Bài 28: Áp-Ra-Ham Và Vua A-Bi-Mê-Léc

2722

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 20:1-18

 

Khi chúng ta cùng nhau đi trong hành trình Tìm Hiểu Thánh Kinh, chúng ta thấy mỗi đoạn Kinh Thánh mà chúng ta tìm hiểu qua, đem đến cho chúng ta những điều gây dựng, và được khích lệ. Nhưng cũng có những đoạn Kinh Thánh đem đến chúng ta những lời cảnh giác. Mỗi chúng ta cần phải trung thực khi đối diện với lời của Chúa, giống như một người soi mặt mình trong gương, và để tấm gương phản chiếu lại hình ảnh của mình.

 

Khi đến Sáng thế ký 20, chúng ta thấy nó giống như chân thứ năm của con bò, nó giống như một đoạn cần bỏ bớt, bởi vì trong đoạn này chúng ta thấy lập lại tội lỗi mà Áp-ra-ham đã phạm trước đây, khi ông xuống xứ Ai-cập và nói dối Sa-ra là em gái mình. Tới đây câu chuyện được đặt vào với lý do chính đáng, vì Áp-ra-ham và Sa-ra cần phải giải quyết vấn đề tội lỗi của họ, trước khi họ có con trai Y-sác, trước khi họ có được phước hạnh. Cho đến khi nào chúng ta có quyết tâm giải quyết tội lỗi trong đời sống của mình, thì phước hạnh của Chúa mới ban xuống cho chúng ta.

 

ÁP-RA-HAM NÓI DỐI MỐI QUAN HỆ CỦA MÌNH CÙNG SA-RA  

 

Sáng thế ký 20:1-2, “Áp-ra-ham từ đó đi đến miền Nam, kiều ngụ tại Ghê-ra, ở về giữa khoảng Ca-đe và Su-rơ. Áp-ra-ham nói về Sa-ra, vợ mình rằng: Nó là em gái tôi. A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra sai người bắt Sa-ra.”

 

Trong giai đoạn này Áp-ra-ham vẫn chưa có chỗ ở ổn định, ông vẫn còn là người kiều ngụ.

 

Chúng ta chú ý là Áp-ra-ham đi xa, xuống miền nam, và ông đến kiều ngụ tại Ghê-ra, mà lẽ ra ông không nên đi đến đó, bởi vì tại đây ông nói dối thêm một lần nữa về mối quan hệ với Sa-ra. Ở đây việc nói dối tái diễn, chúng ta thấy khi một người có tánh nói dối thì khó bỏ. Nếu chúng ta đang có tánh nói dối, xin hãy cầu nguyện nhờ Chúa giúp quyết tâm từ bỏ. Nói dối có thể đem đến cái lợi nhỏ tức thì trong một số hoàn cảnh nào đó, nhưng về sau hậu quả của sự nói dối rất tệ hại. Những người nói dối không còn được người xung quanh tin cậy, không còn được tín nhiệm nữa.

 

Có một điểm đặc biệt chúng ta cần chú ý, chúng ta thấy Sa-ra đẹp biết là dường nào. Trong lúc này bà gần 90 tuổi, nhưng sắc đẹp của bà vẫn còn.

 

Sáng thế ký 20:3, “Nhưng trong cơn chiêm bao ban đêm, Đức Chúa Trời hiện đến cùng vua A-bi-mê-léc mà phán rằng: Nầy, ngươi sẽ chết bởi cớ người đờn bà mà ngươi đã bắt đến; vì nàng có chồng rồi.”

 

A-bi-mê-léc phải có cái gì đặc biệt hơn mức bình thường của những người Ca-na-an thờ phượng thần tượng trong xứ, vì Đức Chúa Trời đoái tưởng và khải thị cho ông. Trong phần kế tiếp cho chúng ta biết, vua A-bi-mê-léc kính sợ Đức Chúa Trời. Nhưng A-bi-mê-léc có sự hiểu biết hạn chế về Đức Chúa Trời, vì Đấng hiện ra với ông được mô tả là Đức Chúa Trời. Phương thức khải thị qua chiêm bao, là cách dùng cho những người có mức độ khải thị thấp. Ngày nay phương cách khải thị qua chiêm bao ít được Chúa dùng nữa, vì sự khải thị rõ ràng để chúng biết về Đức Chúa Trời là qua Kinh Thánh.

 

Đức Chúa Trời cho vua biết rằng ông đã làm một việc đáng tội chết, vì vua lấy một người đàn bà là vợ của người khác. Lấy vợ của người khác là một hành động mắc tội lớn. Do đó, Đức Chúa Trời khuyến cáo để vua A-bi-mê-léc hiểu biết, và tôn trọng tính chất thuần khiết của hôn nhân.   

Trong thời kỳ sau, khi Đức Chúa Trời ban luật pháp với mười điều răn, trong đó điều răn thứ 10 chép như vầy: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:17)

 

Sáng thế ký 20:4-5, “Vả, vua A-bi-mê-léc chưa đến gần người đó, nên thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa há sẽ hủy diệt cả một dân công bình chăng? Người đó há chẳng nói với tôi rằng: ấy là em gái tôi chăng? Và chánh người nữ há chẳng nói rằng: ấy là anh tôi sao? Tôi làm sự nầy bởi lòng ngay thẳng và tay thanh khiết của tôi.”

 

A-bi-mê-léc nêu lên lời cầu xin và bào chữa “Chúa há sẽ hủy diệt cả một dân tộc công bình chăng?” Trước hết ông dường như biết Đức Chúa Trời chẳng phải là thần của một bộ lạc, nhưng Ngài là Đấng có quyền năng trên mọi người và mọi dân tộc. Kế đến, ông hoàn toàn tin cậy vào sự công bằng của Đức Chúa Trời, Ngài chẳng hình phạt mà không phân biệt chi hết.

 

Cả hai ông bà đã quả quyết với A-bi-mê-léc rằng Sa-ra là em gái của Áp-ra-ham. Những lời đáp mà A-bi-mê-léc trưng dẫn đã nhấn mạnh, Áp-ra-ham nói “Ấy là em gái tôi ” và Sa-ra nói “Ấy là anh tôi.” Trong trường hợp này, A-bi-mê-léc quả quyết rằng không thể nào buộc tội ông vì cớ tích ngay thẳng, và hành động hợp lý. Vua có cảm tưởng ông là người vô tội, cao thượng, ngay thẳng, một người thật lòng kính sợ Đức Chúa Trời.   

 

Sáng thế ký 20:6-7, “Trong cơn chiêm bao, Đức Chúa Trời phán nữa rằng: Ta cũng biết ngươi vì lòng ngay thẳng mà làm điều đó; bởi cớ ấy, ta mới ngăn trở ngươi phạm tội cùng ta, và không cho động đến người đó. Bây giờ, hãy giao đờn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi quả hẳn sẽ chết.”

 

Dầu sự khải thị trong trường hợp này bằng chiêm bao, nhưng có sự trao đổi hỏi đáp, nhận xét và hưởng hứng. Có thêm bước nhận thức của vua, Ngài là Đức Chúa Trời chân thần độc nhất.

 

Bây giờ, chúng ta nghe lời cảnh cáo người sẽ chết trong câu 3, “Ngươi sẽ chết” có nghĩa gì? Đức Chúa Trời chẳng dự ngôn một án phạt không lay chuyển được, song chỉ tuyên bố cái mà A-bi-mê-léc đáng chịu và sẽ xảy ra, nếu vua không chú ý làm theo mạng lịnh của Chúa. Đức Chúa Trời nhận biết tình trạng ngay thật của vua. Quả thật, chính Đức Chúa Trời đã có kế hoạch ngăn cản A-bi-mê-léc, đến gần mẹ của dòng dõi đã hứa.  

 

Chúa bảo vua A-bi-mê-léc, hãy giao Sa-ra lại vì chồng bà là một đấng tiên tri. Nếu làm điều sai phạm với ông thì tội lỗi sẽ nặng hơn, dầu trong suốt lời ký thuật của Sáng thế ký không nêu rõ chức vụ tiên tri của Áp-ra-ham, nhưng Đức Chúa Trời dùng ông nói tiên tri nhiều điều. Như trong trường hợp này, Chúa dùng Áp-ra-ham cầu thay cho vua A-bi-mê-léc, đây cũng là một phần trong công tác của một tiên tri.

 

Như lời trong sách Thi thiên 105:15, liên quan đến biến cố này, Chúa phán dạy là: “Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu ta, Chớ làm hại các đấng tiên tri ta.” Vua A-bi-mê-léc vâng theo lời Chúa phán bảo ông.

 
Sáng thế ký 20:8-10, “Vua A-bi-mê-léc dậy sớm, đòi các tôi tớ mình đến, thuật lại hết mọi lời, thì họ lấy làm kinh ngạc. Rồi, A-bi-mê-léc đòi Áp-ra-ham mà nói rằng: Ngươi đã làm gì cho ta vậy? Ta có làm điều chi mất lòng chăng mà ngươi làm cho ta và cả nước phải bị một việc phạm tội lớn dường nầy? Đối cùng ta, ngươi đã làm những việc không nên làm đó. Vua A-bi-mê-léc lại nói cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi có ý gì mà làm như vậy?”

 

A-bi-mê-léc mau lẹ vâng lời. Ông phải có lòng khiêm cung phần nào, mới dám nói với đám đầy tớ biết mọi chuyện ấy, song đám tôi tớ cũng dính líu trong việc trái phép và phải chịu án, nếu không biết sửa đổi ngay. Cũng như chủ, chúng có thái độ tôn trọng, cung kính đối với Đức Chúa Trời, nên họ sợ hãi khi nghe tai họa sắp xảy ra.

 

A-bi-mê-léc quở trách Áp-ra-ham về những điều đã xảy ra. Lại nữa vua quả quyết rằng Áp-ra-ham làm việc trái phép, mặc dầu chẳng ai khiêu khích, do đó ông gây cho những kẻ ngay thật phạm tội nặng. Áp-ra-ham bị quở trách bởi một người thấp thỏi hơn mình rất nhiều, về mức độ đời sống thiêng liêng. Áp-ra-ham đáng phải biết không nên làm như vậy.

 

ÁP-RA-HAM NHẬN THỨC SAI

 

Sáng thế ký 20:11-13, “Áp-ra-ham đáp: Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng. Nhưng nó cũng thật là em gái tôi, em một cha khác mẹ; và tôi cưới nó làm vợ. Khi Đức Chúa Trời làm cho tôi phải lưu lạc xa nhà cha, thì tôi có nói với nàng rằng: Nầy là ơn của ngươi sẽ làm cho ta: Hễ chỗ nào chúng ta sẽ đi đến, hãy nói về ta: Ấy là anh tôi.”

 

Bây giờ Áp-ra-ham nói đến A-bi-mê-léc là người làm cho ông nhiều bối rối, để rồi ông nói dối mối quan hệ của mình với Sa-ra. Một lần nữa chúng thấy Áp-ra-ham thiếu lòng tin cậy vào Đức Chúa Trời. Ông nghĩ rằng ông đang ở một nơi không có ai thờ kính Đức Chúa Trời, nhưng tại đó, ông gặp A-bi-mê-léc là người có nhận thức cao trong việc đúng và sai. A-bi-mê-léc đặt giá trị cao cho người nhận biết Đức Chúa Trời. Lúc đó A-bi-mê-léc không nhìn thấy Áp-ra-ham là người tốt.

 

Trong mấy câu này có kể ra ba lời bào chữa của Áp-ra-ham. Ông chẳng hoàn toàn biện hộ, song chỉ có vẻ đặt lòng tin cậy nơi A-bi-mê-léc, và nói cho vua biết chính cái gì thúc đẩy mình hành động như vậy. Thứ nhất, ông e rằng nơi đây người ta mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời, cũng như những nơi khác trong xứ Ca-na-an, một khi đã mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời rồi, thì hầu như con người không tôn trọng đến lợi ích của nhau. Áp-ra-ham nói đến điểm ấy trước hết, vì ông nhờ lời A-bi-mê-léc mà biết rằng vua còn kính sợ Đức Chúa Trời.

 

Lời bào chữa thứ hai, bây giờ Áp-ra-ham nói sự thật, Sa-ra là em gái cùng cha khác mẹ và ông cưới nàng làm vợ.

 

Lời bào chữa thứ ba, từ khi ông khởi hành ra đi, ông và Sa-ra có sự tính toán trước là bất cứ nơi nào họ đi, khi mà tính mạng của Áp-ra-ham bị đe dọa thì Sa-ra, vợ của ông xưng nhận mình là em gái. Áp-ra-ham và Sa-ra nghĩ rằng nhờ đó mà họ được toàn mạng.

 

Áp-ra-ham thiếu đức tin nương cậy vào Đức Chúa Trời. Họ đã thực hiện sự sắp đặt việc này khi họ xuống Ai-cập, và bây giờ khi đến Ghê-ra họ làm lần nữa. Tội lỗi này cần phải được giải quyết, trước khi Đức Chúa Trời nghe lời cầu xin của họ và ban cho ông bà một đứa con trai.

 
Sáng thế ký 20:14-15, “Đoạn, vua A-bi-mê-léc đem chiên và bò, tôi trai cùng tớ gái cho Áp-ra-ham, và trả Sa-ra vợ người lại, mà phán rằng: Nầy, xứ ta sẵn dành cho ngươi; ngươi thích đâu thì ở đó.”

 

Ngoài việc trả lại Sa-ra, A-bi-mê-léc còn tỏ thiện chí bằng cách cho nhiều tặng phẩm. Lại nữa, vua nhiệt thành chứng tỏ tâm tình thân hữu bằng cách, mời Áp-ra-ham định cư bất cứ nơi nào ông muốn, và Áp-ra-ham đã đáp lại thiện ý vua đến ở, và đào giếng vùng phụ cận.

 

Sáng thế ký 20:16, “Rồi vua phán cùng Sa-ra rằng: Đây, ta ban cho anh ngươi một ngàn miếng bạc; số tiền đó dùng cho ngươi như một bức màn che trước mắt về mọi việc đã xảy ra cùng ngươi; và mọi người đều sẽ cho ngươi là công bình.”

 

Có vài lời giải thích về các tặng phẩm vàng bạc của vua A-bi-mê-léc cho Sa-ra, song lời giải thích thỏa đáng nhất là: Lời nhìn nhận sự ngượng ngùng có thể gây cho Sa-ra, khi ai nấy biết việc đã xảy ra, và người ta nhìn bà với cặp mắt khinh dễ, làm cho bà bối rối vì bà đã làm việc khiến mình thành ra trò cười. Với tặng phẩm lớn của vua A-bi-mê-léc, chứng tỏ là Áp-ra-ham và Sa-ra vẫn còn được quý chuộng.

 

Sáng thế ký 20:17-18, “Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, thì Ngài chữa bịnh cho vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các con đòi người; vậy, họ đều có con. Vả, lúc trước, vì vụ Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, nên Đức Giê-hô-va làm cho cả nhà A-bi-mê-léc đều son sẻ.”

 

Áp-ra-ham làm công việc của Đức Chúa Trời chỉ định cho mình, theo chức vụ và đặc quyền của một tiên tri. Kết quả theo lời cầu thay của Áp-ra-ham cả nhà của vua có thể sanh con cái. Đó là cách mà Đức Chúa Trời gìn giữ mẹ của dòng dõi lời hứa. Do lòng thương xót, Đức Chúa Trời thành tín của giao ước bảo vệ bà Sa-ra khỏi sự hư hoại.

 

Có nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không phán đoán tội lỗi trong đời sống mình, và kết quả là họ không nhận được phước hạnh. Đối với những người đang ở vai trò lãnh đạo trong Hội thánh của Chúa, khi xưng nhận tội lỗi của mình và giải quyết vấn đề tội lỗi trong đời sống mình, thì cơn phục hưng sẽ đến. Nếu không xưng nhận tội lỗi, thì phước hạnh sẽ không đến.

 

Chúng ta hãy lắng nghe lời của sứ đồ Phao-lô nhắc nhở trong I Cô-rinh-tô 11:28-32, “Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ. Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán. Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian.”

 

Phước hạnh bị mất đi khỏi Hội thánh và đời sống của con cái Đức Chúa Trời, bởi vì chúng ta không giải quyết vấn đề tội lỗi trong đời sống mình.

   

Câu chuyện giữa Áp-ra-ham và vua A-bi-mê-léc được tiếp tục trong Sáng thế ký 21:22-34, khi hai bên kết tình thân hữu với nhau:  “Về thuở đó, vua A-bi-mê-léc và Phi-côn, quan tổng binh mình, nói cùng Áp-ra-ham rằng: Đức Chúa Trời vùa giúp ngươi trong mọi việc ngươi làm. Vậy bây giờ, hãy chỉ danh Đức Chúa Trời mà thề rằng: Ngươi sẽ chẳng gạt ta, con ta cùng dòng giống ta. Nhưng ngươi sẽ đãi ta và xứ ngươi đương trú ngụ, một lòng tử tế như ta đã đãi ngươi vậy. Áp-ra-ham đáp rằng: Tôi xin thề. Áp-ra-ham phàn nàn cùng vua A-bi-mê-léc về vụ một giếng kia bị đầy tớ người chiếm đoạt. Vua A-bi-mê-léc bèn nói rằng: Ta chẳng hay ai đã làm nên nông nổi đó; chính ngươi chẳng cho ta hay trước; ngày nay ta mới rõ đây mà thôi. Đoạn, Áp-ra-ham bắt chiên và bò, dâng cho vua A-bi-mê-léc; rồi hai người kết ước cùng nhau. Áp-ra-ham lựa để riêng ra bảy con chiên tơ trong bầy; thì vua A-bi-mê-léc hỏi rằng: Làm chi để bảy con chiên tơ đó riêng ra vậy? Đáp rằng: Xin vua hãy nhận lấy bảy con chiên tơ nầy mà chánh tay tôi dâng cho, đặng làm chứng rằng tôi đã đào cái giếng nầy. Bởi cớ ấy, nên họ đặt tên chỗ nầy là Bê-e-Sê-ba; vì tại đó hai người đều đã thề nguyện cùng nhau.

 

Vậy, hai người kết ước cùng nhau tại Bê-e-Sê-ba. Đoạn vua A-bi-mê-léc cùng quan tổng binh Phi-côn đứng dậy, trở về xứ Phi-li-tin. Áp-ra-ham trồng một cây me tại Bê-e-Sê-ba, và ở đó người cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời hằng-hữu. Áp-ra-ham trú ngụ lâu ngày tại xứ Phi-li-tin.”

 

Qua việc Vua A-bi-mê-léc kết ước với Áp-ra-ham, cho chúng ta thấy rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho Áp-ra-ham, ông trở thành một nhân vật có địa vị và ảnh hưởng trong xứ mà ông đang kiều ngụ. Các vua lân cận cũng muốn giữ một hòa khí tốt và thiện cảm với Áp-ra-ham.

 

Ân huệ của Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham quá nhiều, và hiển nhiên đến nỗi kẻ thờ thần tượng cũng nhận thấy được. Với tinh thần đáng khen và cách cai trị khôn khéo, vua A-bi-mê-léc tìm cách giữ mối quan hệ thân hữu lâu dài với Áp-ra-ham, được thể hiện qua lời thề giao kết, và tặng của lễ.

 

Vua A-bi-mê-léc và Áp-ra-ham trở nên thân hữu với nhau, về những việc bất hòa như việc giành giếng nước được giải quyết cách ổn thỏa. Và họ đặt tên của giếng là Bê-e Sê-ba có nghĩa là giếng thề nguyện.

 

Chúng ta thấy càng lúc Áp-ra-ham bày tỏ đức tin và đời sống đạo của ông càng rõ hơn, mạnh mẽ hơn, một cách công khai. Ông xưng nhận danh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Hằng Hữu, tức Đấng hằng có đời đời.

 

Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh nói đến là Đấng Hằng Hữu, không một đấng nào khác giống như vậy. Hãy đặt lòng tin của mình nơi Đức Chúa Trời Hằng Hữu và thờ phượng Ngài.

 

 

 

Bài trướcBài 28: Tinh Thần Của Mười Điều Răn (tt)
Bài tiếp theoCảm Tạ Ơn Sâu