. Chúng ta thấy rằng nhiều lời tiên tri được ứng nghiệm cách chính xác. Chúng ta thấy có những lời tiên tri được ứng nghiệm ngay trong thời của người tiên tri. Thí dụ như tiên tri Mi-chê nói vua A-háp rằng, nếu vua đi đánh trận như dự định thì vua sẽ thất trận và bị giết. Nhưng có nhiều tiên tri giả của vua nói rằng, vua sẽ thắng trận và trở về cách vinh quang. Bởi vì vua A-háp không thích nghe những gì tiên tri Mi-chê nói, nên ra lệnh nhốt ông và truyền ban cho đồ ăn nước uống chờ ngày vua trở về. Nhưng Mi-chê nói thêm lời chót rằng, “Nếu vua trở về thì Lời Chúa không phán với tôi.” Thật vậy, Chúa đã nói qua Mi-chê và vua A-háp đã không trở về. Vua bị giết trong chiến trận và quân đội của vua bị bại trận. (II Các vua 22).

 

Tiên tri Ê-sai nói về một nữ đồng trinh sẽ sanh một con trai hơn 700 năm trước, và đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Cũng như hơn ba trăm lời tiên tri về đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu liên hệ sự sanh ra, lớn lên, đi giảng đạo, bị đóng đinh và chịu chết trên cây thập tự, sự sống lại… tất cả những điều này đều được ứng nghiệm. Thật là điều kỳ diệu, vì con người không thể nào đoán trước được như vậy.

 

Sách Tin lành Lu-ca 4:16-21 chép rằng, “Đức Chúa Giê-xu đến thành Na-xa-rét là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen nhằm ngày sa-bát, Ngài vào nhà hội đứng dậy và đọc. Có người trao sách tiên tri Ê-sai cho Ngài, Ngài mở ra, gặp chỗ có chép rằng: Thần của Chúa ngự trên ta, Vì Ngài xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo. Ngài đã sai ta để rao cho kẻ cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ hà hiếp được tự do, Và đồn ra năm lành của Chúa.

Đoạn Ngài xếp sách, trả lại cho người giúp việc, rồi ngồi xuống; mọi người trong nhà hội đều chăm chỉ ngó Ngài. Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm Lời Kinh thánh mà các ngươi vừa nghe đó.” Lời tiên tri đó là của Ê-sai 61:1.

 

Chúa nói với dân sự Ngài rằng, họ có thể phân biệt được tiên tri giả và tiên tri thật. Một tiên tri trước nhất nói đến những việc thuộc về địa phương và khi những lời tiên tri này được ứng nghiệm thì họ mới được tin cậy để nói tiên tri những điều liên quan đến tương lai. Chúng ta thấy ngày nay những lời tiên tri cho nước Ty-rơ, Si-đôn đã ứng nghiệm như thế nào. Nước Ai-cập ngày nay ở trong hoàn cảnh đúng với những gì mà Chúa đã nói trước đây. Tất cả những điều này thật là kỳ diệu phải không quý vị. Sự ứng nghiệm lời tiên tri là một trong những bằng chứng lớn nhất rằng Kinh thánh thật sự là lời của Đức Chúa Trời.

 

Con người không thể nào đoán đúng được như vậy. Thí dụ như khi chúng ta nghe dự báo thời tiết, đang là mùa hè, tôi nói rằng, ngày mai sẽ có mưa, như vậy tôi có 50% đúng, vì một là mưa, hai là nắng, nhưng khi tôi nói thêm rằng, mưa khởi sự lúc 9 giờ sáng, thì cơ hội đúng của tôi từ chỗ phân nửa chỉ còn 1/4 tức là 25%, nhưng tôi nói thêm là mưa sẽ kết thúc 2 giờ chiều thì cơ hội đúng của tôi giảm xuống thêm phân nữa còn 12,5%. Quý vị tưởng tượng cơ hội dự đoán thời tiết của tôi có thể đúng được bao nhiêu? Thật tôi không thể nào nói đúng được.

Nhưng thưa quý vị, Lời Chúa thật chính xác. Đối với tôi đó là bằng chứng mạnh mẽ rằng Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời, không chi có thể so sánh được. Lời tiên tri trong Kinh thánh đã được ứng nghiệm và sẽ tiếp tục ứng nghiệm.

 

4- Đời sống người tin Kinh thánh được thay đổi

 

Thêm một bằng chứng nữa cho thấy Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, đó là Kinh thánh thay đổi đời sống người tin nhận Chúa, cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Tôi đã từng thấy Lời của Chúa thay đổi đời sống của những người nam, người nữ. Tôi đang suy nghĩ về một người hiện đang theo dõi chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh này, rất có thể người này đang có khó khăn, có nhiều khủng hoảng, có nhiều tội lỗi nữa. Và khi học chương trình này và người này tin tưởng vào Lời của Chúa thì đời sống của người ấy chắc chắn sẽ được thay đổi. Đời sống của chính tôi đã được thay đổi khi tôi nghe giảng về Tin lành hơn 30 năm trước đây.

 

Có một người đọc Kinh thánh cách thường xuyên, nhưng sau đó trở nên người chống đối và giận dữ, ông kể lại rằng, ông rất tức giận khi đọc đến sách Rô-ma, trong đó nói ông là tội nhân. Ông muốn gặp người soạn bài này và đánh vào mặt. Nhưng cuối cùng người này thay đổi và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thật hết sức kỳ diệu khi Chúa thay đổi đời sống của người bạn này. Tiếp tục như thế với những lời chứng tương tự. Người già, người trẻ tìm được ý nghĩa của đời sống, hôn nhân được cứu vãn, gia đình gãy đổ được xây dựng lại, nhiều người được giải cứu khỏi tình trạng nghiện thuốc, nghiện rượu. Rất nhiều đời sống được thay đổi qua việc nghe Lời Chúa mà trở lại tin nhận Chúa Cứu Thế.

 

Có vị mục sư kể lại rằng, khi ông ta mới học xong chủng viện, và trở thành người giảng, đề tài ông rất thích giảng là bênh vực cho Tin lành, ông cố sức bảo vệ Kinh thánh, ý tưởng và bài giảng của ông đều xoay quanh đề tài này. Ông tự hào là ông có đủ câu trả lời cho các câu hỏi của những người chống đối Kinh thánh, nhưng sau đó ông nhận thức rằng, người hỏi trở nên thù nghịch với ông, và ông không dẫn đưa họ đến cùng Chúa. Vì thế ông bỏ đi lối tranh luận, nhưng để Lời Chúa làm việc thay đổi đời sống của người nghe.

 

Chúa Giê-xu nói, “Hột giống đạo là Lời của Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 8:11). Khi hạt giống đạo này được gieo trong lòng người mềm mại thì nó sẽ mọc lên và kết quả, như là: sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.

 

Tác giả Thi thiên đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi thiên 119:105). Con người là khách hành hương đi trên con đường không quen thuộc và khó khăn. Chúng ta cần có ánh sáng để chỉ dẫn lối đi, và một ngọn đèn soi sáng mặt đất để bước đi, nhờ đó mà người có Lời Chúa tránh được những hầm hố, cạm bẫy trong cuộc đời.

 

Thánh Phao-lô nói, “…và cầm gươm của Thánh Linh là Lời của Đức Chúa Trời.” Lời của Đức Chúa Trời là thanh gươm mà Đức Thánh Linh dùng để thuyết phục, tái sanh và làm nên thánh. Với Lời Kinh thánh, Thánh Linh sẽ an ủi những tấm lòng đau khổ, và đem lại can đảm cho những cho ai đang tuyệt vọng. Cũng nhờ Lời của Chúa mà những người theo Ngài đã chống trả thành công những cám dỗ của tội lỗi.

 

5- Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm cho Lời Chúa trở nên hiện thực

 

Lý do sau cùng để biết Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời là bởi vì Lời Chúa trở nên hiện thực trên chính đời sống của tôi. Tôi biết được Lời Chúa vì Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã làm cho lời Kinh thánh trở nên rất thực trong lòng tôi. Như sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện cho người Cô-lô-se rằng, “Xin Đức Chúa Trời ban cho anh em, được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa.” (Cô-lô-se 1:9)

 

Sách Hê-bơ-rơ 4:12 chép, “Vì Lời của Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”

 

Tôi có nghe về vợ chồng của ông bà gần 70 tuổi, bà đã tin nhận Chúa nhiều năm trước, còn ông thì chưa tin. Đời sống của bà được sự bình an trong lòng, vì tin cậy Chúa và Lời của Chúa, trong khi ông không có bình an. Bà thường khuyên ông hãy tin Chúa Giê-xu thì Ngài sẽ ban cho sự bình an, nhưng ông vẫn không lắng nghe. Mấy năm trước đây bà bịnh và qua đời, còn lại mình ông, khiến cho ông càng buồn thêm, không có nguồn an vui nào trong lòng. Sau đó các anh em tín hưũ trong hội thánh đến thăm ông, ông than về nỗi buồn và bất an của mình. Các anh em tín hữu khuyên ông ‘hãy tin nhận Chúa Giê-xu thì sẽ có sự bình an trong lòng.’ Lời khuyên này nhắc ông nhớ lại lời khuyên mà vợ ông đã khuyên ông gần hai mươi năm mà ông không chịu lắng nghe. Sau đó ông cụ nghe lời khuyên các anh em tín hữu đến thăm và tiếp nhận Chúa Giê-xu, và ông có sự bình an của Chúa ban cho. Từ đó ông thường xuyên đọc Kinh thánh, và chia sẻ những điều từng trải của ông cho những người quen, vì ông thấy được Lời của Chúa trở thành hiện thực trên chính đời sống của ông.

 

Kinh thánh hành động trong anh em có lòng tin. Kinh thánh là “Lời sống” cho nên có năng lực hành động. Nhưng chỉ “hành động” khi chúng ta “có lòng tin” như lời Kinh thánh dạy: “Lời Đức Chúa Trời cũng hành động trong anh em có lòng tin.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Bí quyết để chúng ta nhận được quyền năng hành động của lời Kinh thánh là “có lòng tin.” Chúng ta phải “có lòng tin” tin quyết vào Lời Chúa dầu chúng ta chưa hiểu cách thấu đáo. Tôi thích cách Phao-lô giảng đạo, Phao-lô nhấn mạnh, “Ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.” (I Ti-mô-thê 1:15). Cơ đốc nhân chân chính luôn tin rằng Đức Chúa Trời nói với chúng ta qua Kinh thánh. Vậy, phải tin điều Kinh thánh nói và chúng ta nhận được sự linh nghiệm của Kinh thánh. Cái linh nghiệm đầu tiên có lẽ “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ông trong miệng tôi” (Thi-thiên 119:103). Chúng ta cũng dạy Kinh thánh với cả “lòng tin.”

 

6- Tính chất đặc biệt của Kinh thánh

 

Tính chất chân thật

Vì Kinh thánh được gọi là “Lời chân thật” nên tính chất của Lời Kinh thánh là “chân thật.” Tác giả Thi thiên 119 quả quyết: “Sự tổng cộng lời của Chúa là chân thật” (câu 160). Vì tính chất “chân thật” nên chúng ta tin. Quý vị khó có thể ngờ rằng, phương cách để hiểu Kinh thánh là “tin.” Đọc các sách trong thế gian chúng ta hiểu rồi mới tin. Nhưng đọc Kinh thánh phải tin rồi mới hiểu. Câu Kinh thánh nầy hầu hết con cái Chúa đều biết và thuộc lòng, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” ( Rô-ma 8:28). “ Mọi sự”  thì gồm cả sự tốt lẫn sự xấu xảy đến cho chúng ta là người “yêu mến Đức Chúa Trời.” Sự tốt có ích thì dễ hiểu, tin được. Nhưng sự xấu, bất hạnh, nghĩ tới đã thấy nản. Lỡ gặp thì xin Chúa giải cứu cấp kỳ. Làm sao có thể yên lặng với lòng “tin” điều đó sẽ “làm ích” cho chúng ta. Khó tin, nhưng có thật. Nhiều con cái Chúa đã có kinh nghiệm nầy, như câu chuyện Giô-sép được ghi trong Kinh thánh giúp chúng ta tin chắc. Giô-sép đã nói với các anh mình rằng, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời làm lại toan làm điều ích cho tôi.” (Sáng thế ký 50:20).

 

Tính chất trọn vẹn

Vua Đa-vít đã mô tả lời Chúa như vầy, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng: Điều răn của Đức Giê-hô-va là trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.” (Thi-thiên 19:7-8). Kinh thánh có lẽ là cuốn sách có nhiều kẻ thù nhất. Biết bao học giả, khoa học gia, những người không tin đã tốn rất nhiều thì giờ tra cứu, tìm hết cách để nêu ra những sai lầm trong Kinh thánh. Nhưng cả thảy đều thất bại trước tính chất “ trọn vẹn” của Kinh thánh. Không thiếu người có dụng tâm đọc Kinh thánh để tìm lỗi lầm, nhưng sau đó chẳng những không tìm được lỗi lầm, mà lại bị Kinh thánh bắt phục vì tính cách “trọn vẹn” lời Đức Chúa Trời.

 

Tôi xin đơn cử một trường hợp một luật gia người Anh. Ông ta quyết định sẽ cho thế giới biết rằng Kinh thánh ghi lại sự phục sinh của Chúa Giê-xu là một sự bịp bợm. Là một luật gia, ông cảm thấy mình có khả năng phê bình sắc bén để gạn lọc các bằng chứng hiển nhiên, và sẽ không chấp nhận một bằng cớ là hiển nhiên nếu nó không thỏa mãn các tiêu chuẩn gạn lọc mà một tòa án ngày nay có thể chấp nhận. Thế mà tội nghiệp cho ông, sau nhiều năm dò từng chữ trong bốn sách Tin lành, càng cố tra cứu, khảo-sát, ông càng bị thuyết phục, trái với ý định ban đầu. Và cuối cùng, ông đã viết một cuốn sách dưới nhan đề: “Ai Đã Lăn Hòn Đá” để xác nhận đức tin mình trong sự Phục sinh của Cứu Chúa Giê-xu mà Kinh thánh đã ghi lại cách “trọn vẹn.”

 

Lời Chúa có tính cách “trọn vẹn nên chúng ta đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15).

 

Tôi cầu nguyện cho những điều này đến với lòng của quý vị. Tôi tin rằng Lời Chúa không những hiện thực trên đời sống của quý vị mà còn sống động trong quý vị để quý vị có thể nói cách đảm bảo rằng “Tôi biết Lời của Đức Chúa Trời.”

 

Kinh thánh rất quan hệ cho đời sống chúng ta vì Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời đến với con người, như quý vị và tôi. Kính mời quý vị đồng hành với chúng tôi để cùng nhau Tìm hiểu Thánh Kinh.

 

Bài trướcBài 265: Dụng Cụ Nào?
Bài tiếp theoCon Đường Kỳ Diệu