Bài 12: Ngày Thứ Bảy, Vườn Ê-đen. Tạo Dựng Người Nữ, Thiết Lập Hôn Nhân.

2189

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Một nguyên tắc quan trọng của sự khải thị được thể hiện lần đầu tiên trong đoạn 2, và sự khải thị này tiếp tục được xảy ra nhiều như vậy với Lời của Chúa. Đây là dấu chứng của sự soi dẫn. Đó là luật ôn lại hay tóm tắt. Nói cách khác, khi ban cho Lời của Chúa, Thánh Linh của Đức Chúa Trời tóm tắt lại cách ngắn gọn những dữ kiện và lẽ thật, sau đó Ngài trở lại và đem ra những điều quan trọng làm cho sáng tỏ, mở rộng những điều đặc biệt. Đó là những gì mà Chúa làm trong đoạn 2 này. Ngài tóm lược, giải bày thêm sáu ngày tạo dựng đã được k‎‎‎ý thuật trong đoạn 1. Nền tảng tương tự này cũng thấy trong sách Phục Truyền Luật Lệ ký. Sách này giải nghĩa luật lệ sau 40 năm hành trình trong sa mạc. Sách Phục Truyền Luật Lệ ký không phải chỉ đọc lại luật lệ, nhưng còn giải nghĩa nữa. Giống như vậy, chúng ta được ban cho bốn sách Tin lành chớ không phải một. Phương cách này được tiếp tục như vậy nhiều lần xuyên suốt qua Thánh Kinh.

 

          NGÀY THỨ BẢY

 

          Trong Sáng thế ký đoạn 2 này, sáu ngày sáng tạo đã hoàn tất, và bây giờ chúng ta đến ngày thứ bảy, hay còn thường gọi là ngày Sa-bát.

          Sáng Thế Ký 2:1-3 viết như sau: “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.”

          Xin đừng bỏ qua sự quan trọng của ngày thứ bảy. Điều này có nghĩa gì, khi Chúa nói, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm? Có phải vì Chúa mệt mỏi, nên đến ngày thứ bảy Chúa nghỉ, và nói rằng Chúa đã có một tuần đầy bận rộn không? Nếu chúng ta suy nghĩ theo cách đó thì không có ý nghĩa gì cả. Chúa nghỉ khỏi công việc Ngài vì Chúa thấy mọi việc đều rất tốt lành, Chúa đã hoàn tất mọi công việc của Ngài. Đối với chúng ta, ỗi khi nghỉ một ngày khỏi bàn làm việc, nhưng thường thì công việc vẫn còn đó. Chúng ta không thể ngồi xuống và nói rằng: Mọi chuyện đã hoàn tất. Nhưng Đức Chúa Trời đã nói như vậy, mọi chuyện đã hoàn tất vào cuối ngày thứ sáu, và đến ngày thứ bảy Chúa nghỉ. Đây là một lẽ thật thuộc linh quan trọng. Trong sách Hê-bơ-rơ nói cho chúng ta là những người tin nhận Chúa, chúng ta sẽ vào sự yên nghỉ. Chúng ta sẽ nghỉ vào ngày sa-bát của Chúa. Chúng ta sẽ vào sự cứu rỗi trọn vẹn. Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá cách đây hai ngàn năm cho mỗi người trong chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi và chúng ta có thể vào đó. Vì thế thánh Phao-lô đã viết như vầy: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” (Rô-ma 5:1)

 

          Chúng ta không cần phải làm chi hết để hưởng được sự cứu rỗi, tất cả mọi sự đã được thực hiện một cách trọn vẹn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

          TÓM LƯỢC NĂM NGÀY TẠO DỰNG

 

          Vũ trụ rộng lớn mà chúng ta sống đã có hằng tỷ năm qua, và cũng có nhiều điều lớn lao xảy ra cho trái đất chúng ta. Kết quả là Đức Chúa Trời vào trong, Thánh Linh của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt vực, đem vũ trụ ra khỏi sự lộn xộn.            

          “Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.” (Sáng thế ký 2:4)

 

          Chữ ‘gốc tích’ có nghĩa là ‘gia đình’. Sách Sáng Thế Ký không phải chỉ là sách nói sự khởi đầu, mà cũng là sách của những gia đình. Những gia đình của trời và đất khi được tạo đựng.

 

          Danh xưng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời” là danh riêng mà Chúa dùng với dân Do Thái khi Ngài kết ước với họ. Danh xưng này có nghĩa, Đức Chúa Trời là Đấng Tự hữu, Hằng hữu, Ngài còn đến đời đời. Như được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 3:14-15, “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi. Đức Chúa Trời lại phán cùng Môi-se rằng: Ngươi sẽ nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi. Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ niệm của ta trải qua các đời.”

 

          Còn danh xưng Đức Chúa Trời là danh xưng phổ thông. Cả hai danh xưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đều xuất hiện hằng ngàn lần trong Cựu ước và thường xuất hiện chung với nhau, như chúng ta thấy trong câu này, rõ ràng danh xưng kép này cho thấy Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất.

 

          Sáng thế ký 2:5-7, “Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa. Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất.”

 

          Tất cả những điều này đã có trước khi con người hiện diện trên mặt đất. Bây giờ chúng ta khám phá mục đích của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký đoạn 1. Trong giai đoạn này Chúa chuẩn bị nơi ở cho con người mà Ngài tạo dựng. Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn sàng một nơi cho con người sinh sống.

 

          TẠO DỰNG CON NGƯỜI

 

          Trong đoạn 1, chúng ta thấy rằng vũ trụ từ chỗ không có gì, không có cơ cấu đến trong sự hiện hữu “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Nhưng bước kế tiếp trong sự tạo dựng được tổ chức, sắp đặt. Đó là sự sống của vũ trụ. Chúng ta thấy trong câu 21 nói rằng Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn và các vật sống. Ngài dựng nên các loài vật và cây cỏ, những hạt giống đã có sẵn trong trái đất. Đức Chúa Trời nói cho chúng ta rất ít trong điều này. Bước kế tiếp trong sự sáng tạo là tạo dựng nên con người. Không có một sự chuyển tiếp tự nhiên nào cả, và thuyết tiến hóa không thể nối khoảng cách này để giải thích sự hiện hữu của con người trên đất. Chính Đức Chúa Trời chuẩn bị trái đất và chuẩn bị một nơi ở cho con người.

 

          Sáng thế ký 2:7, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”

 

          Đây là cách con người được tạo dựng, chúng ta có sự giới hạn, chúng ta chỉ biết những gì Đức Chúa Trời nói với chúng ta. Điều chúng ta cần lưu ý là khi Chúa tạo dựng nên mọi loài khác, Chúa dùng Lời phán của Ngài thì mọi sự đều có như vậy. Đến khi dựng nên con người, chính tay Chúa lấy bụi đất nắn nên hình người. Cơ thể con người ra từ bụi đất. Thật là lý thú khi biết cơ thể con người được làm ra từ 15 hay 16 chất hóa học, mà tất cả các chất này ra từ đất. Nếu cơ thể chúng ta được phân tích từng chất này, giá trị của nó rất là ít tiền, có thể tương đương 50.000 đồng Việt Nam. Sở dĩ cơ thể chúng ta không có giá trị bao nhiêu vì nó được tạo dựng từ đất.

 

          Nhưng con người có giá trị hơn bụi đất. Khi cơ thể này chết sẽ trở về bụi đất, nhưng linh hồn trở về cùng Đức Chúa Trời. Tạo sao vậy? Bởi vì Đức Chúa Trời hà sanh khí vào lỗ mũi, thì con người trở nên một loài sanh linh. Đức Chúa Trời đã hà sanh khí vào con người. Đức Chúa Trời ban cho con người sự sống cơ thể, tâm lý và sự sống tâm linh. Nói cách khác, con người được ban cho mối quan hệ tốt lành với Đấng Tạo Hóa, và có năng lực của Chúa. Điều nầy cho chúng ta thấy tại sao con người khác biệt và trổi hơn tất cả mọi tạo vật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên trong vũ trụ.

 

          Thuyết tiến hóa nói rằng con người phát triển đến điểm này, và Đức Chúa Trời bắt đầu làm việc với sản phẩm tiến hóa này. Vì thế không có một mô thức nào của thuyết tiến hóa có thể giải bày được về tiếng nói loài người, về linh hồn con người, hay cá tính riêng biệt của con người. Ba điều nầy rất khó cho thuyết tiến hóa giải thích được. Có người nói mình có thể lấy xương của con người và so sánh với xương của loài vật, như khỉ hoặc ngựa v.v… Có thể có nhiều điểm giống nhau, nhưng chắc chắn là có khác nhau về tính đa dạng. Có nhiều điểm tương đồng vì loài vật và loài người sống cùng một môi trường với nhau. Thí dụ: Xe hơi của Nhật và xe hơi Trung quốc, tất cả đều chạy được, nhưng mức độ tốt của hai loại xe này khác nhau, vì nó được chế tạo từ các hãng xe khác nhau.

 

          Khi phân tích sự tạo dựng của con người và các loài vật khác thì có những điểm tương đồng, nhưng phải nhớ rằng con người vẫn là loài thọ tạo rất khác biệt. Vì Đức Chúa Trời đã hà sinh khí vào con người và con người trở nên một loài sanh linh. Con người là một tạo vật tuyệt vời, đáng được quý trọng. Chúng ta cần ghi nhớ điều này. 

 

          Sáng thế ký 2:8, “Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.”

 

          Chúng ta không thể biết vườn Ê-đen hiện đang ở đâu. Có thể ở tại vùng Tagris-Euphrates, hiện nay ở miền nam I-rắc. Nguyên vùng nầy sanh sản cây trái rất tốt, có thời kỳ dân cư đến đây gặt hái những cây trái tự mọc sẵn. Có thể một ngày nào đó, khu vực này sẽ trở lại thành trung tâm của thế giới.

 

          Sáng thế ký 2:9, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.

 

          Có hai cây khác lạ được đề cập ở đây, đó là ‘cây sự sống’ và ‘cây biết điều thiện và điều ác.’ Chúng ta không biết nhiều về hai cây này, vì hiện nay chúng không còn nữa. Nhưng cây sự sống được ghi chép và xuất hiện trở lại trong sách Khải huyền 22:1-21, cây sự sống này được ban cho những người hưởng được sự sống đời đời trong Đức Chúa Trời.

 

          “Biết điều thiện và điều ác” ám chỉ đến ý thức đạo đức, hoặc nhận thức luân lý sâu sắc. A-đam và Ê-va sở hữu sự sống lẫn nhận thức đạo đức sâu sắc khi được dựng nên từ bàn tay Đức Chúa Trời.  

 

          Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, trái ăn ngon. Đó là điều quan trọng tốt lành trong vườn, khi có cây đẹp và trái cây ăn ngon, thật hữu ích cho con người biết bao. Trong trái đất ngày nay chúng ta sinh sống vẫn còn nhiều cây trái rất đẹp, mặc dầu trái đất này bị sự rủa sả bởi sự sa ngã của con người. Chúng ta vẫn còn thấy nhiều bông hoa đẹp ở Việt nam, và nhiều cây ăn trái ngon lành ở vùng miền tây, Lái thiêu, Đà-lạt v.v..

 

          Sáng thế ký 2:10-15, “Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả. Tên ngả thứ nhứt là Bi-sôn; ngả đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng. Vàng xứ nầy rất cao; đó lại có nhũ hương và bính ngọc.  Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ.  Tên sông thứ ba là Hi-đê-ke, chảy về phía đông bờ cõi A-si-ri. Còn sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.”

 

          Đây là một cảnh vườn tuyệt vời mà Chúa ban cho con người đầu tiên làm nơi sinh sống.             

 

          ĐIỀU KIỆN ĐẶT CHO CON NGƯỜI

 

          Sáng thế ký 2:16-17, Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.

 

          Từ lúc ban đầu Đức Chúa Trời không có ý định đặt con người trong chỗ chết, Ngài cho con người có chỗ ở tốt đẹp. Con người có ý chí tự do, có đặc quyền và trách nhiệm. Con người được ban cho ý chí tự do để vâng lời hay không vâng lời Đức Chúa Trời. Nhưng tiếc thay, con người đầu tiên đã chọn sai. Những sự lựa chọn sai có thể khiến chúng ta đau đớn, nhưng nó giúp chúng ta học kinh nghiệm đau đớn để lớn lên, hầu cho tương lai sau đó mình lựa chọn đúng. Mỗi người phải nhận lấy kết quả về sự lựa chọn của mình, cho nên chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận trước khi lựa chọn.    

 

          “Nếu một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” Nên nhớ là con người có ba phần. Và cũng phải chết trong ba cách. Như A-đam không chết về thể xác cho đến hơn 900 năm sau. Nhưng Đức Chúa Trời nói, nếu một mai ngươi ăn chắc sẽ chết. Sự chết này có nghĩa là chia cách. A-đam bị cách biệt với Đức Chúa Trời ngay ngày mà ông ta ăn trái cấm. Còn sự chết thứ ba là sự chết đời đời, khi con người không tôn thờ Đức Chúa Trời ứng hầu trước mặt Chúa trong ngày phán xét sau cùng.    

 

          Sáng thế ký 2:18, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.”

 

          Đức Chúa Trời có mục đích khi đặt chỉ một người nam trong vườn Ê-đen trong một khoảng thời gian. Để sau đó ông cần có một người giúp đỡ giống như mình. “Loài người ở một mình thì không tốt” vì thiếu sự giúp đỡ, sự hỗ trợ cho nhau. Con người cần lẫn nhau, nhất là qua mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân.

 

          Sáng thế ký 2:19, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó.”

 

          Điều này cho chúng ta thấy, con người khôn ngoan hơn các loài thú, vì bất cứ loài vật nào mà A-đam đặt tên cho thì trở thành tên của chúng nó. Các bạn có tưởng tượng là khi con Voi đến, A-đam đặt tên cho nó, nhưng nó nói là: “Tôi muốn tôi tên Chuột.” A-đam cũng vẫn nói với nó là tên ‘Voi’ vẫn là tên tốt nhất cho ngươi.

 

          Sáng thế ký 2:20, “A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết.”

 

          “Một người giúp đỡ giống như mình.” Có thể A-đam đã tìm kiếm và xin Chúa ban cho mình một người giúp đỡ. Nếu người giúp đỡ đó là đàn ông chỉ  giúp được có phân nửa thôi. Nhưng khi người giúp đỡ là người nữ và trở thành vợ sẽ trở thành người giúp đỡ trọn vẹn. Đức Chúa Trời muốn người nam và người nữ kết hiệp với nhau trong hôn nhân. Chúa đã ban cho người nam lời cầu xin này.

 

          TẠO DỰNG NÊN NGƯỜI NỮ

 

          Sáng thế ký 2:21-22, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam.”

          Người nữ được dựng nên từ xương sườn của A-đam. Tại sao Chúa dùng xương sườn. Nếu Ngài dùng xương đầu thì người nữ sẽ trổi hơn người nam, nếu dùng xương chân thì người nữ sẽ thấp hơn người nam, Chúa dùng xương sườn để cho người nữ bình đẳng với người nam, đồng hành với người nam.

 

          Chắc chắn Ê-va là người nữ đẹp nhất, các phụ nữ đẹp ngày nay thừa hưởng sắc đẹp từ người mẹ đầu tiên này. Và người nữ này là phân nửa của người nam.

 

          Sáng thế ký 2:23, “A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có.”

 

          Đức Chúa Trời có ý định rõ ràng khi dựng người nữ ra từ người nam. Chúa đặt người nam làm người dẫn đầu, Ngài dựng nên người nam trước, dựng nên người nữ sau đó. Ngay trong sức khỏe cơ thể, người nam khỏe mạnh hơn và người nữ là người hỗ trợ. Cho nên người chồng phải luôn yêu mến, bao che, bảo vệ vợ mình. Còn người vợ đáp lại bằng sự yêu thương, vâng lời chồng.

 

          Sáng thế ký 2:24, “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.”

 

          Người nam có trách nhiệm đối với vợ, cho nên khi cưới vợ, người chồng cần rời khỏi gia đình để xây dựng một gia đình mới. “Cả hai sẽ trở nên một thịt.” Đây nói lên sự liên kết chặt chẽ giữa vợ chồng, bao gồm sự kết chặt trong ý hướng, tình cảm và tình dục. Hôn nhân là sự kết hợp trọn đời của người nam và người nữ thành một gia đình.

 

          Sáng thế ký 2:25, “Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.”

 

          A-đam và Ê-va đã được mặc loại “quần áo vinh hiển”. Có thể nói rằng, đây là một trong những điều quý báu nhất trong việc tạo dựng nên người nam và người nữ. Đây là đôi vợ chồng mà Chúa tác hợp họ lại với nhau. Đó là điều chắc chắn Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài, và họ cần vâng theo. Đức Chúa Trời ban cho dòng giống con người hôn nhân. Người ta có thể nói hôn nhân là do truyền thống và văn hóa của xã hội, nhưng chúng ta phải biết rằng truyền thống và văn hóa về hôn nhân bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Hôn nhân là một trong những sợi dây ràng buộc giữa vợ và chồng, nhưng tiếc thay con người ngày nay muốn bứt ra. Con người đang cố gắng làm gì? Con người đang cố gắng bỏ những ràng buộc mà Đức Chúa Trời thiết lập trong hôn nhân.

 

          Người nữ được tạo dựng cách gián tiếp, Đức Chúa Trời tạo dựng người nữ ra từ người nam, điều này tỏ bày cho thấy rõ người nữ là một phần của người nam. Đây là điều hết sức kỳ diệu.

 

          Đề tài trong đoạn hai này rất tuyệt vời: nói về sự tạo dựng người nam, nơi người nam sinh sống, công việc của người nam, điều kiện và trách nhiệm của người nam, nhu cầu cần người giúp đỡ, sau cùng là sự tạo dựng người nữ. Có sự xác nhận giữa người chồng và người vợ, Chúa phán với người chồng: “Hãy yêu thương vợ mình.”

 

          Con người chúng ta là tạo vật tốt lành mà Đức Chúa Trời dựng nên, chúng ta có trách nhiệm với Đấng Tạo Hóa là thờ kính Ngài, thông công với Ngài, hoàn thành công việc Ngài giao cho, và phải trung thành với Ngài.

 

          Con người có thẩm quyền từ Chúa, và có mối quan hệ với nhau. Tin rằng chúng ta đã tìm hiểu được nhiều điều tốt lành trong Sáng Thế Ký đoạn 2 này.

 

 


Bài trướcBài 12: Ngươi Ở Đâu?
Bài tiếp theoBồi Linh Thông Công Phụ Nữ Tin Lành TP Cần Thơ Lần Thứ V.