Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Với bài lược khảo thứ hai về sách Nhã Ca, chúng ta sẽ kết thúc các sách Văn thơ. Một áp dụng từ câu chuyện tình trong sách Nhã Ca đó là mối liên hệ cá nhân giữa chúng ta với Chúa Giê-xu, Đấng đã sống lại từ kẻ chết và Ngài hiện đương sống. Nếu dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu ước phải yêu Ngài hết lòng thì ngày nay chúng ta cũng yêu Chúa Giê-xu như vậy. Chúng ta hát những bài ca rằng, “Giê-xu ơi, con yêu Ngài,” nhưng lắng đọng với lòng mình chúng ta tự hỏi, “Có thật sự chúng ta yêu Chúa không?” và chúng ta cũng hát rằng, “Chúa Giê-xu yêu tôi” nhưng thật sự biết rằng Chúa yêu mình không?
Một nhà thần học nổi tiếng khi được hỏi, “Điều gì là quan trọng nhất mà ông đã khám phá?” Trầm ngâm trong giây lát ông đáp, “Chúa Giê-xu yêu tôi, tôi biết điều đó vì Kinh Thánh đã dạy như vậy. Đối với tôi đây là điều quan trọng nhất tôi đã khám phá.” Chúng ta có cùng một nhận thức như vậy không? Chúng ta có hiểu điều đó có nghĩa gì đối với chúng ta không? Chúa Giê-xu yêu chúng ta? Làm thế nào quí vị biết rằng Chúa yêu mình? Kinh Thánh phán như vậy. Lẽ thật nầy là phần ứng dụng của sách Nhã Ca. Câu chuyện tình trong sách Nhã Ca là hình bóng về mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Giê-xu là Đấng yêu thương chúng ta.
Bây giờ chúng ta đi vào các bài học dưỡng linh từ Nhã Ca. Chàng rể trong Nhã Ca đã đưa cô dâu đến phòng riêng và phòng tiệc: “Hãy kéo tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng, Vua đã dẫn tôi vào phòng Ngài”, và “Người đưa tôi vào phòng yến tiệc, ngọn cờ người phất trên tôi ấy là ái tình”.
Mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa phải gắn bó. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu dạy rằng mối liên hệ giữa chúng ta với Cha trên trời không phải là hình thức bên ngoài. Chúa dạy rằng không nên đứng ở giữa phố chợ mà cầu nguyện để người khác thấy và cho rằng mình ngoan đạo. Theo Lời Chúa dạy thì khi muốn cầu nguyện với Đức Chúa Trời, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha trên trời, Đấng ở nơi kín nhiệm sẽ thưởng cho chúng ta cách công khai.
Martin Luther đã viết một ca khúc giáng sinh có lời như sau, “Hài nhi thánh Giê-xu, con dọn lòng mình thành một nơi sạch sẽ êm ấm, để biến nó nên chỗ yên tĩnh cho Ngài.” Lòng của chúng ta có phải là một phòng yên lặng dành cho Chúa không? Trong Nhã Ca, người yêu trước tiên đã được đưa đến phòng riêng và sau đó là phòng tiệc. Phòng riêng ở đây có thể chỉ về mối liên hệ gần gủi giữa chúng ta với Chúa Giê-xu và phòng tiệc có thể chỉ về sự thờ phượng công khai. Quí vị có mối thông công với Chúa trong chỗ riêng tư nhất không? Hay những gì chúng ta liên hệ với Chúa đều diễn ra tại nhà thờ là nơi có đông người tham dự. Sinh hoạt tại nhà thờ được xem như phòng tiệc, còn một nơi yên tĩnh nào đó trong nhà là phòng riêng. Đó là nơi mà không có ai cả khi chúng ta thức dậy sớm, chỉ một mình chúng ta với Chúa mà thôi. Quí vị có dành thì giờ để thưa chuyện với Ngài không? Quí vị có mối thông công với Ngài trong sự lắng đọng của tâm hồn tại nơi yên tĩnh không? Đó là một ứng dụng của sách Nhã Ca.
Một áp dụng khác cũng được tìm thấy qua việc liên hệ giữa cặp tình nhân thường bị gián đoạn. Cô dâu chớ không phải chàng rể là người đã tạo nên tình trạng nầy. Mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa nên liên tục. Giăng nói rằng, “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật. Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau”.
Nếu muốn có mối thông công với Ngài, chúng ta phải bước ra khỏi tối tăm để đến nơi có ánh sáng vì Chúa là sự sáng và mối thông công giữa chúng ta với Chúa được khôi phục lại. Chúng ta ước mong rằng mối thông công với Chúa không bị gián đoạn, nhưng thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng thỉnh thoảng điều nầy có xảy ra. Trong Nhã Ca khi sự gián đoạn xảy ra thì cô dâu là người đã tạo nên tình trạng nầy chớ không phải chàng rể, ngày nay cũng vậy khi mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa bị gián đoạn thì chúng ta chớ không phải Chúa gây ra.
Có một cô gái tặng người cha mình một vật chặn giấy làm bằng đá, trên đỉnh của viên đá có dòng chữ, “Nếu bạn không còn gần gũi với Chúa như trước nữa.” Và mặt sau của hòn đá ghi: “Thì ai đã tạo nên tình trạng nầy?” Nếu chúng ta không còn gần gũi với Chúa như trước thì không phải Chúa nhưng chính chúng ta đã xa cách Ngài (Nhã Ca 2).
“10 Lương nhơn tôi nói chuyện với tôi rằng: Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi, hãy chỗi dậy và đến. 14 Hỡi chim bồ câu ta trong hốc đá, tại chốn đụt của nơi hê hẩm, hãy tỏ cho ta xem mặt mũi mình, Cho ta nghe tiếng mình”.
Mối liên hệ đã bị gián đoạn vì chàng rể ở phía ngoài và cô dâu ở phía trong, (Nhã Ca 5) “2 Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức. Ay là tiếng của lương nhơn tôi gõ cửa, mà rằng: hãy mở cửa cho ta! 4 Lương nhơn tôi thò tay vào lỗ cửa, Lòng dạ tôi cảm động vì cớ người. 5 Tôi bèn chỗi dậy đặng mở cửa cho lương nhơn tôi; Tay tôi nhỏ giọt một dược, Và ngón tay tôi chảy một dược ròng trên nạm chốt cửa. 6 Tôi mở cửa cho lương nhơn tôi, Nhưng người đã lánh đi khỏi rồi. Đương khi người nói lòng tôi mất vía. Tôi tìm kiếm người, nhưng không có gặp; Tôi gọi người, song người chẳng đáp.”
Đây là bức tranh khá quen thuộc của Khải Huyền đoạn 3, Chúa Giê-xu đứng trước cửa mà gõ: “Nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho thì ta sẽ đến cùng người, ăn bữa tối với người và người với ta.” Chúa đang đứng trước cửa và kiên nhẫn gõ. Ngài không tự mở khóa hay đẩy cửa bước vào. Ổ khóa nằm phía trong chớ không ở phía ngoài. Người ở trong phải mở cửa và mời Chúa bước vào.
Cô dâu bận rộn xức dầu thơm, chàng rể gõ và tiếp tục gõ. Khi nàng đã xức dầu thơm xong, bước ra để mở cửa thì chàng đã đi rồi. Cô dâu chỉ về Hội Thánh, Hội Thánh nhiều khi đã quá quan tâm với ân tứ đến nỗi giảm nhẹ mối liên hệ với Đấng ban ân tứ. Mục đích của Chúa Thánh linh là tôn cao Chúa Giê-xu do đó mối liên hệ thật của Hội Thánh là với chính Chúa Giê-xu vậy.
Cách đây nhiều năm, một Mục sư của Hội Thánh Trưởng lão đang rất thành công trong chức vụ thì được xức dầu đặc biệt bởi Thánh Linh. Sau kinh nghiệm đó, Tiến sĩ A. B. Simpson mang một gánh nặng truyền giáo cho cả thế giới. Tiến sĩ Simpson không muốn lập thêm một hệ phái mới, nhưng Chúa dùng ông để khởi động nhiều Hội Thánh ở vùng biển phía Đông của nước Mỹ. Ông gọi những Hội Thánh nầy là “Hội truyền giáo Phúc âm Liên hiệp”, nghĩa là một hội liên hiệp những tín hữu quan tâm đến vấn đề truyền giáo cho thế giới. Kết quả của khải tượng và chức vụ của Tiến sĩ Simpson là một hệ phái có nhiều tín hữu ở nước ngoài hơn tại đất Mỹ. Đến cuối đời Tiến sĩ Simpson đã viết một bài thơ được phổ nhạc mô tả sự trưởng thành của ông về các vấn đề như Thánh Linh, ân tứ của Thánh linh và báp-tem bằng Thánh linh. Trong bài thánh ca đó, Tiến sĩ Simpson áp dụng sự dạy dỗ của Nhã Ca về cô dâu đã quá quan tâm đến các dầu thơm nên để người yêu đứng phía ngoài cửa. Bài thánh ca đó có đề tựa là “Duy chính Ngài.” Lời của bài ca như sau:
“Xưa từng chăm ơn phước hoài, quyết nay chăm mặt Ngài. Mài miệt xưa bao cảm tình nay kim ngôn thánh minh. Xưa tôi muốn ơn trên trời nay mong Cứu Chúa thôi. Bịnh tình xưa mong phép tài nay cầu chính thân Ngài. Xưa hằng tu thân khổ nàn quyết nay tin vẹn toàn. Thần huệ xưa hưởng bán phần nay dinh sung cứu ân. Xưa tôi giữ tôi bao hồi nay ơn Chúa giữ tôi. Dồn dập xưa bao sóng dồi, nay đã vững neo rồi. Xưa ngày đêm mưu tính hoài , quyết nay kêu cầu Ngài. Phiền ưu xưa khôn đứng ngồi, nay giao cho Chúa thôi. Xưa lo thiếu ơn bồn chồn, nay lo chính phán ngôn. Trằn trọc xưa luôn khẩn nguyện, nay tụng chúc linh quyền. Xưa hằng tu nhân thí tài, biết nay công việc Ngài. Giê-xu xưa tôi nắm nay Giê-xu nắm tôi. Xưa ham phép hay thiên đình nay mong Đấng chí linh. Nhằn nhọc xưa lo chính mình nay vì Chúa trung thành. Xưa hằng trông mong chí tình biết Chúa nay thuộc mình. Đèn tôi xưa như sắp tàn nay luôn luôn sáng choang. Xưa thần chết theo tôi hoài, nay trông Chúa tái lai. Hoài vọng tôi nay vững vàng , neo từ phía trong màng. Luôn tụng ca Giê-xu ta, duy Ngài ban ơn cả. Chỉ Giê-xu vạn hữu thôi, trong Chúa có muôn sự rồi.”
Bài thánh ca của Tiến sĩ Simpson là một sự áp dụng thật hay của hình ảnh cô dâu đã quá chú tâm đến dầu thơm, để mặc người yêu phía ngoài đến cuối cùng người phải bỏ đi. Có nhiều sự áp dụng như vậy trong Nhã Ca của Sa-lô-môn.
Một khía cạnh khác trong sự áp dụng đó là nếu cô dâu muốn hiểu chàng rể, nàng phải cùng chàng chăn bầy chiên. Điều này tương tự như trong sách Giăng, Chúa hỏi Phi-e-rơ rằng, “Ngươi yêu ta chăng?”, khi Phi-e-rơ đáp “Con yêu Chúa” thì Chúa phán: “Hãy chăn chiên ta.” Cách để bày tỏ lòng yêu Chúa là yêu bầy chiên của Chúa và chăn bầy chiên cho Ngài.”
Bài học dưỡng linh căn bản của Nhã Ca là gì? Nhã Ca nói về tình yêu. Tình yêu có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chúng ta không phải là với người vợ hay người chồng, nhưng tình yêu sâu đậm nhất là với Đức Chúa Trời, với Chúa Giê-xu Christ. Nếu muốn hiểu về tình yêu thương thì chúng ta phải bắt đầu với Đức Chúa Trời. Nơi đâu chúng ta có thể học để yêu và chia xẻ tình yêu với những người chung quanh? Khởi điểm là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là tình yêu. Vì vậy nếu chúng ta muốn hiểu về tình yêu và san sẻ tình yêu với người khác, hãy bắt đầu với tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Rồi hãy yêu Ngài vì tình yêu Ngài dành cho mình. Khi yêu Ngài, chúng ta có khả năng để yêu vợ, yêu chồng, yêu con cái, yêu cha mẹ, yêu những người khó yêu.
Chúng ta thấy sự bày tỏ và chia xẻ tình yêu giữa đôi tình nhân qua sách Nhã Ca lại được áp dụng cho mối liên hệ yêu thương giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Vậy bản chất của tình yêu nầy là gì? Đó là một tình yêu cá nhân, tình yêu thắm thiết, tình yêu duy nhất, tình yêu sâu đậm, tình yêu không ích kỷ, tình yêu hai chiều, tình yêu đem lại sự thỏa lòng, tình yêu gây dựng, tình yêu không có sự sợ hãi, tình yêu kết quả, tình yêu không thể dập tắt được và tình yêu đời đời. Đó là những gì mà Nhã Ca muốn nói đến. Tất cả là nói về yêu thương, tất cả được đúc kết như sau, “Giê-xu yêu tôi lắm, phải tôi được Chúa yêu, Giê-xu yêu tôi lắm, chính trong Lời Chúa dạy nhiều.” Quí vị có yêu Chúa không? Chúa Giê-xu nói trong Giăng 14:15 rằng, “Nếu các ngươi yêu ta thì sẽ vâng giữ điều răn của ta.” Chúa Giê-xu yêu quí vị, quí vị có yêu Ngài không?