Bài 12: Ngươi Ở Đâu?

1518

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới



Trong bài học trước, chúng ta đã khảo sát về các câu hỏi mà Đức Chúa Trời đã hỏi con người trong vườn địa đàng sau khi họ phạm tội.

 

Câu hỏi thứ nhất: “Ngươi ở đâu?”, một câu hỏi gợi cho chúng ta phải suy gẫm nhiều điều.

 

“Có câu chuyện kể về một thanh niên đột nhập vào một ngôi nhà, cùng lúc đó, người chủ cũng trên đường trở về. Chàng thanh niên bị mắc kẹt trong phòng. Vì không biết phải làm gì, bởi thế cậu ta nhảy vào trong tủ đựng quần áo rồi đóng sầm cửa lại. Khi người chủ trở về thì biết nhà mình đã bị đột nhập. Ông nhìn quanh quất rồi bước đến tủ quần áo và mở cửa, thấy tên trộm nấp trong đó. Ông giật mình và hỏi, “Cậu làm gì ở đây?” Tên trộm trả lời, “Thì ông biết đó, ai cũng cần phải có một chỗ để ở chứ?”

 

Có một sự thật ở đằng sau câu chuyện khôi hài nầy; đó là bất cứ ai cũng đang ở một nơi nào đó. Khi Đức Chúa Trời bắt đầu cuộc đối thoại với con người, Ngài hỏi họ, “Ngươi ở đâu?” Ngài muốn đến với họ. Đáng lẽ, họ phải ở một nơi họ nên ở; song, họ không có tại đó. Do đó, Ngài hỏi họ câu nầy: “Ngươi ở đâu?” Mỗi người phải ở một nơi nào đó. Mỗi người đáng lẽ phải ở một nơi nào đó. Quí vị đang ở đâu?

 

Xin đừng bao giờ quên nguyên tắc nầy: Sáng thế ký chép những chuyện trong quá khứ nhằm ngụ ý dạy chúng ta trong hiện tại. Vậy, ý nghĩa tại đây là gì? Đây chính là hình ảnh cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và con người. Đức Chúa Trời luôn luôn là Đấng khởi đầu trong việc nầy. Có bao giờ quí vị nghe tiếng của Chúa hỏi, “Ngươi đang ở đâu?” Có người thành thật thú nhận rằng, “Tôi tin rằng, đây không phải là nơi dành cho tôi. Tôi nghĩ rằng, Chúa muốn tôi làm công việc khác hoặc Ngài muốn tôi ở một nơi khác.”

 

Câu hỏi trên dẫn đến một câu hỏi tiếp theo, “Ai đã nói cho ngươi?” Khi Đức Chúa Trời hỏi con người câu hỏi: “Ngươi đang ở đâu?”, phản ứng của con người là “Thưa Chúa, con có nghe tiếng Ngài. Con không ở quá xa để không nghe tiếng của Ngài được. Nhưng khi nghe tiếng của Ngài thì con run sợ, vì biết rằng, nếu con tiếp tục nghe tiếng của Ngài thì sự trần truồng của con sẽ bị phơi bày ra. Do đó, con đã trốn, và thưa Chúa con đang ở đây.” Một nhà tâm lý học đã cho rằng, điều này rất đúng với bản chất của con người. Các nhà điều trị tâm lý cố gắng giúp cho con người giúp người cần giúp đỡ thoát khỏi nan đề bằng cách cho họ thấy sự thật. Nhưng chỉ có một điều mà con người không muốn đối diện đó là sự thật. Thật khó khăn để đưa họ đến chỗ đối diện với sự thật khi họ luôn luôn tìm cách trốn chạy. Chúng ta chạy trốn bằng nhiều cách: Làm việc quá nhiều, chơi thể thao quá nhiều, xem tivi quá nhiều, ngủ quá nhiều, ăn uống quá nhiều, hút quá nhiều… Tất cả chỉ vì chúng ta muốn chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta đáng phải đến. Bởi vậy, Ngài hỏi chúng ta câu hỏi nầy, “Con đang ở đâu?” Có thể lắm, chúng ta thưa với Chúa rằng, “Con nghe tiếng của Ngài, nhưng điều đó khiến con sợ hãi bởi vì nó phơi trần con người thật của con, con đã chạy trốn.”

 

Tôi thích câu hỏi thứ hai, “Ai đã nói cho ngươi?” Khi con người trả lời với Đức Chúa Trời rằng, “Con trần truồng,” Ngài hỏi họ rằng, “Ai đã chỉ cho ngươi biết là ngươi trần truồng.” Sáng thế ký 3:7 ghi rằng, khi họ ăn trái cấm, lập tức, họ thấy sự trần truồng của mình. Khi Đức Chúa Trời chưa đối thoại với họ, họ đã biết mình trần truồng. Trở lại thời điểm đó trong câu thứ 7, Ngài hỏi họ câu hỏi thứ hai, “Khi ngươi thấy mình trần truồng thì ai đã bảo cho ngươi biết là ngươi trần truồng?”

 

Một câu hỏi thỉnh thoảng được nêu lên: Có phải Chúa phán hỏi với một giọng nói bình thường không? Có bao giờ quí vị từng nghe vài người nói, “Chúa phán với tôi thế nầy, thế kia?” Có người khác ngờ vực thì đặt vấn đề chi tiết hơn, “Chúa phán với giọng nam hay giọng nữ? Cao hay thấp? …” Thật ra ở đây không phải là giọng nói thông thường. Nhưng liệu chúng ta có thể tin quyết rằng, Chúa phán với chúng ta không? Điều khá lý thú là trong tiếng Hê-bơ-rơ câu hỏi theo nghĩa đen, “Ai đã khiến ngươi biết điều đó?” Đức Chúa Trời không nói rằng, “Ai nói cho ngươi biết?” nhưng điều Chúa nói là “Ai đã khiến cho ngươi biết?” Quí vị có thể tin quyết rằng, Đức Chúa Trời đã khiến quí vị biết điều gì đó không? Tôi tin là có.

 

“Có vị Mục sư quản nhiệm một Hội thánh tại khu vực của hải quân trong nhiều năm. Ông kể câu chuyện về một chiếc tàu bị bão biển dữ dội làm trôi giạt và không còn biết được phương hướng. Họ không tìm thấy một chiếc tàu nào của đồng đội. Một giờ sau, họ gặp một tuần dương hạm của Hoa kỳ. Chiếc tàu nhỏ liền đánh tín hiệu hỏi, “Chúng ta đang ở đâu.” Chiếc tuần dương hạm muốn đùa nên đánh lại tín hiệu, “Các anh đến từ đâu?” Chiếc thuyền con đáp, “Bí mật.” Chiếc tuần dương hạm hỏi tiếp, “Vậy thì các anh sẽ đi đâu?” Thuyền con trả lời, “Chúng tôi không biết.” Sau một hồi lầu, chiếc tuần dương đánh lại tín hiệu sau cùng, “Nếu các anh không biết các anh đến từ đâu và sẽ đi đâu, thì cũng không cần biết các anh đang ở đâu.”

 

Một trong những nan đề được mô tả trong Sáng thế ký là nan đề của sự định hướng. Đã có một thời kỳ, chúng ta có tiêu chuẩn đúng sai hẳn hoi. Thế nhưng, chúng ta đã vất bỏ những tiêu chuẩn nầy để chấp nhận điều tạm gọi là “đạo đức tùy thời”, hay gió chiều nào theo chiều đó. Mọi sự trở nên tương đối. Một vị Mục sư cao niên đã kể rằng, “Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi phân biệt đâu là đúng, đâu là sai như là trắng với đen. Bây giờ, trong vai trò Mục sư, tôi có dịp tiếp xúc và khám phá rằng nhiều bạn trẻ không có một tiêu chuẩn đạo đức gì cả. Một khi không có tiêu chuẩn đạo đức, họ không biết họ đến từ đâu; họ không biết họ sẽ đi về đâu; và đương nhiên, không biết họ đang ở đâu.”

 

Có một chiếc thuyền của nước Anh tham gia cuộc thao diễn quân sự. Chiếc tàu của vị đô đốc phát một tín hiệu hết sức rõ ràng là phải lái tàu qua hướng phải, nhưng thuyền trưởng chiếc tàu Anh không nhận tín hiệu nầy. Do đó, nó đi ra khỏi hàng và lúng túng cố gắng lái vào trong hàng trở lại. Chiếc tàu chỉ huy liền đánh một tín hiệu, “Anh đang làm gì vậy?” Vị thuyền trưởng đánh tín hiệu trả lời, “Tôi định mua một nông trại.” Viên thuyền trưởng tự biết mình không làm tốt vai trò của mình. Do đó, cuối cùng ông giã từ ngành hải quân và đi mua một nông trại.

 

Theo Kinh thánh, Hội thánh của Chúa Jêsus, thân thể của Đấng Christ, những người thuộc về Chúa từ Cựu ước cho đến Tân ước giống như đoàn thuyền vĩ đại đi tuần tra xuyên suốt thế giới nầy. Ở trung tâm là thuyền chỉ huy của vị đô đốc, hay chính là Chúa Jêsus phục sinh. Chúa Jêsus chính là Đấng mà Cựu ước giới thiệu rằng, Ngài sẽ đến; và cũng chính là Đấng mà Tân ước tuyên bố rằng, Ngài đã đến rồi. Chúa Jêsus đã đến, chịu chết và sống lại. Ngài giống như là vị đô đốc chỉ huy ở trung tâm của đoàn thuyền. Chúa luôn luôn phát tín hiệu đến chúng ta.

 

Nếu vì một lý do nào đó quí vị bị mất tín hiệu, nói một cách dí dỏm, quí vị không cần phải giải nghệ để đi mua một nông trại; hay nói cách khác, không nên từ bỏ đức tin. Nếu điều đó xảy ra, công việc của Đức Chúa Trời vẫn diễn tiến cách đều đặn; chỉ có điều, quí vị đi lòng vòng ra ngoài chương trình toàn hảo của Ngài.  Bài học từ câu chuyện nầy là hãy chú tâm vào thuyền của vị Đô đốc. Hãy lắng nghe tín hiệu từ Đức Chúa Trời, vì mục đích của câu hỏi thứ nhất “Ngươi ở đâu?” được hiểu thế nầy: Con người bi hư mất, và điều trước tiên mà người hư mất cần phải biết mình bị hư mất. Đức Chúa Trời muốn con người biết họ đang bị hư mất. Đó là lý do vì sao Ngài hỏi họ câu hỏi, “Ngươi ở đâu?” Bạn có nhận biết tình trạng lạc mất của mình như thế nào không? Sự mô tả tình trạng lạc mất trong Sáng thế ký không chỉ cho con người trong quá khứ nhưng cũng cho con người thời nay.

 

Qua câu hỏi thứ hai, Đức Chúa Trời muốn hướng dẫn chúng ta. Chúa muốn mặc khải một lẽ thật quan trọng cho chúng ta. Ngài muốn con người hư mất biết rằng, mình đang ở trong tình trạng hư mất. Đó là điều thứ nhất. Nhưng điều thứ nhì, Chúa muốn con người biết Ngài sẽ hướng dẫn họ, “Ta sẽ chỉ cho ngươi biết nơi nào mà ngươi phải ở tại đó. Nếu ngươi muốn biết nơi đó là đâu, và nếu thật sự muốn đến tại đó, ta sẽ nói cho ngươi biết. Ta sẽ khiến ngươi biết ngươi nên ở đâu.”

 

A-đam và Ê-va phải gặt lấy hậu quả vì bất tuân mạng lịnh Chúa.  Nếu hiện tại cuộc đời bạn đang gặt lấy một số hậu quả, đời sống quí vị không hạnh phước; hãy tự đặt câu hỏi, Điều nầy do đâu mà ra? Do việc không vâng giữ lời Chúa hay do việc không đi theo kế hoạch của Đức Chúa Trời? Do việc không nhận biết kế hoạch của Đức Chúa Trời hay do việc khinh thường và chống đối kế hoạch của Ngài? Kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm mục đích đem lại sự sống và sự sống dư dật. Đó là lý do vì sao Chúa đối thoại với quí vị. Đó là lý do vì sao Ngài phán rằng, đây là những cây trong vườn theo thứ tự ưu tiên của nó. Nếu ngươi theo thứ tự ưu tiên của ta thì ngươi sẽ được sống. Ngươi sẽ có cây của sự sống. Nhưng A-đam và Ê-va không theo thứ tự ưu tiên nầy; bởi vậy, họ không bao giờ có sự sống mà phải gặt lấy sự chết. Điều nầy cũng dành cho quí và tôi. Đó là lý do vì sao chúng ta học lời của Đức Chúa Trời, không phải để trở thành học giả, nhưng để biết Đức Chúa Trời, biết được ý muốn của Ngài cho đời sống và biết được chúng ta nên ở đâu trong chương trình của Ngài.

 

Câu hỏi thứ tư, “Ngươi đã làm chi vậy?” đã khiến con người phải thú nhận. Chữ “thú nhận” là một sự kết hợp của 2 chữ mà ý nghĩa của nó là đồng ý với Đức Chúa Trời. Giống như một người hỏi rằng “Chúa ơi, con đồng ý về điều Chúa nhận định và phán bảo với con.” Đây chính là sự thú nhận. Đức Chúa Trời muốn chúng ta thú nhận; do đó, Ngài thường xuyên hỏi câu hỏi nầy, “Ngươi đã làm chi vậy?” Chúa thừa biết quí vị đã làm gì. Ngài muốn quí vị nhận biết những gì mình đã làm và Chúa muốn quí vị thưa với Ngài điều đó. Có cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và con người trong Sáng thế ký chương 3 chỉ vì Ngài yêu quí vị. Khi quí vị quyết định sai; khi quí vị thất bại trước thử thách; khi quí vị nhất quyết đi theo con đường riêng của mình, Đức Chúa Trời vẫn không từ bỏ quí vị. Trong yêu thương, Ngài đến với quí vị và hỏi, “Con đang ở đâu?” “Ai đã nói với con như vậy?” “Con đã ăn trái cấm đó chăng?” “Con đã làm chi vậy?” Đây là những câu hỏi mà Đức Chúa Trời dùng, để đem quí vị trở về với Ngài. Lời Chúa hỏi quí vị trong giờ nầy, “Con ơi, con đang ở đâu?”  Quí vị sẽ trả lời thế nào với Ngài.

 

 


Bài trướcHuấn Luyện Chấp Sự Tại Tỉnh Phú Yên Của Ủy Ban CĐGD.
Bài tiếp theoBài 12: Ngày Thứ Bảy, Vườn Ê-đen. Tạo Dựng Người Nữ, Thiết Lập Hôn Nhân.