Bài 28: Tinh Thần Của Mười Điều Răn (tt)

2165


Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Bài học trước, chúng ta đã khảo sát về 5 điều răn, trong đó bốn điều đầu tiên đề cập đến quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.

 

 

1. Trước mặt Đức Chúa Trời không có các thần khác.

 

2. Không được làm bất cứ tượng chạm nào giống như các vật ở trên trời hay dưới đất và tôn thờ như là Đức Chúa Trời.

 

3. Không được lấy danh Đức Chúa Trời mà làm chơi

 

4. Biệt riêng thì giờ để thờ phượng Đức Chúa Trời và nghỉ ngơi

 

5. Tôn kính cha mẹ, điều răn này đi kèm với một lời hứa là được sống lâu.

 

Những điều răn tiếp theo đề cập đến mối tương quan chiều ngang; hay nói cách khác, những điều răn này nói về mối quan hệ giữa chúng ta và những người chung quanh.

 

Điều răn thứ 6, “Ngươi không được giết người” không nên được hiểu một cách máy móc là không được giết trong bất cứ trường hợp nào cả, bởi vì nhiều chỗ trong Kinh thánh, Chúa truyền lệnh giết. Lời Chúa có phán rằng, “Kẻ sát nhân phải bị đền mạng”. Chương 9 của sách Sáng thế ký ghi lại việc loài người bị giết chết. Trong Tân ước, sách Rô-ma chương 13 sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng, “người cầm gươm chẳng phải là vô cớ,. Phao-lô muốn dạy rằng, chúng ta phải tuân thủ luật pháp. Phao-lô dạy rằng, Đức Chúa Trời thiết lập luật pháp và trật tự. Luật pháp mà Đức Chúa Trời đã thiết lập bày tỏ sự phán xét của Ngài đối với kẻ ác. Tinh thần của điều răn nầy đó là sự sống hay mạng sống thuộc về Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng ban sự sống và Ngài là Đấng có quyền lấy lại sự sống.

 

Điều răn thứ 7 là “Ngươi chớ phạm tội tà dâm” hay “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình.” Thoạt nhìn, điều răn nầy dường như chỉ liên quan đến hai vợ chồng. Tuy nhiên, xét sâu hơn, nó liên quan đến quyền lợi của con cái chúng ta. Trở lại với Sáng thế ký chương 2, Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân; từ đó, con cái được sinh ra. Hôn nhân chính là mái ấm mà con cái được nuôi dưỡng và chuẩn bị để bước vào cuộc sống. Do đó, sự an toàn của con cái tùy thuộc vào sự chung thủy của cha mẹ chúng. Đây là trọng tâm của điều răn nầy. Nó là lý do vì sao Đức Chúa Trời cấm phạm tội ngoại tình.

 

Một lý do khác khiến Chúa thiết lập điều răn nầy, đó là Ngài muốn tạo nên một môi trường an toàn; qua đó, vợ chồng có thể bày tỏ cảm xúc sâu sắc nhất với nhau. Đức Chúa Trời muốn có những bảo đảm chắc chắn khi hai người tiến đến mối quan hệ rất đặc biệt và gần gũi này. Gia đình là nơi để  những cảm xúc sâu lắng của hai vợ chồng được thể hiện qua lại với nhau. Đây là tinh thần của điều răn thứ 7, “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình.”

 

Điều răn thứ 8 là “Ngươi chớ trộm cắp.” Tinh thần của điều luật này dựa trên căn bản Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời của trật tự. Bởi ơn của Chúa, chúng ta đã làm lụng tích lũy một số tài sản. Tài sản này thuộc quyền sở hữu của người đã làm ra mà người khác không được xâm phạm. Nhắc lại câu chuyện của Áp-ra-ham, ông đã cầm quân tiến đánh để giải cứu cháu là Lót. Sau khi chiến thắng, vua Sô-đôm có ý để cho Áp-ra-ham nhận các chiến lợi phẩm, nhưng Áp-ra-ham đáp rằng:

 

Hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy; e vua nói được rằng: Nhờ ta làm cho Áp-ram giàu có,

 

Áp-ra-ham tin rằng, sở dĩ ông được giàu có là do sự ban cho của Đức Chúa Trời và sự chịu khó làm việc của ông. Ai trộm cắp là vi phạm luật mà Đức Chúa Trời đã thiết định.

 

Điều răn tiếp theo là “Ngươi chớ làm chứng dối.” Đây là điều răn mà chúng ta không có sự quan tâm đúng mức. Có người nói rằng, “Tôi không được phép nói dối những việc quan trọng, nhưng những việc không quan trọng nói dối một chút cũng chẳng sao?” Như vậy, chúng ta phân biệt 2 sự nói dối: nói dối những việc lớn và nói dối những việc nhỏ. Thật ra, điều răn này không đề cập đến việc nói dối, nhưng đề cập về việc làm chứng dối. Một trong những phương cách tinh vi nhất để nói dối là tách sự thật ra khỏi bối cảnh của nó hay chỉ nói một phần sự thật. Nếu chỉ trình bày một phần của sự thật hoặc tách sự thật ra khỏi bối cảnh, thì chúng ta đã vi phạm điều răn nầy.

 

Điều răn sau cùng là “Ngươi không được tham lam.” Tinh thần của điều răn này giống như điều thứ tám, “Ngươi chớ trộm cắp.” Đức Chúa Trời có ý định về những gì chúng ta sở hữu. Người vợ của chúng ta, gia đình của chúng ta, ngôi nhà của chúng ta, vị trí của chúng ta, chức vụ của chúng ta … Đức Chúa Trời có ý định của Ngài về tất cả mọi điều này. Theo tinh thần của Lời Chúa, chúng ta không được phép so sánh mình với những người khác. Mỗi chúng ta đều là một đơn vị cá thể đặc thù. Khi Chúa tạo dựng nên bạn và tôi, Ngài không tạo dựng theo một kiểu mẫu nhất định. Ngài không muốn bạn giống như những người khác; và ngược lại, Ngài cũng không muốn những người khác giống như bạn. Nếu tin vào điều này, chúng ta không được phép so sánh mình với những người khác, hoặc ganh tị, hay tham lam những gì người khác có mà chúng ta không có. Ganh tị và tham lam chứng tỏ rằng, chúng ta không bằng lòng về ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Thái độ không bằng lòng chấp nhận khiến tâm hồn chúng ta không có sự bình an.

 

Đó là bản chất và tinh thần của 10 điều răn. Khi hiểu được tinh thần của 10 điều răn này, chúng ta hiểu được tinh thần của hằng trăm điều luật khác. Trong sách Xuất Ê-díp-tô ký và nhất là sách Phục truyền luật lệ ký, có rất nhiều điều luật. Những điều luật này được ban cho nhằm giúp chúng ta có sự sống và sự sống dư dật.” Nó xuất phát từ tình yêu của Đức Chúa Trời và đây là điều quan trọng mà chúng ta phải ghi nhớ. Ngày nay, khi đến với các sách luật pháp và nhất là phần áp dụng cho cuộc sống, chúng ta cần suy nghĩ về những gì mà Phao-Lô và Chúa Jêsus đã dạy.  Hãy luôn luôn nhìn mọi điều luật qua lăng kính của tình yêu thương Đức Chúa Trời trước khi áp dụng luật của Chúa trên con dân Ngài, hay trên chính bạn. Nó sẽ giúp bạn nắm được tinh thần luật pháp của Đức Chúa Trời.

 

Bây giờ chúng ta đi đến phần cuối của sách Xuất Ê-díp-tô ký. Những phần trước của sách dễ hiểu và dễ áp dụng. Tuy nhiên, đến phần cuối là phần đề cập về những chi tiết kỹ thuật như trong một bản vẽ thì không có sự lôi cuốn lắm. Trừ khi quí vị là kiến trúc sư, bằng không bạn cảm thấy không mấy hứng thú khi đọc phần cuối của sách.

 

Môi-se đã được chỉ thị để xây dựng đền tạm hay đền thờ  tạm. Nó là một nơi dành để thờ phượng. Khi hướng dẫn Môi-se xây đền tạm, Đức Chúa Trời  chỉ dạy Môi-se cách thờ phượng; cũng như qua sự mặc khải này, dân sự được chỉ dạy phải thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào. Hình thức thờ phượng trong các Hội thánh ngày nay vẫn dựa trên đền tạm mà Môi-se đã xây dựng. Đền tạm trông giống như lều. Khi đến sách Lê vi ký, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về điều nầy.

 

Có thể tóm tắt sách Xuất Ê-díp-tô ký như sau: Hai mươi chương đầu của sách Xuất Ê-díp-tô ký là hình bóng về sự cứu rỗi. Những câu chuyện thật được ghi lại đã mang ý nghĩa hình bóng để dạy chúng ta về sự cứu rỗi. Hai mươi chương còn lại của sách chép về các điều luật và đền tạm.

 

Tóm lại, sách Xuất Ê-díp-tô ký chỉ cho chúng ta một con đường. Nó trình bày cho chúng ta con đường thoát ra khỏi tội, hay con đường để tiếp nhận sự cứu rỗi. Tiếp đến, sách Xuất Ê-díp-tô ký cũng dạy chúng ta con đường bước đi theo Chúa. Sự cứu rỗi không chỉ là con đường giải thoát nhưng còn là bước đi từng ngày một. Chúng ta cũng thấy ma-na như là một phép lạ nói lên sự quan phòng của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài. Chúng ta khám phá những lời phán dạy trực tiếp của Đức Chúa Trời. Vào phần cuối, sách Xuất Ê-díp-tô ký trình bày về sự thờ phượng hay cách mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta thờ phượng Ngài.

 

Xin nhớ lại hình bóng về sự cứu chuộc trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Sách chỉ cho chúng ta con đường thoát khỏi tội lỗi. Sách dạy chúng ta làm thế nào để được cứu. Sách cũng dạy chúng ta phải sống như thế nào sau khi được cứu. Đó là lý do vì sao Chúa cho chúng ta thật nhiều luật lệ trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Cuối cùng, Đức Chúa Trời chỉ dạy chúng ta là những người đã được cứu phải thờ phượng một Đức Chúa Trời thánh khiết như thế nào.

 

Lời cầu nguyện của tôi là khi chúng ta đã lược khảo sách Xuất Ê-díp-tô ký, quí vị sẽ kinh nghiệm về sự giải cứu ra khỏi nô lệ của tội lỗi. Đồng thời, sự lược khảo sách giúp quí vị hiểu những gì liên quan đến người đi ra để giải cứu linh hồn tội nhân. Tôi tin rằng, đây là sứ điệp trọng tâm của sách Xuất Ê-díp-tô ký.

 

 

Bài trướcBài thứ 344: Đừng Lo Nữa!
Bài tiếp theoBài 28: Áp-Ra-Ham Và Vua A-Bi-Mê-Léc