Nê-hê-mi 8:9-12
9 Nê-hê-mi, quan tổng trấn, E-xơ-ra, thầy tế lễ và thầy thông giáo, cùng người Lê-vi mà dạy dỗ dân sự, bèn nói với cả Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp. 10 Nê-hê-mi nói với chúng rằng: Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gởi phần cho những người không có sắm sửa gì hết; vì ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi.
11 Vậy, người Lê-vi làm cho cả dân sự đều được yên ổn, mà rằng: Khá nín đi, vì ngày nay là thánh, đừng sầu thảm chi. 12 Cả dân sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền dạy cho mình.
Câu gốc: “Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp” (câu 9b).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao dân Y-sơ-ra-ên khóc lóc, để tang khi nghe đọc luật pháp, còn các nhà lãnh đạo lại kêu gọi dân Chúa hãy vui mừng và kiếm vật gì ngon để ăn? Dân Chúa đã đáp ứng thế nào? Nhờ đâu chúng ta nhận ra con người thật của mình, và nhận biết mình cần Chúa luôn?
Chúng ta có thể có chút bối rối về cách đáp ứng hoàn toàn trái ngược giữa dân Chúa và các nhà lãnh đạo. Khi dân chúng lắng nghe Lời Chúa xong thì khóc lóc để tang, còn các nhà lãnh đạo thì kêu gọi dân Chúa hãy đi ăn mừng và vui vẻ lên. Nếu đặt mình vào trong tâm trạng chung của dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta sẽ hiểu được lý do của những giọt nước mắt. Sau bao năm tháng lưu đày, họ tưởng chừng như mình không thể quay về quê hương. Thế nhưng ngay giờ phút này đây, họ lại đang được ở trên chính quê hương mình với sự che chắn của vách tường thành. Và khi được lắng nghe Lời Chúa, họ thấy mình đã xa Chúa như thế nào. Họ nhìn thấy tội lỗi ghê gớm của chính mình, đồng thời nhìn thấy ân sủng dồi dào của Chúa. Họ khóc cho những tội lỗi của mình và khóc vì cớ nhìn thấy tình yêu sâu đậm của Chúa. Thế nhưng thời điểm lúc bấy giờ là ngày nghỉ, ngày kỷ niệm mà Chúa truyền dặn họ (Lê-vi Ký 23:24), và sau đó họ sẽ tiến hành Lễ Lều tạm. Đó là lý do các các nhà lãnh đạo dân Chúa nói: “Ngày nay là ngày thánh cho Đức Đức Chúa Trời”. Kỷ niệm ngày thánh cho Chúa không phải là lúc dân Chúa tập trung vào chính mình, nhưng là tập trung vào Chúa, vào ý nghĩa của ngày lễ. Điều dân Chúa cần làm là vui mừng và san sẻ đồ ăn của mình cho những người thiếu thốn. Dẫu biết điều dân Chúa cần làm là thế, nhưng các các nhà lãnh đạo cũng rất thấu hiểu tâm trạng sầu não của đoàn dân. Thế nên, họ đã an ủi dân chúng rằng, “sự vui vẻ của Đức Chúa Trời chính là sức lực cho các ngươi.” Chính bởi sự an ủi đầy khích lệ ấy đã làm cho dân Chúa có thể vui mừng hân hoan vì họ biết mình cần phải làm gì trong lúc này.
Chúng ta cũng từng thất bại, từng làm những điều ngược với Lời Chúa dạy. Và chắc chắn ít nhiều trong chúng ta cũng đã từng đau buồn, khóc lóc khi được Lời Chúa đụng chạm vào lòng mình. Đó là lúc chúng ta nhìn thấy được sự yếu đuối trong mình và cảm nhận ơn yêu thương sâu đậm của Chúa. Chính bởi ân sủng từ Chúa đã cho chúng ta thấy được chỗ sâu kín trong con người thật mình, và nhận biết mình cần Chúa luôn. Xin Chúa cho chúng ta gần với Lời Chúa mỗi ngày, để chúng ta không lạc xa Ngài.
Điều mà Lời Chúa đụng chạm vào lòng bạn gần đây nhất là điều gì?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Lời Chúa soi rọi vào trong cuộc đời con để con nhìn thấy ân sủng của Chúa, thấy những sai trật của mình, và xin giúp con sống đúng như điều Chúa dạy.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 16.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.