Bài 11: Sự Tạo Dựng Trái Đất Và Con Người

13950

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Chúng ta đã tìm hiểu câu đầu tiên của sách Sáng Thế Ký: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Câu này nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ này.  

 

Trong bài này chúng ta tìm hiểu thêm về việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên trái đất và con người trong Sáng Thế Ký 1:3-31. Nhưng trước hết chúng ta tìm hiểu Sáng thế ký 1:2: “Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.”

 

Có nhiều sự việc xảy ra từ câu 1 đến câu 2. Câu 1 nói về sự tạo dựng vũ trụ, từ câu 2 nói đến việc hình thành và tạo dựng trái đất. Câu Kinh Thánh này đề cập đến trái đất là nơi con người được đặt làm chỗ sinh sống. Với lý do này, không có gì ngạc nhiên khi con người lên thám hiểm mặt trăng, hành tinh ở gần trái đất, thì chỉ thấy toàn là đất trống, không có con người sinh sống tại đó. 

 

“Sự mờ tối trên mặt vực” cho biết Đức Chúa Trời chưa hành động tại đó.

 

“Đất là vô hình và trống không,” có nghĩa là hư hoại, trống vắng, không có gì cả. Hãy chú ý đến lời của tiên tri Ê-sai: “Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê-sai 45:18)

 

Đức Chúa Trời cho biết rằng Ngài dựng nên trái đất này không phải không có mục đích, nhưng Ngài dựng nên trái đất này với mục đích tốt lành. Tiên tri Ê-sai cố gắng làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dựng nên trái đất để cho con người ở. Trái đất là nơi dành cho con người.

 

Nghiên cứu và thám hiểm không gian hiện nay cho thấy rằng chúng ta đang sống trong vũ trụ mà chỉ có trái đất là nơi có con người sinh sống. Sáng Thế Ký nói cho chúng ta biết: ban đầu trái đất vô hình và trống không là giai đoạn mà con người chưa được tạo dựng.

“Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước,” chữ ‘vận hành’ có nghĩa là “ấp”, giống như gà mẹ ấp con mình. Ngài bao phủ trên mặt nước. Đức Thánh Linh đã bắt đầu công việc của Ngài từ những ngày của thời kỳ sáng tạo, và chúng ta thấy công việc của Ngài vẫn tiếp tục. Đức Thánh Linh là Đấng tái tạo, hay tái sanh. Đó chính là những gì Ngài đang làm cho chúng ta. Chúa Giê-xu đã nói: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. (Giăng 3:5)

 

“Nước” là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh là tác giả của Lời Chúa, đây là điều quan trọng chúng ta cần hiểu.

 

Chúng ta thấy câu 1 nói về sự tạo dựng vũ trụ, và sự chuyển tiếp trong câu 2, bây giờ chúng ta tìm hiểu đến việc tạo dựng trái đất và con người trong sáu ngày, từ câu 3 đến câu 31.  

 

          NGÀY THỨ NHẤT: SỰ SÁNG

 

Sáng thế ký 1:3-5, “Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt.

 

“Ngày” ở đây đây là ngày có 24 giờ. Hãy chú ý Đức Chúa Trời phán “Phải có sự sáng.” Chỉ trong đoạn này chúng ta tìm thấy 10 lần chữ “phải có.” Phải có bầu trời, phải có sự sáng, phải có nước tụ lại v.v.. Có người gọi đây là 10 mạng lịnh của sự sáng tạo. Chúng ta tìm thấy đó là mười mạng lịnh thánh.

 

“Đức Chúa Trời phán phải có sự sáng.” Đó là những lời phán đầu tiên của Ngài được ghi lại trong Thánh Kinh. 

 

 

        NGÀY THỨ HAI: KHOẢNG KHÔNG

 

Sáng thế ký 1:6, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.” Đức Chúa Trời phân rẽ nước ở trên và nước ở dưới.

 

“Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.” (Sáng thế ký 1:7)

 

“Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì.” (Sáng thế ký 1:8) Đức Chúa Trời gọi khoảng không là trời. Đây không phải là thiên đàng mà nhiều người thường nghĩ. Bởi vì có ba từng trời được Thánh Kinh đề cập đến. Chúa Giê-xu nói về bầu trời cho chim bay, và đây có thể là từng trời được đề cập trong câu này. Còn từng trời thứ hai là trời có những vì sao. Từng trời thứ ba là nơi Chúa ngự. Do đó từng trời thứ nhất là trời có mây, có chim bay.

           

          NGÀY THỨ BA: ĐẤT VÀ CÂY.

 

Sáng thế ký 1:9-10,“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.  Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.”

 

Bây giờ có sự phân rẽ làm nên nước. Trước nhất, nước ở trên phân rẽ với nước ở dưới. Rồi nước dưới đất được phân rẽ với đất. Có vẻ điều này không khoa học lắm. Người ta nói rằng, các nơi cao trên đất mà chúng ta sống ngày nay, đã có một lần bao phủ bởi nước. Đó là bằng chứng về sự phán xét đã đến trái đất này một thời kỳ nào đó trong quá khứ, mà chúng ta không biết rõ. Những gì chúng ta nói là sự suy luận. Ngài chỉ nói những gì vừa đủ cho chúng ta hiểu và tin tưởng.

 

“Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất.” Ngài muốn làm điều gì? Ngài đang chuẩn bị một chỗ cho con người ở. Con người không đến từ những loài vật dưới nước như một số người của thuyết tiến hóa chủ trương. 

 

Sáng thế ký 1:11-13, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.  Đất sanh cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba.”

 

Bây giờ Đức Chúa Trời tạo dựng cây trái, rau quả cho con người. Con người dùng các loại rau, trái cây để ăn.

 

          NGÀY THỨ TƯ: MẶT TRỜI, MẶT TRĂNG, NGÔI SAO

 

Sáng thế ký 1:14, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm.”                                  

 

Đức Chúa Trời không tạo dựng mặt trời và mặt trăng trong lúc này. Chúng đã có sẵn trên đó. Đức Chúa Trời chỉ đặt chúng vào ngay vị trí.

 

“Ngài lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao.” (Sáng thế ký 1:15-16)

 

Mặt trời soi sáng và tỏa ra sức nóng cho ban ngày. Mặt trăng soi sáng ban đêm. Khi đi dưới ánh trăng với vợ hay chồng mình, lúc đó thật lãng mạn phải không?

 

Có một câu ngắn: “Ngài cũng làm các ngôi sao.” Các ngôi sao cũng làm công việc tốt lành, đó là giúp định hướng, nhưng không phải cho Chúa, mà  cho con người chúng ta. Đức Chúa Trời làm nên một bầu trời trọn vẹn, tuyệt đẹp.

 

“Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất, đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.” (Sáng thế ký 1:17-18)

 

Lưu ý, chính Đức Chúa Trời đã phân chia sự sáng ra từ sự tối. Chúng ta biết rằng Ngài vẫn còn làm như vậy trong ngày hôm nay. Có người hỏi là: “Có gì khác biệt giữa đúng và sai?” Đức Chúa Trời đã phân định đường ranh. Thế nào chúng ta biết điều gì đúng? Đức Chúa Trời nói điều gì đúng là đúng. Chúa đặt ra những nền tảng đúng sai. Đức Chúa Trời phân chia sự sáng từ sự tối, và có sự phân định giữa đúng và sai. Ngài là Đấng làm nên sự khác biệt và Ngài vẫn tiếp tục làm điều đó hôm nay. 

 

“Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư.” (Sáng thế ký 1:19)    

           

          NGÀY THỨ NĂM: SỰ SỐNG CỦA LOÀI VẬT

 

Sáng thế ký 1:20, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.”

 

Chúng ta biết là có một số lượng loài vật được sanh sản. Điều này không có nghĩa là mỗi loại đến từ một tế bào nhỏ nào đó. Nhưng Đức Chúa Trời làm mọi tạo vật và nó được phát triển riêng. Đức Chúa Trời phán “nước phải sanh các vật sống cho nhiều” tùy theo mỗi loài. Điều này có nghĩa là mỗi loài ra trực tiếp từ giống của mình. Thí dụ như ngựa, thì không bao gồm mọi loài ngựa, nhưng trong mỗi giống ngựa, chẳng hạn như ngựa rằn, ngựa trắng, ngựa đen… Đức Chúa Trời tạo dựng nên mỗi loài và cho chúng nó sanh sản lớn lao. Chẳng vậy thôi, Ngài còn cho mỗi loài được phát triển và tái tạo.

 

“Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.” (Sáng thế ký 1:21)

 

Chúng ta chú ý “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.” Khi Đức Chúa Trời làm, thì mọi việc đều được tốt đẹp.

“Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ năm.” (Sáng thế ký 1:22-23)

 

Nhà trường thường dạy những câu chuyện sáng tạo, những câu chuyện cổ tích cho trẻ em. Trong Kinh Thánh không có những câu chuyện như vậy. Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mỗi loài được sinh sản tùy theo loại. Con người cũng sanh sản giống như vậy.

 

          NGÀY THỨ SÁU: TẠO DỰNG CON NGƯỜI.

 

Sách Sáng Thế Ký 1:24-25, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại, Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.”

 

Chúng ta chú ý thêm nữa, mỗi loài được dựng nên theo từng loại riêng cách tốt lành.

 

Sau khi Đức Chúa Trời dựng nên mọi loài, Ngài phán: “Chúng ta hãy làm  nên loài người như hình ta và tượng ta.” Bây giờ chúng ta thấy Đức Chúa Trời tách biệt các loài cây, các loài vật với con người. Con người là một tạo vật trổi hơn hết các tạo vật mà Chúa đã dựng nên.  

 

“Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.” (Sáng thế ký 1:26)

 

Câu hỏi thứ nhất được nêu lên là: Cách nào con người được tạo dựng? Chúng ta sẽ nói rõ điều này trong đoạn thứ hai. Chúa ban cho con người quyền quản trị khắp cả đất. A-đam được ban cho một quyền cai quản rất lớn. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong đoạn kế tiếp. Chúa ban cho con người có quyền làm được nhiều điều qua các tạo vật của Ngài.

 

“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” (Sáng thế ký 1:27)

 

Chúng ta biết được lẽ thật căn bản về sự tạo dựng con người. Đây là lần thứ ba động từ ‘tạo dựng’ xuất hiện, động từ này có nghĩa có nghĩa là tạo ra từ những cái không có. Chúng ta thấy con người được tạo dựng, là một tạo vật mới. Động từ ‘tạo dựng’ này cũng đã xảy ra trong Sáng Thế Ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Ngài tạo dựng vũ trụ vật chất. Sau đó Ngài dựng nên các vật sống, trong câu 31 ghi là: “Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn và các vật sống………”

 

Đức Chúa Trời dựng nên con người, Ngài dựng nên con người theo hình Ngài và tượng Ngài. Đức Chúa Trời cho chúng ta biết về sự tạo dựng chi tiết con người trong đoạn kế tiếp. Chúng ta thấy là Đức Chúa Trời đã không cho chúng ta biết nhiều chi tiết về sự tạo dựng vũ trụ. “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng nên trời đất,” đó là điều mà Chúa cho chúng ta biết. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần biết. Chúa biết hết mọi điều nhưng Ngài không cho chúng ta biết hết mọi chi tiết về sự tạo dựng con người. Vì sao? Bởi vì bản ký thuật này được viết cho con người. Chúa muốn cho con người biết về căn nguyên của mình. Chúa muốn con người chú ý đến sự tạo dựng chính mình nhiều hơn là sự tạo dựng vũ trụ. Điều đó lạ lùng quá phải ko?

 

“Đức Chúa Trời phán: Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ta và tượng ta.” Đây là một lời xác chứng rất quan trọng trong Thánh Kinh. Nó có nghĩa gì? Có nghĩa là con người giống Đức Chúa Trời. Có thể ngay bây giờ các bạn nghĩ con người được cấu tạo với ba điều: cơ thể, tâm thần và tâm linh.  Sứ đồ Phao-lô viết trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!”

 

Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm nhiều ý nghĩa về điều này trong đoạn sau. Mỗi người chúng ta có cá tính riêng tư, nhận thức riêng tư, cho nên mỗi người có quyết định riêng cho mình. Con người có đạo đức và tự do. Đó là điểm nổi bật nhất của con người. Đó là ý nghĩa của việc Đức Chúa Trời dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài.

“Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” Câu này cũng không cho chúng ta chi tiết cách nào người nam và người nữ được tạo dựng. Đây là lý do tôi nói rằng, Đức Chúa Trời không có ý cho chúng ta biết nhiều chi tiết về sự tạo dựng vũ trụ chúng ta sống, nhưng Ngài chỉ cho chúng ta biết điều quan trọng,  Ngài là Đấng Tạo Hóa. Điều này đưa chúng ta trở lại lời quan trọng trong đoạn 11 của thơ Hê-bơ-rơ: “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.” (Hê-bơ-rơ 11:3)

 

Những điều chúng ta thấy ngày hôm nay được tạo dựng từ những vật không có trước đó. Việc tạo dựng này ra từ những cái không có. Có người bảo là hãy giải thích điều này. Chúng ta phải chấp nhận có những điều không thể giải thích được. Ngay cả những người theo thuyết tiến hóa cũng không giải thích được câu hỏi tại sao tạo dựng từ cái không có gì đến cái có. Tâm trí của chúng ta cần bắt đầu như Thánh Kinh đã bắt đầu. Đức Chúa Trời tạo dựng mọi điều từ cái không có.

 

Trong Sáng Thế Ký 1:28, “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.”

 

Có bốn cách mà Đức Chúa Trời dùng để đem con người vào trong vũ trụ. Thứ nhất, được tạo dựng trực tiếp như A-đam. Thứ hai, bằng cách tạo dựng gián tiếp như trường hợp của Ê-va. Thứ ba, được sanh bởi nữ đồng trinh, và đây là cách mà Chúa Giê-xu vào trong thế gian. Thứ tư, bằng cách sanh sản tự nhiên, đó là điều tốt lành chúng ta thấy trong ngày hôm nay.

 

Con người ngày nay đã kéo sự sanh sản tự nhiên xuống một mức thấp mà Đức Chúa Trời không hề muốn như vậy. Đức Chúa Trời tạo dựng con người để sanh sản. Đó là một việc tốt lành, một vinh dự. “Hãy sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất.” Đức Chúa Trời bảo con người làm đầy dẫy mặt đất này qua sự sanh sản. Vợ chồng sanh sản con cái là mục đích tốt của Chúa muốn chúng ta vâng theo.

 

Chúa bảo con người “Làm cho đất phục tùng.” Đó là những gì mà khoa học ngày nay đang cố gắng thực hiện. Có một câu trong sách Châm Ngôn nói như vầy: Giấu kín việc nào, ấy là vinh hiển của Đức Chúa Trời; Nhưng dò xét điều nào, ấy là vinh hiển của các vua.( 25:2) Chúa đang giấu châu báu dưới đất, nơi đó con người đang cố gắng đào bới tìm kiếm cho chính mình.

 

Chúa cũng bảo con người “hãy quản trị trái đất.” A-đam không phải là người giữ vườn để cắt cỏ. Con người được tạo đựng để quản trị, hay cai trị trái đất. Sáng Thế Ký 1:29 viết tiếp như vầy: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.

 

Qua lời xác nhận này, chúng ta biết rằng lúc đầu con người ăn trái cây, rau củ; cho đến khi sao cơn nước lụt, con người mới ăn thịt.

 

Sáng thế ký 1:30-31, “Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn; thì có như vậy.  Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu.

 

Phần cuối của đoạn 1 là một bảng tóm lược. Điều gì đáng chú ý nhất trong đoạn 1 này? Có một lẽ thật mà Đức Chúa Trời đề cập đến 32 lần. Chỉ có một Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng Tạo Hóa. Chúng ta đừng bao giờ trở nên người dại dột nói trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời (Thi Thiên14:1)       

 

Thánh Kinh là quyển sách tỏ bày những lẽ thật về sự cứu rỗi, tâm linh và niềm tin. Những điều này chỉ có thể đến với chúng ta bằng đức tin, để tiếp nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.

 

Trong đoạn 1 của sách Sáng Thế Ký chúng ta thấy sự hiệp nhất, quyền năng, và bản thể của Đức Chúa Trời, giống những gì mà sách Rô-ma 1:20 đã viết: Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được,

 

Hãy đặt lòng tin của mình vào Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa. Bài tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu đến đoạn 2 của sách Sáng Thế Ký, nói về ngày thứ bảy và vườn Ê-đen.

 

 

Bài trướcBài 11: Ngươi Ở Đâu?
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Chấp Sự Tỉnh Đồng Nai Ngày 28/02/2012.