Quế Phương: Ngôi Nhà Thờ Miền Sơn Cước

3554

HTTLVN.ORG – Trước năm 1975, nhà thờ Quế Phương nằm trên tỉnh lộ nối liền Tam Kỳ đi lên vùng cao Trà My, nên nơi này cũng khá sầm uất. Tuy nhiên, khi có hồ Phú Ninh chắn ngang, con đường lên Trà My đã chuyển qua hướng Tiên Thọ, khiến nơi này thành vùng hẻo lánh, ít người qua lại.

Khi nghe đến Quế Phương, chắc không ít người nghĩ rằng đây là địa danh tại Quế Sơn, giống như tên các xã: Quế Xuân, Quế Lộc, Quế Thuận… đều bắt đầu từ chữ Quế. Nhưng thật ra, Quế Phương lại thuộc về xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Điều này cũng giống như cái tên Tiên Quả, nhiều người cứ lầm tưởng nó thuộc huyện Tiên Phước (các tên xã ở đây là Tiên Kỳ, Tiên Cẩm, Tiên Thọ, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh…) nhưng Hội Thánh Tiên Quả lại mang địa danh của một thôn thuộc xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành (Lý Tín cũ).

Đường lên Quế Phương đã được trải nhựa và đổ bê tông, dù rằng có nhiều đoạn bị xuống cấp do xe chở gỗ, nhưng vẫn thuận lợi hơn nhiều so với trước. Bây giờ, người ta có thể đến Quế Phương qua ngã Tiên Thọ, hoặc bằng con đường chạy dọc ven hồ Phú Ninh, qua Tam Lãnh. Từ Quế Phương lại có thể đi thẳng lên Tiên Hiệp, nơi có nhà thờ Tin Lành Tiên Hiệp, hoặc rẽ ra Tiên Kỳ, nơi có nhà thờ Tin Lành Tiên Phước.

Quế Phương ngày trước là miền sơn cước, “Đây là chốn hang cùng ngõ hẻm, nước độc người thưa, sự đi lại rất khó khăn, nào là núi đèo, sông suối”.[1] Thời Truyền đạo Dương Trọng Vinh lên đây hầu việc Chúa (năm 1951), vẫn còn là “rừng thiêng nước độc” nên ông và bà thường xuyên đau ốm. Có hôm, ông đi thăm tín đồ tại Suối Dưa thì gặp cọp, có khi cọp lại vào đến tận nhà để bắt chó.[2]

Gian khổ là vậy, khó khăn là vậy, nhưng từ khi thành lập đến nay, lòng yêu mến Chúa của con dân Ngài tại Hội Thánh Quế Phương vẫn không hề thay đổi.

Ngược dòng lịch sử, Hội Thánh Quế Phương đã vài ba lần xây dựng nhà thờ. Ngôi nhà thờ đầu tiên vào năm 1937, khi mới mở Hội Thánh, được làm bằng lá.[3] Rồi đến năm 1941, Hội Thánh đã làm được nhà giảng mới, cũng bằng tranh, nhưng rộng rãi, mát mẻ hơn. Lúc này, địa bàn của Hội Thánh đã được mở rộng lên đến vùng Trà My.[4] Có lẽ thời kỳ phát triển nhất của Hội Thánh Quế Phương là vào khoảng năm 1954-1956, khi mở được Hội Nhánh tại Đàn Thượng (Tam Lãnh, Phú Ninh hiện nay), số người tin Chúa khá đông, và đã xây dựng được nhà thờ mới.[5]

Nhà thờ Quế Phương xây dựng năm 1956 (ảnh TKB số 237 (068), tháng 07/1956)

Câu chuyện của cụ Huỳnh Hoan, một tấm gương mẫu mực yêu kính Chúa, có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người con Chúa hôm nay. Ở lứa tuổi 63, gia cảnh nghèo khó, cụ luôn hết lòng muốn góp phần trong việc xây dựng cơ sở nhà Chúa.

“…Năm 1955, chứng đau bụng kinh niên của cụ biến chứng, mắt cụ trở nên lòa, tuy vậy, ngày 28/08/1955, Hội Thánh khởi công xây cất nhà thờ, cụ đã dùng 500 đồng đạc bán ruộng để uống thuốc, nhưng không uống, dâng vào việc nhà Chúa. Từ đó, cụ lê la trên chiếc gậy đi nhóm mỗi Chúa nhật, rất cảm động.

“Đầu năm 1956, thân thể cụ càng yếu vì bệnh càng tăng, cụ không thể đi đứng được nhưng miệng luôn kêu Chúa và cầu nguyện. Thường tôi tớ Chúa đến thăm viếng, an ủi, cụ tỏ vẻ vui mừng trong Chúa luôn luôn.

“Khi Hội Thánh lạc quyên sửa nhà, cụ lại hứa thêm 100 đồng nữa. Khi gần qua đời, cụ dặn vợ con phải thanh toán số hứa ấy cho cụ để khỏi thiếu nợ Chúa.

“Trước một tuần về với Chúa, anh em đến thăm, cụ hỏi xây cất nhà thờ xong chưa, và cụ ao ước thấy đền thờ Chúa trước khi qua đời. Không ngờ, trước khi cụ qua đời một tuần, bệnh cụ phát rất khó khăn, mãi đến sáng Chúa nhật 26/03/1956, cụ dậy sớm ăn cháo và hối vợ con đi nhóm thờ phượng Chúa, trưa đó cụ hấp hối. Được tin, tôi tớ Chúa cùng Ban Trị sự với một số anh em đến hiệp chung cầu nguyện và tôi tớ Chúa xức dầu, thấy cụ khỏe, bệnh thũng cũng hết, nhưng vì ý Chúa muốn đem cụ về, nên sau đó cụ thở mạnh rồi qua đời…”[6]

Tuy nằm trong vùng khói lửa chiến tranh, nhưng ít nhất đến trước năm 1973, Hội Thánh vẫn còn duy trì sự sinh hoạt[7] dù nhà thờ đã bị hư hoại từ năm 1967. Sau năm 1975, con cái Chúa tản lạc khắp nơi, Hội Thánh Quế Phương tưởng chừng như chỉ là dư âm của những tháng năm lịch sử. Tuy vậy, thật phước hạnh thay, bởi dấu thời gian chỉ có thể xóa nhòa đi những công trình vật chất của con người, nhưng lòng yêu mến Chúa của con dân Ngài thì vẫn còn mãi mãi.

Thời còn hầu việc Chúa tại Tiên Thọ, Mục sư Phan Ân, rồi đến Mục sư Võ Tấn Biên đã hết lòng xây dựng chi phái Quế Phương. Đến năm 2005, con dân Chúa tại đây bắt đầu nhóm lại và đến năm 2008, Hội Thánh được tái lập. Hai năm sau, Truyền đạo Trần Việt Tuấn Anh được Tổng Liên Hội bổ về quản nhiệm Hội Thánh. Một thời kỳ mới được bắt đầu.

Chi Hội Quế Phương những ngày đầu mới được tái lập

Lúc này, Hội Thánh phải nhóm tạm tại nhà một tín hữu, rồi chuyển sang một căn phòng chỉ vỏn vẹn 30m2. Sau những lần cơi nới ngôi nhà tạm, đến tháng 09/2018, sau 42 năm không có nhà thờ, Hội Thánh đã quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ kiên cố với nội lực sẵn có.

Ngôi nhà thờ trong tương lai thật khang trang: phòng nhóm chính ở tầng trên có diện tích 8m x 18m = 144m2, chưa kể phòng dành cho Ban Hát lễ 60m2. Tầng dưới là phòng sinh hoạt diện tích 8m x 15m= 120m2 và một số phòng chức năng dành cho các ban ngành, thiếu ấu nhi, phòng kho …

Tháng 03/2019, cơ sở nhà Chúa đã xong được một phần cơ bản, đã đổ được tầng 2, xây bờ tường, nhưng vẫn còn khá nhiều hạng mục chỉ mới hoàn thành được phần thô. Do đời sống kinh tế còn khó khăn, việc xây dựng nhà thờ cho đến giai đoạn hiện nay là cả một nỗ lực lớn của tôi con Chúa tại Quế Phương, và hiện nay, họ vẫn bước đi trong sự trông cậy vào Chúa Thành tín đang đồng hành với họ.

Nhà thờ Quế Phương đang trong quá trình xây dựng

Phối cảnh nhà thờ Tin Lành Quế Phương

Những tháng ngày phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn một ngày không xa, với sự đồng công chung tay, chung sức của tôi con Chúa khắp nơi hướng về một Hội Thánh miền sơn cước, tiếng chuông của nhà thờ Quế Phương sẽ vang lên giữa núi rừng tinh sương buổi sớm. Tiếng chuông ấy sẽ thúc giục tấm lòng hơn hai trăm người con Chúa nơi đây mạnh mẽ lên đường, tiếp nối những bước chân của tiền nhân, đem ánh sáng Tin Lành của Chúa Cứu thế Giê-xu Christ đến cho đồng bào mình…

Vũ Hướng Dương

—-

Chú thích:

[1] Thánh Kinh báo, Tin tức, 243 (074), tháng 01/1957
[2] Thánh Kinh báo, Tin tức, 221 (052), tháng 03/1955
[3] Thánh Kinh báo, Tin tức, 076, tháng 06/1937
[4] Thánh Kinh báo, Tin tức, 125, tháng 07/1941
[5] Thánh Kinh báo, Tin tức, 221 (052), tháng 03; 223 (054), tháng 05/1955; Bài làm chứng: Ơn Chúa Đối Với Cụ Huỳnh Hoan, 235 (066), tháng 05; Tin tức, 237 (068), tháng 07/1956
[6] Thánh Kinh báo, Bài làm chứng: Ơn Chúa Đối Với Cụ Huỳnh Hoan, 235 (066), tháng 05/1956
[7] Thánh Kinh Nguyệt san, Tin tức, 411, tháng 12/1973

Bài trướcMệnh Lệnh Xin Vàng Bạc – 28/3/2019
Bài tiếp theoV/v Trại Hè Thiếu Niên Các Tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang