Mả Cũ Bên Đường

2613

Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) là một bậc đàn anh trong thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 20. Trong những bài thơ nổi tiếng, có bài Mả Cũ Bên Đường sau đây:

 

 

Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà

Đường xa, người vắng bóng chiều tà

Một dãy lau cao, đàn gió chạy

Mấy cây thưa lá sắc vàng pha

 

Ngoài xe trơ một nấm đất đỏ

Hang hốc đùn lên đám cỏ gà

Hỡi người dưới mả ai ai đó

Biết có quê đây hay vùng xa?

 

Hay là thuở trước khách binh đao

Hám đạn, liều tên quyết mũi dao

Cửa nhà xa cách, vợ con khuất

Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao.

 

Hay là thuở trước khách văn chương

Chen hội công danh lỡ đoạn đường

Tài cao, phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương.

 

Hay là thuở trước khách hồng nhan

Sắc sảo, khôn ngoan trời đất ghen

Phong trần xui gặp bước lưu lạc

Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.

 

Hay là thuở trước khách phong lưu

Vợ con, đàn hạc đề huề theo

Quan san xa lạ, đường lối khó

Ma thiêng, nước độc phong sương nhiều.

 

Hay là thuở trước bậc tài danh

Đôi đôi, lứa lứa cũng linh tinh

Giận duyên, tủi phận hờn ân ái

Đất khách nhờ chôn một khối tình.

 

Suối vàng sầu thảm biết là ai?

Mả cũ không ai kẻ đoái hoài

Trải bao ngày tháng trơ trơ đó

Mưa dầu, dãi nắng, trăng mờ soi.

 

Ấy thật quê hương con người ta

Dặn bảo trên đường những khách qua

Có tiếng khóc oe thời có thế

Trăm năm ai lại biết ai mà?

 

Bài thơ này làm tự những năm đầu của thế kỷ 20, phản ánh rất nhiều nhân sinh quan của nhà thơ.  Chỉ nhìn một nấm đất bên đường mà mường tượng ra năm loại người có thể đã nằm dưới đó, nhà thơ thật nhiều tư tưởng phong phú.

 

Ông tưởng tượng người nằm dưới mả là một chiến sĩ, sa trường da ngựa bọc thây, vợ con xa cách, vùi thân nơi đất người.

 

Cũng có thể là một chàng học trò, thi mãi chẳng đỗ, cuối cùng thân bại danh liệt, sa vào tửu sắc và chết vô thừa nhận.

 

Lại có thể là một cô gái phong trần lưu lạc và bệnh hoạn hay tuổi già bị xã hội ruồng bỏ, nằm xuống cũng như Đạm Tiên vậy.

 

Hay là một người giàu có, phung phí tiền của vào những cuộc vui trong đời, đến cuối cùng chết vì ma thiêng chướng khí.

 

Hoặc một trang giai nhân bị người đời xé tan nát cuộc đời và ruồng rẫy cuối cùng đã quyên sinh cho khỏi lầm than. (Dám có thể là một trang công tử!)

 

Cả năm mẫu người tưởng tượng đó đều chấm dứt bằng một số phận: “Mả cũ không ai kẻ đoái hoài”

 

Dĩ nhiên chưa chắc người nằm dưới mả cũ bên đường ấy đã là một trong năm con người tưởng tượng kia.  Nhưng dưới suy tư của một nhà thơ, ta cũng không khỏi bùi ngùi thương tiếc.

 

Quê hương của đời người, dù là ai, cũng vẫn là một nấm đất hay một nơi chôn cất nào đó.  Dù sang trọng, có người thăm nom, cúng kiến hay bị bỏ mặc bên đường, cũng vậy thôi.

 

Hành trình đời người, dù là ai, cũng sẽ dừng lại ở một nấm mồ, ở cát bụi. Bao nhiêu thành công hay thất bại cũng chấm dứt ở đó.  Một thời gian sau đó, không ai còn nhớ đến nữa.

Tản Đà gọi nấm đất bên đường hay bất cứ ngôi mộ nào, cũng là quê hương con người ta. Ôi, phải chăng cát bụi là quê hương, nơi sống ở thác về?

 

Thật ra đó mới chỉ là cái nhìn về thân xác, tức là thể chất hữu hình của con người.  Xác người nằm bên đường, hay trong nghĩa trang nào đó,  nhưng linh hồn đi về đâu?  Nhà thơ không nêu câu hỏi này, vì quan niệm chết là hết.

 

Quan niệm đơn giản như thế cũng tạm yên, nhưng con người với tất cả khôn ngoan và óc  sáng tạo, không thể cùng vạn vật ngã xuống bụi đất và chấm dứt.  Ai cũng biết như thế, người vô thần cũng còn tin như vậy, tin rằng không phải chết là hết.

 

Sách Truyền Đạo trong Kinh Thánh Cựu ước ghi rằng:

Bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó. (Truyền Đạo 12:7).

Thân xác chôn vùi  dưới đất nhưng linh hồn trả về Tạo Hóa  là đấng đã sinh thành ra nó.

 

Tản Đà bi quan thật! Nhưng cái bi quan đó có hàm chứa tuyệt vọng.  Vì  con người khóc chào đời, qua tuổi sơ sinh, ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, đứng tuổi, trung niên, cao niên và chết.  Trăm năm ngắn ngủi chẳng mấy chốc cũng qua và đời người chìm vào cây cỏ vạn vật.

 

Tuy nhiên những ai đã tin nhận Chúa, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên trời đất và là nguồn cội của sự sống, nơi sự sống sẽ trở về. Người tin nhận Ngài biết rõ rằng chết không phải là chấm dứt.  Vì linh hồn vẫn tồn tại, mặc dù ở trạng thái an nghỉ.

 

Thưa quý vị và các bạn, vấn đề là cuộc sống của mỗi chúng ta không chấm dứt ở một nấm mồ đâu, nhưng còn tiếp diễn bên kia nấm mồ nữa.  Đây không nói về vong hồn hay hồn ma, nhưng nói về linh hồn.

 

Mỗi người khi còn sống, cần phải có quyết định về linh hồn của mình và đặt đức tin nơi Cứu Chúa hằng sống, toàn năng.  Khi ta tin nhận Đức Chúa Trời thành người là Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của nhân loại thì linh hồn ta hoàn toàn trong tay Chúa.  Ta không còn lo sợ bị trừng phạt,  vì tin Chúa thì được thứ tha mọi tội lỗi và được tái tạo.

 

Quyết định tin Chúa tức là bằng lòng trao linh hồn vào tay Chúa và được Chúa hướng dẫn trong cuộc đời trần gian cũng như sau trần gian này.

 

Mời bạn tin nhận Chúa, vì bạn không thể sống mà không có Chúa.

 

Bạn chỉ cần thành tâm cầu nguyện với Chúa, và tìm đến những người tin Chúa để cùng xây dựng đời sống tâm linh cho vũng mạnh.

 

Nên nhớ rằng, sẽ có một ngày bạn nằm xuống, tại một nghĩa trang nào đó, nhiều người sẽ thương tiếc bạn, nhưng không ai có thể làm gì cho bạn nữa cả. Nhưng nếu bạn tin nhận Chúa là Đấng sinh thành ra bạn, cứu vớt bạn khỏi phàm trần, Chúa sẽ chờ đón bạn, và bạn sẽ an nghỉ thật sự, dù thân xác đặt vào lòng đất.

 

 

Liễu Chương Đài

 

 

Bài trướcUB CĐGD – Giới Thiệu Sách: Năng Lực Trong Lời Cầu Nguyện Của Người Vợ
Bài tiếp theoNhóm Khiếm Thính HTTL Vĩnh Phước Mừng Chúa Phục Sinh