Ánh Sáng Tình Yêu Chúa Giữa Đại Ngàn Tây Bắc Quảng Nam [phần 2]

2794

Sự Hồi Sinh Kỳ Diệu

Sau năm 1975, con cái Chúa người Cơtu trở về bản làng. Lúc này đường đi lại khó khăn, đời sống kinh tế chưa được cải thiện nhiều, nên hầu như họ đã không còn nhóm lại thờ phượng Chúa nữa. Mãi đến mười năm sau, tức năm 1984, các nhân sự Hội Thánh Đại An nỗ lực “đi tìm chiên lạc” đã gặp được các anh em tín hữu người Cơtu. Đức tin đã được hâm nóng, và họ bắt đầu thờ phượng Chúa tại nương rẫy và khe suối. Nhờ đó, đời sống tin kính Chúa của họ mỗi ngày được thêm lên. Đến năm 1988, Hội Thánh được tái lập và giữ sự thờ phượng Chúa dầu vẫn chưa được công nhận tư cách pháp nhân.

Hồi đó, Mục sư Trương Văn Châu cổ động một số tín đồ dưới Đà Nẵng giúp hỗ trợ mái tôle để làm trường học cho các em nhỏ, vừa là nơi để nhóm lại, mua ống nước để giúp cho dân làng có nước uống. Tuy nhiên, vì chưa hiểu được đạo Chúa, nên chính quyền địa phương đã rất nhiều lần lập biên bản không cho nhóm, thậm chí họ còn xuống dỡ nhà nhóm. Một số phụ nữ đã mạnh mẽ thể hiện đức tin của mình khi nói với đoàn du kích: “…mấy anh dỡ được cái nhà ni, đền thờ ni, nhưng không làm chi được cái đền thờ trong tấm lòng chúng tôi, trong lòng ni còn, đền thờ tiếp tục mọc.” Và quả thật, hiện nay, không những nhà thờ Tin Lành A-chôm 2 vẫn mọc, mà lại còn mọc thêm nhà thờ Yều, Thạnh Mỹ…

Các Hội Thánh Chúa tại vùng tây bắc Quảng Nam

Mãi đến ngày 23/01/2008, Hội Thánh mới được chính quyền và Giáo Hội công nhận tư cách pháp nhân và lấy tên Chi Hội A-chôm 2. Tháng 8/2010, Truyền đạo Nguyễn Thanh Hồng được bổ về làm Quản nhiệm Hội Thánh.

Từ đó, Hội Thánh A-chôm 2 lại mở Hội Thánh Yều, tiếp đó là Thạnh Mỹ cùng với các Điểm Nhóm tại làng Bồn, Hiệp và Đăc-Pring (dân tộc Ve, huyện Nam Giang). Nhà thờ tạm A-chôm 2 được xây dựng vào ngày 10/05/2013, Hội Thánh đã tổ chức lễ khánh thành vào ngày 05/03/2014, sau hơn 10 tháng thi công.

Điều đặc biệt ở đây là 2 thôn A-chôm 2 và Yều đều có toàn bộ dân làng là tín hữu.

Nhà thờ Tin Lành A-chôm 2

Tín đồ Hội Thánh A-chôm 2

Sự tái lập Hội Thánh Yều cũng là một phép lạ của Chúa. Vì sau những năm 1960, do tình hình chiến sự khốc liệt tại đây, Hội Thánh Yều đã không còn. Tháng 3/1989, làng Yều được tái lập, và cũng từ đó, mỗi Chúa nhật, các tín hữu Yều nhóm lại cùng Hội Thánh A-chôm 2. Các buổi tối trong tuần, họ nhóm tuần hoàn tại các gia đình. Đến năm 1993, Điểm Nhóm Yều chính thức có sự thờ phượng Chúa tại nhà ông bà Đinh Thành vào tối thứ Năm và chiều Chúa nhật. Các ban ngành được tổ chức sinh hoạt: Ban Phụ nữ (tối thứ Ba), Ban Thanh niên (tối thứ Tư), Hội Thánh (tối thứ Năm).

Sau này, khi có chủ trương di dời làng về định cư nơi ở mới tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc để thuận tiện sinh hoạt, tránh phải vượt sông vào mùa lũ rất nguy hiểm, thì Điểm Nhóm Yều hầu như bị tách ra khỏi Hội Thánh A-chôm 2, vì từ Yều lên A-chôm 2 và xuống Hội Thánh Đại An cũng đều xa như nhau, khoảng chừng mười cây số. Chúa có thúc giục con dân Ngài tại đây, và Hội Thánh quyết định tổ chức nhóm thờ phượng Chúa ngay tại làng chứ không đi đâu hết. Vậy là Hội Thánh Yều đã bắt đầu được hình thành trở lại.

Cuối năm 2006, trước khi về làng Yều mới (nơi hiện tại), nhà ông bà Đinh Thành được chọn làm nơi nhóm lại. Năm 2012, Hội Thánh Yều chính thức nhóm vào sáng Chúa nhật, và một năm sau đã tách thành một Chi Hội riêng. Ngày 21/10/2012, Tổng Liên Hội bổ Truyền đạo Đinh Thịnh Vinh, Phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành A-chôm 2, Đặc trách Điểm Nhóm Yều. Tháng 3/2013, Truyền đạo Đinh Thịnh Vinh xin nghỉ vì sức khỏe, Mục sư Nhiệm chức Nguyễn Thanh Hồng tiếp tục kiêm lo, Hội Thánh Yều phải nhóm lại vào chiều Chúa nhật.

Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, Chúa nhật 9/2/2014, Hội Thánh Yều chuyển địa Điểm Nhóm sang nhà ông bà A Lăng Lửa, xây dựng, tổ chức lại các ban ngành. Ngày 06/6/2015, Hội Thánh nhận được giấy Công nhận Điểm Nhóm Yều của Ủy ban Nhân dân xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (ký ngày 01/6/2015), và đến ngày 17/07/2015, Lễ Công bố và Bổ nhiệm Truyền đạo Kỳ Xuân Ninh Phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh A-chôm 2, Đặc trách Điểm Nhóm Yều được diễn ra.[1]

Câu chuyện về Điểm Nhóm Bồn cũng vô cùng thú vị. Vào cuối năm 1989, gần những ngày Giáng sinh, ông A-lăng Lương bị bệnh xơ gan cổ trướng, bụng to, ông nhắn vợ xuống A-chôm 2, mời thầy Hồng[2] lên cầu nguyện cho ông, mục đích là để khi ông qua đời, được về với Chúa trên thiên đàng. Khi cầu nguyện xong, thầy Hồng bị du kích xã bắt đi, thì ông A-lăng Lương bắt đầu xuất huyết, ra chất dịch hôi thối, mấy ngày sau, ông dần dần lành bệnh, bụng xẹp, người khỏe ra, ăn uống đi lại bình thường. Ông mừng quá, nên đi khắp làng Bồn, rao rằng Chúa đã chữa lành bệnh cho ông. Mãi sau này, khi được thả về, thầy Hồng mới biết Chúa đã làm phép lạ trên ông A-lăng Lương. Từ đó, tại Bồn đã có được một số người tin Chúa. Lại nói về một người khác, vì nhà ông bị ma quỉ ám, không thể sống bình an trong nhà được. Một hôm, ông tình cờ mở đài Nguồn Sống, nghe bà Nancy nói về Tin Lành. Chị của ông, lúc đó là một tín đồ đã tin Chúa từ hồi Mục sư Kiều Toản lên truyền giáo ở đây, cũng nhận ra được giọng của bà Nancy nên nói: “Chừ em tin Chúa đi, chỉ có tin Chúa mới về được nhà nớ. Nghe được đài nớ là tốt rồi, bây giờ chỉ cần tin Chúa nữa, tin Chúa dứt khoát về nhà được, không có con ma mô ám ảnh nữa.” Ông bằng lòng tin Chúa, và mạnh dạn trở về nhà, thấy được bình an. Ông rất vui mừng và mời Hội Thánh về nhà ông nhóm, và đã trở thành Điểm Nhóm Bồn. Hiện nay, tín đồ chính thức tại Điểm Nhóm Bồn là 78 người.

Những năm 1992, nhờ sự nỗ lực của các nhân sự tại Hội Thánh Đại An, nên một số anh em Cơtu tại Thạnh Mỹ bắt đầu tìm hiểu về Chúa. Họ được mời xuống nhà thờ để dự nhóm với Hội Thánh, nhưng mỗi lần đi về thì luôn gặp sự khó khăn, bắt bớ. Lúc này, do hiểu biết còn đơn sơ, nên họ không dám liên lạc với Hội Thánh nữa. Tuy vậy, họ vẫn mong muốn gặp anh em nhân sự ở Hội Thánh Đại An để được học Lời Chúa, biết cách thờ phượng Ngài. Mãi đến năm 1998, thì các nhân sự này mới có dịp lên thăm Thạnh Mỹ. Tháng 12 năm đó, anh em Cơtu được mời xuống Đại An dự lễ Giáng sinh, sau đó lên dự lễ tiếp tại nhà thờ A-chôm 2, và có 8 anh em người Cơtu đã cầu nguyện tin Chúa. Từ đó, anh em mạnh mẽ lên, trở về tự tổ chức và duy trì sinh hoạt dù chỉ là lén lút vào chiều tối chứ không dám công khai. Do còn đơn sơ, nên anh em chỉ nhóm lại, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và hát Thánh ca chứ chưa biết chia sẻ Lời Chúa. Từ năm 1998 đến năm 2001, thời gian này anh em thường nhóm thờ phượng Chúa tại nhà ông Ahó Rập, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là gia đình người Cơtu tại Thạnh Mỹ biết Chúa đầu tiên. Người đầu tiên chịu phép báp-têm tại Thạnh Mỹ đó là ông Đinh Văn Thia, vào khoảng tháng 03 hoặc 04 năm 1993. Đến năm 2001, số tín hữu đã tăng lên được 92 người. Tuy nhiên, thời gian này, nhiều người đã không giữ trọn vẹn được đức tin. Chính quyền chưa hiểu rõ về đạo Tin Lành nên đã gây khó khăn rất nhiều cho con cái Chúa ở đây. Anh em tín hữu bị tịch thu toàn bộ Kinh Thánh, Thánh ca và không cho nhóm lại nữa.

Năm 2002-2004, nhờ sự thăm viếng của các nhân sự từ Hội Thánh Đại An và A-chôm 2 thì anh chị em người Cơtu được khích lệ khá nhiều. Anh em đổi Điểm Nhóm từ nhà ông Rập sang nhà anh Năng, là con rể của ông Rập. Đến năm 2005, lại thay đổi Điểm Nhóm về nhà anh Thia. Lúc này Truyền đạo Nguyễn Thanh Hồng kêu gọi con cái Chúa dâng nhà để làm nơi thờ phượng Chúa chung, và cố định Điểm Nhóm một chỗ, công khai việc nhóm thờ phượng Chúa. Vợ chồng anh Thia đã bằng lòng dâng ngôi nhà ở của mình để làm nơi nhóm lại. Đến năm 2006, Ban Chấp sự Lâm thời của Điểm Nhóm được thành lập. Năm 2008, có Truyền đạo Đinh Thịnh Vinh lo cho Điểm Nhóm. Tháng 5 năm 2013, Giáo Hội chính thức bổ Truyền đạo Đinh Quốc Việt về phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh A-chôm 2, Đặc trách Điểm Nhóm Thạnh Mỹ.

Ngày 05/03/2015, Lễ Tạ ơn Chúa và Công bố Quyết định thành lập Điểm Nhóm Tin Lành Thạnh Mỹ được tổ chức. Hiện tại, Điểm Nhóm Tin Lành Thạnh Mỹ có 52 tín hữu và Đặc trách là Truyền đạo Nguyễn Thanh Hiếm.

Hội Thánh Yều trong ngày lễ công bố thành lập năm 2015

Bên trong nhà nguyện Điểm Nhóm Bồn

Hội Thánh Thạnh Mỹ có 2 khu vực, vùng thấp và vùng cao. Vùng thấp ở dưới Thạnh Mỹ, vùng cao ở trên xã La Êê, xã Chà Vàl và xã Đắc Pring. Đường sá giao thông ở đây rất tốt, tuy nhiên công tác chăm sóc thăm viếng vô cùng khó khăn vì con cái Chúa ở rải rác trên nhiều địa bàn, đây cũng là vùng sát biên giới với Lào. Việc truyền giáo còn hạn chế vì nhiều người chưa hiểu, hoặc hiểu sai lệch về Tin Lành nên họ xa lánh, không muốn tiếp xúc với các tín hữu. Số người tin Chúa trong những năm qua tuy có, những vẫn còn khá ít. Hội Thánh đang hết lòng nỗ lực để đem Tin Lành đến cho đồng bào…

Ban hát Hội Thánh Thạnh Mỹ trong ngày công bố thành lập năm 2015

Con đường phía trước

Có đến 65.000 người Cơtu sống trong 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, số tín đồ hiện tại của người Cơtu chỉ trên 600 người, đa số đều nằm ở vùng thấp, còn vùng cao thì chưa có. Để Hội Thánh ngày càng phát triển, thiết nghĩ cần có 3 điều như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền giáo. Hiện nay, ở vùng cao, đa số người Cơtu nói tiếng Việt không tốt, vì vậy, việc đầu tiên phải làm là cần có một quyển tự điển Cơtu – Việt, đồng thời cần phải hiệu đính lại bản dịch Kinh Thánh tiếng Cơtu. Tất cả các tôi tớ Chúa người Cơtu phải bắt đầu giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Bước tiếp theo là cần có một chương trình viết Truyện tích Kinh Thánh, kể chuyện Kinh Thánh bằng tiếng Cơtu, hầu cho những người lớn tuổi chưa biết tiếng Việt ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng cao, có thể nghe được Tin Lành quyền năng của Chúa qua các chuyện kể Kinh Thánh.

Điều thứ hai là vấn đề kinh tế của người Cơtu. Hội Thánh trên phương diện thuộc linh tốt, nhưng đời sống của người Cơtu cũng cần được cải thiện. Những dự án nuôi trồng thực phẩm tươi sạch phải được triển khai để nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào. Người Cơtu hiện nay có đất, có sức lao động, nhưng thiếu vốn và kiến thức để làm kinh tế, chính vì vậy, rất cần sự đầu tư về tài chính, công nghệ, kỹ thuật.

Vấn đề thứ ba là về y tế xã hội. Việc thiếu thốn các thiết bị y tế cơ sở cũng là một khó khăn cho đồng bào tại đây, mỗi khi có người đau ốm, việc di chuyển bệnh nhân thật khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Dầu Hội Thánh đã trang bị một số ghe để đi lại, nhưng những phương tiện này không đảm bảo an toàn khi đi giữa dòng lũ quét. Và trường hợp này cũng đã xảy ra, điều tốt là Chúa cho mọi việc đều bình an. Nguồn nước sử dụng hiện tại được lấy từ khe suối, không qua xử lý nên chưa đảm bảo, hệ thống nhà vệ sinh tại đây cũng chưa hoàn chỉnh dù rằng rất tiến bộ so với trước.

Khi đời sống kinh tế phát triển, sẽ hỗ trợ cho công tác truyền giáo rất nhiều, và nề nếp văn hóa, sinh hoạt được cải thiện thì đó cũng là điều thu hút nhiều đồng bào chưa tin Chúa học tập theo và nhận biết Chúa qua chính đời sống của các tín hữu.

Gần 80 năm ánh sáng tình yêu Chúa rạng soi trên vùng đại ngàn Tây Bắc – Quảng Nam, trong đó có trên 20 năm Hội Thánh Chúa tưởng chừng như không còn tồn tại, vậy mà ơn yêu thương của Ngài vẫn tràn đầy trên vùng đất này. Rất nhiều việc đã xảy ra, rất nhiều câu chuyện được kể lại, và chỉ khi được đến, được nghe, được chứng kiến sự hồi sinh, phát triển của đạo Chúa trên đồng bào Cơtu, chúng ta mới thấy Việc Chúa Làm thật lạ lùng. Hiện tại, Hội Thánh Chúa đang rất cần sự cầu nguyện, hiệp một, chung tay góp sức của tất cả tôi con Chúa khắp nơi về mọi phương diện, thuộc linh cũng như thuộc thể. Ước mong một ngày không xa, chúng ta lại thấy có thêm nhiều Hội Thánh, Điểm Nhóm được hình thành tại vùng đất này, để lời ngợi ca tôn vinh danh Chúa mãi vang vọng giữa núi rừng bạt ngàn, đi vào lòng, vào trái tim từng người con của bản làng Cơtu.

Vũ Hướng Dương
(bài viết có sử dụng những tư liệu do Hội Thánh cung cấp)

Chú thích:
—–
[1] Lược sử HTTL Yều
[2] Lúc đó là Truyền đạo Tình nguyện

Bài trướcUB CĐGD: Giới thiệu sách “Những Người Dâng Hiến Của Đức Chúa Trời”
Bài tiếp theoVợ Chồng Thuộc Về Nhau – 24/5/2019