Bài 11: Ngươi Ở Đâu?

2013

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chương thứ 3 sách Sáng Thế ký, một trong những phần quen thuộc nhất của sách Sáng thế ký – cũng là phần gây nhiều tranh luận. Chương nầy điều khủng hoảng mà Kinh Thánh gọi là tội lỗi. Tôi chắc rằng đây là sự khủng hoảng mà chúng ta phải đối diện hằng ngày, là việc chúng ta lựa chọn đi theo đường lối của Đức Chúa Trời hay đi theo ý riêng của mình? Khi đề cập về con người, Kinh thánh chép rằng, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo dường nấy.” Đây chính là bản chất tự nhiên của con người. Theo lời Kinh thánh, Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta với khả năng chọn lựa. Chúng ta có thể chọn để đi theo ý Chúa hoặc chọn để đi theo ý riêng; đi theo con đường của Đức Chúa Trời hay theo con đường của chúng ta. Nhưng có điều chúng ta không thể lựa chọn được, đó là chúng ta phải sống với kết quả của điều mình lựa chọn. Sớm muộn gì rồi chúng ta cũng phải đón nhận nó, sự chọn lựa ngày hôm nay sẽ quyết định kết quả ngày mai.

 

Chương 3 mô tả cuộc chiến giữa ý muốn của con người và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Điều nầy được ghi lại để giúp chúng ta hiểu nó có ý  nghĩa thế nào cho ngày hôm nay. Sáng thế ký 2:8-9 đã cung cấp bối cảnh cho chương 3. Kinh thánh chép rằng,

“Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.”

 

Một trong những câu hỏi thường được nêu lên: “Adam và Evà làm gì trong vườn Ê-đen?” Chúng ta hãy trở lại với 3 câu hỏi căn bản khi học một phân đoạn Kinh Thánh:

 

(1)  Kinh thánh nói điều gì?

(2)  Điều đó có nghĩa gì?

(3)  Điều đó có nghĩa gì với tôi?

 

Như đã nói đến trong chương 1 và 2, Đức Chúa Trời đã tạo dựng người nam và người nữ, kết hiệp họ làm một. Vì vậy, tội họ phạm trong chương 3 không thể là tội trong quan hệ tính dục. Nhiều người nghĩ như vậy. Thật là không đúng khi chúng ta tra cứu chương nầy trong văn mạch của nó.

 

Về nguyên tắc khi chúng ta học Kinh thánh, một sự kiện vừa mang tính chất lịch sử và cũng có thể vừa có tính chất biểu tượng hay ngụ ngôn mà vẫn không làm mất giá trị về mặt lịch sử của nó. Xin đừng quá quan tâm đến chữ biểu tượng hay ngụ ngôn này. Phaolô nói trong Ga-la-ti 4:22-24 rằng, “Ápraham có hai con trai, và hai con trai nầy mang ý nghĩa hình bóng.” Vậy hai con trai đó vừa là lịch sử vừa là biểu tượng. Biểu tượng mang tính chất ngụ ngôn được định nghĩa là một hình ảnh hay câu chuyện; trong đó, con người, nơi chốn hay sự vật mang một ý nghĩa khác để hướng dẫn cách sống hằng ngày.

 

Xét theo ý nghĩa đó, Sáng thế ký chương 3 mang tính biểu tượng. Hơn nữa, có bao giờ quí vị xem thấy “cây biết điều thiện và điều ác” không? Có bao giờ quí vị thấy “cây sự sống” chưa? Những điều nầy mang tính biểu tượng. Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “người Giuđa đòi dấu hiệu”. Phaolô muốn dùng chữ dấu hiệu để chỉ về vẻ đẹp của ngôn ngữ. Sách Khải huyền là một trường hợp điển hình, là cuốn sách cuối của Kinh thánh được viết nên bởi ngôn ngữ tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng. Sáng thế ký chương 3 cũng được viết với loại ngôn ngữ nầy. Nó ghi lại sự khủng hoảng đã xảy ra như thế nào.

 

Chương 2 câu 8, 9 cho biết, ngôi vườn mà Đức Chúa Trời tạo nên nhằm đáp ứng những nhu cầu cho con người. Chúa muốn dùng các cây trong vườn để cung ứng nhu cầu cho họ. Những cây nầy được mô tả theo thứ tự chúng đáp ứng nhu cầu cho con người. Kinh thánh chép rằng,

 

Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.

 

Thứ tự ưu tiên được sắp xếp như sau: Trước tiên, những cây nầy nhằm đáp ứng về vẻ đẹp, rồi đến thức ăn và cuối cùng là sự sống. Nhưng, cây biết điều thiện và điều ác thì không được ăn.

 

Khi họ phạm tội hay khi họ đi theo ý của mình mà không tuân theo ý của Đức Chúa Trời, thứ tự ưu tiên nầy đã bị thay đổi. Trước tiên, họ đặt “thức ăn” lên trước, rồi đến “vẻ đẹp” và “hiểu biết”, nhưng không có “sự sống” trong đó. Vì vậy, cuối cùng  họ đã chết. Điều nầy có ý nghĩa biểu tượng thế nào đối với chúng ta? Môi-se diễn tả trong sách Phục truyền luật lệ ký 8:3, “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra.”

 

Đó là cách để con người được sống. Câu nầy được trích lại trong Ma-thi-ơ 4:4 và vài chỗ khác trong Tân ước; nó trình bày mục đích của Lời Đức Chúa Trời. Mục đích đó là con người biết làm thế nào để sống. Con người sống không phải chỉ bởi bánh hoặc tìm cách thỏa đáp nhu cầu vật chất cho mình mà thôi. Một người thật sự muốn sống phải lắng lòng đến với Chúa và thưa rằng, “Chúa ơi, xin dạy con làm thế nào để sống?”

 

Theo Môi-se, người sống trước hết phải hiểu thế nào là sống thật theo cái nhìn của Đức Chúa Trời; và rồi, họ sống theo sự mặc khải đó. Chúa đặt Adam trong vườn và nói rằng, “Ta biết nhu cầu của ngươi vì ta đã tạo nên ngươi, mọi điều ngươi cần ta đều sắm sẵn cả.” Tâm lý học cho biết rằng, chúng ta có nhiều nhu cầu hơn chúng ta tưởng. Đức Chúa Trời biết chúng ta có các nhu cầu. Ngài đặt con người trong vườn và phán rằng, “Ta biết nhu cầu của ngươi, nếu ngươi để cho sự mặc khải của ta lên trên hết, mọi nhu cầu của ngươi được giải thích qua ánh sáng của sự mặc khải, ngươi sẽ có sự sống.” Nhưng con người đã không làm như vậy, họ đặt nhu cầu thức ăn trước, và nhu cầu về sự mặc khải sau. Hậu quả là họ không bao giờ có sự sống.

 

Khi Kinh thánh nói về mắt, thường không có nghĩa đen. Trong Ma-thi-ơ 6:22, 23 Chúa Jêsus đã phán rằng,

 

“Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!”

 

Chúa có ý nói gì? Tôi không nghĩ rằng, Chúa có ý nói về con mắt theo nghĩa đen. Song, điều Chúa muốn nói là: Các ngươi nhìn sự việc như thế nào? Đây chính là câu hỏi vô cùng quan trọng. Các ngươi nhìn sự việc như thế nào? Mỗi người trong chúng ta có một hệ thống giá trị riêng và một cách sống khác nhau. Ngày nay, chúng ta nói nhiều về cách sống. Quí vị có cách sống như thế nào? Nhân sinh quan của quí vị là gì? Quí vị nhìn sự việc như thế nào? Chúa Jêsus nói rằng, đó chính là sự khác biệt giữa một thân thể sáng láng và một thân thể tối tăm. Bởi vậy, khi đặt con người trong vườn địa đàng Ngài đã phán rằng, “Ta biết mọi điều ngươi cần, điều ngươi cần nhất là sự mặc khải của Ta.”

 

Ví dụ, một thanh niên đến tuổi trưởng thành khám phá về bản năng tính dục trong mình. Thanh niên đó sẽ đứng trước 2 sự lựa chọn: Hoặc là sẽ thỏa mãn tính dục một cách bừa bãi theo lối sống của nhiều người, nhưng theo Kinh thánh, cuối cùng chỉ là sự chết mà thôi. Sự chết chính là hậu quả của điều nầy. Hoặc thanh niên đó đến với Chúa, để tìm hiểu sự mặc khải của Ngài về vấn đề tính dục, hành động theo sự dạy dỗ của Ngài thì kết quả là mọi sự tốt đẹp. Thanh niên đó sẽ hưởng được niềm vui, sự thỏa mãn và hạnh phúc. Nhu cầu lớn nhất của chúng ta không phải là tính dục, nhưng là sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời về vấn đề tính dục. Đó chính là những gì Sáng thế ký chương 3 trình bày với chúng ta.

 

Chủ nghĩa nhân bản cho rằng, tôi không cần sự mặc khải từ nơi Đức Chúa Trời. Tôi có trí khôn. Tôi biết điều gì tốt cho tôi.  Tôi biết tôi cần điều gì. Tôi không cần sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Đừng nói rằng, “Chúa là Đấng chăn dắt tôi” vì tôi không phải là con chiên; tôi chẳng cần người chăn. Chủ nghĩa nhân bản là như vậy. Tôi tin rằng, đó chính là tội. Đây là điều được mô tả trong Sáng thế ký chương thứ 3.

 

Có một chân lý quí báu được tìm thấy qua sự sa ngã của Adam và Eva. Ngay sau khi họ sa ngã, Kinh thánh ghi rằng,

 

 Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

 

Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?

 

A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lỏa lồ, nên đi ẩn mình.

 

Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lỏa lồ? Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng?

 

Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.

 

Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Người có làm điều chi vậy?

 

Một lần nữa, chúng ta có chân lý tuyệt vời được hiểu theo nghĩa bóng. Có người nói rằng, “Mọi tôn giáo trên thế giới là nỗ lực của con người đi tìm Đức Chúa Trời. Nhưng, Cơ đốc giáo là Đức Chúa Trời đi tìm con người.” Đây là một sự khác biệt rất lớn lao. Tác giả của một bài thánh ca đã viết rằng, “Con tìm kiếm Chúa, nhưng rồi sau đó con biết rằng, Ngài đã cảm động lòng con tìm kiếm Ngài bởi vì Ngài đã tìm con. Không phải con đã tìm Ngài nhưng Ngài đã tìm con.” Đây chính là bức tranh của Sáng thế ký chương 3, ngay sau khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã đi tìm con người. Ngài đã hỏi họ rằng: Ngươi ở đâu? Ai đã nói cho ngươi? Ngươi đã làm gì? Có phải ngươi đã ăn trái mà ta không cho phép được ăn không?

 

Đây không phải là điều lý thú khi thấy Đức Chúa Trời mở đầu cuộc đối thoại với chúng ta trong Kinh thánh bằng các câu hỏi sao? Tại sao Đức Chúa Trời  hỏi con người? Có phải Ngài không biết câu trả lời chăng? Có phải Ngài thiếu những thông tin cần thiết chăng? Tại sao Đấng Tạo Hóa lại hỏi loài thọ tạo các câu hỏi nầy? Hiển nhiên Đức Chúa Trời hỏi con người những câu hỏi nầy bởi vì có những điều mà con người không hiểu. Có những điều con người cần phải hiểu. Và để con người hiểu những điều nầy, Đức Chúa Trời làm cho con người phải suy nghĩ. Để cho con người suy nghĩ Ngài đã chất vấn họ.

 

Quý vị hãy  dành một ít phút yên lặng , để trả lời Chúa câu hỏi, “Con đang ở đâu?” Hãy thưa với Chúa cách chân thành từ trong lòng bạn. Cũng vậy, hãy để Chúa hỏi tiếp những câu sau, “Ngươi đã ăn trái cấm không? Ngươi đã làm gì? Và ai đã nói cho ngươi làm điều đó? Ngươi nghe theo ai? Nghe theo thế gian hay nghe theo Ta?” Bằng cách đó, hãy thực hiện cuộc đối thoại với Đức Chúa Trời. Bài học đến chúng ta sẽ tập trung vào những câu hỏi nầy.

 

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Truyền đạo LÂM ÂN ĐIỂN.
Bài tiếp theoBài 11: Sự Tạo Dựng Trái Đất Và Con Người