Luôn Sống Với Lòng Biết Ơn 

57

 

Chúng ta cũng hãy biết ơn Chúa luôn luôn, không chỉ trong một ngày Lễ Tạ ơn mà suốt cả năm dài.

Trên tivi, người dẫn chương trình đã hỏi một vài đứa trẻ rằng chúng biết ơn về điều gì. Đúng như dự đoán, câu trả lời của các em vừa dí dỏm vừa cảm động. Một bé gái trả lời: “Cơm và sữa”. Bé trai kia lại nói: “Cây cối, vì cây cối cho chúng ta không khí”. Trẻ em có cách trân trọng những điều bình thường trong khi người lớn có thể không để tâm đến!

Hầu hết chúng ta đều biết lễ Tạ ơn không chỉ giới hạn chỉ một ngày trong năm, nhưng lòng biết ơn chân thành thường là thói quen khó rèn luyện đối với cả trẻ em lẫn người lớn. Chúng ta thấy rằng việc phàn nàn về tình trạng kẹt xe thường dễ hơn nhiều so với việc cảm thấy biết ơn vì chúng ta có phương tiện để đi học, đi làm. Thay vì biết ơn về những gì mình đang có, chúng ta lại mong muốn có được những món đồ mới nhất trên thị trường.

Lòng biết ơn là một phẩm chất của đời sống Cơ Đốc được sản sinh ra bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta trưởng thành trong Chúa, lòng biết ơn nên trở thành một phản ứng tự nhiên đối với những gì Chúa đang làm trong cuộc sống của chúng ta. “Nguyện xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em,… lại phải biết ơn” (Cô-lô-se 3:15) – Phao-lô nói với người Cô-lô-se: sự bình an của Đấng Christ và lòng biết ơn có mối liên kết với nhau.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng thói quen biết ơn được hình thành trên nền tảng sự bình an của Đấng Christ?

 

Để ý đến các phước lành

Gần đây, chuyên mục tư vấn trong tờ báo địa phương của chúng tôi đăng nhiều lá thư — thường là từ các ông bà — bày tỏ sự thất vọng khi tặng quà cho cháu mình nhưng họ không nhận được bất kỳ lời cảm ơn hoặc một biểu hiện biết ơn nào.

Thật không may, đây không chỉ là vấn đề của trẻ con, vì người lớn thường cũng không khá hơn. Chúng ta thường cho rằng mình có thức ăn mỗi ngày, có thể nằm ngủ thoải mái trên giường, có công ăn việc làm, là một điểu hiển nhiên.

Điều thú vị là trong Kinh Thánh, lòng biết ơn được nói đến như một mạng lệnh đối với mỗi người. Lòng biết ơn không nhất thiết phải gắn liền với cảm xúc, nhưng là một thói quen cần được phát triển. Có thể không phải lúc nào cũng cảm thấy biết ơn, nhưng chúng ta có thể vun đắp thói quen bày tỏ lòng biết ơn với Chúa. Ngay cả trong những ngày tồi tệ, chúng ta vẫn nhận ra có vô số điều để có thể bày tỏ lòng biết ơn, và việc này giúp chúng ta nhìn nhận những sự việc còn lại một cách đúng đắn. Tủ lạnh đầy ắp thức ăn, được ngủ một giấc thật ngon đến sáng, được khỏe mạnh suốt cả năm dài mà không cần đi bệnh viện, tất cả đều là những phước lành đáng được ghi nhớ. Rèn luyện thói quen bày tỏ lòng biết ơn luôn mang lại những hiệu quả tích cực, giúp chúngta tạo ra những cảm xúc biết ơn sâu sắc hơn.

 

Gợi ý về lòng biết ơn

Màn hình máy tính của tôi được thiết lập để trình chiếu tất cả các bức ảnh được lưu trữ trong ổ cứng. Vì có rất nhiều ảnh, đủ loại hình, từ kỳ nghỉ gia đình, đến cảnh tôi chơi với các con hay những kỷ niệm của hai vợ chồng, nên tôi có thể xem hàng giờ mà không thấy trùng lặp. Chúng gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm, và tôi biết ơn với từng kỷ niệm đó. Theo thời gian, tôi đã học được rằng, lòng biết ơn là một phản ứng có thể hình thành qua việc học biết, khi tôi chủ động bày tỏ, tôi cảm nhận được giá trị của sự biết ơn nhiều hơn.

 

Tấm gương về lòng biết ơn

Những gợi ý về lòng biết ơn của bạn có thể khác nhau, một bài hát nhắc bạn nhớ đến người bạn yêu thương, hoặc một khoảnh khắc trong thói quen hàng ngày mang lại cho bạn niềm vui. Hãy thể hiện lòng biết ơn của bạn để người khác có thể thấy được. Hãy tận dụng những dịp này để bày tỏ lòng biết ơn với Chúa và khích lệ con bạn làm như vậy. Thỉnh thoảng, con tôi sẽ nhớ lại một kỷ niệm gia đình, và đôi khi tôi sẽ đáp lại bằng cách nói rằng, “Ba thực sự biết ơn vì chuyến đi đó”. Gần đây, tôi nhận thấy con tôi cũng nói những lời tương tự. Một tấm lòng biết ơn có sức lan tỏa.

 

Kết nối lòng biết ơn với sự phục vụ

Lòng biết ơn không chỉ ích lợi cho riêng bản thân mình. Điều đó có nghĩa là khi Chúa ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, không chỉ cho chúng ta mà còn vì lợi ích của người khác nữa. Nói cách khác, lòng biết ơn của chúng ta là phương thức dẫn đến sự phục vụ và bày tỏ Chúa cho người khác.

Thi Thiên 67:6-7 diễn tả điều này rất hay: “Đất đã sanh hoa lợi nó, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chúng tôi, sẽ ban phước cho chúng tôi. Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng tôi, Và các đầu cùng đất đều sẽ kính sợ Ngài”. Tác giả Thi Thiên hiểu rõ rằng ơn phước của Chúa là nhằm mục đích dẫn dắt các dân tộc nhận biết và thờ phượng Chúa. Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Đó là khi chúng ta chủ động tìm cách biến lòng biết ơn của mình thành sứ mạng. Chẳng hạn chúng ta có thể quyên góp để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta có thể cùng với Hội Thánh thực hiện những công tác tương trợ, giúp đỡ cộng đồng. Ví dụ phát thức ăn cho những người ở bệnh viện  hoặc những người vô gia cư… Hoặc đơn giản là bạn có thể mời những gia đình khác đến nhà cùng dùng bữa để thông công và khích lệ nhau. Khi bạn biết ơn Chúa, hãy tìm cách biến lòng biết ơn ấy thành sự phục vụ.

 

Lòng biết ơn khiến chúng ta nhận biết sự yếu đuối của mình

Khi tỏ lòng biết ơn Chúa hoặc với người khác, bạn sẽ nhận ra rằng, mình phụ thuộc vào họ. Tôi không thể tự mình làm ra mọi nguyên vật liệu để nấu những món ăn của mình. Tôi biết ơn tất cả những người xung quanh về công việc của họ, từ người bán hàng, người giao hàng, những nông dân trồng trọt, những công nhân trong nhà máy, xí nghiệp…

Và khi nhìn vào chính cuộc sống mình, tôi nhận biết rằng tất cả mọi điều tôi có đều được ban cho – điều căn bản nhất là sự sống của tôi, tôi không tự mình tạo ra được. Tôi vô cùng biết ơn Chúa đã cho phép tôi được sinh ra, đã ban cho tôi các kỹ năng và sức khỏe để làm công việc của mình mỗi ngày.

Trong một thế giới đề cao tinh thần cá nhân thì không ai cảm thấy tự hào với sự yếu đuối của mình. Nhưng lòng biết ơn thực sự xuất phát từ tấm lòng của những người thấy rằng, chính Chúa đã trở nên “yếu đuối” vì chúng ta, chỉ đơn giản vì Ngài yêu chúng ta. Chúng ta cũng hãy biết ơn Chúa luôn luôn, không chỉ trong một ngày Lễ Tạ ơn mà suốt cả năm dài.

Hồng Nhung dịch
Theo Mục sư Rob Toornstra (familyfire)

Bài trướcBan Tôn Giáo Tp. HCM Thăm và Chúc Mừng Giáng Sinh Tổng Liên Hội HTTLVN
Bài tiếp theoKauj Ruam Txais Kev Cawmdim – 12/12/2024