Các bậc cha mẹ luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất dành cho con của mình. Đó là biểu hiện của lòng yêu thương, đáng được tôn vinh. Nhưng, “thế nào mới là tốt nhất?”. Liệu có phải là tốt nhất khi cha mẹ cố công điều hướng, sắp xếp mọi việc trong cuộc đời của con hay không?
Đừng sắp đặt mọi sự cho con
Một câu chuyện nhỏ được chép trong Tân Ước có nhiều ý nghĩa trong việc hướng nghiệp cho con, đó là bà Xê-bê-đê cùng hai người con là Gia-cơ và Giăng. “Bấy giờ, có mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến gần Đức Chúa Jêsus, lạy Ngài đặng hỏi một chuyện.” (Ma-thi-ơ 20:20)
Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh Đức Chúa Giê-xu nói cho các môn đồ biết Ngài sẽ chịu thương khó, bị đóng đinh trên Thập tự giá, và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Dường như không ai trong số họ thật sự hiểu điều này mặc dù Ngài đã nói đến lần thứ ba. Khi ấy, bà Sa-lô-mê (Mác 27:57; Mác 15:40) và hai con là Giăng, Gia-cơ đã đến xin Chúa một điều “Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài” (Ma-thi-ơ 20:21b). Giữa mười hai sứ đồ, nhưng bà Sa-lô-mê lại xin cho hai con trai của mình được ngồi bên tả và bên hữu của Chúa Giê-xu, nghĩa là xin cho được địa vị cao trọng và quyền thế, chỉ sau Chúa Giê-xu. Kể cả mười môn đồ kia cũng khó chịu về yêu cầu của gia đình này.
Trong niềm tin của ba mẹ con này, nếu Chúa được vinh hiển trên đất này, khi Ngài làm vua, thì họ ước mong nhận được chức vụ cao nhất trong quốc gia. Nếu ở thiên quốc, họ cũng ước mong có địa vị chỉ sau Chúa mà thôi.
Có thể trong suy nghĩ của cha mẹ, con cái mình luôn là người giỏi nhất, tốt nhất, đáng có một địa vị cao trọng xứng hợp với khả năng của chúng. Nhiều khi, cha mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, để rồi thất vọng khi chúng không đạt được những điều mình mong muốn. Vì sự sắp xếp của cha mẹ dành cho con chưa chắc là tốt nhất!
Có người đã từng nói: “Một cuộc đời không ước ao là một cuộc đời chết, nhưng một cuộc đời ước ao không phù hợp là một cuộc đời đau đớn trong sự cay đắng”. Ước ao con thành đạt, có địa vị, giàu sang, …nhưng ao ước phải có hành động, có dịp tiện, tuy nhiên… Đừng làm mọi việc thay con, vì như thế, cha mẹ đã lấy mất niềm vui của con được tự mình hoàn thành một công việc nào đó, mà nhờ đó con trưởng thành. Tốt nhất hãy thảo luận với con để chúng nhận thức rõ chuyện gì sẽ xảy ra, để chính con có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
Chúa Giê-xu đã trả lời cho bà Sa-lô-mê và cả Gia-cơ cùng Giăng: “Các ngươi không hiểu điều mình xin” hay “các ngươi không hiểu điều mình đang nói sẽ dẫn đến điều gì tiếp theo”. Đó chính là Thập tự giá, chén đắng, “trải qua” sự nhẫn nhục, đau thương. Có những điều ao ước, khát khao không phù hợp!
Sau đó, bà Sa-lô-mê đã chứng kiến sự kiện Chúa chết trên Thập tự giá (Mác 15:40), và chính bà cũng là người mua thuốc thơm đặng xứng xác Chúa (Mác 16:1). Giả như, Chúa nhậm lời cầu xin của bà, thì có thể hai người bị đóng đinh bên Chúa, chính là hai con trai của bà!
Nhiều bậc phụ huynh đã quên lời hứa nguyện để Chúa sử dụng con mình trong ngày dâng con, mà chỉ chăm chú sắp xếp mọi sự cho con về ăn gì, mặc gì, công việc gì, lương bao nhiêu, … “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó, …” (Mác 10:14). Hãy tạo mọi cơ hội, dịp tiện để đưa con chúng ta đến với Chúa, đến nhà thờ, ban ngành, …Để con gặp Chúa. Đó sẽ là điều tốt nhất cho con!
Hãy để Chúa sắp đặt
Chúa Giê-xu đã hỏi “Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được.” (Ma-thi-ơ 20:22b). Gia-cơ và Giăng đã trả lời mình sẵn sàng “uống được”, nghĩa là sẵn sàng chịu mọi đau đớn, nhẫn nhục, cay đắng như chính Chúa phải chịu. Đó là quyết định riêng của hai anh em. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyết định này.
Trong tác phẩm “Làm Thế Nào Để Ôm Một Chú Nhím”, tác giả viết: “Thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với những nghịch cảnh trong cuộc sống của mình, nhưng chúng phản ứng với nghịch cảnh theo những cách khác nhau”. Có cha mẹ nào muốn nhìn thấy con mình thất bại, đau thương? Nhưng hãy an lòng, để con trưởng thành từ đau thương. Vì mỗi người đều có một cách khác nhau để đối diện với sự thất bại của chính mình, đó chính là liều “vacxin” quý giá, để con tiếp tục đối diện với những khó khăn lớn hơn trước mắt. Hãy đứng bên cạnh con như chính bà Sa-lô-mê đã im lặng để chính các con của mình trả lời với Chúa “Chúng tôi uống được”.
Hơn thế nữa, cần nhớ trong sự thất bại, đau thương mà con chúng ta đối diện, ngoài chúng ta đứng bên cạnh thì còn có Chúa. Chính Chúa cũng uống chén đau thương “Ngài phán rằng: Thật các ngươi sẽ uống chén ta”. Sự đau thương, thất bại của con chúng ta chẳng đáng gì so với những điều Chúa đã chịu. Hãy tin rằng, trong mọi sự, Chúa vẫn ở cùng và đang sửa soạn cuộc đời của mỗi người, qua những đau thương, thất bại.
Nhà văn Lev Tolstoy đã từng viết: “Chỉ khi nào bạn sống cho thân thể mình thôi, thì sự khổ mới có vẻ như xấu ác với bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng, mục đích của đời mình là cải thiện “cái tôi nội tại”, thì bạn sẽ đi tới chỗ hiểu rằng, sự khổ là tốt cho bạn; bởi vì nếu thiếu nó, sẽ không thể có sự cải thiện tâm linh nào”. Hãy để Chúa sửa soạn mọi việc cho con chúng ta, hãy đưa chúng đến gần Chúa.
Chúa sửa soạn mỗi chúng ta vì cớ Chúa được vinh hiển. “Thật các ngươi sẽ uống chén ta” (Ma-thi-ơ 20:23a). Chúa Giê-xu đã báo trước sự tuận đạo của họ. Khoảng mười năm sau ngày Chúa Giê-xu phục sinh, ông Gia-cơ bị Hê-rốt Ạc-ríp-ba I “giết bằng gươm” khoảng năm 44 (Công Vụ 12:2). Theo truyền thống thì ông Giăng đối mặt với việc tuận đạo khi bị quăng vào một vạc dầu lớn trong thời bắt bớ dữ dội tại La-mã. Tuy nhiên ông đã được cứu thoát chết bởi một phép lạ kỳ diệu. Sau đó Giăng bị đày đến đảo Bát-mô, ông đã viết sách tiên tri Khải Huyền trên đảo này. Quả thật, hai ông Gia-cơ và Giăng đã được Chúa sửa soạn từ những người đánh cá trở nên những người ích lợi cho nhà Ngài. Dù mỗi người có một cái kết khác nhau, nhưng điều chúng ta thấy được ở ông Gia-cơ, là ông đã chết vì danh Chúa, ông Giăng thì bị lưu đày vì danh Chúa, đến cuối đời Chúa khải tỏ để ông viết sách tiên tri cuối cùng của Kinh Thánh.
Khi chúng ta đến gần và gặp Chúa, thì Ngài sẽ có cách để sửa soạn mỗi người phù hợp với mục đích của thiên đàng. Sự sửa soạn của Chúa, thường thì không phải là sự dễ chịu. Có khi là mất hết tất cả tài sản, có lúc phải đối diện với căn bệnh nan y đau đớn khủng khiếp, mất hết người thân, …Chính Chúa là tấm gương về sự chịu khổ. Chỉ những ai sẵn sàng, ao ước nói với Chúa “Con uống được, con sẵn sàng phục vụ” thì Chúa sẽ sửa soạn người đó. Chính Ngài sẽ đặt mỗi người vào đúng chỗ đứng mà Ngài muốn, đúng “toạ độ thuộc linh” của mỗi người. Hãy bắt đầu dạy con hiểu đúng nghĩa chữ “phục vụ”.
Hãy dạy con Phục vụ
Trong khi Chúa đang sửa soạn con chúng ta, chúng ta hãy dạy con sự phục vụ. Phục vụ là làm để người khác được hưởng “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 10:28). Phục vụ đúng nghĩa là hình ảnh của một tôi tớ chứ không phải là vị vua hay quan tướng, vì “vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân” (Ma-thi-ơ 20:25).
Không ít cha mẹ đã trở thành người phục vụ con cái suốt cả cuộc đời, cũng vì thương con. Nhưng vô tình chúng ta đã dạy con trở thành một vị vua, vị tướng trong gia đình. Sự phục vụ của cha mẹ trở thành điều tất nhiên mà con nghĩ mình đáng được nhận. Đến khi cha mẹ sức tàn lực kiệt, kiếm một người để chăm sóc mình cũng không có.
Hãy dạy con phục vụ từ thuở ấu thơ. Đó chính là cách tốt để giúp các con nhận ra chúng đang giúp đỡ chính mình “Khi trở nên bận rộn với việc giúp đỡ người khác, động viên và chữa lành vết thương cho họ, thanh thiếu niên thậm chí còn không nhận ra rằng chúng đang giúp đỡ chính mình”.
Chỉ có ở trong Chúa, chỉ có Thập tự giá, nơi ấy con chúng ta được Chúa chọn, sửa soạn, uốn nắn và phục vụ Ngài, để chúng trưởng thành, thành đạt cả đời này, lẫn đời sau. Hãy dạy con phục vụ là “làm đầy tớ”, phục vụ bằng tình yêu thương, bằng sự hi sinh. Hãy dạy con biết “chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta nhận được nhiều nhất”. Chính cha mẹ hãy làm gương trong tinh thần và hành động phục vụ, đừng suy nghĩ đến chữ “lớn” và “đầu”, nhưng hãy nghĩ đến chữ “đầy tớ” và “tôi mọi”: “trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:26-27).
Hãy dạy con bắt đầu phục vụ từ những việc nhỏ nhất, hãy ban cho, vì khi cho đi là lúc dạy con bài học về sự dư dật và tình yêu thương. Hãy giúp con nhận thấy cuộc đời thật đáng sống và mình cần phải sống cho người khác. Đừng để một ngày nào đó, con chúng ta nói: “Tôi cảm thấy buồn chán và cô đơn. Nhưng ai bảo chúng quên đi những kẻ xung quanh mình, trong khi con và chính chúng ta tự đóng nhốt mình trong một nhà tù gọi là “tôi”.
Và lời hứa dành cho người phục vụ “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).
(Ti-mô-thê Tạ)